Nhật Bản xem xét hạn chế xuất khẩu công nghệ nhận dạng khuôn mặt sang Trung Quốc
Văn Thiện
Tiếp bước Hoa Kỳ, Nhật Bản đang xem xét hạn chế xuất khẩu công nghệ nhận dạng khuôn mặt hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc nhằm ngăn chặn nước này sử dụng những công nghệ này để theo dõi và bắt bớ những nhóm người dân tộc thiểu số trong nước. Bắc Kinh được cho là đã sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt để kiểm soát sự di chuyển của người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số ở vùng Tân Cương.
Một báo cáo từ Nikkei Asia tiết lộ rằng Tokyo có kế hoạch hợp tác với liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ để lập kế hoạch hạn chế xuất khẩu. Luật giao dịch nước ngoài của Nhật Bản quy định chặt chẽ việc xuất khẩu các sản phẩm thương mại và vũ khí có khả năng ứng dụng trong quân sự, đe dọa an ninh quốc tế và hòa bình thế giới. Việc bán các mặt hàng như vậy phải được sự chấp thuận của bộ trưởng thương mại nước này.
Theo Nikkei Asia, một số người cho rằng ngôn ngữ của luật có thể được diễn giải để bao hàm các quyền con người. Nhưng cần thảo luận thêm để xác định xem liệu các công nghệ góp phần vào việc vi phạm nhân quyền có thể bị hạn chế theo cách này hay không. Tokyo sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với các đối tác Mỹ và châu Âu để xem xét những sản phẩm và công nghệ nào gây ra mối đe dọa. Các sản phẩm như bảng mạch đã bị hạn chế xuất khẩu vì chúng có thể được chuyển sang sử dụng trong quân sự.
Koichi Hagiuda, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói rằng chính phủ nước này đang xem xét cách EU tiếp cận vấn đề để sử dụng làm tài liệu tham khảo về cách Tokyo sẽ tiến hành hạn chế xuất khẩu công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Quyết định của Tokyo về vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty trong nước như NEC, một nhà cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt mạnh mẽ. Công ty này đã bán hơn 1.000 hệ thống ID sinh trắc học tại hơn 70 quốc gia và nhiều lần đứng đầu trong bảng xếp hạng độ chính xác về công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Vào năm ngoái, EU và Mỹ đều có hành động để hạn chế bán thiết bị giám sát cho Trung Quốc. Các hạn chế của EU bắt đầu có hiệu lực vào tháng 9, yêu cầu các cơ quan chức năng trong liên minh kiểm tra các giao dịch liên quan theo từng trường hợp cụ thể.
Vào tháng 12, Washington đã trừng phạt 8 thực thể, cấm các cá nhân và tổ chức Hoa Kỳ đầu tư vào chúng. Các thực thể này bị cáo buộc “tích cực” hỗ trợ giám sát sinh trắc học và theo dõi các nhóm thiểu số ở Trung Quốc, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ. Các công ty bị trừng phạt bao gồm các công ty công nghệ nhận dạng khuôn mặt như Cloudwalk, Megvii, Netposa và Yitu.
Trong một tuyên bố vào ngày 16/12, Brian E. Nelson, Phó Giám đốc Bộ phận Chống khủng bố và Tội phạm tài chính của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, cho biết: “Hành động hôm nay nhấn mạnh cách các công ty tư nhân trong lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng của Trung Quốc đang tích cực hợp tác với các nỗ lực của chính phủ nước này để trấn áp các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo… Bộ Tài chính vẫn cam kết đảm bảo rằng hệ thống tài chính và các nhà đầu tư Mỹ không hỗ trợ các hoạt động này”.
Động thái hạn chế xuất khẩu công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Nhật Bản được đưa ra khi công nghệ này đang được triển khai rộng rãi tại chính quốc gia này. Trước Thế vận hội Tokyo 2020, chính quyền đã lắp đặt các camera nhận dạng khuôn mặt.
