Huyền Anh
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 7/6 thông báo bổ nhiệm ông Chung Jae-ho, giáo sư Đại học Quốc gia Seoul (SNU), làm tân đại sứ tại Trung Quốc. Ông lên tiếng về việc giữ gìn bản sắc dân tộc của Hàn Quốc và không chịu khuất phục trước áp lực của ĐCS Trung Quốc.
Ông Chung, 62 tuổi, đã hoàn thành bằng thạc sĩ lịch sử Trung Quốc tại Đại học Brown và bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Michigan, tập trung vào các mối quan hệ trung ương – địa phương của Trung Quốc cũng như các chính sách đối ngoại và quan hệ Mỹ – Trung.
Trước khi giảng dạy tại Khoa Chính trị và Ngoại giao của Đại học Quốc gia Seoul, ông Chung đã giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông từ năm 1993 đến năm 1996. Ông cũng là thành viên của Ban Cố vấn Quốc tế tại Đại học Trung Hoa Hồng Kông dành cho Nghiên cứu Trung Quốc đến năm 2020.
Từ năm 2013, ông Chung là giám đốc Chương trình Quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc tại Trung tâm Châu Á của Đại học Quốc gia Seoul. Vào tháng 4, ông được Tổng thống Yoon Suk-yeol cử đi thăm Hoa Kỳ với tư cách là thành viên của phái đoàn tham vấn chính sách Hàn Quốc – Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The JoongAng vào năm ngoái, ông Chung cho biết, mơ hồ chiến lược mà Hàn Quốc áp dụng để chống lại sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc “đã kết thúc”, nói thêm rằng Seoul “không nên sợ các vấn đề đối ngoại chưa được giải quyết, và nên ‘lên tiếng’ vì lợi ích quốc gia”.
Ông tin rằng, việc chính phủ Hàn Quốc lo sợ về ĐCS Trung Quốc đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong 10 năm qua, dẫn đến sự mơ hồ chiến lược khi “đối mặt với các cường quốc”.
Ông Chung nói thêm rằng, Hàn Quốc từ lâu đã theo đuổi “lợi ích kinh tế ngắn hạn” như thương mại, đầu tư và du lịch dễ dàng chuyển đổi thành tiền nhưng lại bỏ quên hình ảnh dài hạn của quốc gia.
“[Những lợi ích kinh tế ngắn hạn này] có đáng được thúc đẩy và phát triển bền vững trong dài hạn không?”, ông Chung cho biết. “Quý vị không nghĩ rằng các đặc trưng, uy tín và danh tiếng của quốc gia [cũng] cần phải được bảo vệ bằng mọi giá hay sao? Đây không phải là lợi ích cốt lõi của quốc gia sao?”
Ông Chung chỉ ra rằng, nếu người Hàn Quốc có thể đạt được sự đồng thuận rộng rãi về việc “bảo vệ an ninh và chủ quyền của quốc gia, và không phụ lòng các quốc gia hùng mạnh”, thì họ có thể tránh được một “ tình huống giống THAAD đáng xấu hổ”.
THAAD, hay còn gọi là Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (tiếng Anh: Terminal High Altitude Area Defense, viết tắt là THAAD, trước kia gọi là Theater High Altitude Area Defense, tức Khu vực phòng thủ cao độ chiến vực), là một hệ thống chống tên lửa do Mỹ thiết kế và sản xuất, được lắp đặt tại Hàn Quốc từ năm 2016 đến năm 2017 để phòng thủ trước sự tích tụ tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định việc triển khai THAAD ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc và từ đó đã áp đặt một loạt biện pháp đối phó với Hàn Quốc.
Năm 2017, để xoa dịu Trung Quốc, chính quyền cũ của Tổng thống Moon Jae-in đã vạch ra ba nguyên tắc về an ninh được gọi là “Ba không”: không triển khai thêm THAAD; không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Hoa Kỳ dẫn đầu; và không biến liên minh an ninh ba bên với Hoa Kỳ và Nhật Bản thành một liên minh quân sự.
Mặt khác, Tổng thống Yoon nói rằng Hàn Quốc không bao giờ nên cảm thấy buộc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thay vào đó, nó phải luôn duy trì vị thế nguyên tắc của mình, không chấp nhận thỏa hiệp các lợi ích an ninh cốt lõi của mình. Ông nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên là một vấn đề chủ quyền và ủng hộ việc triển khai THAAD bổ sung tương ứng với mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên.