Hàng loạt ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng trở nên tinh vi, có thể nhận diện và theo dõi từng cá nhân trong một cộng đồng được nhắm đến. Điều này có thể mang lại lợi ích, song cũng đi kèm không ít rủi ro.
Nhiều người đã lên tiếng cảnh báo và một số khác thậm chí phản đối việc các chính phủ lạm dụng các tiến bộ công nghệ sẵn có để kiểm soát gắt gao hơn công dân của mình – những người lẽ ra nên được chính phủ chăm lo và bảo vệ. Dù việc lạm dụng AI để kiểm soát đang trở thành xu hướng toàn cầu, nhưng đặc biệt hơn, chính quyền Trung Quốc đã và đang đầu tư phần lớn ngân sách để biến AI trở thành nền tảng quan trọng trong hệ thống của mình.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã chi hàng tỷ USD để phát triển, mua sắm và triển khai những tiến bộ công nghệ vượt bậc như nhận dạng khuôn mặt dễ dàng bằng AI và các phát triển kỹ thuật số khác để củng cố thêm mạng lưới giám sát công dân của mình, theo Fox News.
Chính quyền Trung Quốc kết hợp các công nghệ cũ và tiên tiến, bao gồm máy quét điện thoại, camera nhận dạng khuôn mặt, cơ sở dữ liệu khuôn mặt và dấu vân tay cùng nhiều công nghệ khác để tích hợp các hệ thống mạnh mẽ nhằm kiểm soát xã hội.
Khi các công cụ mạng này được phối hợp với nhau và cùng đi vào vận hành, cảnh sát Trung Quốc sẽ nắm được danh tính của những người đi bộ trên đường nhờ máy quay kỹ thuật số. Cảnh sát sẽ đánh giá xem liệu hành vi của người đi đường có gì bất thường so với tiêu chuẩn của Đảng đề ra hay không và tìm hiểu xem họ đang gặp ai, cũng như xác định họ có phải Đảng viên ĐCSTQ hay không.
Các nhà báo và sinh viên rơi vào tầm ngắm
Mặc dù các tổ chức chính phủ thường tuyên bố rằng các hệ thống giám sát sử dụng AI là nguồn lực cho phép bộ phận an ninh xác định và xử lý kịp thời các rủi ro an ninh và ổn định xã hội với phạm vi và độ chính xác cao hơn, nhưng dường như chúng cũng được sử dụng để hạn chế các quyền cơ bản của công dân.
Bầu cử ở Trung Quốc không hề có tính dân chủ, công dân không được tự do chọn ra những người đại diện của mình trong chính quyền, đồng thời quyền tự do ngôn luận cũng bị hạn chế bởi nó không phù hợp với sự độc tài của chế độ. Vì lý do này, các nhà báo và sinh viên nước ngoài đã lọt vào tầm ngắm của hệ thống giám sát tinh vi ở tỉnh Hà Nam, nơi các quan chức luôn định vị họ như “những người đáng ngờ”.
Theo Reuters đưa tin, hợp đồng đã được tỉnh Hà Nam ký kết với công ty công nghệ Trung Quốc Neusoft với trị giá 782.000USD vào ngày 17/9/2021. Theo đó, tại tỉnh này, một hệ thống tích hợp hàng nghìn camera nhận dạng khuôn mặt sẽ được liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia và khu vực. Độ chính xác của hệ mạch cho phép nhận dạng khuôn mặt ngay cả khi đối tượng đeo khẩu trang hoặc kính.
Tài liệu đấu thầu tuyên bố các nhà báo và sinh viên quốc tế là mục tiêu bị giám sát và yêu cầu nhân viên an ninh xác định vị trí, cũng như nhanh chóng kịp thời ngăn cản hoạt động của họ. Một đối tượng khác cũng được nhắm đến là “phụ nữ cư trú bất hợp pháp từ các quốc gia láng giềng”.
Donald Maye, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu giám sát IPVM có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Mặc dù Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bị ghi lại trong lịch sử cầm quyền về việc giam giữ và trừng phạt các nhà báo trong khi họ đang tác nghiệp, nhưng tài liệu đấu thầu này là ví dụ đầu tiên được biết đến về việc chính quyền Trung Quốc xây dựng công nghệ bảo mật tùy chỉnh để hợp lý hóa việc nhà nước trấn áp các nhà báo”.
Theo báo cáo gần đây nhất của tổ chức Phóng viên không biên giới, chính quyền Trung Quốc đứng đầu danh sách đàn áp các nhà báo nước ngoài với 127 nhà báo bị giam giữ. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng này là Myanmar với 53 trường hợp, tiếp theo là Việt Nam với 43 trường hợp, Belarus với 32 trường hợp và Ả Rập Xê Út với 31 trường hợp.
