Kỷ niệm 3 năm Sự kiện 12/06: Tưởng nhớ nỗi đau và sự mất mát của người dân Hồng Kông

Terence Tang

Ba năm đã trôi qua kể từ cuộc biểu tình ngày 12/06/2019 ở Hồng Kông. Hồng Kông đã trải qua những gì kể từ đó? (Ảnh: Poon/The Epoch Times) Trung Quốc

Ai có thể nghĩ rằng một vụ tình sát sẽ kéo Hồng Kông vào vòng xoáy của một cơn bão hoàn hảo năm 2018, giữa tình thế rối ren của “Một quốc gia. Hai chế độ”?

Việc sửa đổi Pháp lệnh Tội phạm Đào tẩu của chính phủ đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình dữ dội, thành phố này bất ngờ lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo chưa từng có trong lịch sử.

Sau đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông và tu cải hệ thống bầu cử. Việc này đã giáng một đòn mạnh vào quyền tự chủ của Hồng Kông, khiến xã hội hãm nhập vào một hố đen không đáy, lòng dân rã rời.

Người Hồng Kông bằng cách nào đó đã có thể trụ vững trong ba năm qua. Họ đã kinh qua những thống khổ nào? Họ đã mất đi những gì?

Cơn giông trước bão

Vào năm 2018, chính phủ Đặc khu hành chính Hồng Kông (HKSAR) đã khởi động một quy trình lập pháp địa phương cho kế hoạch “nhất địa lưỡng kiểm” (trạm kiểm soát chung “cùng một địa điểm”) cho Tuyến Đường sắt Cao tốc Quảng Châu-Thâm Quyến-Hồng Kông, tuyến đường sắt cao tốc nối Hồng Kông và Bắc Kinh. Nhiều người Hồng Kông lo ngại rằng chính quyền Hồng Kông đã hiến đất của mình cho [ĐCSTQ], phá vỡ [nguyên tắc] ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ bằng cách cho phép Trung Quốc sở hữu một đồn hải quan ở trung tâm lãnh thổ của mình.

Thế nhưng, vụ án mạng ở ngoại quốc một lần nữa lại làm sâu sắc thêm nỗi sợ hãi của người dân Hồng Kông về sự can thiệp của ĐCSTQ vào hệ thống pháp luật của Hồng Kông. Vụ mưu sát cô Phan Hiểu Dĩnh (Poon Hiu-wing) đã gieo mầm cho nỗi sợ hãi ngày càng lún sâu này.

Vào ngày 17/02/2018, anh Trần Đồng Giai người Hồng Kông đã đi du lịch Đài Loan cùng với bạn gái (hiện đã qua đời) của mình là cô Phan Hiểu Dĩnh (Poon Hiu-wing). Nghi ngờ bạn gái không chung thủy, Đồng Giai đã bóp cổ Hiểu Dĩnh đến khi cô ấy tắt thở, sau đó chặt thi thể cô thành nhiều mảnh rồi đem thủ tiêu ở thành phố Tân Đài Bắc trước khi anh ta trốn về Hồng Kông.

Sau khi vụ án mạng này bị phanh phui, Văn phòng Công tố Quận Sĩ Lâm Đài Loan đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Hồng Kông hỗ trợ pháp lý, nhưng chẳng lần nào thành công. Vậy nên cuối năm đó, văn phòng công tố đã ban hành lệnh truy nã Trần Đồng Giai trong vòng 37.5 năm.

Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã chỉ trích Hồng Kông không đáp ứng thỉnh cầu hỗ trợ dẫn độ của Đài Loan. Chính quyền Hồng Kông (sau đây gọi tắt là HKGov) cũng đã từ chối gặp mặt phía quan chức Đài Loan.

Một năm sau, HKGov đã lợi dụng vụ tình sát này để thúc đẩy “Sửa đổi Pháp lệnh về Tội phạm Đào tẩu” và “Pháp lệnh về Hiệp trợ Pháp lý Lẫn nhau trong Công tác Hình sự”, chỉ với 20 ngày trưng cầu dân ý.

