NATO lên án Nga, kêu gọi Trung Quốc không ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Moscow

Andrew Thornebrooke

(Phía trước, từ phải sang) Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Joe Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cùng các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu chụp ảnh nhóm tại Trụ sở chính NATO tại Brussels, hôm 24/03/2022. (Ảnh: John Thys/AFP/Getty Images)

NATO tái khẳng định cam kết của mình trong việc áp đặt những hậu quả kinh tế tàn khốc đối với Nga và lên án hành động xâm lược Ukraine của quốc gia này trong cuộc họp tại Brussels hôm 24/03. Liên minh này cũng kêu gọi chế độ cộng sản Trung Quốc ngừng hỗ trợ Nga.

“Cuộc chiến của Nga vào Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở Âu Châu và đang gây ra đau khổ và sự tàn phá to lớn cho con người,” 30 nhà lãnh đạo của liên minh NATO cho biết trong một tuyên bố chung.

“Chúng tôi lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể.”

Liên minh này cùng tái khẳng định quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời cho biết Ukraine giữ quyền tự vệ bất khả xâm phạm.

NATO kêu gọi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin ngừng ngay cuộc chiến ở Ukraine và rút các lực lượng quân sự của mình, đồng thời kêu gọi Belarus chấm dứt hành động đồng lõa của họ trong cuộc xâm lược này.

“Các biện pháp trừng phạt lớn và tổn thất chính trị nặng nề đã được áp đặt đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến này,” tuyên bố cho biết. “Chúng tôi vẫn quyết tâm duy trì áp lực quốc tế mang tính phối hợp đối với Nga.”

“Chúng tôi thống nhất trong quyết tâm chống lại những nỗ lực của Nga nhằm phá hủy nền tảng của an ninh và ổn định quốc tế. Chúng tôi sẽ buộc Nga và Belarus phải chịu trách nhiệm.”

Vai trò của Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo NATO kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngừng hỗ trợ Nga trong cuộc chiến này.

“Trung Quốc không được hỗ trợ kinh tế hoặc quân sự cho cuộc xâm lược của Nga,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh. “Thay vào đó, Bắc Kinh nên sử dụng ảnh hưởng đáng kể của mình đối với Nga. Và thúc đẩy một giải pháp hòa bình ngay lập tức.”

Những bình luận của ông Stoltenberg vừa đúng là những bình luận mới nhất về sự xấu đi trong mối bang giao giữa Trung Quốc và NATO sau những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm củng cố một liên minh với Nga chống lại phương Tây.

Hôm 04/02, ông Putin và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tuyên bố một liên kết đối tác “không có giới hạn”, và hồi tháng Ba, các quan chức Trung Quốc nhắc lại rằng Nga là “đối tác chiến lược quan trọng nhất” của Đảng này.

Kể từ đó, các nguồn tin tình báo phương Tây tuyên bố rằng các quan chức Trung Quốc đã biết trước về kế hoạch xâm lược của Nga và yêu cầu Nga trì hoãn mọi hành động thù địch cho đến khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc.

Bắc Kinh cũng đã cam kết tiếp tục quan hệ thương mại bình thường với Moscow trong bối cảnh chiến tranh và đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt đa phương mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Nga.

Hơn nữa, các nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi đầu tháng Ba đã tuyên bố rằng giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang cân nhắc khả năng cam kết hỗ trợ quân sự trực tiếp cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Moscow và Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.

Tổng thống Joe Biden đã nói rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “hậu quả” nếu nước này cam kết thực hiện một hành động như vậy, nhưng Tòa Bạch Ốc không đi vào chi tiết về những hậu quả đó sẽ là gì, hoặc chính xác là chúng sẽ được đưa ra như thế nào.

“Chúng tôi lo ngại trước những bình luận công khai gần đây của các quan chức [Trung Quốc] và kêu gọi Trung Quốc ngừng khuếch đại những câu chuyện sai sự thật của Điện Kremlin, đặc biệt là về chiến tranh và về NATO, đồng thời thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này,” tuyên bố hôm 24/03 của NATO cho biết.

Bình luận này dường như ám chỉ đến việc các nhà ngoại giao và thông tấn nhà nước Trung Quốc tuyên truyền các luận điểm của Nga, chẳng hạn như các câu chuyện về việc Hoa Kỳ duy trì các phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine cho một chương trình vũ khí sinh học, và rằng sự mở rộng của NATO là nguyên nhân cho cuộc xâm lược của Nga.

Ukraine đã không được xem xét để trở thành thành viên của NATO và, ngay cả khi họ nộp đơn, cũng sẽ bị từ chối, vì các điều luật của NATO ngăn cản việc thừa nhận bất kỳ quốc gia nào không duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ, như trường hợp của Ukraine kể từ khi Crimea bị thôn tính vào năm 2014.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, bao gồm cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), duy trì trật tự quốc tế bao gồm các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, như được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, không ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga theo bất kỳ cách nào, và kiềm chế bất kỳ hành động nào giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt,” tuyên bố cho biết.