Trong số các nhà báo nước ngoài bị bắt giữ, có 19 nhà báo là phụ nữ. Nữ nhà báo kiêm nhà hoạt động của phong trào #MeToo ở Trung Quốc, cô Sofia Huang Xueqin, đã bị cáo buộc “lật đổ quyền lực nhà nước”. Bà Gulmira Imin, biên tập viên của trang mạng Salkin của người Duy Ngô Nhĩ, bị kết án tù chung thân vì theo “chủ nghĩa ly khai” và “tiết lộ bí mật quốc gia”. Còn Trương Triển (Zhang Zhan), nữ nhà báo đã được nhận Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2021 của Phóng viên Không Biên giới, cũng bị kết tội “tạo tranh cãi và gây bất ổn”, hiện cũng đang bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù trong điều kiện sức khỏe kém.
Vụ bê bối liên quan đến ứng dụng MY2022
Gần đây, sự giám sát chặt chẽ của ĐCSTQ đối với các nhà báo nước ngoài càng gia tăng, dẫn đến nổ ra một vụ bê bối liên quan đến ứng dụng MY2022 – ứng dụng mà chính quyền Trung Quốc buộc tất cả các nhà báo đưa tin về Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 phải cài đặt trên điện thoại di động của họ – ẩn chứa những rủi ro về quyền riêng tư và lỗ hổng bảo mật.
Các lỗ hổng liên quan đến quyền riêng tư trong ứng dụng này đã được phát hiện và công bố bởi nhóm nghiên cứu Citizen Lab thuộc Trường Munk về Các vấn đề toàn cầu và chính sách công tại Đại học Toronto, Canada. Ví dụ: một “lỗ hổng đơn giản nhưng mang tính phá hủy” là chức năng mã hóa của ứng dụng để bảo vệ tệp âm thanh và các tệp dữ liệu như các tờ khai y tế và hải quan của người dùng có thể dễ dàng bị tin tặc tấn công.
“Trong các nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã phát hiện ra danh sách từ khóa bị kiểm duyệt và giám sát trong các ứng dụng trò chuyện tương tự khác của Trung Quốc. Ví dụ, phiên bản MY2022 dành cho Android có một tệp tên là‘illegalwords.txt’, chứa danh sách 2.442 từ khóa thường được coi là nhạy cảm về mặt chính trị ở Trung Quốc”, Citizen Lab cho biết.
Các vận động viên cũng bị yêu cầu phải cài đặt ứng dụng. Những tiết lộ trên của Citizen Lab chính là lời xác nhận cho nỗi bất an bấy lâu của tổ chức thể thao Athleten Deutschland, Đức. Trong bài trả lời phỏng vấn với trang DW, tổ chức này đã bày tỏ: “Trung Quốc đã hoàn thiện bộ máy giám sát của mình, xóa sổ những người dám chỉ trích và vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn. Chúng ta không nên ngây thơ và xem nhẹ các viễn cảnh mà chúng ta không thể tưởng tượng được”.
Tháng 12/2021, Citizen Lab đã thông báo cho Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh về vi phạm an ninh của MY2022 nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Trung Quốc (FCCC) đã lên tiếng phản đối rằng các quy định của ĐCSTQ về cách tường thuật sự kiện thể thao là không rõ ràng và thiếu minh bạch, đồng thời kêu gọi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ban tổ chức Bắc Kinh cải thiện điều kiện tác nghiệp.
FCCC chỉ trích: “Năm ngoái, đoàn báo chí nước ngoài đã liên tục bị cản trở việc đưa tin về các hoạt động chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông, bị từ chối tham dự các sự kiện định kỳ và bị ngăn cấm đến thăm các địa điểm thể thao ở Trung Quốc”.
Tổ chức này cũng cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã luôn lừa dối dư luận trên tài khoản Twitter của nó, rằng“Với nỗ lực tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022, Trung Quốc đảm bảo chắc chắn rằng ‘các phương tiện truyền thông muốn đưa tin về Thế vận hội sẽ được tự do đưa tin… và cũng sẽ được tự do đưa tin về việc chuẩn bị cho Thế vận hội’”.
FCCC tiếp tục phàn nàn: “Thế mà năm ngoái, phần lớn các đoàn báo chí nước ngoài đã không được tham dự bất kỳ cuộc họp báo nào, thậm chí không được theo dõi các sự kiện theo thông lệ, chẳng hạn như các chuyến thăm địa điểm thể thao hay lễ rước đuốc Thế vận hội, trong khi các phương tiện truyền thông trong nước được quyền tự do tiếp cận”.