Dự thảo sửa đổi này đã được đọc hai lần tại Hội đồng Lập pháp vào ngày 03/04/2019. Tuy nhiên, vì Ủy ban Dự luật này chưa tuyển xuất được chủ tịch sau khi thành lập, nên đảng DAB thân Bắc Kinh (Liên minh Dân chủ vì một Hồng Kông tiến bộ và tốt đẹp hơn), đã triệu tập một cuộc họp nội bộ đặc biệt. Họ đã chuyển chức Chủ tịch nói trên cho nhà lập pháp tối cao của liên minh này là ông Thạch Lễ Khiêm (Shek Lai-chien). Phe ủng hộ dân chủ từ chối công nhận ông Thạch.

Hai bên không ngừng tranh luận với nhau trong phòng họp.

Vào ngày 24/05, Hội đồng Lập pháp đã thông qua một đề nghị của chính phủ về việc bãi bỏ Ủy ban Dự luật, và thúc đẩy việc đọc trực tiếp lần thứ hai của bản dự thảo sửa đổi này vào ngày 12/06/2019.

Mặc dù các nhà chức trách đã sửa đổi nội dung của dự thảo, nhưng vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

HKGov đã đáp trả các cuộc tụ tập công khai bằng cách điều động cảnh sát đến trấn áp những người biểu tình.

Ngày 09/06, Mặt trận Nhân quyền Dân sự đã tổ chức một Cuộc biểu tình “Bảo vệ Hồng Kông, Không dẫn độ sang Trung Quốc”. Báo đài đưa tin rằng 1.03 triệu người đã tham gia, đạt mức cao kỷ lục, bao gồm cả những người của Phong trào Đoàn kết với Sinh viên Bắc Kinh năm 1989.

Tuy nhiên, HKGov đã đưa ra một thông cáo báo chí vào tối cùng ngày để khẳng định rằng việc đọc bản dự thảo lần thứ hai sẽ được tổ chức theo lịch trình. Chính phủ cũng cho thấy rằng bản dự thảo sửa đổi này đã xua tan những hồ nghi một cách hiệu quả, đồng thời tuyên bố rằng nó đã được tất cả các bên liên quan hoan nghênh. Những từ ngữ cứng rắn ấy khiến người Hồng Kông giận dữ sục sôi.

Sáng hôm sau, một số người biểu tình đã tụ tập biểu tình bên ngoài Hội đồng Lập pháp. Sau khi cuộc biểu tình này kết thúc, họ đã đụng độ với cảnh sát, những người đã xịt hơi cay và bắn bom hơi cay. Nhiều người đã bị bắt. Chính quyền huy động 5000 cảnh sát vũ trang đến canh gác những khu vực xung quang Hội đồng Lập pháp.

Đêm khuya ngày hôm đó, các công dân lên đường đến Công viên Thiêm Mã để “ngắm sao và dã ngoại” một cách tự phát, trong khi chờ hội nghị vào buổi sáng. Cảnh sát đã tăng cường ngăn chặn và khám xét; quý vị có thể nghĩ rằng Thiết Quân Luật đã được thực thi ở Công viên Thiêm Mã.

Sự phản kháng của người dân Hồng Kông 

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 12/06/2019, một số lượng lớn người dân ồ ạt kéo nhau ra khỏi Công viên Thiêm Mã đến đường Hạ Xác và đường Long Hòa. Đến trưa, họ đã chiếm cứ toàn bộ đường Kim Chung. Vào khoảng 3 giờ 30 phút, những người biểu tình đã tràn vào khu vực biểu tình của Hội đồng Lập pháp, ném gạch đá và các loại mảnh vỡ khác vào cảnh sát. Cảnh sát đã chống trả bằng cách bắn đạn cao su, đạn bao đậu, và xịt bom hơi cay.

Sau đó, cảnh sát chống bạo động đã ném ít nhất 4 trái lựu đạn hơi cay vào khu vực biểu tình mà không báo trước, khiến hơn một ngàn người biểu tình chạy vào Tòa nhà Citic bên cạnh để trú ẩn. Một số người biểu tình bị kẹt trước cửa kính. Việc này suýt gây ra một vụ giẫm đạp lên nhau rất nguy hiểm.

