Cao Dương
Chính phủ Úc đã trục xuất ngôi sao quần vợt Novak Djokovic, cho rằng anh có thể gây ra ‘tâm lý chống tiêm chủng’ tại Úc vì anh là người ‘nổi tiếng’, và là ‘hình mẫu lý tưởng’. Các luật sư Úc quan ngại rằng, sự kiện này đặt ra tiền lệ cho việc chính phủ Úc có thể cấm bất cứ ai có ý kiến trái chiều với họ vào Úc, hay ở lại Úc.
Sau khi Bộ trưởng Nhập cư Úc hủy thị thực của tay vợt nam số một thế giới Novak Djokovic, và Tòa án liên bang Úc bác bỏ kháng cáo của Djokovic đối với quyết định thu hồi thị thực, anh đã bị trục xuất khỏi Úc tối qua 16/01/2022. Chính phủ Úc tuyên bố, sự hiện diện của ngôi sao quần vợt tại nước này có thể gây ra “tâm lý chống tiêm chủng”. Các chuyên gia pháp lý tại Úc cho rằng, sự kiện này đang đặt ra một tiền lệ “nguy hiểm” có thể làm xói mòn thêm quyền tự do ngôn luận xung quanh các vấn đề như COVID- 19.
Trong khi các bộ trưởng Úc vẫn khẳng định rằng, việc loại bỏ tay vợt người Serbia là trên cơ sở “sức khỏe, an toàn, và trật tự tốt” — theo tuyên bố của Thủ tướng Scott Morrison — các tài liệu của tòa án cho thấy một bức tranh khác.
Trong một bản khai có tuyên thệ dài 258 trang nộp cho Tòa án Liên bang, Bộ trưởng Bô Di trú Úc, ông Alex Hawke tuyên bố, Djokovic là một “người nổi tiếng, mà chưa tiêm chủng”, người có thể khiến những người Úc chưa tiêm chủng khác “từ chối tiêm chủng, khiến những người chống tiêm chủng được củng cố quan điểm, và làm giảm việc tiếp nhận các mũi tiêm tăng cường”.
Ông bộ trưởng thừa nhận rằng, Djokovic gây ra “rủi ro không đáng kể” trong việc truyền virus cho cộng đồng. Quyết định của ông cuối cùng đã được giữ nguyên trong một phiên tòa khẩn cấp vào ngày 16/01.
Tuy nhiên, việc ông Alex Hawke sử dụng quyền tự quyết của mình, để tống ngôi sao quần vợt ra khỏi Úc, đã lật ngược một quyết định trước đó của tòa án vào ngày 10/01 cho phép tay vợt số một thế giới ở lại nước này. Djokovic đã bị giam giữ vài ngày trong Khách sạn Park ở Melbourne, trước khi quyết định ngày 10/01 của tòa án cấp cho anh tự do tạm thời.
“Mối quan ngại của chúng tôi là quan điểm của chính phủ liên bang. [Chính phủ có quan điểm là] họ không cần phải chứng minh rằng, Djokovic sẽ thúc đẩy các quan điểm trái chiều với họ trong vấn đề tiêm chủng, mà họ chỉ cần nói rằng anh ấy có thể thúc đẩy những ý kiến đó”, Luật sư Cao cấp Greg Barns, người phát ngôn của Liên minh Luật sư Úc cho biết trong một tuyên bố vào ngày 16/01.
“Việc này đặt ra một tiêu chuẩn rất thấp trong việc tống một người ra khỏi Úc, đặc biệt là trong những trường hợp mà quyền xem xét lại quyết định, hay kháng cáo, là rất hạn chế”.
Ông cho biết thêm: “Trong một xã hội được cho là rất ủng hộ ngôn luận và tự do tư tưởng, thật đáng lo ngại khi [chính phủ] sử dụng các tiêu chí rằng [Djokovic là] một rủi ro có thể xảy ra đối với trật tự công cộng, để làm lý do không cho nhập cảnh vào Úc”.
Ông Barns cho biết, quyết định này đã mở đường cho các nhà chức trách liên bang ngăn chặn những du khách nổi tiếng khác đến Úc, nếu họ tán thành những quan điểm khác với chủ trương của chính phủ.
“Ví dụ: nếu một vị khách cấp cao đến Úc mà bày tỏ quan điểm tiêu cực về liên minh Úc và Mỹ, liệu chính phủ có cấm người này ở lại Úc, vì quan điểm đó có thể khuyến khích người dân biểu tình tại (cơ sở giám sát vệ tinh của Mỹ) Pine Gap không?” ông nói.
Ông Barns cho hay, “nỗi ám ảnh của chính phủ về các chính sách biên giới khắc nghiệt” đã góp phần gây ra vấn đề [về Djokovic] này, vốn đã trở thành một rắc rối tầm quốc tế khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić phát biểu rằng, trong 10 ngày Djokovic ở Úc, nước Úc đã đối xử với anh như tra tấn.
Tổng thống Vučić chia sẻ trên Instagram rằng:–
Tại Úc, chính sách biên giới từ lâu đã là một chủ đề trong bầu cử nhận được sự quan tâm của các khu vực bỏ phiếu. Điều này, cùng với lập trường cứng rắn của Úc đối với các quy định bắt buộc tiêm chủng và các hạn chế COVID-19, đã tạo ra một cơn bão chính trị hoàn hảo đổ lên người Djokovic — vốn chưa tiêm chủng.
Trong khi đó, bà Maria O’Sullivan — phó giáo sư luật tại Trung tâm Luật Nhân quyền Castan thuộc Trường Luật Đại học Monash — cho rằng, việc các cá nhân bị từ chối nhập cảnh vào Úc dựa trên việc người khác có thể phản ứng, hay nhận thức về họ như thế nào, là không công bằng.
“Ông bộ trưởng dựa vào thân phận của Djokovic, mà [ông] gọi là “hình mẫu lý tưởng”, và năng lực của anh ấy như một vận động viên thể thao nổi tiếng, để [nói rằng anh] có thể ảnh hưởng đến xã hội. Điều gì sẽ xảy ra nếu có một vận động viên thể thao chưa tiêm chủng nhưng không nổi tiếng?” bà O’Sullivan viết trên tờ Conversation vào ngày 16/01.
Ông Michael Stanton, luật sư và chủ tịch tổ chức nhân quyền và tự do dân sự Liberty Victoria — đặt tại bang Victoria, nơi tổ chức Giải Úc Mở rộng — đã mô tả quyền hạn của ông Bộ trưởng Bộ Di trú Úc là “giống như Chúa”.
“Việc hủy bỏ thị thực của Novak Djokovic và trục xuất anh này đã lôi cuốn sự chú ý đến các chế độ bất thường và bệnh hoạn của Úc về việc giam giữ và hủy bỏ thị thực, cũng như đến việc sử dụng quyền hạn cá nhân giống như Chúa rất đáng lo ngại của ông bộ trưởng”, ông Stanton tuyên bố.
“Liberty Victoria đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ của những quyền hạn như vậy”.
Cao Dương
Theo The Epoch Times