Áp lực đặt lên các nhà báo cả trong lẫn ngoài Trung Quốc
ĐCSTQ đã không hề kiêng nể mà mở rộng sự kiểm duyệt với cả các nhà báo bên ngoài biên giới lãnh thổ Trung Quốc. Một ví dụ là vào tháng 3 năm ngoái, các biên tập viên của tờ Honi Soit, tờ báo sinh viên của Đại học Sydney, Australia, đã xóa một bài báo nêu chi tiết vụ bê bối gây tranh cãi về hai giảng viên khoa kỹ thuật tại Đại học Sydney bị cáo buộc liên quan đến các chương trình tuyển dụng gây tranh cãi của chính quyền Trung Quốc, và hợp tác với các đại học Trung Quốc về nghiên cứu công nghệ quân sự.
Ngoài ra, các biên tập viên còn công bố “lời cáo lỗi chân thành” về những tổn hại được cho là đã gây ra cho hai học giả, cũng như cộng đồng Trung Quốc và độc giả, đồng thời không phủ nhận sự thật mà các nhà báo đã đưa tin. Sự kiểm duyệt này đã bị độc giả, các nhà phân tích và các chính trị gia chỉ trích mạnh mẽ, trong đó có Drew Pavlou, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng. Trong các dòng Tweet của mình, Pavlou đã chỉ trích quyết định này của nhà xuất bản và gọi đó là một điều đáng xấu hổ.
Ở trong nước, cơ quan quản lý Internet của chính quyền cộng sản từ lâu vốn đã khét tiếng về việc kiểm duyệt các nhà báo và những người bất đồng chính kiến, kiểm soát tuyệt đối tất cả các nội dung trực tuyến và xử phạt những nội dung đi ngược lại các nguyên tắc mà nó thiết lập.
Theo báo cáo của Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), hơn 20.000 tài khoản của những người dùng có ảnh hưởng trong xã hội Trung Quốc đã bị khóa hoặc xóa trong năm 2021 với cáo buộc “lạm dụng” và nhiều tài khoản khác bị đối xử tương tự vì không thúc đẩy các giá trị “xã hội chủ nghĩa cơ bản”.
Một trong những người bị khóa tài khoản mạng xã hội là La Xương Bình (Luo Changping), một nhà báo điều tra nổi tiếng đã sử dụng nền tảng Weibo của Trung Quốc để vạch mặt một quan chức kinh tế cấp cao của ĐCSTQ vào năm 2012.
Sự phổ biến của máy quay video ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, với số lượng camera dự kiến được cài đặt trong năm nay tăng lên 567 triệu máy, bình quân cứ 2-3 công dân thì có 1 camera giám sát công cộng.
Có thể kể đến Thái Nguyên, một thành phố của Trung Quốc với khoảng 4 triệu dân, được ước tính có tỷ lệ 117 camera/1.000 dân và“được cho là thành phố được theo dõi nhiều nhất thế giới năm 2021”, theo Comparitech đưa tin.
Về mặt kinh tế, những người được hưởng lợi nhiều nhất chính là các công ty chuyên sản xuất thiết bị giám sát như máy quay video và các chương trình tích hợp chúng với quy mô lớn, như tác giả Jonathan Hillman đã viết về công ty Hikvision:
“Với sự hỗ trợ thị trường trong nước hào phóng từ chính quyền và chiến lược chi phí thấp ở nước ngoài, Hikvision đã trở thành công ty giám sát nặng ký trên thế giới. Các cơ sở của nó có thể sản xuất hàng loạt với chất lượng kém khoảng 260.000 camera mỗi ngày, tức là trung bình 2 chiếc camera cho ba người ra lò mỗi ngày. Trong năm 2019, công ty này đã sản xuất gần 1/4 số camera giám sát trên thế giới, với hàng bán ra tại hơn 150 quốc gia”.
Tương tự như vậy, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực sản xuất hệ thống theo dõi được thành lập vào năm 2002, đã cung cấp cho ĐCSTQ:
- Hệ thống chỉ huy và giám sát cho mục đích quân sự
- Hệ thống nhận dạng khuôn mặt tự động hóa hồ sơ sắc tộc
- Một chương trình giám sát quân sự tổng hợp dữ liệu và đánh dấu các cá nhân bị cho là có khả năng gây rối, được ĐCSTQ sử dụng với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Vào năm 2017, chủ tịch CETC đã phát biểu: “Mục tiêu của chúng tôi là dẫn đầu sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc và xây dựng nền tảng an ninh quốc gia”.
Thiết lập quyền kiểm soát công dân dựa trên AI
ĐCSTQ đã lợi dụng AI để phục vụ cho tham vọng độc tài toàn trị của nó là kiểm soát tất cả công dân và toàn xã hội Trung Quốc. Trói buộc xã hội bằng những “điều răn” là cách mà ĐCSTQ đảm bảo cho chính quyền của nó tồn tại lâu dài, nó hoàn toàn không tôn trọng các quyền cơ bản của công dân như quyền tự do ngôn luận, tự do hiệp hội hay tự do tín ngưỡng.
