Bảo Nguyên
Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang mang tới bài toán khó cho Trung Quốc, một đồng minh của Nga. Cuộc xung đột đe dọa mối quan hệ thương mại quan trọng của Trung Quốc với cả Nga và Ukraine. Đây cũng là dịp để Trung Quốc thể hiện khả năng lãnh đạo thế giới thay thế cho Mỹ của mình.
Liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể đạt được các mục tiêu của mình?
Trung Quốc cần ủng hộ đồng minh của mình là Nga
Nhìn bề ngoài, Nga và Trung Quốc là đồng minh theo tuyên bố chung được công bố với thế giới vào ngày 04/02, có tiêu đề “Tuyên bố chung của Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về quan hệ quốc tế bước vào kỷ nguyên mới và sự phát triển bền vững toàn cầu”.
Tuyên bố chung thể hiện sự phản đối chung của hai nước đối với “sự mở rộng hơn nữa của NATO” và “các cuộc cách mạng màu”. Mặc dù Ukraine không được nhắc tới, nhưng đó là các vấn đề liên quan trực tiếp đến Ukraine, vì Ukraine đang tìm kiếm tư cách thành viên NATO và đã phát sinh cuộc cách mạng màu vào năm 2014.
Do đó, Nga sẽ mong đợi sự hỗ trợ về địa chính trị và ngoại giao ở một mức độ nào đó từ Trung Quốc cho cuộc xâm lược Ukraine. Sự ủng hộ của Trung Quốc đã được thể hiện trong việc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm lên án sự xâm lược của Nga đối với Ukraine. Tất nhiên, Nga đã phủ quyết, trong khi 11 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ và chỉ có hai quốc gia khác bỏ phiếu trắng: Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trên thực tế, Trung Quốc còn thể hiện sự ủng hộ thông qua việc không lên án sự xâm lược của Nga trong các tuyên bố ngoại giao chính thức. Điều này cung cấp cho người Nga sự ủng hộ về địa chính trị trong thời gian tới.
Dưới đây là một số tiêu đề gần đây về Ukraine trên các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc:
- Từ Nhật báo Bắc Kinh: “Chủ tịch Trung Quốc Tập gây sức ép buộc Putin đàm phán về vấn đề Ukraine” (26/02); và “Swift: việc loại bỏ Nga chủ yếu mang tính tượng trưng — đây là lý do tại sao” (01/03).
- Từ Nhật báo Trung Quốc: “Trung Quốc coi đối thoại là cách để giải quyết xung đột Ukraine” (27/02); và “Các cuộc đàm phán Ukraine-Nga phải được khuyến khích” (28/02).
- Từ Nhật báo Nhân dân: “Cầu mong hòa bình trở lại Ukraine” (28/02).
Không nhắc đến trừng phạt Nga, chỉ tập trung vào đối thoại, đàm phán và “hòa bình”. Không có gợi ý về các biện pháp trừng phạt nên được áp dụng đối với Nga. Trên thực tế, một bài xã luận đã hạ thấp giá trị một biện pháp trừng phạt đang được áp dụng khi cho rằng các biện pháp trừng phạt SWIFT do Liên minh châu Âu thực hiện về cơ bản là vô nghĩa. (SWIFT: Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu.)
Lợi ích địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại Ukraine
Tại sao Bắc Kinh lại tỏ ra chần chừ không ủng hộ “cuộc phiêu lưu ở Ukraine” của Moscow như đã thể hiện tới thời điểm này?
Bởi vì ĐCSTQ có một số mục tiêu địa chính trị và kinh tế ở Ukraine, điều làm phức tạp hóa quá trình ra quyết định của họ.
Một động lực cho sự bình tĩnh đang được Bắc Kinh thể hiện trong cuộc khủng hoảng này là mục tiêu của ĐCSTQ nhằm thay thế sự lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế. Mọi người đều biết nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách thực hiện “trật tự thế giới mới” dưới sự thống trị của ĐCSTQ, tập trung vào sự lãnh đạo của Bắc Kinh trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người.
Ông Tập liên tục được giới truyền thông nhà nước và các phái đoàn ngoại giao đề cao là nhà lãnh đạo thế giới, đồng thời làm suy yếu Mỹ bằng cách thúc đẩy một thế giới lưỡng cực và các giải pháp đa phương cho các vấn đề. Nền dân chủ và các liên minh của Mỹ bị chỉ trích bất cứ khi nào có cơ hội như một phần của cuộc chiến tranh tuyên truyền đang được ĐCSTQ áp dụng nhằm phá hoại trật tự quốc tế do Mỹ hậu thuẫn hiện nay.
ĐCSTQ tìm cách lợi dụng cuộc chiến Nga-Ukraine để chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong việc giúp giải quyết xung đột. Nhiệm vụ này đang trở nên dễ dàng hơn do thế giới đang thiếu đi sự lãnh đạo tích cực của Mỹ dưới thời chính quyền Biden vào thời điểm này.
Một mục tiêu kinh tế chính của ĐCSTQ là duy trì Ukraine như một cửa ngõ chính vào châu Âu và là trung tâm hậu cần cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, một con đường”). Trung Quốc đã thay thế Nga trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine kể từ năm 2019. Theo dữ liệu hải quan của chính quyền Ukraine, thương mại giữa Trung Quốc và Ukraine đã đạt 15,4 tỷ USD vào năm 2020 và gần 19 tỷ USD vào năm 2021.