Những tiếng la hét kinh hoàng và những tiếng kêu cứu vang vọng trong tiền sảnh. Các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra sau khi mặt trời lặn, buộc Hội đồng Lập pháp phải hoãn buổi đọc bản dự thảo lần thứ hai.

Đã có người bị thương — 81 người biểu tình và 22 cảnh sát bị thương trong cuộc đụng độ — 2 người biểu tình bị thương nặng và 32 người biểu tình bị bắt. Cuộc xung đột quy mô lớn này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong phong trào chống dẫn độ này mà thôi.

HKGov sau đó đã xác định cuộc đụng độ là một cuộc bạo động. Đặc khu trưởng, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor) đã có bài diễn văn trên truyền hình vào tối cùng ngày, lên án mạnh mẽ người đã khơi mào một cuộc bạo động. Ba ngày sau, vào ngày 15/06, bà Lâm bất ngờ tuyên bố sẽ “đình chỉ” luật sửa đổi. Bà cũng cho biết việc sửa đổi gây xáo động xã hội này là rất đáng buồn.

Tuy nhiên, bà Lâm nói rằng bà luôn có ý tốt và bà cũng tin rằng cảnh sát đã thể hiện sự kiềm chế trong quá trình giải tán.

Trong khi thông báo về việc đình chỉ, một người Hồng Kông là Lương Lăng Kiệt (Leung Ling-kit) mặc một chiếc áo mưa màu vàng có viết dòng chữ “Hắc cảnh Máu lạnh. Bà Lâm Trịnh Sát hại Hồng Kông”. Một biểu ngữ lớn màu trắng được treo phía trên bục làm việc bên ngoài Pacific Place.

Khoảng 9 giờ tối, anh Lương bất ngờ leo lên giàn giáo nhưng bị mắc kẹt, đến khi lính cứu hỏa đến giải cứu thì quần áo của anh Lương bị bung ra, anh ngã xuống đất và bất tỉnh, anh Lương được đưa đến bệnh viện và sau đó bệnh viện thông báo rằng anh ấy đã qua đời.

Lương Lăng Kiệt trở thành người đầu tiên thiệt mạng kể từ khi phong trào này nổ ra. Dòng chữ trên trán anh, “Năm Yêu cầu” sau này đã trở thành một câu nói quan trọng của phong trào.

Vào ngày 16/06, Mặt trận Nhân quyền Dân sự đã tổ chức một cuộc tuần hành khác và đưa ra năm yêu cầu: 

  1. Rút lại sửa đổi về dẫn độ
  2. Không truy tố những người biểu tình
  3. Điều tra độc lập các sĩ quan cảnh sát chịu trách nhiệm nổ súng 
  4. Rút lại định nghĩa biểu tình là bạo loạn
  5. Bà Lâm Trịnh phải từ chức

Số người tham dự cuộc biểu tình lần này vượt xa con số trong cuộc biểu tình ngày 09/06.

Cảnh sát đã phải mở tất cả sáu làn đường giao thông trên đường Hennessy; họ cũng mở các con đường nhỏ và hẻm nhỏ để dễ dàng lưu thông hơn. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết chỉ có 330,800 người tham gia vào lúc sự kiện lên cao trào theo lộ trình ban đầu.

Trong khi đám đông biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra trên các đường phố, HKGov đưa ra thông báo rằng họ đã ngừng mọi thủ tục sửa đổi, bà Lâm Trịnh cũng gửi lời xin lỗi đến người dân Hong Kong. Bà Lâm hứa sẽ chân thành lắng nghe và tiếp nhận những lời chỉ trích.

Thật không may, công chúng dường như không ủng hộ lời xin lỗi muộn màng của bà Lâm; vì bà đã không đáp ứng yêu cầu của công chúng về việc rút lại bản sửa đổi và thay đổi mô tả đặc trưng giữa biểu tình và bạo loạn nên lời xin lỗi của bà đã bị coi là không chân thành.

Làn sóng bạo lực ngày càng trầm trọng hơn

Sau khi không đáp ứng được thời hạn mà công chúng đưa ra, cộng đồng học thuật và dân chúng đã leo thang phong trào của họ vào ngày 21/06/2019, bao gồm bao vây trụ sở cảnh sát, và mở ra các chiến dịch bất hợp tác.