Kể từ tháng 3 năm ngoái, việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của cảnh sát Nhật Bản đã gia tăng mặc dù các nhà phê bình cảnh báo rằng động thái này có nguy cơ biến đất nước vào tình trạng bị giám sát. Tuy nhiên, cảnh sát Nhật Bản phải tuân thủ các quy tắc do Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia đặt ra khi xử lý dữ liệu liên quan đến việc sử dụng công nghệ.
Về mặt thương mại, Nhật Bản nỗ lực đón đầu công nghệ với việc triển khai hệ thống thanh toán nhận dạng khuôn mặt. Theo Biometric Update, “31 công ty từ nhiều ngành khác nhau ở Nhật Bản đã thành lập một nhóm để xem xét các khuôn khổ pháp lý và quy định tối ưu cho các hệ thống cho phép người tiêu dùng thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ bằng cách nhìn vào camera. Người dùng sẽ đăng ký sinh trắc học khuôn mặt của họ thông qua một trang web để sử dụng hệ thống”.
Văn Thiện
Theo Vision Times
‘Tin tốt lành’: Nhà khoa học mRNA nói Omicron là món quà của Thần, là điều các nhà nghiên cứu vaccine muốn thiết kế
Nhà khoa học vaccine, Tiến sĩ Robert Malone tin rằng, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đem đến một số tin tức tốt lành. Điều này cho thấy, có thể Thần đã ban cho thế giới một “món quà năm mới” dưới dạng biến thể Omicron.
Ông Malone là người phát minh ra công nghệ mRNA được sử dụng trong vaccine Pfizer và Moderna COVID-19.
Xuất hiện trên chương trình “The Ingraham Angle” của Fox News, ông cho biết, Omicron có thể bổ trợ cho những gì các loại vaccine Covid chưa thể làm được cho đến nay: cung cấp khả năng miễn dịch mạnh mẽ.
“Omicron trốn vaccine cả khi đã tiêm ba mũi”, ông Malone nói. “Omicron rất rất dễ lây nhiễm và dữ liệu đã có cho thấy rằng, cả khi đã tiêm 2 mũi và 3 mũi vaccine, bạn đều không được bảo vệ trước biến thể này”.
Ông tiếp tục: “Bây giờ, đây là tin tốt. Số người chết vì Omicron trên toàn thế giới tính đến lần đếm cuối cùng của tôi là ít hơn 10 người”.
“Nếu bạn tin vào Thần, điều này trông rất giống một món quà năm mới”, ông Malone nói. Ông chỉ ra rằng, khác với Delta và các biến thể khác tấn công phổi sâu và gây nhiễm bệnh nghiêm trọng, Omicron chỉ tấn công đường hô hấp trên. Đây là dấu hiệu virus đang suy yếu.
Vì vậy, tin tốt với Omicron là tỷ lệ bệnh nặng rất thấp, mặc dù khả năng lây nhiễm cao. Các nhà nghiên cứu vaccine có kinh nghiệm thấy biến thể Omicron này “rất giống một loại vaccine mang virus sống giảm độc lực mà họ có thể thiết kế cho mục đích miễn dịch”, ông nói. “Điều này tốt như những gì các nhà khoa học chúng tôi có thể mong đợi ngay bây giờ về mặt kết quả”.
Xuất hiện trở lại trên “Ingraham Angle” vào tối thứ Hai (3/1), ông Malone giải thích mức độ lây nhiễm của biến thể Omicron.
“Vấn đề là với Omicron, nó có hệ số sinh sản với thước đo mức độ lây nhiễm trong phạm vi bệnh sởi. Nó nằm trong phạm vi từ 7 đến 10″.
Nói cách khác, trung bình một người bị nhiễm sẽ lây lan cho bảy đến 10 người nữa. Ông Malone cho biết trên podcast của Joe Rogan vào tuần trước rằng, để so sánh, tốc độ lây truyền trung bình của biến thể Delta là từ 5 đến 6 người.
