Quỳnh Anh
Trong những ngày qua, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã tăng lên đáng kể do hành động xâm lược Ukraine của Nga. Một số chuyên gia Nga cho rằng, trong khi công khai tuyên bố không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, Bắc Kinh đang lợi dụng việc Nga đối đầu với phương Tây để đẩy nhanh việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga.
Theo trang web Secretmag của Nga đưa tin hôm thứ Tư (2/3), nhà khoa học chính trị Nga Dmitri Abzalov trong một lần xuất hiện với tư cách khách mời trên chương trình “Bí mật doanh nghiệp” của phương tiện truyền thông cho biết ĐCSTQ đã bắt đầu tích cực thâm nhập vào các dự án năng lượng, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga, do đó sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất tránh được suy thoái.
Các chuyên gia Nga chỉ ra rằng cuộc đối đầu với phương Tây đã cản trở nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga ở phía tây, và đây là cơ hội hiếm có cho Trung Quốc ở phía đông.
Vào ngày 1/3, Nord Stream 2 AG, một công ty con của Gazprom và là nhà điều hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2, đã sa thải hơn 100 nhân viên. Một số phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin rằng công ty đã phá sản. Nhưng một đại diện của công ty sau đó đã lên tiếng phủ nhận.
Trước đó, Nord Stream 2 AG đã bị Hoa Kỳ trừng phạt, và Đức cũng đình chỉ chứng nhận dự án đường ống dẫn khí đốt. Sau đó, giá khí đốt trên thị trường châu Âu tăng 59% lên mức kỷ lục mới hơn 2.200 USD/1.000 mét khối.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 2, Gazprom đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để xây dựng đường ống dẫn khí đốt Soyuz Vostok. Đây sẽ là phần mở rộng của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ‘Power of Siberia 2’ của Nga, có thể vận chuyển 50 tỷ mét khối nhiên liệu cho Trung Quốc qua Mông Cổ mỗi năm.
Theo ông Dmitri Abzalov, hiện tại Bắc Kinh đang cố gắng mua lại cổ phần trong các công ty năng lượng lớn của Nga để thay thế cho các cổ đông châu Âu. Trước đó, chẳng hạn, công ty dầu mỏ Anh Quốc đã buộc phải quyết định bán cổ phần Rosneft của mình và rời khỏi hội đồng quản trị của gã khổng lồ năng lượng này.
Nhà khoa học chính trị người Nga cho rằng: “Trung Quốc sẽ nỗ lực để có được các nguồn năng lượng của Nga, và việc cung cấp các nguồn năng lượng này sẽ không bị bên thứ ba cắt đứt. Vì chúng sẽ thông qua đường ống chứ không phải bằng đường biển như LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng)”.
Nhưng ông cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể phải đối mặt với “tác dụng ngược” khi nói đến năng lượng. Do chi phí dầu khí ở châu Âu đã vượt quá giới hạn và hiện sẽ giảm xuống, nên giá khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc sẽ tăng lên.
Ông cũng nói thêm rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực luyện kim, CNTT và nông nghiệp cũng sẽ được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là khi Trung Quốc sẽ thu được nhiều đậu nành và phân kali của Nga.
Chuyên gia Nga tin rằng Bắc Kinh sẽ không bỏ lỡ cơ hội lịch sử này để Nga đối đầu trực tiếp với phương Tây và sử dụng nó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính mình.
Ông Abzalov cho biết: “Dự kiến trong thời gian hai tuần, khi phần còn lại của thế giới có thể ở trong một ‘địa ngục’ lạm phát hoặc thậm chí là suy thoái, Trung Quốc có thể là quốc gia duy nhất có GDP vẫn trên 0″.
Ngoài ra, truyền thông Nga bình luận rằng, đằng sau sự ủng hộ công khai đối với Nga, Bắc Kinh đã âm thầm tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết nước này “kiên quyết phản đối mọi biện pháp trừng phạt bất hợp pháp, đơn phương chống lại Nga” và có kế hoạch tiếp tục hợp tác với Nga trong lĩnh vực thương mại.
Theo Bloomberg, ít nhất hai ngân hàng lớn của Trung Quốc đã hạn chế quỹ mua hàng hóa của Nga sau chiến dịch quân sự của Nga chống lại Ukraine. Những hạn chế này liên quan đến việc đình chỉ phát hành thư tín dụng mệnh giá đô la Mỹ.
Hoa Kỳ hôm Chủ nhật (27/2) đã kêu gọi Trung Quốc lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga. Người phát ngôn Toà Bạch Ốc Psaki cho biết trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC rằng Bắc Kinh đã thực hiện một số biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc xâm lược của Nga, đồng thời lên tiếng ủng hộ chủ quyền của Ukraine vào tuần trước.
Truyền thông Nga lưu ý rằng, như người phát ngôn Toà Bạch Ốc nói, Bắc Kinh thiên về tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ nên sẽ không thực sự giúp Nga đối phó với sức ép từ phương Tây.
Theo Epoch Times