Thời kỳ bất ổn mới

Vũ Hiến

Cuộc xâm lăng của Nga vào nước láng giềng Ukraine, từ nhiều tháng qua đã được các nước phương Tây dự đoán nhưng đồng thời cũng bị Nga cương quyết phủ nhận, cuối cùng đã xảy ra.

Nga tấn công Ukraine – nguồn wsj.com

Vào rạng sáng thứ Năm 24/2, quân đội Nga đã tràn qua biên giới, và máy bay cùng hoả tiễn của Nga tung ra một loạt cuộc tấn công tại nhiều thành phố và phi trường của Ukraine. Các cuộc tấn công trải dài nhiều khu vực, vượt xa khỏi những tỉnh dọc theo biên giới nơi từng xảy ra những cuộc giao tranh lẻ tẻ giữa hai quốc gia trong nhiều năm qua.

Chính phủ Ukraine gọi đây là “một cuộc tấn công toàn diện từ nhiều phía” và kêu gọi thế giới phải có giải pháp cứng rắn hơn nữa với Nga.

Nhiều vụ nổ lớn có thể nghe được quanh thủ đô Kyiv cũng như tại hơn một chục thành phố khác. Tại một phi trường nằm ở ngoại ô Kyiv, nhiều cuộc tấn công bằng hoả tiễn nhắm vào mục tiêu là những chiến đấu cơ của quân đội Ukraine đang đậu ở đó. Tại thành phố cảng Odessa nằm ở phía nam, quân đội Nga từ ngoài biển đã cập vào bờ. Tại thành phố Lutsk – nằm ở vị trí góc tây bắc của Ukraine, gần với biên giới Ba Lan hơn là Nga – nhiều tiếng nổ lớn cũng đã được ghi nhận.

Nhiều người dân Ukraine vội vã tìm nơi trú ẩn tại các trạm xe buýt và xe điện ngầm. Trong khu vực thủ đô Kyiv, cảnh người dân chất đồ lên xe và nối đuôi nhau thành những hàng dài tìm cách rời khỏi thành phố, trong khi nhiều người khác chọn ở lại. Tại khu vực phía đông Ukraine, nhiều người xếp hàng tại các máy ATM để rút tiền và nhiều xe hơi xếp hàng tại các trạm xăng, nhưng tình trạng hỗn loạn hầu như không có. Dường như người dân Ukraine đã chuẩn bị tinh thần từ lâu để trực diện với một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi.

Trong những báo cáo đầu tiên cho biết lực lượng quân đội Ukraine đã bắn rớt 6 chiến đấu cơ và một trực thăng của Nga trong một số cuộc đụng độ căng thẳng để duy trì quyền kiểm soát các thành phố. Quân đội Ukraine cũng tuyên bố, trong thời điểm đầu ngày thứ Năm, là đã đẩy lùi được các cuộc tấn công của Nga tại hai thành phố lớn: Chernihiv, nằm ở phía bắc gần biên giới Belarus, và Kharkiv, nằm ở phía tây bắc gần biên giới Nga.

Xuất hiện trên truyền hình chỉ ít phút trước khi các cuộc không tập bắt đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông quyết định khởi động cuộc chiến với Ukraine sau khi có lời kêu gọi giúp đỡ từ các nhà lãnh đạo của hai khu vực ly khai do Nga kiểm soát là Donetsk và Luhansk mà một ngày trước đó ông đã lên tiếng công nhận tình trạng độc lập của họ (sic). Trong khi ông Putin nói rằng các kế hoạch tấn công của ông không bao gồm việc chiếm đóng Ukraine, các hoạt động quân sự dọc theo biên giới Ukraine trong nhiều ngày qua cho thấy điều ngược lại. Nếu Nga tiếp tục gia tăng tấn công, dựa trên nhiều nguồn phân tích tình báo, với quân số và sức mạnh vượt trội về vũ khí, quân đội Nga có thể chiếm thủ đô Kyiv chỉ trong ít ngày.

Trong gần 80 năm kể từ Thế chiến II chấm dứt đã có khoảng vài chục cuộc chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, theo nhận định trong một bài báo của tờ New York Times, cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine lần này rất khác so với hầu hết các cuộc chiến tranh kia. Nó sẽ là dấu hiệu cho thấy thế giới có thể đang bước vào một thời kỳ mới đáng báo động mà trong đó các thể chế độc tài đang ngày càng gia tăng.

Những địa điểm bị tấn công vào rạng sáng thứ Năm 24/2 – Wall Street Journal

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine lần này sử dụng một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới để tiến hành một cuộc xâm lăng vào một quốc gia láng giềng dựa trên những lý do hoàn toàn không chính đáng. Mục tiêu rõ ràng ở đây là để bành trướng sức mạnh thống trị trong khu vực, có thể là qua việc sáp nhập hoặc cũng có thể là qua việc thành lập một chính phủ bù nhìn.

Kể từ Thế chiến II kết thúc có thể nói chỉ có một số rất ít vụ xung đột vũ trang phù hợp với sự mô tả nói trên. Một số cuộc chiến tranh tương tự gần giống nhất là cuộc xâm lăng của Liên Xô vào A Phú Hãn trong thập niên 1970, Tiệp Khắc thập niên 1960 và Hung Gia Lợi thập niên 1950 – cũng như việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 của Vladimir Putin. Về phần Hoa Kỳ, có thể kể đến vụ tấn công chớp nhoáng vào Panama thập niên 1980, và gần đây hơn là cuộc chiến tại Iraq.

