Andrew Thornebrooke
Dân biểu Elaine Luria (Dân Chủ-Virginia) cho biết, Quốc hội Hoa Kỳ nên tiến hành một cuộc thảo luận về khả năng của một tuyên bố viện trợ quân sự chính thức cho Đài Loan trong trường hợp nước này bị chính quyền Trung Quốc xâm lược.
Bà Luria cho rằng việc chấm dứt chính sách gọi là chiến lược mơ hồ của Hoa Kỳ, trong khi quốc gia này không xác nhận cũng không phủ nhận công khai rằng họ sẽ hỗ trợ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự. Đây là yếu tố sống còn để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược hòn đảo này.
“Tôi cho rằng đó chính là sự mơ hồ chiến lược hiện nay của chúng ta, và giờ là lúc phải thay đổi điều này,” bà Luria nói. “Chúng ta cần đưa ra một chiến lược rõ ràng. Chúng ta cần minh bạch và không còn mơ hồ nữa, và khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ hành động để giữ nguyên hiện trạng này.”
Bà Luria đã đưa ra một số bình luận trong một hội thảo trên web gần đây về sức mạnh biển của Hoa Kỳ. Hội thảo do Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tổ chức.
Bà Luria là phó chủ tịch của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, và từng đảm trách chức chỉ huy trong Hải quân Hoa Kỳ. Bà cho hay việc đưa ra một chiến lược rõ ràng, chính thức lên tiếng rằng Hoa Kỳ sẽ có hoặc không bảo vệ Đài Loan khỏi bị xâm lược, là cần thiết để giải quyết tình hình cấp bách tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bà nói, một tuyên bố như vậy cũng đòi hỏi sự bố trí lực lượng của Hoa Kỳ trong khu vực cũng như dẫn hướng cho các đồng minh tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng hộ của hòn đảo. Bà Luria tin rằng điều này là bất khả thi trong tình huống hiện tại của Hoa Kỳ, xét về khía cạnh chính trị và pháp luật.
“Cùng với sự hiện diện của chúng ta lúc này, cùng với những tuyên bố mơ hồ về luật pháp và chính trị của chúng ta lúc này, tôi cho rằng người Trung Quốc sẽ xem đây là một sự để ngỏ rất rõ ràng rằng họ có thể hành động, và họ đang xây dựng cả hạm đội để thực hiện điều đó,” Bà Luria nói.
Tổng thống ‘không có thẩm quyền’ để bảo vệ Đài Loan
Bà Luria giải thích rằng lý do chính cần phải triệu tập Quốc hội [để thảo luận] về vấn đề bảo vệ Đài Loan đó là tổng thống không thực sự có thẩm quyền để tuyên bố chiến tranh với Trung Quốc trong trường hợp nước này tiến hành xâm lược.
“Về căn bản, Tổng thống không có quyền đưa ra bất kỳ phản ứng tức thời nào để bảo vệ Đài Loan.”
Bà giải thích rằng, mặc dù Đạo luật Quan hệ Đài Loan có các điều khoản cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan các công nghệ quân sự để nước này tự phòng vệ, nhưng Đạo luật không đề cập đến bất kỳ sự đồng thuận nào về an ninh.
Liên quan đến vấn đề này, Đạo luật Quyền hạn Chiến tranh (War Powers Act) ngăn không cho tổng thống khai triển lực lượng ở những nơi có khả năng xảy ra chiến sự trừ khi được sự đồng ý của Quốc hội.
Điều này có nghĩa rằng, trên thực tế, giả sử ngày mai nhà cầm quyền Trung quốc xâm lược Đài Loan, thì Tổng thống Joe Biden sẽ không có thẩm quyền hợp pháp ra lệnh can thiệp quân sự để ngăn chặn chiến sự chừng nào Quốc hội biểu quyết [tán thành] vấn đề này.
Bà Luria nói, “Quốc hội chúng ta có vai trò [trong vấn đề này]. Chúng ta cần phải thảo luận và chúng cần phải rất minh bạch và không thể mơ hồ nữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nói rằng chúng ta sẽ cung cấp sự phòng vệ cho Đài Loan để giữ nguyên hiện trạng này.”
Bà Luria cho biết, một nỗ lực như vậy sẽ trao cho tổng thống quyền hạn lúc ông cần đến, và cũng sẽ thực hiện nhiều điều hơn thế để ngăn chặn sự xâm lược của Bắc Kinh ngay từ thời điểm ban đầu.
