Bradley A. Thayer
Sự ủng hộ nồng nhiệt của Trung Quốc đối với việc Nga xâm lược Ukraine và tại hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng này được cả hai nhà lãnh đạo xác định là những thành tựu đỉnh cao của mối quan hệ Trung-Nga.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ chung tay giải quyết nhiều vấn đề. Tuy nhiên, những cụm từ hoa mỹ, những nhận xét đường mật, và sự đồng thuận khiêm tốn không thể che giấu một số cân nhắc khó chịu liên quan đến mối quan hệ đối tác của họ. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết rằng sự hợp tác của họ sẽ “không có giới hạn” và “không có lĩnh vực hợp tác nào bị cấm”. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nóng lên, mối quan hệ Trung-Nga dường như cũng bền chặt hơn. Nhưng đó là một ảo tưởng.
Cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách tận dụng mối bang giao của họ mà không xác định rõ bản chất của nó. Hồi tháng 10/2019, ông Putin gọi đó là “mối quan hệ giống như một liên minh”, và vào năm 2021, ông đã hạ giọng bằng cách nói rằng “không giống như các nước NATO, chúng tôi không tạo ra bất kỳ liên minh quân sự khép kín nào hoặc bất kỳ khối quân sự nào giữa Nga và Trung Quốc. Không có căn cứ cho một cuộc đối thoại như vậy.”
Nhưng ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đáp lại nhận xét của ông Putin bằng cách nhấn mạnh hai nước “không phải là đồng minh nhưng thân thiết hơn đồng minh” hoặc “tốt hơn và hơn cả đồng minh”, tùy thuộc vào người dịch nhận xét của ông.
Trung Quốc sốt sắng nâng tầm quan hệ — hoặc ít nhất là tạo ấn tượng như thế — rằng Nga và Trung Quốc đã hợp lực để chống lại phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu. Tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm của ông Putin chủ yếu sử dụng luận điệu chống Mỹ của Trung Quốc, và ông Putin đã đạt được các hợp đồng dầu khí mới với Trung Quốc trị giá ước tính 117.5 tỷ USD. Tài khoản giao dịch sẽ được thanh toán bằng tiền tệ của chính họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Bắc Kinh và Moscow đã thành lập một mối liên hệ gần như liên minh của các quốc gia chuyên quyền để tranh giành vị thế thống trị thế giới.
Trên thực tế, cái gọi là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga không hơn gì một cuộc hôn nhân hợp đồng được tính toán kỹ lưỡng, bất chấp việc cả ông Tập và ông Putin đều muốn tăng cường quan hệ nhằm phá hoại nền dân chủ phương Tây và trật tự thế giới tự do.
Điều này chứng tỏ rằng ông Tập đã không thể khiến Nga cam kết xây dựng một liên minh vững chắc để bảo vệ và hỗ trợ lẫn nhau như ông Mao Trạch Đông đã làm vào năm 1950. Ông Putin đã không đạt được sự ủng hộ công khai của ông Tập dành cho Moscow trong tình trạng bế tắc liên quan đến Ukraine, mặc dù Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ Nga bằng cách cáo buộc Hoa Kỳ, mà không nêu đích danh, về sự bành trướng không ngừng của NATO và tâm lý Chiến Tranh Lạnh đang làm căng thẳng xung quanh Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn.
Điều này là do ông Tập không thể mạo hiểm đánh mất các thị trường vô giá của phương Tây. Thương mại của Trung Quốc với hai đối tác thương mại lớn nhất – Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu – đạt tổng cộng hơn 1.6 ngàn tỷ USD vào năm 2021. Cũng trong năm đó, Trung Quốc đạt gần 400 tỷ USD xuất siêu chỉ riêng với Hoa Kỳ. Sự thù địch công khai với phương Tây sẽ gây nguy hiểm cho nguồn thu rất cần thiết của Trung Quốc, và phá vỡ thời kỳ chiến lược của nước này để chờ thời cơ và tạo thế sẵn sàng.
Trong khi đó, ông Putin nắm giữ các quân bài của mình bằng cách tránh thành lập một liên minh phòng thủ tập thể với Trung Quốc, điều mà Liên Xô trước đây cũng đã làm. Tuy nhiên, điều đó đã kết thúc tồi tệ đối với Liên Xô khi ông Mao cố gắng thay thế ông Nikita Khrushchev để trở thành lãnh đạo của thế giới cộng sản.
Ông Putin biết rằng Trung Quốc rõ ràng có thể giảm bớt hoặc gạt bỏ các lợi ích của Nga nếu nước này cần làm như vậy mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức mạnh hoặc vị thế toàn cầu của Trung Quốc. Quan trọng hơn, ông Putin muốn hưởng lợi từ tình thế mà người Trung Quốc gọi là “Trai cò đánh nhau” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, (Hoa ngữ là “Duật bạng tương tranh, ngư ông đắc lợi”, nghĩa là trong trận chiến giữa trai và cò, chỉ ngư ông là người được lợi vì cả hai con vật đều mắc lưới), để khôi phục lại quá khứ vinh quang của Nga.