Một số cư dân mạng đã tổ chức một chiến dịch gây quỹ cộng đồng trước Hội nghị thượng đỉnh G20, quảng cáo chiến dịch Chống dẫn độ trên tất cả các mặt báo lớn, với hy vọng rằng độc giả sẽ vận động chính quyền địa phương của họ, sẽ lên tiếng vì Hồng Kông trong hội nghị thượng đỉnh.

Chiến dịch gây quỹ cộng đồng này đã huy động được hơn 5 triệu HKD chỉ trong nửa ngày.

Một số lượng lớn công dân đã hưởng ứng lời kêu gọi trực tuyến để thỉnh nguyện tại 19 lãnh sự quán ngoại quốc ở Hồng Kông trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu để thu hút được sự chú ý của ngoại quốc.

Đến tháng Bảy năm 2019, phong trào này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, bao gồm khu vực hóa các cuộc biểu tình, đưa các cuộc biểu tình và thông điệp đăng trên “Bức tường Lennon” đến mọi quận của Hồng Kông. Các cuộc biểu tình và diễn hành diễn ra gần như hàng tuần. Nó đã trở thành tiêu chuẩn của người dân Hồng Kông. Sau cuộc biểu tình tại Thượng Hoàn vào ngày 21/07, đã xảy ra vụ việc những kẻ tấn công mặc áo trắng đánh thường dân bên trong ga MTR Nguyên Lãng. Vụ việc này đã chuyển hướng phong trào và làm gia tăng các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.

Từ tháng Tám năm đó, các cuộc biểu tình do các tổ chức dân sự địa phương tổ chức luôn kết thúc bằng sự trấn áp bạo lực của cảnh sát Hồng Kông.

Cũng trong tháng Tám, những người biểu tình đã hai lần làm tê liệt Phi trường Quốc tế Hồng Kông. Vào ngày 18/08, Mặt trận Nhân quyền Dân sự đã tổ chức một cuộc mít-tinh ôn hòa quy mô lớn khác với sự tham dự của hơn 1.7 triệu người. Vào tối ngày 23/08, trong sự kiện “Chuỗi Kết nối Mọi người – Con đường đến Hồng Kông” (Road to Hong Kong Human Chain Connect), một hàng người dài 60 km đã kéo dài khắp Hồng Kông. Ban tổ chức cho biết hơn 210,000 người đã tham gia.

Vào cuối tháng Tám, bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát leo thang lên một tầm cao mới.

Vào tối ngày 31/08/2019, khoảng 100 thành viên của Tiểu đội Chiến thuật Đặc biệt và cảnh sát chống bạo động đã xông vào Ga MTR Prince Edward, các sân ga và khoang tàu; họ đánh đập và tấn công tùy tiện bất cứ ai họ nhìn thấy. Sự cố ở ga Prince Edward này được gắn nhãn là “Cuộc tấn công Nguyên Lãng 2.0” (Yuen Long Attack 2.0), càng làm trầm trọng thêm nhiều cuộc biểu tình. Bà Lâm Trịnh sau đó đã tuyên bố rút lại sửa đổi dẫn độ, nhưng vẫn từ chối tổ chức một cuộc điều tra độc lập của cảnh sát. Quyết định này của bà không giúp xoa dịu tình hình.

Vào ngày 01/10 (Ngày Quốc khánh của ĐCSTQ), những người biểu tình kêu gọi “Sáu Quận Khai Hoa”. Các cuộc biểu tình dữ dội nổ ra khắp Hồng Kông. Đó là khi học sinh trường trung học Thuyên Loan, em Tăng Chí Kiện (Tsang Chi-kin), bị cảnh sát bắn — viên đạn gần như bắn trúng tim của em Tăng.

Ba ngày sau, bà Lâm Trịnh tuyên bố thi hành Luật Khẩn cấp và ban hành Quy định cấm Che Mặt, khiến các cuộc đụng độ trở nên căng thẳng hơn.

Với việc mở ra chiến dịch “Tam Bãi” mới vào tháng 11/2019, cường độ đã tăng lên trong từng cuộc biểu tình tiếp theo. Người biểu tình cũng chiến đấu tay đôi với cảnh sát bên trong khuôn viên của Đại học Bách khoa Hồng Kông và Đại học Trung văn Hồng Kông. Nhiều người đã bị thương và bị bắt.

