Chiến thắng bi thảm của Thượng Hải trong cuộc chiến với Covid-19

Bảo Nguyên

Người dân đang tạo dáng bên cạnh lá cờ của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại bảo tàng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thượng Hải vào ngày 11/06/2021. (Ảnh: HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Bí thư ĐCSTQ tại thành phố Thượng Hải mới đây đã tuyên bố về chiến thắng của thành phố này trong cuộc chiến với Covid-19. Đây có lẽ là một chiến thắng bi thảm, với một cái giá quá lớn về mặt kinh tế và đời sống của người dân. Có thể đợt phong tỏa này sẽ giúp người dân nhận thức rõ bản chất xấu xa của ĐCSTQ.

Chiến thắng bi thảm của Thượng Hải

Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải Lý Cường vào ngày 25/06 thông báo rằng trung tâm tài chính này cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài ba tháng với COVID-19. Tuy nhiên, cái gọi là “chiến thắng” này đi kèm rất nhiều thiệt hại. Thượng Hải đã phải trả một cái giá quá lớn về mặt kinh tế trong khi tạo ra những đau khổ to lớn cho 25 triệu người dân của thành phố.

Ông Lý đã tuyên bố về chiến thắng tại một cuộc họp cấp thành phố của các đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và cho rằng “chiến thắng” đó có được là do hệ thống chính trị do ĐCSTQ lãnh đạo và sự tuân thủ kiên định của các nhà chức trách đối với chính sách “zero-COVID”.

Sau khi thông tin trên được đăng tải trên một tài khoản mạng xã hội của tờ People’s Daily, lịch sử của phần bình luận cho thấy độc giả đã để lại 761 lời bình. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, chỉ còn lại sót lại năm nhận xét. Một thông báo xuất hiện ở cuối trang web cho biết, “các bình luận không phù hợp đã được lọc, và một số bình luận sẽ không được hiển thị tại thời điểm này”.

Trước đây, điều này chưa từng xảy ra với tài khoản mạng xã hội này. 756 tin nhắn đã bị xóa vì là “những nhận xét không phù hợp”.

Một blogger nổi tiếng của Trung Quốc, có tên trên Internet là “Cô gái kiêu hãnh”, đã đăng lại bản tin trên Twitter, nói rằng “chiến thắng” của Thượng Hải là một “trò đùa bi thảm”.

Trên Zhihu.com, một nền tảng của Trung Quốc cho phép người dùng đặt câu hỏi và trả lời giống như trang web Quora, một người nào đó đã đặt câu hỏi, “Bạn thấy chiến thắng của Thượng Hải trước đại dịch như thế nào?”. Một người khác đưa ra câu trả lời rằng, “Bạn mong họ xin lỗi, nhưng họ mong bạn cảm ơn họ”. Bài đăng này đã trở thành câu trả lời được xếp hạng cao nhất được “thích” bởi 4.526 độc giả.

Cuộc sống tồi tệ tại Thượng Hải sau phong tỏa

Kể từ khi Thượng Hải chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hơn hai tháng trên toàn thành phố vào ngày 01/06, người dân thành phố này đang chia sẻ về một số hậu quả mà họ đang phải trải qua trên mạng xã hội. Có vẻ như cơn ác mộng vẫn chưa kết thúc cùng với lệnh dỡ bỏ phong tỏa.

Một tình nguyện viên cộng đồng đứng sau hàng rào trong khu dân cư bị phong tỏa COVID-19 ở quận Hoàng Phố, Thượng Hải vào ngày 22/06/2022. (Ảnh: Liu Jin / AFP qua Getty Images)

Thực tế là, người dân Thượng Hải vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Một hậu quả theo sau việc phong tỏa là việc bình thường hóa xét nghiệm axit nucleic mà người dân phải thực hiện mỗi 72 giờ. Đồng thời mọi cư dân của thành phố được xét nghiệm hàng loạt vào mỗi cuối tuần.

