Nguyên Hương
Trong nỗ lực tăng cường và mở rộng cam kết kinh tế song phương, Ấn Độ và Đài Loan đang hướng tới một hiệp định thương mại tự do và xem xét thiết lập một nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại một thành phố của Ấn Độ.
Ông James Huang, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) và là Giám đốc đầu tiên của Văn phòng Chính sách Hướng Nam Mới của chính phủ Thái Anh Văn, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn về tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Đài Loan.
“Trong phạm vi rộng lớn hơn của chiến lược Ấn Độ Dương, việc tăng cường hợp tác giữa các đối tác cùng chí hướng như Đài Loan và Ấn Độ sẽ chỉ mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn cho toàn bộ khu vực”, ông Huang cho biết trong một email.
Ấn Độ trước đó đã miễn cưỡng ký một hiệp định thương mại tự do với Đài Loan vì họ sợ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau cuộc xung đột đẫm máu giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Thung lũng Galwan và việc quân đội tăng cường tiếp theo ở biên giới, quan hệ song phương Ấn Độ – Trung Quốc bắt đầu xấu đi trong khi quan hệ Ấn Độ – Đài Loan bắt đầu có sự thay đổi sâu sắc.
Vì vậy, trong khi hai nước đang thảo luận về một hiệp định thương mại tự do, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ tuần trước đã huy động được 300 triệu USD từ thị trường Đài Loan, thu hút nhiều nhà đầu tư, theo Taipei Times. Những phát triển này đáng chú ý vì Ấn Độ và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức và nền dân chủ lớn nhất thế giới trước đó đã miễn cưỡng tham gia một thỏa thuận thương mại với đảo quốc này
Ông Huang, người từng là Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan từ năm 2006 đến năm 2008, cho biết, Ấn Độ là đối tác chính của chính sách Hướng Nam Mới của Đài Loan, được Tổng thống Thái Anh văn đưa ra năm 2016. Chính sách là một nỗ lực phối hợp nhằm mở rộng sự hiện diện của Đài Loan trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Chính sách này nhằm mục đích tận dụng các tài sản văn hóa, giáo dục, công nghệ, nông nghiệp và kinh tế của Đài Loan để tăng cường hội nhập khu vực của Đài Loan và thúc đẩy sự phát triển rộng lớn hơn của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết trong báo cáo chính sách của mình.
Ông Huang cho biết, Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, là “trụ cột” của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Trong tất cả các vai trò này, Ấn Độ sở hữu sức mạnh to lớn và gánh vác trách nhiệm lớn hơn nữa. Ấn Độ là một nền dân chủ hàng đầu và là một lực lượng đem đến những điều tốt đẹp, khiến thế giới tốt đẹp hơn. Tôi tin tưởng chắc chắn vào cơ hội to lớn và tương lai của quan hệ đối tác Đài Loan-Ấn Độ, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số hậu đại dịch”, ông Huang nói.
TAITRA đã làm việc với chính phủ liên bang Ấn Độ theo chương trình cơ quan Đầu tư Ấn Độ (Invest India) để thiết lập “Đài Loan Desks” ở các thành phố khác nhau của Ấn Độ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Đài Loan đầu tư.
Sản xuất chất bán dẫn
Thủ tướng Narendra Modi đã đặt ra tầm nhìn 20 năm để đưa Ấn Độ trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong ngành công nghiệp chip điện tử. Vào ngày 15/12, chính phủ Ấn Độ đã công bố hơn một tỷ đô la đầu tư ban đầu vào chất bán dẫn và tổ hợp sản xuất màn hình ở nước này.
Ngay sau đó, báo chí Ấn Độ đưa tin Ấn Độ và Đài Loan cũng đang nghiên cứu để tạo ra một trung tâm sản xuất chất bán dẫn tại một thành phố của Ấn Độ. Theo ông Huang nói với The Epoch Times, hai nước từ lâu đã là đối tác thân thiết trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Ông Huang cho biết: “Trình độ tài năng và sự khéo léo tuyệt đối mà các học giả, nhà nghiên cứu và kỹ sư của Ấn Độ mang lại cho các công ty Đài Loan như TSMC (Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan) là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác công nghiệp mật thiết của chúng tôi.
Ông Huang cho biết Đài Loan của MediaTek Inc. (MTK), một công ty thiết kế vi mạch (IC) hàng đầu trên thế giới đã đầu tư đáng kể vào Ấn Độ.
‘Bình thường mới’
Theo ông Huang, Ấn Độ và Đài Loan có những cơ hội mới để chia sẻ trong bối cảnh bình thường mới của đại dịch.
Ông cho biết, 30 năm tới của nền kinh tế toàn cầu sẽ là thời đại của phần mềm và Ấn Độ, một quốc gia dân chủ, hoàn toàn phù hợp với con đường của tương lai.
“Ấn Độ là một trung tâm chuỗi cung ứng lớn với những lợi thế độc đáo về công nghệ kỹ thuật số, y tế, công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe và hàng không vũ trụ. Đài Loan là cường quốc về chất bán dẫn, công nghệ thông tin và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai đôi bên cùng có lợi cho hai quốc gia và thế giới”.
Nguyên Hương
Theo The Epoch Times