Sự im lặng kỳ lạ trước thời khắc đen tối

Vào cuối năm 2019, các cuộc đụng độ kéo dài dần trở nên yên ắng. Cuộc bầu cử hội đồng quận Hồng Kông năm 2019 đã chiếm được sức nóng của phong trào, khi nhận được mức cao kỷ lục 2,94 triệu phiếu bầu. Các đảng ủng hộ dân chủ đã giành được hơn 86% số ghế. Còn các đảng ủng hộ Bắc Kinh, DAB và đảng ủy nông thôn lại chuốc lấy thất bại thảm hại.

Ngoài ra, Hoa Kỳ đã công bố thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, đạo luật này được sử dụng để trừng phạt nhiều quan chức Hồng Kông và ĐCSTQ vì vi phạm nhân quyền.

Sau cuộc bầu cử này, người dân Hồng Kông tiếp tục đấu tranh cho “Năm Yêu cầu” của họ. Các phe ủng hộ dân chủ hy vọng sẽ tận dụng chiến thắng của họ trong cuộc bầu cử hội đồng quận để giành được hơn một nửa số ghế trong Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp vào năm 2020. Để chuẩn bị, họ đã tổ chức một cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ để chọn ra những ứng viên tài cán nhất. Họ hy vọng giành được nhiều ghế trong Hội đồng Lập pháp và buộc chính phủ phải đáp ứng năm yêu cầu. HKGov coi các cuộc bầu cử sơ bộ này là bất hợp pháp.

Cuối tháng 12/2019, dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc. Dịch bệnh này lây lan nhanh chóng sang Hồng Kông và khắp nơi trên thế giới vào tháng 01/2020. Hồng Kông chuyển sang tập trung vào công đoạn phòng chống dịch. Khoảng tháng 05/2020, khi đại dịch ở Hồng Kông lắng xuống vào, cũng là lúc các cuộc biểu tình cũng sôi động trở lại, nhưng số lượng người tham gia đã giảm đáng kể so với các cuộc biểu tình trước đây.

Trong kỳ họp thứ ba của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua một dự luật, trong đó ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc xây dựng Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông và HKGov đã công bố dự luật này vào ngày 30/06/2020. Chỉ mất 41 ngày kể từ khi luật này được đưa ra đến khi nó có hiệu lực. Người dân Hồng Kông không hề hay biết về bản dự thảo [của dự luật]. ĐCSTQ đã bị chỉ trích vì muốn hướng Hồng Kông vào con đường ‘Một quốc gia. Một chế độ’.

Sau đó, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Tự trị Hồng Kông, hủy bỏ việc công nhận hiệp ước đặc biệt cho Hồng Kông và chính thức trừng phạt nhiều quan chức của Hồng Kông và ĐCSTQ.

Cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng Luật An ninh Quốc gia để bắt giữ các nhân vật chính trị, bao gồm Chung Hàn Lâm (Chung Hon-lam), Lê Trí Anh (Jimmy Lai Chi-ying), Chu Đình (Agnes Chow Ting). Những nhân vật nổi tiếng khác như La Quán Thông (Nathan Law Kwun-chung), Hứa Trí Phong (Ted Hui Chi-Mush) tuyên bố rằng họ sẽ đi lưu vong vì Luật An ninh Quốc gia và sau đó họ bị Cảnh sát Hồng Kông truy nã.

Các vụ bắt giữ hàng loạt này đã khiến nhiều quốc gia nới lỏng các chính sách hạn chế nhập cư và cư trú đối với người Hồng Kông.

Hiện tượng này đã đưa Hồng Kông đến một làn sóng di cư mới sau Sự kiện Thảm sát ngày 04/06/1989 tại Quảng trường Thiên An Môn và Sự kiện trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.

Theo dữ liệu điều tra dân số của chính phủ, lượng người di cư ròng cộng dồn đã vượt quá 130,000 người chỉ trong ba năm. Bộ Di trú đã ghi nhận lượng di cư ròng của người Hồng Kông [lên đến] 142,000 người trong quý đầu tiên của năm 2022.