ĐCSTQ tự đặt ra những tiêu chí để xác định công dân tốt – xấu trong xã hội, ngang nhiên bỏ qua các giá trị đạo đức, luân lý và tinh thần đã được truyền thừa và nuôi dưỡng tâm hồn hàng bao nhiêu thế hệ người Trung Quốc. Với bộ quy tắc ứng xử tự đặt ra ấy, Đảng sẽ đánh giá mức độ tuân thủ của người dân để quyết định khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của họ.
Kể từ năm 1950, ĐCSTQ đã xác định quản lý xã hội tốt sẽ đảm bảo cho chính quyền ổn định, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chính quyền. Cùng với sự xuất hiện của AI, quản lý xã hội đã trở thành vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
Theo tác giả Marianne von Blomberg bình luận vào năm 2018,“Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011) đã dành cả một chương để thảo luận về sự cần thiết phải đổi mới quản lý xã hội như một mục tiêu chính của chính phủ và về những gì nó có thể đạt được”.
Các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực truy lùng các hành vi đi ngược lại quy tắc mà ĐCSTQ áp đặt, bao gồm cả việc viết và chia sẻ những tư tưởng chống chính phủ.
Phần mềm AI sẽ phát hiện các hành vi vi phạm này và cảnh báo cho các quan chức. Công nghệ này đã phát triển đến mức có thể xác định các video và các bài đăng trên mạng xã hội có nội dung biểu tình chống chính phủ và chặn người dùng xem chúng.
Người dùng ứng dụng phải hết sức thận trọng tuân thủ theo các quy tắc, bởi vì dữ liệu Internet của họ có thể bị sử dụng để chống lại họ trong trường hợp xảy ra vi phạm.
Dữ liệu tiết lộ việc không tuân thủ các nghĩa vụ hợp đồng của một công ty cũng bị thu thập và có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định điểm tín dụng xã hội của công ty đó.
Giám sát thông qua AI không chỉ áp dụng riêng cho các nhà báo và sinh viên. Bên cạnh rất nhiều khiếu nại và biểu tình quốc tế về vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đã được đưa ra trong những năm qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng tuyên bố rằng việc ĐCSTQ sử dụng trí tuệ nhân tạo để chống lại người Duy Ngô Nhĩ bản địa, người theo đạo Thiên Chúa ngầm, các Phật tử Tây Tạng và những học viên Pháp Luân Công là vi phạm các chuẩn tắc đạo đức.
Một nhóm vận động hành lang đại học Úc đã cố gắng để rút lại một nghiên cứu AI nhận diện khuôn mặt “phi đạo đức” được tài trợ một phần bởi chính quyền Trung Quốc và có sự tham gia của một cựu Phó giáo sư Đại học Curtin.
Nhà cung cấp dịch vụ giáo dục Tây Úc cho biết họ đã phát hiện ra nhiều vi phạm đạo đức liên quan đến sự chấp thuận và phê duyệt được thông báo và họ tin rằng nó có thể được sử dụng để giám sát các nhóm đang bị bức hại.
“Đây là một ứng dụng được thiết kế để thu thập thông tin cơ bản về người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác”, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tố cáo, đồng thời bổ sung: “Chúng tôi biết rằng nhiều người đã bị đưa đến các trại cải tạo chính trị trên cơ sở thông tin thu thập được thông qua ứng dụng này”.
Về phần mình, Thượng nghị sĩ kiêm Chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo của Quốc hội Úc, James Paterson, cho biết: “Thật đáng báo động khi biết rằng một trường đại học của Úc đã tham gia vào một nghiên cứu mà rõ ràng có thể được sử dụng cho các mục đích hoàn toàn phi đạo đức”.
Các chính sách kiểm soát của chính quyền Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn đối với công dân nước này, thậm chí hiện nay còn gia tăng với việc lạm dụng AI như một công cụ giám sát, có thể gây ra hậu quả mất tự do cá nhân.
Về vấn đề này, tờ Hong Kong Post trích dẫn một báo cáo của nhóm nhân quyền Safeguard Democracy có trụ sở tại Tây Ban Nha rằng, theo chính sách Giám sát người dân tại một địa điểm được chỉ định (RSDL), chính quyền Trung Quốc có thể giam giữ bất kỳ người nào, dù là trong nước hay ngoại quốc, trong tối đa 6 tháng tại một địa điểm không được tiết lộ.
Ani News đã trích dẫn lại tờ Hong Kong Post vàongày 31/1:“Khoảng từ 27.000 đến 56.000 người có thể đã phải chịu sự giam cầm như vậy trong 7 năm qua. Hàng ngàn người khác được cho là đang bị giam giữ cho đến tận hôm nay. Chỉ riêng trong năm 2020, có lẽ hơn 10.000 người đã bị bắt giữ”.
Tác giả: Jose Hermosa – The BL
Thanh Tâm biên dịch