Nhà khoa học mRNA nói với người dẫn chương trình của Fox News Laura Ingraham: “Tất cả chúng ta sẽ bị nhiễm bệnh. Có lẽ những người duy nhất nhiễm Omicron mà không có triệu chứng ở Hoa Kỳ sẽ là những người có khả năng miễn dịch tự nhiên. Tuy nhiên, một phần nhỏ trong số đó sẽ vẫn bị nhiễm bệnh”.
Quan sát của ông Malone về khả năng lây nhiễm của Omicron dường như đang diễn ra ở Hoa Kỳ.
Công cụ kiểm chứng thông tin của New York Times cho thấy, số ca nhiễm COVID-19 lần đầu tiên lên đến con số 1 triệu vào thứ Hai (3/1) kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tổng số ca nhiễm hàng ngày cao nhất trong đợt tăng đột biến trên toàn quốc trước đó là vào tháng 1/2021với 250.000 ca.
Tuy nhiên, Reuters lưu ý vào tuần trước rằng, tỷ lệ nhiễm COVID-19 tử vong và nhập viện ở Hoa Kỳ là “tương đối thấp” ngay cả khi tỷ lệ nhiễm Omicron tăng vọt. Ngoài ra, The New York Times báo cáo rằng làn sóng Omicron nhanh chóng đi qua Nam Phi mà không có sự gia tăng đột biến về tỷ lệ tử vong.
Một nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy những bệnh nhân nhập viện trong đợt COVID-19 (đa số là nhiễm Omicron) ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn 73% so với những bệnh nhân nhập viện trong đợt thứ ba với Delta chiếm ưu thế.
Tại Hoa Kỳ, Bloomberg đưa tin, “một chuỗi các nghiên cứu mới đã xác nhận lớp bọc bạc của biến thể Omicron: Ngay cả khi số ca bệnh tăng vọt, số ca bệnh nặng và số ca nhập viện không tăng”.
Monica Gandhi, một nhà miễn dịch học tại Đại học California, San Francisco, nói với Bloomberg, “Tôi hy vọng biến thể này tạo ra khả năng miễn dịch sâu rộng trong cộng đồng. Nó là hy vọng kết thúc đại dịch”.
Trong một bản tin mới đây của CNBC, Tiến sĩ David Ho, một nhà virus học nổi tiếng thế giới, đã khẳng định rằng “Đôi khi một ngọn lửa có thể bùng cháy rất nhanh nhưng sau đó sẽ tự dập tắt”.
Tiến sĩ Ho, giáo sư Đại học Columbia, cho biết lý thuyết của ông chỉ là suy đoán, nhưng nó được các chuyên gia khác đồng tình. Tiến sĩ Bruce Farber, giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm của Northwell Health, cho biết, “trường hợp tốt nhất” của coronavirus sẽ là một biến thể rất dễ lây lan, không làm cho hầu hết mọi người bị bệnh đặc biệt và tạo ra một cơ sở miễn dịch trong cộng đồng.
Ông nói thêm: “Nó chắc chắn có thể giúp chấm dứt số lượng lớn các ca cần chăm sóc đặc biệt cũng như tử vong vì Covid”.
Yahoo News cho hay, trong khi ý tưởng về sự kết thúc của đại dịch coronavirus là đầy hứa hẹn và cho phép thế giới trở lại một số khoảnh khắc của cuộc sống bình thường, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, COVID rất khó có khả năng biến mất hoàn toàn.
Tiến sĩ Timothy Brewer nói: “Loại virus này thích nghi rất tốt để lây truyền từ người sang người đến nỗi nó sẽ không bao giờ biến mất. Sẽ có những giai đoạn sẽ có nhiều trường hợp mắc hơn và ít trường hợp mắc hơn, giống như nó xảy ra với bệnh cúm mùa hàng năm”.
