Đinh Yên Thảo
Nga đã chính thức tấn công vào Ukraine hồi tuần qua, mở màn cho một cuộc chiến tranh không tiền lệ trong vài chục năm qua. Cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga đang là một vấn đề thời cuộc nóng hổi trên chính trường thế giới. Đây không chỉ là sự tranh chấp mang tính khu vực mà có thể gây ra những ảnh hưởng dây chuyền khi giá dầu thế giới đã tăng rất cao và thị trường chứng khoán tụt giảm sau khi chiến tranh xảy ra. Chuyên mục mời các bạn cùng tìm hiểu thêm đôi nét về đất nước Ukraine này nhân câu chuyện thời cuộc.
Lịch sử
Ukraine là quốc gia Ðông Âu, giáp biển Hắc Hải, nằm giữa Ba Lan, Romania và Moldova ở phía Tây và Nga ở phía Ðông. Ukraine có dân số khoảng 44 triệu dân, bao gồm khoảng 78% là người Ukraine và Nga là 17%, cùng một số nhỏ các sắc dân khác.
Ukraine hay còn gọi là Nga-Kiev từng là trung tâm của đế chế Ðông Slav đầu tiên vào thế kỷ 10 và 11, một đại công quốc lớn và hùng mạnh bậc nhất tại châu Âu. Bị suy yếu bởi các cuộc tranh giành quyền lực và các cuộc xâm lược của Mông Cổ, Nga-Kiev sáp nhập vào Lithuania và cuối cùng vào khối thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania. Di sản văn hóa và tôn giáo của Nga-Kiev đã đặt nền móng cho chủ nghĩa dân tộc Ukraine qua các thế kỷ tiếp theo.
Trong suốt nửa cuối thế kỷ 18, phần lớn lãnh thổ Ukraine đã bị nhập vào đế chế Nga. Sau cuộc Cách Mạng Nga năm 1917, Ukraine có được một thời kỳ độc lập ngắn ngủi từ 1917-20, nhưng rồi bị tái chiếm và nằm dưới một chế độ thống trị khắc nghiệt của Liên Xô, đã gây ra hai nạn đói vào năm 1921-22 và 1932-33 làm 8 triệu người chết. Ðến Ðệ Nhị Thế Chiến, lại bị thêm khoảng 7 đến 8 triệu người chết.
Chính trị
Ukraine giành được độc lập vào năm 1991 sau khi Liên bang Xô-Viết sụp đổ và được Hoa Kỳ cùng các quốc gia công nhận. Nền dân chủ và phát triển của quốc gia này vẫn còn khó khăn do hệ lụy của cơ chế quốc doanh và nạn tham nhũng phổ biến đã làm đình trệ các nỗ lực cải cách kinh tế, tư nhân hóa và sự tự do dân sự.
Cuộc “Cách mạng Cam” vào cuối năm 2004 đã buộc chính phủ đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống gian lận và cho phép một cuộc bỏ phiếu mới có quốc tế giám sát. Những cuộc bầu cử và giành phiếu cử tri đã diễn ra giữa các nhà lãnh đạo mang xu hướng thân Nga hay khối Liên Âu và Mỹ đã diễn ra cho đến tháng 5 năm 2019, Tổng Thống Volodymyr Zelensky thân phương Tây đã đắc cử và giữ chức tổng thống cho đến hiện nay.
Cuộc đối đầu giữa Ukraine và Nga bắt đầu từ cuối tháng Hai năm 2014 khi Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh tấn công bán đảo Crimea của Ukraine với lý do bảo vệ người Nga sống tại đây và thực hiện một cuộc “trưng cầu dân ý” bất hợp pháp để sáp nhập Crimea vào nước Nga, đã bị Ukraine, khối EU, Hoa Kỳ và Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án. Kể từ đó, sự tranh chấp giữa Ukraine và Nga đã âm ỉ kéo dài đến hiện nay.
Kinh Tế
Sau Nga, Ukraine là nền kinh tế quan trọng nhất của Liên Xô cũ, cao gấp bốn lần so với các nước còn lại. Ðất đen màu mỡ chiếm hơn một phần tư sản lượng canh nông của Liên Xô và các trang trại đã cung cấp một khối lượng thịt, sữa, ngũ cốc và rau quả đáng kể cho các nước trong khối này. Ngành công nghiệp nặng đa dạng của Ukraine cũng đã cung cấp nhiều thiết bị thiết yếu cho khối Liên Xô cũ.
Sau độc lập vào tháng 8 năm 1991, chính phủ Ukraine đã thực hiện nền kinh tế tư nhân hóa, nhưng sự cải cách gặp phải sự phản kháng ngay trong chính phủ và cơ quan lập pháp, đã làm đình trệ các nỗ lực cải cách và dẫn đến một số rạn nứt về đường lối phát triển quốc gia. Từ năm 2000 cho đến giữa năm 2008, nền kinh tế Ukraine vẫn khởi sắc bất chấp những bất ổn chính trị nội bộ.
Việc Nga chiếm đóng Crimea và thái độ gây hấn liên tục của Nga tại miền Ðông Ukraine đã làm tổn hại đến việc tăng trưởng kinh tế. Từ đó Ukraine đã chuyển hướng hoạt động thương mại sang khối EU, thay thế Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khối này.
Quan hệ Ukraine-Hoa Kỳ
Ukraine là một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ tại Ðông Âu. Hoa Kỳ đã đóng vai trò rất lớn, cả về viện trợ quân sự và kinh tế từ năm 2008 nhằm giúp Ukraine trở thành một quốc gia dân chủ có nền kinh tế thị trường để gia nhập vào khối EU cùng NATO.
Hiến chương về quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Ukraine ký kết vào năm 2008 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và đề ra sự hợp tác trong các lãnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế và thương mại, năng lượng, dân chủ và văn hóa. Hiến chương này vừa được thay đổi vào tháng 11 năm 2021 vừa qua, trong đó Hoa Kỳ tái khẳng định mối quan hệ chiến lược, xem Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn, có biên giới được quốc tế công nhận, bao gồm cả Crimea đã bị Nga xâm chiếm và xem Ukraine là quan trọng trong nền an ninh Châu Âu và Hoa Kỳ nói riêng.
Hiến chương này cũng viết rằng, trong thế kỷ 21 này, các quốc gia không thể được phép vẽ lại đường biên giới bằng vũ lực, điều mà Nga đang làm với Ukraine. Ukraine là quốc gia độc lập có chủ quyền nên toàn quyền tự quyết và lựa chọn các liên minh của mình như gia nhập khối EU, NATO hay trở thành đồng minh với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ đứng về phía Ukraine và bảo vệ Ukraine theo như các điều khoản đã ký kết trong hiến chương.