Tuy nhiên, các cường quốc hùng mạnh nhất thế giới rất hiếm khi sử dụng vũ lực để mở rộng ranh giới hoặc thiết lập những thể chế nhà nước phụ thuộc trong khu vực kiểm soát của họ. Thay vào đó, các cường quốc này thường tuân thủ theo các hiệp ước và quy tắc quốc tế được thiết lập từ giữa thập niên 1940. Nhờ đó mà Âu châu đã được hưởng một thời kỳ khá ổn định.Xem thêm:   Nhật Ngân “chỉ bên mẹ là mùa Xuân thôi”

Tình trạng tương đối hoà bình này đã mang lại những lợi ích to lớn. Mức sống của người dân tăng cao, với tuổi thọ kéo dài hơn, sức khoẻ tốt hơn và cuộc sống thoải mái hơn so với những thế hệ trước đó. Trong mấy thập niên gần đây, sự phát triển đạt mức cao nhất là ở những quốc gia có lợi tức thấp hơn. Theo ghi nhận của một số học giả, chiến tranh sụt giảm đã đóng một vai trò trung tâm: Bước vào đầu thế kỷ 21, tỷ lệ người chết trong các cuộc xung đột vũ trang đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine là một hình thức chiến tranh từng phổ biến trước đây và hầu như đã biến mất tại Âu châu trong gần 80 năm qua. Nó liên quan tới một quốc gia hùng mạnh đang tìm cách mở rộng sự thống trị trong khu vực bằng cách chiếm lấy một quốc gia láng giềng. Hình thức chiến tranh nói trên – một cuộc chiến tranh xâm lược tự nguyện – sẽ là dấu hiệu cho thấy ông Putin tin tưởng rằng thời kỳ tương đối ổn định tại Âu châu đã chấm dứt và rằng Hoa Kỳ, Liên minh Âu châu và đồng minh của họ đã trở nên quá nhu nhược không có đủ ý chí để chấp nhận và đương đầu với những hậu quả tồi tệ một khi chiến tranh xảy ra.

Theo nhận định của tác giả Anne Applebaum viết trên tạp chí The Atlantic, ông Putin và nhóm nhân vật thân cận của ông ta là một phần của giai cấp lãnh đạo chuyên chế mới, cùng với giới lãnh đạo của Trung Quốc, Iran và Venezuela hiện nay, là những thành phần lãnh đạo quốc gia “không quan tâm đến các hiệp ước và các văn bản ký kết mà chỉ tôn trọng tới thứ quyền lực cứng.”

Người dân thủ đô Kyiv đang ẩn trú tại một trạm xe điện ngầm – nguồn Reuters

Ðó là lý do tại sao nhiều người dân Ðài Loan nhận thấy tình hình tại Ukraine hiện nay là điều đáng lo ngại cho tương lai của quốc gia họ. Theo ý kiến của ông Lại Di Trung (Lai I-chung), một giới chức chính phủ Ðài Loan, nếu các cường quốc phương Tây thất bại trong việc đối đầu với Nga lần này, họ sẽ khiến giới lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ nghĩ ngợi, tính toán về hành động của họ đối với Ðài Loan.

Nhiều nhà nghiên cứu trong lãnh vực khoa học chính trị đã cảnh báo từ vài năm qua nói rằng nền dân chủ đang suy giảm trên khắp thế giới. Tổ chức Freedom House, chuyên theo dõi sinh hoạt chính trị của các quốc gia trên thế giới, đã đưa ra phúc trình cho biết tình hình tự do chính trị toàn cầu đã suy giảm đều đặn mỗi năm kể từ 2006. Năm ngoái, Freedom House đưa ra kết luận rằng “số quốc gia đang trải qua sự suy thoái nhiều hơn số quốc gia có được sự cải thiện với tỷ lệ khác biệt lớn nhất được ghi nhận kể từ khi xu hướng tiêu cực trên bắt đầu.”

Sự kiện Nga xâm chiếm Ukraine sẽ góp phần vào tiến trình suy thoái dân chủ nói trên theo một cách mới: Một chế độ chuyên chế sẽ chiếm lấy một chế độ dân chủ bằng vũ lực.

Ukraine là một quốc gia dân chủ có dân số hơn 40 triệu người, với một tổng thống thân Tây phương, Volodymyr Zelensky, năm 2019 thắng 73 phần trăm số phiếu tại vòng bầu cử cuối cùng. Chiến thắng đó và các cuộc thăm dò gần đây đều chỉ ra cho thấy hầu hết người dân Ukraine muốn sống trong một quốc gia giống như các quốc gia châu Âu nằm ở phía tây – và Hoa Kỳ – hơn là giống nước Nga hiện tại.

Nhưng ông Putin tin rằng các thể chế dân chủ tự do đang bị suy thoái, và có lẽ ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc cũng có chung quan điểm này.

Các thế hệ lãnh đạo tại Âu châu thời hậu thế chiến đã tự thuyết phục rằng việc sử dụng vũ lực không còn cần thiết để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Họ tin rằng giải pháp ngoại giao, được hỗ trợ bởi luật pháp và các định chế quốc tế, là cách duy trì hòa bình của thế kỷ 21. Quan niệm bồ câu này dường như đang trở nên lỗi thời. Nếu các cường quốc phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, không nhanh chóng thay đổi chính sách cứng rắn hơn và sẵn sàng trực tiếp đối đầu với các đối thủ chuyên chế, cho dù phải dùng vũ lực, khu vực châu Âu, và có thể khu vực Ðông Á nữa, đang bước vào một thời kỳ bất ổn mới.

Related posts