ĐCSTQ là mối đe dọa toàn cầu

Việc NATO chỉ đích danh ĐCSTQ đánh dấu diễn biến mới nhất trong định hướng chiến lược hiện tại của liên minh phương Tây. Liên minh dự kiến ​​sẽ định danh chính quyền Trung Quốc là một thách thức an ninh quan trọng trong tài liệu “Khái niệm Chiến lược” của họ vào cuối năm nay.

Khái niệm Chiến lược có tầm quan trọng thứ hai chỉ sau hiến chương thành lập của NATO và xác định chiến lược bao trùm của liên minh. Chiến lược mới này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc được đề cập trong một tài liệu như vậy.

Tuy nhiên, tuyên bố của NATO đưa ra hôm thứ Năm (24/03) nói rằng hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh Âu Châu-Đại Tây Dương trong nhiều thập niên,” cho thấy rằng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc chiến sẽ được làm sáng tỏ trong bối cảnh đó.

Hồi đầu tháng Ba, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ đã cảnh báo Quốc hội rằng hợp tác Trung-Nga sẽ chỉ phát triển trong những năm tới.

Một số chuyên gia cũng tin rằng chế độ cộng sản Trung Quốc muốn Nga bị cô lập hơn nữa vì sự cô lập như vậy sẽ làm cho Moscow ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh, và do đó, làm tăng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Vì vậy, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc có thể được coi là tăng trưởng theo tỷ lệ nghịch với Nga.

Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của họ phải đối mặt với mối đe dọa chưa từng có nếu kho vũ khí hạt nhân của Nga và của Trung Quốc hợp sức lại.

Tội ác chiến tranh của Nga

Áp lực ngày càng tăng đối với chế độ cộng sản Trung Quốc trong việc chấm dứt hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga theo sau những diễn biến khác trong cuộc chiến tuần này.

Trong một vụ việc, một phó thủ tướng Ukraine đã cáo buộc nhà sản xuất thiết bị không người lái DJI của Trung Quốc đã làm giảm hiệu suất của các sản phẩm của họ ở Ukraine. Trong một diễn biến khác, Hoa Kỳ chính thức thừa nhận tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Hôm thứ Tư (23/03), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã xác nhận rằng quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine và Hoa Kỳ đã nắm giữ bằng chứng về điều đó từ các nguồn tin tình báo mở. Tin tức đó được đưa ra sau thông báo về một cuộc điều tra quốc tế về vấn đề này hôm 02/03.

“Chúng tôi đã thấy nhiều báo cáo đáng tin cậy về các cuộc tấn công bừa bãi và các cuộc tấn công cố tình nhắm vào dân thường, cũng như các hành động tàn bạo khác,” ông Blinken cho biết trong một tuyên bố chuẩn bị trước.

“Quân đội Nga đã phá hủy các tòa nhà chung cư, trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng quan trọng, xe dân dụng, trung tâm mua sắm và xe cứu thương, khiến hàng ngàn dân thường vô tội thiệt mạng hoặc bị thương.”

Ông Blinken nói thêm rằng các cuộc tấn công bao gồm cả các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào một bệnh viện phụ sản và một nhà hát được đánh dấu bằng từ tiếng Nga có nghĩa là “trẻ em” để báo hiệu rằng nó đang được sử dụng để làm nơi trú ẩn cho các gia đình thường dân.

Ông Blinken cho hay: “Các lực lượng của ông Putin đã sử dụng những chiến thuật tương tự ở Grozny, Chechnya và Aleppo, Syria, nơi họ tăng cường bắn phá các thành phố để phá vỡ ý chí của người dân.”

“Mỗi ngày mà quân đội Nga tiếp tục các cuộc tấn công tàn bạo của họ, số lượng dân thường vô tội bị sát hại và bị thương, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, sẽ tăng lên.”

Tuyên bố của NATO cũng lên án mạnh mẽ “các cuộc tấn công tàn khốc của Nga nhằm vào dân thường, bao gồm phụ nữ, trẻ em và những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn.”

Tăng cường phòng thủ phía đông

NATO cũng tuyên bố sẽ tăng số lượng binh lính đóng tại Đông Âu để chuẩn bị cho bất kỳ leo thang nào của quân đội Nga và liên minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chuẩn bị cho khả năng đáp trả các cuộc tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân từ Nga.

Tuyên bố của NATO cho biết, liên minh đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ, khai triển ở phía trước các phần tử của Lực lượng Ứng phó và bố trí khoảng 40,000 quân dọc theo các quốc gia tạo nên sườn cực đông của NATO.

Tuyên bố cho biết thêm rằng số lượng đáng kể các lực lượng không quân và hải quân cũng đã được huy động trong khu vực dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO.

“Các biện pháp của chúng tôi vẫn mang tính phòng vệ, tương xứng, và không leo thang,” tuyên bố hôm thứ Năm cho biết.

“Giờ đây, chúng tôi sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của NATO cho một thực tế chiến lược nguy hiểm hơn, bao gồm cả việc thông qua Khái niệm Chiến lược tiếp theo ở Madrid.”

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

An Nhiên biên dịch

Related posts