Huyền Anh
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần như ra về tay trắng với hiệp định an ninh và thỏa thuận thương mại sâu rộng trong chuyến công du gần đây của ông tới khu vực Thái Bình Dương.
Bị từ chối tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và không thể bảo đảm các hiệp ước an ninh với Đảo Solomon với các quốc đảo Thái Bình Dương khác, ĐCS Trung Quốc đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc lãnh đạo.
Hôm 24/05, tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ lần thứ tư ở Tokyo, chính phủ Tổng thống Biden đã đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF). Kể từ đó, đã có 13 thành viên tham gia, bao gồm bảy trong số mười thành viên ASEAN, các thành viên Bộ Tứ, Hàn Quốc, và New Zealand. Đây là một bước phát triển quan trọng vì ĐCS Trung Quốc gần đây đã thuyết phục Quần đảo Solomon ký một hiệp ước an ninh.
Chính phủ Hoa Kỳ đã đáp lại với quyết tâm cao hơn nhằm mở rộng sự hiện diện trong khu vực ngoài Quad, AUKUS, và Ngũ Nhãn (Five Eyes) — tất cả đều có mục đích liên quan đến quốc phòng. Mặc dù IPEF không phải là một hiệp định thương mại, nhưng nó sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, chuỗi cung ứng và an ninh.
Việc tạo nhóm này có ý nghĩa quan trọng, vì IPEF là thỏa thuận đa phương về kinh tế đầu tiên ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Ấn Độ từng tham gia. Ngoài ra, IPEF là một trong những nhóm đầu tiên của Hoa Kỳ sẽ bao gồm Hàn Quốc. Sự hiện diện của cường quốc kinh tế và quân sự Nhật Bản, cùng với sự hỗ trợ liên tục của Úc hiện đang được bổ sung bởi nền kinh tế và quân sự của Hàn Quốc báo trước điềm lành cho nhóm. Tuy nhiên, cũng đúng khi tất cả các thành viên IPEF đều là thành viên hiện tại của RCEP. (Từ trái qua phải) Các nhà lãnh đạo và đại diện từ Singapore, Lào, Campuchia, New Zealand, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines chụp ảnh nhóm trong Hội nghị thượng đỉnh Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3 tại Bangkok, Thái Lan, hôm 04/11/2019. (Ảnh: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)
Cuộc chiến tranh giành Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt nguồn từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do được thành lập hồi năm 2016 cùng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Các thành viên đã hy vọng Hoa Kỳ sẽ là trụ cột của nhóm để chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều người trong chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả bà Hillary Clinton, đã phản đối thỏa thuận này. Năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi TPP như một trong những hành động đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống để bảo vệ Hoa Kỳ. Mặc dù từ quan điểm kinh tế thì đây là điều đúng đắn cần làm, nhưng việc này đã gửi đi một tín hiệu về sự từ bỏ các đồng minh của Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương.
Không có sự lãnh đạo và hỗ trợ của Hoa Kỳ, các quốc gia Thái Bình Dương đã ký kết RCEP do Trung Quốc lãnh đạo, có hiệu lực vào tháng 01/2022. Tính đến tháng Năm, người ta đã xác định rằng thương mại của các bên ký kết với Trung Quốc đã tăng 6.9% so với một năm trước.
RCEP đã nâng cao vị thế bằng cách tích cực săn đón các quốc đảo Thái Bình Dương. Đồng thời, ông Vương Nghị bắt đầu chuyến thăm của mình ngay sau khi chuyến công du Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ kết thúc, với hy vọng giành lại các quốc gia mà IPEF có thể đã thúc đẩy xích lại gần hơn với Hoa Kỳ.
Ông Vương đang xúc tiến RCEP và hy vọng sẽ ký một hiệp ước kinh tế và an ninh sâu rộng như hiệp ước đã ký với Quần đảo Solomon hồi tháng Tư. Hôm 30/05, ông đã gặp các nhà lãnh đạo từ Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Niue, và Vanuatu để thảo luận kế hoạch 5 điểm về thương mại và hợp tác.
Nhiều quốc đảo thể hiện sự lo ngại hoặc phản đối việc ký thỏa thuận với Trung Quốc. Liên bang Micronesia, một trong những quốc gia được mời và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã lên tiếng phản đối dự thảo thông cáo với ĐCS Trung Quốc.
“Bên cạnh những tác động đối với chủ quyền của chúng ta, nó còn làm gia tăng khả năng xung đột giữa Trung Quốc với các quốc gia: Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, và New Zealand vào ngày mà Bắc Kinh quyết định xâm lược Đài Loan”, Tổng thống FSM David Panuelo viết trong một bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo của các quốc đảo Thái Bình Dương khác, cảnh báo họ không nên ký thỏa thuận với ĐCS Trung Quốc.
Tổng thống Palau cũng kêu gọi những quốc đảo khác không ký. Palau công nhận Đài Loan và không có quan hệ ngoại giao với ĐCS Trung Quốc.
Tổng thống Samoa Fiame Naomi Mata’afa hôm 02/06 cho biết, việc Bắc Kinh mong đợi các quốc gia Thái Bình Dương ký kết một thỏa thuận an ninh và thương mại nhanh chóng như vậy là không hợp lý.
Cuối cùng, các quốc gia tham dự đã từ chối ký, nói rằng cần phải thảo luận thêm hoặc sửa đổi. Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama nói rằng cần phải tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn và các quốc gia Thái Bình Dương nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được sự đồng thuận.
Mặc dù thất bại với các quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng ông Vương vẫn có thể thuyết phục Đông Timor ký một loạt các thỏa thuận kinh tế. An ninh không phải là một phần của cuộc thảo luận này. Đây là một thắng lợi nhỏ đối với ĐCS Trung Quốc, mà Bắc Kinh có thể sẽ tận dụng trong tương lai.
Hôm 02/06, trong cuộc gặp với tổng thống Samoan, Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã trấn an các quốc đảo Thái Bình Dương rằng Úc quyết tâm giúp đỡ phát triển kinh tế và an ninh trong khu vực. Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ tiến tới củng cố Bộ Tứ và IPEF.
Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).
Lam Giang
Theo The Epoch Times