Du Uyên
Mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày đều có rất nhiều việc trái tai gai mắt xảy ra, dầu không ai thích nhưng nó vẫn lặp đi lặp lại mỗi ngày mỗi tháng, mỗi năm. Vì sao?
Hàng xóm đằng sau: “Em ơi suốt đêm thao thức vì em… “Hàng xóm đối diện: “Ngủ đi em mộng ‘phình phường’ …” – Không biết “em” nghe lời ai, chứ tôi không ngủ được đây.
Cô hàng xóm cứ “Không phải tại em cũng không phải tại anh…” từ 30 Tết đến nay mùng 10 vẫn chưa biết tại ai. Nhưng tại cô mà tôi phải kiếm nhà khác chuyển đi.
Ðó là ba trong hàng trăm lời thở than của người gặp «nạn» karaoke mấy bữa Tết vừa qua mà tôi đọc được. Từ bao dung vì người thân trong gia đình gây «nạn» tới sợ hãi đến mức phải chuyển nhà, nhưng chẳng ai nghĩ sẽ làm gì để chấm dứt «nạn» karaoke từ trong nhà ra ngoài phố mà mình gặp phải. Có lẽ vì vậy mà «nạn» karaoke không chỉ xảy ra trong mùa Tết này mà là nhiều mùa Tết đã qua, thậm chí, bất kỳ dịp nghỉ cuối tuần/lễ lạt nào trong năm, chúng ta sẽ không khó tìm ra những câu than thở như trên. Nhiều người than thở mệt, mắng vốn mệt – họ biến đau thương bằng hành động, chấm dứt cái sai của những người hát karaoke bằng cái sai khác – khiến các «ca sĩ» không thể hát được nữa. Tháng nào, trên các trang báo đều đăng các vụ án mạng do karaoke, có trang báo còn gọi karaoke là «hung thần».
Thật ra cũng không thể trách người dân, khi luật chỉ có trên văn bản và trên báo, với mức phạt quá nhẹ. Còn người hành pháp thì có quá nhiều lý do để không làm đúng chức trách. Tôi từng có vài bữa thức trắng đêm để gọi lên phường hàng chục cuộc gọi tố cáo cái đám ma, đám cưới, đám giỗ, đám cuối tuần, đám đầu xuân, đám… gần nhà mở nhạc, ca hát ồn ào cả đêm, cái tôi nhận về chỉ là những lời hứa “sẽ giải quyết”, những lời khuyên “lâu lâu nhà người ta mới có người chết một lần, thông cảm đi”, những cái cúp máy ngang dứt khoát, thậm chí còn có chỗ kêu tôi gọi qua phường khác tố cáo vì “nhà bên đó không thuộc phường này”… Tôi tin, vào những đêm đó, không chỉ tôi gọi tới phường “kêu cứu”. Tôi cũng từng vài lần chứng kiến hàng xóm “quánh nhau” bằng hai cái loa, bên đây mở lớn, bên kia mở lớn hơn, cuối cùng cả xóm chịu nạn, mấy con chó bỏ nhà ra đi.
Tương tự, mỗi năm, có hàng ngàn bài viết từ năn nỉ, khuyên nhủ đến răn đe, dọa nạt lẫn nhau là “đừng đốt vàng mã, phóng sanh” khi đi chùa nữa – việc này chỉ hại các con cá, các đàn chim bị “phóng sanh” và hủy hoại môi trường thêm thôi. Nhưng vàng mã vẫn được sản xuất, mỗi năm có càng nhiều mẫu mã được “update” cho hợp thời. Như năm ngoái có xe Vinfast bằng giấy thì năm nay có kim tiêm, khẩu trang, vaccine “phai dzơ” bằng giấy. Các nơi chuyên bắt chim, bắt cá để bán cho khách đi chùa vẫn ăn nên làm ra, những con chim/con cá còn sống thoi thóp cũng đã quen với việc bắt/thả mỗi ngày vài chục lần. Và sau các “trận” lễ chùa của các Phật tử “từ bi”, các hình ảnh ghi lại cảnh xác chim, xác cá la liệt hay các bài báo về việc đốt vàng mã gây ô nhiễm, gây tai nạn… được đăng lên mạng – với lượt like, lượt share, lượt bình luận không hề ít hơn so với các bài báo về án mạng bởi karaoke. Nhưng, rằm/mùng 1/Tết/lễ… mọi thứ vẫn lặp lại. Có lẽ các vị phóng sanh, đốt vàng mã cũng nghĩ là tai nạn chừa họ và chừa các con chim/con cá mà họ “phóng sanh” ra.