Cuối cùng, bà bày tỏ rằng bà mong muốn thấy được sự cam kết của tổng thống đương nhiệm giống như những gì tổng thống Ronald Reagan đã đưa ra vào những năm 1980. Ông đã giám sát diễn tiến của kế hoạch 600 tàu Hải quân (600-ship Navy*) sau sự giảm sút về lực lượng [quân sự] sau chiến tranh Việt Nam.
Hoa Kỳ cần một biện pháp răn đe hiệu quả hơn
Nhận xét của bà Luria được đưa ra gần một năm sau khi Đô đốc đương thời Phil Davidson nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sẵn sàng xâm lược Đài Loan trong sáu năm, và trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo rằng Bắc Kinh đang rút ngắn thời gian của mình cho cuộc xâm lược như vậy.
Bà Luria nói rằng “góc nhìn của ông Davidson” về một cuộc xâm lược vào năm 2027 đã được xác nhận bởi một học giả đã từng cố vấn cho người đứng đầu ĐSCTQ Tập Cận Bình rằng nhà cầm quyền này cũng đang cân nhắc đến điều đó.
Trong khi đó, những nhu cầu ngày càng cao đã làm cạn kiệt trạng thái sẵn sàng của hạm đội Hải quân Hoa Kỳ, và ngân sách eo hẹp để phát triển chiến hạm mới tiếp tục hạn chế khả năng của Hải quân trong việc xây dựng các chiến hạm thế hệ tiếp theo để đáp ứng yêu cầu cho một cuộc đại tranh quyền.
Bà Luria nói rằng tình hình hiện tại là do một phần đến từ việc thiếu chiến lược tương hợp khi nghĩ đến cách làm sao để hợp nhất lực lượng hàng hải với các mục tiêu sâu rộng hơn của Hoa Kỳ.
“Tôi muốn nói rõ ràng rằng tôi cảm thấy không có chiến lược về hàng hải. Tôi cho rằng việc biết rõ chiến lược là gì là điều rất quan trọng. Chúng ta cần đặt lực lượng của mình ở đâu? Chúng ta cần loại lực lượng nào? Chúng ta đã mất nhiều năm mà chưa có lấy một kế hoạch đóng tàu trong vòng 30 năm,” bà cho biết.
“Sự thật là ta thực sự phải có khả năng răn đe,” bà Luria nói. “Ta phải có tất cả lực lượng.”
Vậy mà lực lượng hải quân Hoa Kỳ cùng lắm có tổng cộng không đến 300 chiến hạm. Trong khi nhà cầm quyền Trung quốc đã có hơn 360 chiến hạm.
Sự khác biệt về số lượng càng nghiêm trọng hơn khi xem xét tình hình chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ đang chỉ có 60 tàu trong khu vực này. Tuy nhiên, toàn bộ lực lượng hàng hải của ĐCSTQ được bố trí gần bờ biển Trung Quốc, điều này có thể mang đến một con số khả quan cho lực lượng hàng hải của Trung Quốc tới hơn 600 [tàu].
Để giúp giảm bớt tình trạng thiếu thốn về chiến lược hàng hải, bà Luria đã đề nghị chỉ huy trưởng tại khu vực Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilin, thường xuyên tư vấn trực tiếp cho tổng thống về vấn đề này.
Bà Luria nói, “Đây là vấn đề số một về quốc phòng của chúng ta. Tính cấp bách mà ta cảm nhận được từ vị chỉ huy trong chiến địa đó … mức độ về tính khẩn cấp, mối lo ngại, và sự đầu tư vào việc này, chúng ta có thể thấy rõ rằng điều này đang dần tăng lên.”
Cuối cùng, bà Luria kêu gọi mọi người cân nhắc đến sự phân cực của một thế giới khi thiếu vắng sự cam kết bảo vệ Đài Loan của Hoa Kỳ.
Bà Luria nói, “Nếu quý vị nghĩ về những điều sẽ xảy ra khi Trung Quốc xâm lược Đài Loan, vậy thì những điều xảy ra tiếp đến nữa là gì? Tôi cho rằng đó là điều không thể chấp nhận được với bất kỳ người Mỹ hay bất cứ đồng minh nào của chúng ta.”
“Vẫn còn một câu hỏi lớn hơn. Và câu hỏi đó là: Vai trò của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn là gì? Theo nghĩa đó, những phản ứng của Hoa Kỳ sẽ là như thế nào?” bà nói.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Chú thích: (*) 600-ship Navy: là kế hoạch mà Tổng thống Ronald Reagan đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 1980. Kế hoạch này nhằm củng cố lực lượng hải quân Hoa Kỳ trong thập niên 80 sau chiến tranh Việt Nam, để đối trọng với Liên Xô cũ.
Minh Nguyên biên dịch