Trong bài bình luận của ông Putin được đăng trên tờ báo Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc trước chuyến thăm của ông, ông kiềm chế chỉ trích Hoa Kỳ mà tập trung vào hợp tác với Trung Quốc để đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định. Nhưng những giao dịch hấp dẫn của ông Tập khiến ông khó cưỡng lại việc cho phép mình bị lợi dụng.
Giống như Josef Stalin đã làm với ông Mao, ông Tập muốn đưa ông Putin vào tầm kiểm soát của mình bằng cách thiết lập sự phụ thuộc vào Trung Quốc, để ông ta có thể thành lập một liên minh chống Mỹ, và đồng thời có được công nghệ và vũ khí quân sự tân tiến hơn của Nga nhằm chuẩn bị cho cuộc đọ sức cuối cùng với Hoa Kỳ. Ông Putin muốn sử dụng tiền của Trung Quốc để giải cứu nền kinh tế Nga, và cũng muốn có được sự ủng hộ của ông Tập đối với cuộc xâm lược Ukraine trong khi không cam kết liên minh quân sự.
Ông Putin có thể nghĩ rằng ông ta có thể đạt được cả hai mục đích này cùng một lúc. Nhưng hành động này sẽ khiến ông ta mất khả năng nghiêng về phương Tây. Năm này qua năm khác, Nga sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc và ông Tập sẽ kiểm soát ông Putin ngày càng chặt chẽ hơn. Sự thù địch của ông Putin đối với phương Tây sẽ bảo đảm là không có đường lui dễ dàng. Tại một trong những khúc quanh trớ trêu của lịch sử, Nga đã trở thành quân tốt của Trung Quốc. Khác xa so với vị thế thống trị của Liên Xô đối với Trung Quốc trong thế kỷ trước.
Ông Putin đã đặt Nga vào một con đường có thể phải trả giá bằng nền độc lập của đất nước. Ông nên biết rõ hơn rằng ông Tập quyết tâm phục thù cho thế kỷ ô nhục và hổ thẹn của Trung Quốc, và thực hiện giấc mơ phục hưng Trung Hoa, có thể bao gồm hơn 5 triệu km vuông lãnh thổ Trung Quốc đã được nhượng cho Nga – điều mà chính phủ Liên Xô đã hứa trả lại nhưng không làm thế. Những người theo chủ nghĩa dân tộc của ông Tập hiện đang yêu cầu khôi phục. Trung Quốc cũng tiếp tục đánh cắp bí mật quân sự của Nga từ Nga và thâm nhập vào giới tinh hoa của họ thông qua tham nhũng, và sự ngờ vực ngày càng tăng sẽ làm suy yếu mối quan hệ đối tác này.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính của phương Tây đối với ông Putin sẽ không có tác dụng trừ khi Trung Quốc cũng bị trừng phạt. Mặc dù liên minh Trung-Nga là một cuộc hôn nhân hợp đồng, nhưng họ là một trục xấu, đặc biệt vì ông Putin đã bảo đảm có được sự hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh trước cuộc xâm lược Ukraine.
Trước mắt, phương Tây phải nhận ra rằng bất kỳ lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính nào nhắm vào ông Putin sẽ không có tác dụng trừ khi Trung Quốc cũng bị trừng phạt, vì Nga chắc chắn sẽ dựa vào Trung Quốc để vượt qua các lệnh trừng phạt mới của phương Tây.
Nhưng về lâu dài, phương Tây phải ngăn không cho cuộc hôn nhân hợp đồng giữa Trung Quốc và Nga biến thành một cuộc tình thực sự. Khi hai nước thành lập một liên minh chuyên quyền, họ có thể kết hợp sức mạnh kinh tế của Trung Quốc với sức mạnh quân sự của Nga, khiến họ trở thành địch thủ đáng gờm nhất đối với các nền dân chủ.
Chính phủ Hoa Kỳ nên đưa ra một chiến lược để chia rẽ Nga và Trung Quốc – không phải thông qua việc dàn xếp cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, mà thông qua hỗ trợ kinh tế có ý nghĩa nhằm phá vỡ liên minh Trung-Nga và bảo đảm rằng luôn có nhiều biện pháp kiềm chế đối với sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên chính trường quốc tế.
Ông Bradley A. Thayer là thành viên sáng lập của Ủy ban về Mối nguy hiện tại: Trung Quốc và là đồng tác giả cuốn sách “Cách Trung Quốc nhìn thế giới: Chủ nghĩa Trung tâm và Cán cân Quyền lực trong Chính trị Quốc tế”.
Tiến sĩ Lianchao Han đã làm việc tại Thượng viện Hoa Kỳ trong 12 năm, với tư cách là cố vấn lập pháp và giám đốc chính sách cho ba Thượng nghị sĩ đang làm việc của Hoa Kỳ. Ông là một chuyên gia về phát triển kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Ông tốt nghiệp Đại học Ngoại giao Trung Quốc, Đại học Yale, Đại học George Mason, và Đại học Johns Hopkins.
Bradley A.Thayer và Lianchao Han thực hiện
An Nhiên biên dịch