Tết vừa qua, tôi đã “khoe” với 10 người bạn rằng tôi đã chơi lô tô thua 2,000 VND, và kết quả là chẳng ai thèm quan tâm. Nhưng với 10 người bạn khác, tôi “khoe” với họ là tôi thua 2,000 Mỹ kim từ việc đánh bài, và hầu như tất cả đã thảng thốt, hỏi lại nguyên do. Có người khuyên tôi nên ngừng đánh bài vì sẽ ghiền, sẽ thua càng nhiều. Có người kêu tôi chia sẻ “bí quyết” để… tránh. Có người tỏ vẻ không tin vì họ biết tôi không mê cờ bạc… Khi tôi nói rằng tôi đã nói xạo, tôi chỉ thua 2,000 VND, mọi chuyện trở lại như với 10 người bạn ban đầu – chẳng ai quan tâm vì số tiền quá nhỏ, không đủ mua bịch dza-ua (yogurt). Những điều trái tai gai mắt cũng như việc tôi thua 2,000 VND vậy, cứ xảy ra thường xuyên vì người xung quanh tôi thấy nó quá nhỏ hoặc họ cảm thấy điều đó không liên can đến họ. Cho đến khi, số tiền 2,000 VND đó tăng lên thành 2,000 Mỹ kim, mọi chuyện đã đi quá xa. Người ta bàng hoàng, người ta đau buồn, người ta sợ hãi rồi người ta cũng… mặc kệ. Vì 2,000 VND hay 2,000 Mỹ kim thì kẻ thua và phải tìm cách trả nợ không phải họ, trừ khi tôi mượn tiền họ để trả nợ. Có lẽ “thần bài” sẽ chừa họ ra trong các ván bài sắp tới. Ðó là lý do dầu đã có hàng tỷ người mất tất cả sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, thậm chí mất mạng vì cờ bạc, đề đóm, casino… nhưng các trò này vẫn không bị “tuyệt hậu”.
Các vụ án mạng do bạo hành gia đình gần đây cũng đã xảy ra theo cách tương tự, chúng đều diễn ra ở thời gian dài, những người xung quanh đều biết và cảm thấy mình vô can, cảm thấy “chắc hông có gì đâu”. Vì vậy, khi chuyện đi đến kết cục đáng tiếc, ai cũng cảm thấy có lỗi nhưng không ai nghĩ lỗi của bản thân là lớn nhất. Vì người ra đi không phải chính họ, hay người thân của họ, chắc “nghịch cảnh chừa mình ra”. Mới hôm rồi, một bài viết về bạo hành kèm hình ảnh rõ ràng, được đăng trong một group của giới trẻ đã bị gỡ nhanh chóng dầu có bằng cớ rõ ràng, làm tôi suy nghĩ rất nhiều – vì chính nạn nhân không muốn “sự việc đi quá xa” và yêu cầu gỡ bài. Nội dung bài viết:
Làm sao chấm dứt nạn bạo hành khi chính nạn nhân còn sợ sệt, không dám lấy lại công bằng cho mình? Và luật pháp Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể trừng phạt nặng, đủ chấm dứt sự tàn bạo những kẻ thích bạo hành gia đình khi chúng chưa gây thiệt hại nhân mạng. Lẫn các quy định bảo đảm tương lai cho người bị hại, khi những kẻ bạo hành là người chi trả sinh hoạt phí, nuôi dưỡng người bị hại.
Những đống rác cạnh các bảng “cấm đổ rác”. Thầy và học trò đánh nhau dưới tấm bảng “tiên học lễ hậu học văn”. Cha mẹ con cái dành cho nhau những lời cay độc trong các ngôi nhà có dán bảng “gia đình văn hóa” trước cổng. Cán bộ hành dân dưới các tấm bảng đề “đi dân quý ở dân thương”, “8 điều cán bộ không được làm”. Quan kiểm lâm làm lâm tặc. Quan biên phòng đi buôn lậu. Quan chống ma túy bảo kê cho các hoạt động buôn bán ma túy. Quan lộ thì mãi lộ… Tất cả đều diễn ra hàng ngày, như cách nó diễn ra hàng vài chục năm nay ở đất nước này. Riết rồi không còn ai cảm thấy nó nghiêm trọng nữa. Vì sao? Có phải vì thứ tai hại nhất, nghiêm trọng nhất chưa được dẹp bỏ?
Du Uyên