Triều Tiên nói không tham gia Thế vận hội Bắc Kinh 2022
Theo truyền thông đưa tin, Triều Tiên thông báo hôm 6/1 rằng nước này sẽ không tham gia Thế vận hội Mùa đông và Paralympic tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022 vì dịch bệnh.
Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết hôm 6/1 rằng, Ủy ban Olympic Quốc gia và Cục Thể thao Triều Tiên đã đưa ra quyết định này trong một bức thư gửi Trung Quốc. Trước đó Triều Tiên cũng không cử quan chức tham gia Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2021 vì lý do dịch bệnh.
Theo KCNA, Triều Tiên nói rằng sự lây lan toàn cầu của COVID-19 đã khiến họ bỏ qua Thế vận hội Bắc Kinh. Triều Tiên đã tham gia Thế vận hội Mùa đông do Hàn Quốc đăng cai vào tháng 2/2018. Vào thời điểm đó, em gái của Kim Jong-un và trợ lý thân cận của Kim Yo-jong đã dẫn đầu một phái đoàn đến tham dự.
Triều Tiên được coi là quốc gia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các bệnh truyền nhiễm và cũng là nước trường kỳ thiếu lương thực và vật tư y tế. Đồng thời, Triều Tiên cũng đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên Hợp Quốc do Kim Jong-un phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong đợt dịch SARS năm 2003 và đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, Triều Tiên đã cấm người nước ngoài nhập cảnh vào nước này.
Chính quyền Triều Tiên nêu rõ trong thư gửi Trung Quốc rằng, công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh “đang được tiến hành một cách mỹ mãn vì những nỗ lực tích cực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”. Bình Nhưỡng hứa sẽ hợp tác với Trung Quốc để đem lại thành công cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022.
Đồng thời, Triều Tiên còn thể hiện lập trường huynh đệ cộng sản, điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất mong muốn được thấy là chỉ trích một số nước như Mỹ đã ngăn cản Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội.
Trước hồ sơ nhân quyền tồi tệ của ĐCSTQ, rất nhiều quốc gia đã tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Trước đó, 20 nước bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, v.v. đã từ chối ký vào “Thỏa thuận Ngừng bắn Olympic”, nhằm phản đối Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội. Có phân tích cho rằng, những hành động phản nhân loại của ĐCSTQ đã khiến các nước phương Tây thức tỉnh.
Vì sao bất ổn chính trị ở Kazakhstan khiến ĐCSTQ lo lắng?
Kazakhstan đã xảy ra các cuộc biểu tình lớn nhất trong 30 năm qua. Nguyên nhân của cuộc biểu tình được cho là do giá nhiên liệu tăng cao, nhưng phía sau là rất nhiều vấn đề xuất phát từ nạn tham nhũng trong chính quyền Kazakhstan và mối quan hệ mật thiết giữa chính phủ của quốc gia này với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo chuyên gia Yokogawa, Kazakhstan là một quốc gia có vị trí đặc biệt ở Trung Á, vì nước này nằm giữa hai cường quốc là Trung Quốc và Nga.
Từ góc độ địa chính trị, Kazakhstan đóng một vai trò rất quan trọng đối với ĐCSTQ vì nhiều lý do, trong đó bao gồm việc quốc gia này có ảnh hưởng lớn tới sáng kiến “Vành đai và Con đường” của thế lực cầm quyền ở Trung Quốc.
“Vành đai và Con đường” được ĐCSTQ vạch ra lộ trình khởi phát hướng về phía Tây Bắc, và Kazakhstan là điểm đến đầu tiên của sáng kiến này. ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của Kazakhstan, bên cạnh các dự án đầu tư vào đường ống dẫn dầu và khí đốt.
Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc -Trung Á nguyên ban đầu là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc-Kazakhstan, sau đó được mở rộng sang các nước khác. Một số chuyên gia phương Tây gọi là Kazakhstan là khóa thắt lưng trên “Vành đai và Con đường”. Vì thế, tình hình bất ổn ở Kazakhstan là mối đe dọa lớn đối với các dự án đầu tư của ĐCSTQ tại quốc gia này.