Đàn áp chính trị triền miên

HKGov đã sử dụng Luật An ninh Quốc gia để trấn áp phe đối lập, và cũng thời gian đó, họ đã phải đối mặt với cáo buộc có ý đồ câu kết với ĐCSTQ để dẫn độ người dân Hồng Kông sang Trung Quốc.

Vào ngày 23/08/2020, 12 người biểu tình chống dẫn độ, những người đã bị bắt trước đó, được cho là đã tìm cách trốn đến Đài Loan trên một con tàu tốc hành, họ đã bị lực lượng Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ. Sự việc này đã gây xôn xao dư luận trong nước và quốc tế. Cảnh sát Hồng Kông được cho là đã gọi đến Đội phục vụ Phi cơ Chính phủ để yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp trong những giờ đầu. Họ đã cử hai phi cơ theo dõi chuyển động của tàu tốc hành này khi di chuyển từ Tây Cống ra vùng nước mở.

Cả hai phi cơ đều có cảnh sát. Hai phi cơ này chỉ quay trở lại sau khi xác nhận rằng tàu cao tốc nói trên đã bị chặn và những người trên tàu đã bị Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ.

Các nhà chức trách được cho là đã biết trước về kế hoạch đào thoát này và thông báo cho lực lượng chấp pháp của Trung Quốc, với âm mưu dẫn độ 12 người Hồng Kông này sang Trung Quốc.

Vào sáng ngày 06/01/2021, cảnh sát đã tiến hành một vụ bắt giữ hàng loạt những người tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ với lý do lật đổ quyền lực nhà nước. Đây là vụ bắt giữ lớn nhất kể từ khi thực thi Luật An ninh Quốc gia. Vụ bắt giữ này đã gây chấn động cộng đồng toàn cầu. Tòa án sau đó đã phải tiến hành một phiên điều trần kéo dài bốn ngày theo kiểu ‘chạy marathon’ để giải quyết toàn bộ thủ tục tại ngoại. Các bị cáo bị đối xử vô nhân đạo trong thời gian bị tạm giam, và tòa án này cũng bị dư luận chỉ trích. Cho đến đầu tháng 06/2022, 46 bị cáo trong vụ án mới hoàn tất thủ tục chuyển giao cho Tối cao Pháp viện xét xử hoặc tuyên án.

Dự kiến, ngày ra tòa sớm nhất là vào giữa năm 2023, có nghĩa là các bị cáo sẽ phải ngồi tù mà không được xét xử trong hơn hai năm.

Cục trưởng Cục An ninh Đặng Bình Cường (Chris Tang Ping-keung) cho biết trong một văn bản hồi đáp gửi đến Hội đồng Lập pháp, rằng tính đến ngày 28/02/2022, tổng cộng 10,277 người tham gia phong trào chống dẫn độ đã bị bắt giữ, ở độ tuổi từ 11 đến 94. Trong số 10,277 người bị truy tố, có 1.172 người đã bị kết án.

Theo Luật An ninh Quốc gia, tổng cộng 175 người đã bị bắt, trong đó 112 người (64%) và 5 công ty đã bị truy tố. 8 người sau khi hoàn thành xét xử đã bị kết án, 78 người vẫn bị tạm giam chờ xét xử, trong khi 59 người được tại ngoại.

Theo số liệu của ngành tư pháp, tính đến cuối tháng 03/2022, tòa án các cấp đã thụ lý khoảng 2,100 vụ án liên quan đến phong trào chống dẫn độ, trong đó có hơn 1700 vụ án (83%) đã được xử. Tuyệt đại đa số (94%), những vụ được Tòa Sơ thẩm giải quyết đã được kết án. 

Cơn sóng thần này đã lấy đi những gì?

Phong trào kéo dài 3 năm này đã ảnh hưởng đến cách mọi người nghĩ về “Một quốc gia. Hai chế độ” và “Những người Hồng Kông quản lý Hồng Kông.” Chế độ này tiếp tục đàn áp xã hội dân sự.

Nhiều thứ mà người dân đã từng quen thuộc bỗng chốc bị cuốn đi. Tất cả mọi thứ từ quyền tự do báo chí, các tổ chức dân sự, quyền tự do sáng tạo, cũng như sự tin tưởng lẫn nhau giữa những người Hồng Kông, đã không cánh mà bay.