Trung Quốc cũng tập trung vào việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Ukraine. Ukraine có khoảng 5% tổng tài nguyên khoáng sản của thế giới và là nước xuất khẩu quặng sắt lớn thứ ba thế giới, thứ tư về xuất khẩu titan (với những mỏ lớn nhất ở châu Âu), thứ tư về xuất khẩu ngô, thứ tám về xuất khẩu lúa mì, thứ bảy thế giới về sản xuất than, và nằm trong top 10 về sản xuất mangan. Trung Quốc không hề muốn chiến tranh Nga-Ukraine làm gián đoạn thương mại song phương với Ukraine!
Cuộc xâm lược của Nga có thể ảnh hưởng tới thương mại của Trung Quốc với Nga
Một mục tiêu kinh tế lớn khác của Trung Quốc là tiếp tục – và đúng hơn là mở rộng – thương mại song phương với Nga. Hai đối tác này – với Nga là nước xuất khẩu và Trung Quốc là nước nhập khẩu – đã ký kết một thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD vào năm 2014, một thỏa thuận thứ hai được ký trong năm nay đối với 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm trong 25 năm, một thỏa thuận mới được ký trong năm nay cho 100 triệu tấn than và đang có kế hoạch kí kết thêm việc cung cấp 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.
Thương mại song phương của hai nước đạt 104 tỷ USD vào năm 2020 và Nga sẽ ngày càng chú trọng mở rộng thương mại với Trung Quốc khi các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu một Trung Quốc nghèo tài nguyên có lựa chọn vi phạm các lệnh trừng phạt để tăng cường nhập khẩu hydrocacbon của Nga và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác hay không.
Trung Quốc muốn lợi dụng cuộc chiến để đưa đồng nhân dân tệ thay thế đồng USD
Một mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đưa đồng nhân dân tệ thay thế đồng USD trở thành đồng tiền tệ dự trữ chính của thế giới. Một điểm chính trong chiến lược của Trung Quốc là thay thế giao dịch dầu bằng đồng USD bằng đồng nhân dân tệ. Được tạo ra vào năm 1945 thông qua một thỏa thuận giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út, đồng USD được chỉ định làm tiêu chuẩn chung để giao dịch dầu trên thị trường thế giới.
Trung Quốc được biết đến là một nước thao túng tiền tệ. Nếu đồng nhân dân tệ thay thế đồng USD làm đồng tiền tệ dự trữ chính và trở thành tiêu chuẩn để giao dịch dầu mỏ, thì ĐCSTQ sẽ đạt được đòn bẩy địa chính trị và kinh tế to lớn trên toàn thế giới.
Với việc áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến SWIFT đối với Ngân hàng Trung ương Nga và các ngân hàng khác của Nga, Nga có thể bị buộc phải xuất khẩu dầu và khí đốt theo Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CLIPS) của Trung Quốc, như Asia Times suy đoán vào ngày 25/02. Nếu Nga chuyển sang sử dụng CLIPS, “việc Nga và Trung Quốc rời xa khỏi đồng USD sẽ được đẩy nhanh. Cả hai quốc gia đều đang xây dựng các hệ thống thanh toán cạnh tranh”. Điều đó dẫn đến việc rời xa đồng USD và chuyển sang dùng đồng nhân dân tệ – hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh.
Cuộc xung đột đang tạo ra bài toán khó cho Trung Quốc
Trung Quốc có các mục tiêu địa chính trị và kinh tế phức tạp và đan xen liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra. Mặc dù Trung Quốc và Nga là đồng minh và là đối tác thương mại quan trọng, nhưng việc Nga xâm lược Ukraine đang ảnh hưởng xấu đến thị trường dầu và khí đốt trên thế giới cũng như thương mại Ukraine-Trung Quốc. Một Trung Quốc nghèo năng lượng đang tìm kiếm nguồn cung cấp hydrocacbon ổn định từ Nga. Nguồn cung này có thể bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Cuối cùng, cuộc xâm lược của Nga đang củng cố sự hợp nhất, sự kiên định và quyết tâm của NATO/EU. Và sự kiên định và quyết tâm mới được tìm thấy đó là những điều cuối cùng mà ĐCSTQ muốn thấy khi cân nhắc về lợi ích và tổn thất của một cuộc tấn công đổ bộ xuyên eo biển vào Đài Loan.
Làm thế nào mà ĐCSTQ sẽ cân bằng những lợi ích đối lập này để theo đuổi các mục tiêu của mình trong khi vẫn duy trì “sự ổn định trong nước” mà nó rất coi trọng? Đây là một bài toán khó cho những người cộng sản.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Tác giả Stu Cvrk là một Thuyền trưởng/Đại úy về hưu sau 30 năm phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Ông đã giữ nhiều chức vụ thường trực và dự bị khác nhau, với kinh nghiệm hoạt động dày dặn ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm khi làm nhà phân tích hệ thống kiêm nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục truyền thống và tự do – điều đóng vai trò nền tảng cho các bài bình luận chính trị của ông.
Bảo Nguyên
Theo The Epoch Times