Trong vài năm trở lại đây, ở Kazakhstan thường xuyên nổ ra các cuộc biểu tình chống ĐCSTQ. Các cuộc biểu tình bao gồm phản đối việc tiếp nhận nguồn vốn từ Trung Quốc, phản đối việc cho Trung Quốc thuê đất dài hạn, phản đối việc Trung Quốc chuyển hơn 50 công ty đến Kazakhstan gây ô nhiễm môi trường, và phản đối nạn tham nhũng do ĐCSTQ gây ra sau khi thế lực này làm hư hỏng quan chức Kazakhstan. Ngoài ra, người dân Kazakhstan còn phản đối sự bành trướng của ĐCSTQ và người nhập cư Trung Quốc, cùng nhiều vấn đề khác liên quan tới ĐCSTQ.
Chuyên gia Yokogawa đánh giá rằng, việc Bắc Kinh tha hóa các quan chức tại các nước mà họ đầu tư xâm phạm nhiều đến lợi ích của người dân địa phương, do đó, chủ nghĩa thực dân mới của ĐCSTQ còn tồi tệ hơn chủ nghĩa thực dân cũ của phương Tây.
Chuyên gia Yokogawa cho biết, người Kazakhstan phản đối ĐCSTQ còn bởi một bộ phận không nhỏ người dân của quốc gia này là người Duy Ngô Nhĩ, sắc dân đã bị lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc đàn áp trong suốt nhiều năm qua.
Yokogawa nhận định, mặc dù các cuộc biểu tình ở Kazakhstan không liên quan trực tiếp đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, nhưng cho dù tình hình diễn biến như thế nào thì cục diện này cũng sẽ chỉ phát triển theo chiều hướng bất lợi cho ĐCSTQ.
Bạo loạn ở Kazakhstan: Tổng thống ra lệnh hạ thủ ‘kẻ khủng bố’ bằng vũ khí sát thương
Thứ 6 (7/1), Tổng thống Kazakhstan cho biết ông đã ủy quyền cho lực lượng thực thi pháp luật nổ súng và giết chết “những kẻ khủng bố”. Động thái này diễn ra sau nhiều ngày biểu tình cực kỳ bạo lực ở Kazakhstan, quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình trước toàn dân, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đổ lỗi cho tình trạng bất ổn là do “khủng bố” và “chiến binh”. Ông cũng nói rằng, ông đã cho phép sử dụng vũ lực sát thương chống lại họ. “Những ai không đầu hàng sẽ đều bị loại bỏ”.
Tổng thống Tokayev cho rằng, biện pháp đàm phán với những người biểu tình mà một số quốc gia khác đưa ra là “vô nghĩa”. Ông nói: “Làm sao có thể tổ chức đàm phán với những tên tội phạm, những kẻ giết người”.
Bộ Nội vụ Kazakhstan báo cáo hôm thứ Sáu (7/1) rằng, đã có 26 người biểu tình thiệt mạng trong tình hình bất ổn, 18 người bị thương và hơn 3.000 người đã bị bắt giam. Tổng cộng 18 nhân viên thực thi pháp luật cũng đã được báo cáo thiệt mạng và hơn 700 người bị thương.
Kazakhstan đang chứng kiến cuộc biểu tình trên đường phố tồi tệ nhất kể từ khi nước này giành được độc lập cách đây 3 thập kỷ. Các cuộc biểu tình bắt đầu với việc phản đối giá nhiên liệu tăng gần gấp đôi. Sau đó biểu tình nhanh chóng lan rộng trên cả nước, phản ánh sự bất bình rộng rãi hơn đối với sự cai trị độc đảng kể từ khi độc lập 30 năm về trước.
Các cuộc biểu tình leo thang thành bạo lực. Người biểu tình phóng hỏa các tòa nhà chính phủ. Internet trên toàn quốc ngừng hoạt động và hai sân bay đóng cửa, trong đó có một sân bay ở Almaty, thành phố lớn nhất của đất nước.
