Bắc Kinh khai thác thông tin sai lệch nhắm vào các công ty khai thác đất hiếm của Úc, Hoa Kỳ, Canada

Daniel Y. Teng

Ảnh chụp màn hình chiến dịch truyền thông xã hội do Dragonbridge hậu thuẫn nhắm mục tiêu đến công ty khai thác đất hiếm Lynas của Úc. (Ảnh được sự cho phép của Mandiant).

Một chiến dịch gây ảnh hưởng trực tuyến ủng hộ Bắc Kinh, được gọi là Dragonbridge, đã nhắm mục tiêu vào các công ty khai thác đất hiếm lớn của Úc, Hoa Kỳ, và Canada, những công ty gây ra một mối đe dọa đối với sự thống trị các chuỗi cung ứng của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên quý giá này.  

Công ty an ninh mạng Mandiant của Hoa Kỳ đã theo dõi Dragonbridge kể từ hồi tháng 06/2019, tiết lộ rằng nhóm này bao gồm một mạng lưới “hàng ngàn tài khoản không xác thực” trải rộng trên các nền tảng truyền thông xã hội, các trang web, và các diễn đàn quảng bá lợi ích chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).

Đầu năm nay, Mandiant đã xác định các tài khoản mạng xã hội và các tài khoản trên diễn đàn thảo luận giả mạo khi một số cư dân ở Texas giả vờ lo lắng về các vấn đề môi trường và sức khỏe xung quanh việc xây dựng một cơ sở chế biến đất hiếm lớn của đại công ty Lynas của Úc, nhà khai thác đất hiếm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Chiến dịch nói trên cũng tận dụng những lời chỉ trích hiện có — kể cả từ các chính trị gia Hoa Kỳ — về quyết định hồi tháng Ba của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để xúc tiến việc sản xuất đất hiếm.

Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, việc hoàn thành thành công dự án sẽ giúp công ty Lynas sản xuất “khoảng 25% nguồn cung cấp các oxide nguyên tố đất hiếm trên thế giới.”

Một tài khoản mạng xã hội do “Jackie Eberhart” sở hữu đã viết, “Chúng ta phải đứng lên và tẩy chay công ty Lynas. Vì sức khỏe của người dân địa phương và vì lợi ích của thế hệ tiếp theo của chúng ta.”

Ảnh chụp màn hình chiến dịch truyền thông xã hội do Dragonbridge hậu thuẫn nhắm mục tiêu đến công ty khai thác đất hiếm Lynas của Úc. (Ảnh được sự cho phép của Mandiant).

Trong lúc đó, một tài khoản “Cox Teri” khẳng định: “Nếu không có hành động nào, thì việc xả thải của công ty Lynas sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe của cư dân địa phương, và tình trạng ô nhiễm này là không thể phục hồi được.”

Những người có ảnh hưởng trực tuyến nhắm mục tiêu đến các đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc

Hồi đầu tháng Sáu, các chiến dịch trên mạng đã được khởi động chống lại công ty khai thác đất hiếm Appia Rare Earths and Uranium Corp. của Canada sau khi công ty này công bố phát hiện một mỏ đất hiếm mới ở phía bắc tỉnh Saskatchewan ở Canada.

Nhà cung cấp đất hiếm USA Rare Earth của Hoa Kỳ phải đối mặt với sự đối đãi tương tự sau khi công bố những kế hoạch về một cơ sở chế biến mới ở Oklahoma hồi giữa tháng Sáu.

Mandiant cho biết họ đã liên hệ với cả ba công ty khai thác (Lynas, Appia, và USA Rare Earth) về hoạt động này.

Mandiant cho biết trong một tuyên bố hôm 28/06, “Mặc dù hoạt động mà chúng tôi nêu chi tiết ở đây dường như không có hiệu quả đặc biệt và chỉ nhận được sự tham gia hạn chế của những người dường như xác thực tồn tại, tuy nhiên việc nhắm mục tiêu vi mô của chiến dịch này đến các đối tượng cụ thể cho thấy khả năng sử dụng các công cụ tương tự để thao túng diễn ngôn công khai xung quanh các vấn đề chính trị khác của Hoa Kỳ đối với lợi thế của CHND Trung Hoa.”

“Đáng chú ý là việc Dragonbridge nhắm mục tiêu đến các công ty khai thác đất hiếm nhấn mạnh khả năng giám sát sự phát triển và ứng phó kịp thời của chiến dịch này, cũng như việc đầu tư của Dragonbridge vào nỗ lực bảo đảm sự thống trị thị trường của CHND Trung Hoa trong ngành khai thác đất hiếm.”

Đất hiếm và các khoáng sản trọng yếu được sử dụng trong một loạt các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm hệ thống dẫn đường hỏa tiễn, động cơ của phi cơ, điện thoại thông minh, pin EV, và tuabin gió.

Tuy nhiên, hiện tại, các công ty Trung Quốc thống trị các chuỗi cung ứng tài nguyên, làm dấy lên các lo ngại cho rằng tình thế này có thể bị lợi dụng trong một cuộc tranh chấp địa chính trị.

Theo bà Kristin Vekasi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Maine, “Trung Quốc hiện kiểm soát 50% đến 60% lượng khai thác đất hiếm toàn cầu, 80% đến 90% thị trường ở giai đoạn chế biến trung gian nơi các nguyên tố được tách ra và tinh chế thành kim loại và hợp kim, và ít nhất 60% đến 70% lượng sản xuất hạ nguồn cho các sản phẩm như nam châm vĩnh cửu.” 

Mandiant cho biết các hoạt động của Dragonbridge đã tiết lộ mức độ hòa hợp của nhóm với các lợi ích chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Chúng tôi có thể thấy các hoạt động thông tin kiểu này đã nhắm mục tiêu vào các đối thủ cạnh tranh khác trên toàn cầu của các công ty CHND Trung Hoa, trong các ngành công nghiệp khác.”

Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts