Người Hồng Kông đổ xô đi cắt tóc, mua sắm trước khi có đợt phong tỏa mới

Những khách hàng đeo khẩu trang mua rau tươi tại một khu chợ đồ tươi sống ở Hồng Kông, hôm 09/02/2022. (Ảnh: Vincent Yu/AP Photo)

HỒNG KÔNG – Hôm thứ Tư (09/02), người dân Hồng Kông đã xếp hàng bên ngoài tiệm làm tóc và ùn ùn đi mua rau tươi, một ngày trước khi các quy định thắt chặt chống dịch COVID-19 có hiệu lực, vì số các ca nhiễm mới hàng ngày trong thành phố đã tăng lên hơn 1,100 ca.

Hôm thứ Ba (08/02), lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo rằng các địa điểm thờ tự và tiệm làm tóc phải đóng cửa kể từ thứ Năm (10/02) ít nhất cho đến ngày 24/02, khi một loại “giấy thông hành vaccine” sẽ được khai triển, cho phép chỉ những người đã chích ngừa mới được ghé qua các địa điểm như trung tâm mua sắm và siêu thị.

Trong một hành động chưa từng có, bà cũng cho biết các cuộc tụ họp riêng tư sẽ bị giới hạn trong phạm vi không quá hai gia đình.

“Thật tiếc khi các tiệm làm tóc được thông báo phải đóng cửa. Trên thực tế, các tiệm làm tóc luôn áp dụng nhiều biện pháp, chẳng hạn như đeo khẩu trang, kể từ khi đại dịch này bắt đầu và nơi đó nên là an toàn,” ông Alan Fong, người đang đợi bên ngoài một tiệm làm tóc ở quận Loan Tể, cho biết.

Mọi người cắt tóc tại một tiệm làm tóc trước khi tạm thời đóng cửa vào cuối tuần này ở Hồng Kông, hôm 09/02/2022. (Ảnh: Vincent Yu/AP Photo)

Hồng Kông đã tự tuân theo chính sách “zero COVID” của Trung Quốc đại lục, nhằm dập tắt hoàn toàn các đợt bùng phát dịch bệnh, ngay cả khi nhiều quốc gia khác đang chuyển hướng tiếp cận để sống chung với virus này.

Chiến lược này có nghĩa là các nhà chức trách thường thực hiện các biện pháp quyết liệt như đóng cửa các khu dân cư để xét nghiệm hàng loạt, phát hiện các trường hợp dương tính, đồng thời áp đặt các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt đối với du khách và ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp.

Một vụ bùng phát dịch giữa các tài xế xe tải vận chuyển rau từ Trung Quốc đến Hồng Kông đã khiến các nhà chức trách áp dụng các biện pháp xét nghiệm nghiêm ngặt và yêu cầu một số tài xế cách ly, khiến giá nông sản tươi tăng vọt.

“Không có nguồn cung cấp. Ngay cả khi có đi chăng nữa, thì chi phí nhập cảng vẫn cao và sau đó chúng tôi đành phải bán với giá cao,” chủ cửa hàng Choy Kam-hing cho biết.

Ông Choy cho biết giá cải ngọt, một loại rau phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc, đã tăng gấp đôi.

Các quan chức đã kêu gọi người dân chích ngừa và tránh ra ngoài, đồng thời tăng cường năng lực xét nghiệm và yêu cầu xét nghiệm bất kỳ ai được coi là có tiếp xúc gần với hàng ngàn ca bệnh trong thành phố này.

“Tôi nghĩ rằng toàn bộ việc xét nghiệm là vô nghĩa. Mọi người đều rất bận rộn với cuộc sống của mình và có rất nhiều ca nhiễm không thể theo dõi được, nhưng chúng tôi vẫn phải xét nghiệm nhiều lần,” ông Bosco Wong, một nhân viên nhà bếp được xét nghiệm hôm thứ Tư sau khi một đồng nghiệp bị phát hiện dương tính với chủng virus này, cho biết. “Tôi nghĩ rằng toàn bộ sự việc này là một sự lãng phí thời gian.”

Quyết định tuân theo chiến lược “zero COVID” của thành phố đã vấp phải sự chỉ trích từ các doanh nghiệp, người ngoại quốc, và cư dân địa phương. Họ phàn nàn rằng những hạn chế khắc nghiệt này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

“Tôi đã gặp rắc rối với đại dịch này trong một thời gian dài và tôi cảm thấy mình không thể làm gì được,” cô Judy Lau, người đang được xét nghiệm tại một trạm xét nghiệm di động, cho biết sau khi một trường hợp dương tính được phát hiện trong tòa nhà của cô.

“Tôi không hiểu các chính sách của chính phủ này. Những làn sóng đại dịch cứ đến rồi đi và nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của tôi.”

Alice Fung và Janie Lo
Thanh Tâm biên dịch

Related posts