Hôm thứ 5 (6/1), trong một động thái nhượng bộ, chính phủ công bố mức giá trần đối với nhiên liệu xe cộ trong 180 ngày và tạm hoãn việc tăng giá điện nước. Một mặt, ông Tokayev cố gắng xoa dịu người biểu tình, chấp nhận chính phủ của mình từ chức. Mặt khác, ông đưa ra các biện pháp khắc nghiệt để dập tắt tình trạng bất ổn mà ông cho là “khủng bố”.
Ngày 5/1, Tổng thống Tokayev đã kêu gọi một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu giúp đỡ.
Liên minh – Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, bao gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan và đã bắt đầu triển khai quân đội tới Kazakhstan cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Các quan chức Kazakhstan đã khẳng định rằng, quân đội sẽ không chiến đấu với những người biểu tình, mà sẽ đảm nhận việc bảo vệ các cơ quan chính phủ.
Ngày 7/1, ông Tokayev tuyên bố rằng trật tự hiến pháp “chủ yếu được khôi phục ở tất cả các vùng của đất nước” và “chính quyền địa phương đang kiểm soát tình hình.”
Tuy nhiên, Tổng thống nói thêm rằng “những kẻ khủng bố vẫn đang sử dụng vũ khí và đang làm hư hại tài sản của người dân” và cần phải tiếp tục “các hành động chống khủng bố”.
Các cuộc giao tranh ở Almaty vẫn tiếp tục vào sáng thứ Sáu (7/1). Hãng thông tấn Tass của Nga đưa tin rằng, tòa nhà do chi nhánh của đài truyền hình Mir ở Kazakhstan, do một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ tài trợ, đã bốc cháy.
Tuy nhiên, sân bay Almaty – do những người biểu tình tấn công và chiếm giữ trước đó – đã trở lại dưới sự kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật Kazakhstan và lực lượng gìn giữ hòa bình, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết. Đài truyền hình địa phương Khabar 24 dẫn lời người phát ngôn của sân bay cho biết, sân bay sẽ đóng cửa cho đến tối thứ Sáu (7/1),.
Ở những nơi khác của đất nước, mọi thứ bắt đầu trở lại bình thường. Tại thủ đô Nur-Sultan, quyền truy cập Internet đã được khôi phục một phần và giao thông tàu hỏa đã được nối lại trên khắp Kazakhstan.
Sân bay ở thủ đô vẫn hoạt động như bình thường, Khabar 24 đưa tin. Theo kênh truyền hình này, các hãng hàng không sẽ nối lại các chuyến bay nội địa đến các thành phố Shymkent, Turkestan và Atyrau, cũng như các chuyến bay đến Moscow và Dubai, bắt đầu từ 3 giờ chiều giờ địa phương.
Quan chức ĐCSTQ lo lắng: Bất ổn kinh tế làm lung lay chế độ chính trị
Viễn Triết
Vào đầu năm mới, các quan chức ĐCSTQ một lần nữa cho thấy họ đang rất lo lắng cho tình trạng nền kinh tế trượt dốc của Trung Quốc. Kinh tế khủng hoảng tất yếu sẽ kéo theo bất ổn chính trị và đe dọa sinh mệnh của ĐCSTQ.
Vào ngày 5 tháng 1, Han Wenxiu, một quan chức của Văn phòng Tài chính và Kinh tế Trung ương, đã đăng một bài viết với tiêu đề “Ổn định nền kinh tế vĩ mô không chỉ là một vấn đề kinh tế, mà còn là một vấn đề chính trị” trên tạp chí “Nhìn” của ĐCSTQ.
Bài viết của Han thừa nhận rằng, trong quá trình vận hành kinh tế của Trung Quốc, những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải ngày càng nhiều, thách thức ngày càng lớn, đồng thời môi trường bên ngoài rất phức tạp.