Kể từ khi Luật An ninh Quốc gia được thực thi và các quy định lỗi thời chống lại dân thường được kích hoạt, trong xã hội bắt đầu xuất hiện việc tự kiểm duyệt và tố giác, chỉ điểm lẫn nhau.

Ví dụ, một cửa hàng quần áo ở Đại Úc (Tai O) đã bị khiếu nại vì một biểu ngữ có câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Mao Trạch Đông được treo bên ngoài cửa hàng, “Cách mạng là Vô tội. Quang phục là Chính đáng.” Cảnh sát cáo buộc cửa hàng vi phạm Luật An ninh Quốc gia, nhưng sau đó tuyên bố rằng cửa hàng này không dính líu đến các yếu tố hình sự.

Nhà lập pháp Dung Hải Ân (Eunice Yung Hoi-yan) của DAB đã cáo buộc các cuộc triển lãm tại M + Gallery là vi phạm Luật An ninh Quốc gia và yêu cầu xem xét lại.

Tháng 03/2022, phương tiện truyền thông trực tuyến ủng hộ Trung Quốc cáo buộc Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông (HKPORI) cố tình kích động cừu hận, viện dẫn một bảng câu hỏi về Chiến tranh Nga-Ukraine. HKPORI sau đó đã hủy thông báo kết quả nghiên cứu, lên án các phương tiện truyền thông thân Trung Quốc vì đã bóp méo sự thật và cáo buộc các bản tin của kênh truyền thông này là đoạn chương thủ nghĩa.

Nhà chức trách đã sử dụng các phương thức hợp pháp để thanh trừng các hãng thông tấn “bất tuân”. Đài Truyền hình Hồng Kông (RTHK), đã được chính quyền chấn chỉnh vào đầu năm 2022. Theo đó, ông Lương Gia Vinh (Leung Ka-wing), Trưởng Ban Phát thanh Truyền hình đã bị đình chỉ hợp đồng trước thời hạn. Sau 26 năm vận hành, tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily đã bị khám xét và tài sản của tờ báo này bị chính phủ đóng băng; sau đó hãng thông tấn này buộc phải ngừng hoạt động vào ngày 24/06/2021.

Vào tháng 12/2021, Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ các giám đốc điều hành đương nhiệm cũng như cựu giám đốc điều hành của hãng thông tấn ủng hộ dân chủ, Lập trường Tân văn (Stand News). Tài sản của công ty mẹ trị giá 61 triệu HKD đã bị đóng băng chỉ sau một đêm. Các hãng thông tấn ủng hộ phong trào khác như HKC News, DB Channel cũng thông báo đóng cửa vào đầu năm nay.

Luật An ninh Quốc gia đã dẫn đến việc giải tán hàng loạt của các nhóm dân sự. Tính đến cuối năm 2021, ít nhất 50 nhóm chính trị và tổ chức công đoàn đã bị buộc phải giải tán. Hồi tháng 08/2021, Mặt trận Nhân quyền Dân sự và Hiệp hội Giáo dục Hồng Kông cũng tuyên bố tan rã. Cùng tháng đó, Cảnh sát Hồng Kông cáo buộc Liên minh Hồng Kông là đặc vụ ngoại quốc, sau đó yêu cầu liên minh này cung cấp thông tin chi tiết hoạt động. Đến ngày 09/09/2021, chỉ nội trong hai ngày họ đã bắt toàn bộ bảy thành viên trong ủy ban thường vụ của liên minh này. Họ bị buộc tội kích động lật đổ quyền lực nhà nước, cảnh sát cũng phong tỏa 2.2 triệu tài sản của họ. Sau đó, Liên minh Hồng Kông quyết định giải tán sau một cuộc biểu quyết nội bộ.

Cuối tháng 03/2022, cảnh sát đã bắt giữ nhiều giám đốc điều hành của Liên hiệp Công đoàn Hồng Kông (HKCTU), tuyên bố rằng liên minh này đã không cung cấp thông tin chi tiết về thu nhập theo Quy định về Hiệp hội, cũng như thông tin liên lạc của họ với các tổ chức ở hải ngoại.