Hậu quả thứ hai là giá cả tăng vọt. Sau đợt phong tỏa, người dân chứng kiến giá thực phẩm như thịt, trứng, sữa tăng và chi phí sinh hoạt tăng lên đáng kể. Điều này tiếp tục gây áp lực kinh tế lên người dân bình thường.

Cô Wen, một cư dân Thượng Hải, nói với The Epoch Times vào ngày 25/06, “Giá cả hiện tại đã thấp hơn một chút so với thời kỳ phong tỏa, nhưng nó vẫn cao hơn nhiều so với trước khi phong tỏa, điều này chắc chắn sẽ có tác động lớn hơn nữa lên đời sống hàng ngày”.

Hậu quả thứ ba là số lượng nhân viên bị sa thải tăng lên. Trong thời gian bị phong tỏa, nhiều công ty vừa và nhỏ ở Thượng Hải đã phải cho nhân viên nghỉ việc. Nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và lớn hoạt động tốt trước khi phong tỏa đã chứng kiến ​​doanh thu giảm mạnh khi người dân phải ở nhà. Sau đợt phong tỏa, họ bắt đầu cắt giảm vị trí và thậm chí loại bỏ hoàn toàn một số phòng ban.

Ngoài ra, vì vẫn chưa được phép dùng bữa trong các nhà hàng, nhiều nhà hàng đã đóng cửa vĩnh viễn. Mặc dù các cửa hàng bán lẻ lớn đã mở cửa trở lại, nhưng số lượng người mua sắm đang thấp do ảnh hưởng kép của dịch bệnh và nền kinh tế suy yếu. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc phá sản.

Một hậu quả nữa là chi phí thuê nhà ngày càng tăng. Sau đợt phong tỏa, nhiều người đã rời Thượng Hải, tuy nhiên giá thuê đã tăng từ 10 đến 20%. Những người ban đầu muốn mua nhà đã phải hoãn lại vì áp lực kinh tế. Trong khi đó, các chủ nhà cá nhân và trung gian không có thu nhập trong thời gian phong tỏa, và do đó hiện đã tăng giá để bù đắp cho khoản lỗ của họ. Ngoài ra, nhu cầu thuê nhà cao trong thời gian tốt nghiệp đại học (tháng 7) đã đẩy giá thuê nhà ở Thượng Hải tăng cao.

Một hậu quả khác được ghi nhận của việc phong tỏa là một làn sóng ly hôn mới. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương ở Thượng Hải, sau phong tỏa, một làn sóng ly hôn đã bắt đầu. Trang web của Trung tâm Dịch vụ Đăng ký Kết hôn quận Từ Hối cho thấy lịch hẹn ly hôn đã được đặt kín cho đến ngày 07/07.

Cái giá quá lớn về kinh tế

Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, Thượng Hải đã rơi vào tình trạng phong tỏa một phần để hạn chế virus. Sau đó, việc phong tỏa hoàn toàn đã được thực hiện vào đầu tháng 4 cho đến khi thành phố dần dần nới lỏng các hạn chế do đại dịch vào tháng 6. Chính sách “zero-COVID” nghiêm ngặt trong ba tháng đã ảnh hưởng rất nặng nề đến nền kinh tế của Thượng Hải.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Thượng Hải tiết lộ rằng, chỉ trong tháng 4, tổng sản lượng công nghiệp của Thượng Hải đã giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng giảm gần 50%; đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm hơn 40%; và tổng giá trị xuất nhập khẩu cũng giảm hơn 40%.

Lấy các con số kinh tế của Thượng Hải vào năm 2021 làm tham chiếu, GDP hàng năm là 646 tỷ USD, sản lượng trung bình hàng ngày của thành phố là 1,77 tỷ USD. Trong khi đó, thiệt hại kinh tế trực tiếp do việc phong tỏa trong 70 ngày của Thượng Hải dự kiến ​​là 123,9 tỷ USD, nếu chúng ta bỏ qua việc mở cửa trở lại một phần cho tới khi kết thúc phong tỏa.