Trước đó, vào ngày 4/1, nhiều phương tiện truyền thông của ĐCSTQ tiếp tục thừa nhận thực tế đáng lo ngại về thị trường bất động sản Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông này đều cho rằng thị trường bất động sản Trung Quốc không ổn định, đã suy giảm gần một nửa so với trước kia.
Nhà bình luận thời sự Tang Jingyuan nói với Voice of Hope rằng nền kinh tế Trung Quốc suy giảm không có gì đáng ngạc nhiên. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ tiếp tục chậm lại. Đây sẽ là đợt suy giảm thứ hai kể từ năm 1990. Do ĐCSTQ kiên quyết áp dụng chính sách “0-Covid” bằng các biện pháp chống dịch hà khắc, nên nền kinh tế của nhiều địa phương đã bị ảnh hưởng nặng nề, và suy thoái kinh tế đã làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người dân vào triển vọng kinh tế.
Tang cũng cho rằng, các quy định mới của chính quyền đối với các ngành công nghệ cao, Internet, giáo dục, và giải trí đã trực tiếp dẫn đến tình trạng sa thải quy mô lớn ở nhiều công ty. Rất nhiều trong số những người bị mất việc là khách hàng của thị trường bất động sản, vì thế tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc tăng đã gián tiếp ảnh hưởng tới thị trường bất động sản ở Đại lục vốn đang trong khủng hoảng
Sound of Hope dẫn nhận định của chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý 4/2021 của Trung Quốc khó đạt được 4%.
Nikkei Asia vào ngày 4/1 cho đăng bài viết của Andrew Hunt, chuyên gia trong lĩnh vực phân tích tài chính và Ben Ashby, cựu giám đốc điều hành văn phòng đầu tư của JPMorgan Chase. Bài viết chỉ ra rằng mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện đã gần đến giới hạn vì thế nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.
Theo Sound of Hope, hiện tại, chính quyền của ĐCSTQ phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư từ bên ngoài. Họ coi đây là động lực chính giúp nền kinh tế Trung Quốc đạt được tăng trưởng và duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, nhưng chính sách kinh tế và các hoạt động thất thường của ĐCSTQ đã làm tổn hại đáng kể đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Đài Châu Á Tự Do trích dẫn phân tích của chuyên gia cho rằng chính quyền Bắc Kinh gần đây tỏ ra mâu thuẫn trong việc kiểm soát vĩ mô nền kinh tế. Đây là những động thái xấu làm xói mòn lòng tin của nước ngoài.
Theo Sound of Hope
Ukraina: Phương Tây muốn giải pháp ngoại giao với Nga nhưng vẫn lo ngại chiến tranh
Anh Vũ
Trước khi bước vào đàm phán với Nga về hồ sơ Ukraina, Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khẳng định dành ưu tiên cho giải pháp ngoại giao với Nga, đồng thời cảnh báo sẽ không bị sao nhãng vì các đòi hỏi của Nga. NATO lo ngại khả năng thương lượng thất bại sẽ dẫn đến một « xung đột mới » ở Ukraina.
Sau cuộc họp qua truyền hình với ngoại trưởng các nước trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết : « Nga vẫn tiếp tục tăng cường quân sự xung quanh Ukraina và kèm theo những đe dọa nếu những đòi hỏi của họ không được chấp nhận. Những đòi hỏi đó là không thể chấp nhận được, vì thế nguy cơ một cuộc xung đột mới là có thật ». Ông Stoltensberg nhấn mạnh : « Chúng ta phải chuẩn bị cho viễn cảnh thương lượng thất bại ».
Trong nỗ lực hạ nhiệt khủng hoảng qua đối thoại, một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao sẽ diễn ra tuần tới. Thứ Hai 10/01/2022 tại Genève, các nhà ngoại giao Mỹ và Nga sẽ gặp nhau. Ngày 13/01 sẽ diễn ra cuộc họp NATO – Nga tại Bruxelles. Một ngày sau đó, tại Vienna, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cũng sẽ gặp các nhà ngoại giao Nga.