Vào tháng 05/2022, Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ năm ủy viên của “Quỹ Nhân đạo 612” đã giải thể vì tội thông đồng với các thế lực ngoại quốc.

Cơn bão chính trị và tương lai

Phong trào này đã được mô tả là cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo nghiêm trọng nhất kể từ khi khai sinh Hồng Kông và kể từ khi được trao trả [cho Trung Quốc]. Liệu có phải quyền tự trị của Hồng Kông thực tế chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa? 

Liên minh Âu Châu đã ban hành một báo cáo thường niên vào ngày 20/05/2022, trong đó nêu rõ: Hồng Kông đã “tiến nhập chủ nghĩa độc tài” với các quyền tự do cơ bản tiếp tục xấu đi vào năm 2021.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC, cựu đặc khu trưởng Lâm Trịnh đã chỉ trích nỗ lực của các hãng thông tấn phương Tây trong việc coi Hồng Kông là “chỉ là một thành phố bình thường khác của Trung Quốc.” Bà nói rằng họ đã có kiến giải hoàn toàn sai lầm về nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”. Quan điểm này khiến bà cảm thấy khó chịu, nhấn mạnh rằng quyền tự trị và pháp quyền của Hồng Kông vẫn vẹn nguyên như cũ, phủ nhận việc “hai chế độ sẽ hết hiệu lực vào năm 2047.”

Mẹ của Phan Hiểu Dĩnh, người đã mất đi đứa con gái yêu quý của mình, đã bị nhiều người Hồng Kông chỉ trích nặng nề vì cầu xin sự giúp đỡ của liên minh thân Trung Quốc [DAB], những người ủng hộ việc dẫn độ vốn hủy hoại Hồng Kông, điều này có nghĩa là bà đang giúp những thành viên thân Bắc Kinh công kích người dân Hồng Kông. Người dân Hồng Kông đổ lỗi cho mẹ của cô Phan vì đã lôi cả thế hệ người Hồng Kông vào vòng xoáy chính trị này.

Người mẹ này từng nói rằng bà đã bị lừa dối bởi lời ngon tiếng ngọt của hai thành viên của DAB là bà Lý Tuệ Quỳnh (Starry Lee Wai-king) và ông Chu Hạo Đỉnh (Chow Ho-ding). Bà cầu xin người Hồng Kông tha thứ cho bà vì đã tin tưởng nhầm người. Gần đây, bà Phan đã gửi một bức thư ngỏ cho bà Lâm Trịnh, kêu gọi bà Lâm dẫn độ kẻ sát nhân Trần Đồng Giai về Đài Loan để xét xử trước khi bà Lâm rời nhiệm sở. Tuy nhiên, bà Lâm đã không hưởng ứng lời kêu gọi đó, và đặc khu trưởng được bầu chọn Lý Gia Siêu cũng không có chút động tĩnh nào.

Trưởng đặc khu đắc cử là ông Lý Gia Siêu (John Lee Kai-chiu) sẽ nhậm chức từ ngày 18/07/2022. Thế giới bên ngoài tiên liệu rằng ông ta được chọn để thực thi đường lối cứng rắn của Trung Quốc và sẽ làm suy yếu quyền tự do của người dân Hồng Kông thêm nữa. Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nói trong cuộc gặp gần đây với ông Lý: “Tôi có thể khẳng định rằng ông Lý có lập trường kiên định về tình yêu tổ quốc và tình yêu dành cho Hồng Kông. Ông Lý là người chủ động và có trách nhiệm. Bất chấp nhiều thách thức, việc thực hiện Một quốc gia và Hai chế độ ở Hồng Kông vẫn sẽ đạt được thành công được thế giới này công nhận.”

Chúng ta có thể dự đoán quỹ đạo đường đi nước bước mà Bắc Kinh sẽ cai trị Hồng Kông; nhưng liệu ông Lý Gia Siêu có thể tiến hành chính xác các chỉ lệnh hay chỉ trở thành một con rối thêm thắt của ĐCSTQ và đưa Hồng Kông vào một cuộc hỗn loạn khác, thời gian sẽ cho chúng ta đáp án.

Huệ Giao biên dịch

Related posts