Sau cuộc họp trực tuyến với NATO, hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố với báo chí : « Chúng tôi sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ một cuộc xâm lược mới của Nga. Nhưng một giải pháp ngoại giao vẫn có thể có và tốt hơn là Nga chọn hướng này ».
Các bộ trưởng Ngoại Giao của phương Tây cũng kêu gọi Nga « xuống thang » ủng hộ giải pháp ngoại giao. Trong khi đó, tổng thư ký NATO vẫn tỏ cứng rắn khi tuyên bố : « Không có chuyện NATO nhân nhượng đối với nguyên tắc mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn đường đi riêng cho mình, bao gồm cả thỏa thuận an ninh mà họ muốn tham gia ».
Về phía Washington, ngoại trưởng Antony Blinken cảnh báo : « Nga muốn lôi kéo chúng tôi vào cuộc tranh luận về NATO hơn là để chúng tôi tập trung vào chủ để nóng là việc họ xâm lược Ukraina. Chúng tôi không để bị sao nhãng vì chuyện đó ». Trước việc Matxcơva chỉ muốn nói chuyện trực tiếp với Mỹ về hồ sơ Ukraina, các nước Liên Hiệp Châu Âu đòi phải được tham gia các cuộc đàm phán đó.
Từ nhiều tuần qua, các nước phương Tây và Ukraina tố cáo Nga tập trung hàng chục nghìn quân ở dọc biên giới với Ukraina, dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nước này. Về phần mình, Matxcơva đưa ra yêu sách phương Tây phải loại trừ mọi khả năng để Ukraina gia nhập NATO, cũng như phải cắt giảm hiện diện quân sự ở gần nước Nga.
Hoa Kỳ tái khẳng định ủng hộ Litva trong cuộc đối đầu với Trung Quốc
Anh Vũ
Theo AFP, hôm 07/01/2022, chính quyền Joe Biden một lần nữa đánh tín hiệu cho biết Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ Liên Hiệp Châu Âu và Litva để đương đầu với Trung Quốc.
Bắc Kinh đang bị lên án vì đã chặn hàng xuất khẩu của Litva vào Trung Quốc, một hành động nhằm trả đũa việc quốc gia vùng Baltic cho mở văn phòng đại diện Đài Loan hồi tháng 7/2021.
Thông cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ra hôm qua 07/01/2022 ghi rõ : « Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai, trong hội đàm với phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Valdis Dombrovski, đã bày tỏ sự ủng hộ kiên quyết của Hoa Kỳ với Liên Hiệp Châu Âu và Litva trước hành động cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc ».
Quốc gia vùng Baltic Litva, một trong những quốc gia nhỏ bé nhất Liên Âu, cuối năm ngoái bỗng nổi bật trên trường quốc tế với quyết định cho Đài Loan mở một cơ quan đại diện ngoại giao với tên gọi văn phòng Đài Loan. Hành động này của Vilnius ngay lập tức đã khiến Bắc Kinh nổi giận, vì Đài Loan luôn bị Bắc Kinh coi là một tỉnh phản nghịch của Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh gia tăng sức ép mọi mặt đối để cô lập hòn đảo với bên ngoài.
Để đáp trả Vilnius, Bắc Kinh đã hạn chế các liên hệ ngoại giao, thương mại với Litva.
Trong thông cáo, bà Katherine Tai nhấn mạnh « tầm quan trọng trong hợp tác với Liên Âu và các quốc gia thành viên Liên Âu chống lại các hành xử ngoại giao và kinh tế theo cách cưỡng ép, bằng nhiều hướng khác nhau, trong đó có Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ -EU ».
Trước đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cũng đã gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Litva để bày tỏ « sự ủng hộ kiên quyết và liên tục của Hoa Kỳ » với quốc gia vùng Baltic.