Tính toán này không bao gồm các nguồn lực tài chính và nhân lực được dùng để xây dựng bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải, cách ly một lượng lớn người và lặp đi lặp lại xét nghiệm axit nucleic hàng loạt đối với 25 triệu cư dân của thành phố này.

Hơn nữa, một số doanh nghiệp đã đóng cửa vĩnh viễn. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã rút hoặc đang có kế hoạch rút khỏi Thượng Hải, với con số chính xác chưa được xác định.

Những thiệt hại khác ngoài kinh tế

Ngoài kinh tế, các thiệt hại đi kèm khác là vô số: Nhiều người bệnh chết sau khi cố gắng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong thời gian phong tỏa, có những trường hợp người dân tự tử do không chịu nổi căng thẳng hoặc trầm cảm, và những người già sống một mình được phát hiện chết tại nhà, có thể là chết đói. Ngày 11/04, một nhân viên y tế tuyến đầu đột ngột qua đời do làm việc quá sức.

Một người dân nhìn ra ngoài từ cửa sổ trong đợt phong tỏa COVID-19 ở quận Tĩnh An của Thượng Hải vào ngày 25/05/2022. (Ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Vì các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc hiếm khi đưa tin xấu, một số thường dân ở Thượng Hải đang cố gắng tự mình điều tra để thu thập dữ liệu.

Một tài khoản Twitter có tên “Hồ sơ tử vong phi tự nhiên trong đợt phong tỏa 2022 ở Thượng Hải” cho đến nay đã ghi nhận 136 trường hợp tử vong. Trong số đó, 69 trường hợp có đầy đủ thông tin gồm tên, địa chỉ, thời gian tử vong, và các thông tin chi tiết.

Thượng Hải sẽ không thể hồi phục trong mười năm tới

Một người dân họ Yang nói với The Epoch Times vào ngày 24/06, “Thật không thể tưởng tượng được rằng Thượng Hải đã bị tàn phá đến mức độ như vậy bởi các biện pháp zero-COVID! Dù ở bất kỳ khía cạnh nào, tôi cũng không thể hiểu được ý đồ của nhà cầm quyền ĐCSTQ. Thượng Hải sẽ không thể phục hồi trong mười năm nữa”.

Bà Ma, một người dân địa phương, cho biết vào ngày 24/06, “Việc phong tỏa này đã khiến nhiều người bình thường kiệt quệ về thể chất và tinh thần và bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều mà người dân thường sợ hãi hiện nay không phải là Omicron, mà là sự ngu ngốc, thiếu hiểu biết và các biện pháp khủng khiếp và không hiệu quả của chính quyền”.

Người dân xếp hàng bên ngoài một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 02/06/2022. (Ảnh: Hu Chengwei / Getty Images)

Một người dân họ Dai nói với The Epoch Times vào ngày 25/06, “Sau khi phong tỏa được dỡ bỏ, cứ vài trăm mét (hay yards – khoảng gần 1 mét) lại có những hàng dài người đứng đợi trong thành phố. Mọi bưu điện, ngân hàng, điểm xét nghiệm axit nucleic đều chật kín người. Đúng là một cảnh tượng đặc biệt. Tôi đã mất 3 giờ để gửi một bức thư chuyển phát nhanh. Các phòng cấp cứu của các bệnh viện đều chật cứng người, thậm chí cả hành lang cũng chật kín giường phụ. Nó giống như một bệnh viện thời chiến. Phải mất 2 giờ xếp hàng chờ đợi chỉ để được chụp CT trong các phòng cấp cứu”.

Người Trung Quốc đã thức tỉnh?

Ông Li Yuanhua, cựu giáo sư tại Đại học Beijing Normal, nói với The Epoch Times rằng một số người Trung Quốc thuộc tầng lớp khá giả thường thích cuộc sống vô tư, nghĩ rằng nó sẽ luôn tuyệt vời và yên bình. Việc phong tỏa ở Thượng Hải khiến họ chợt nhận ra rằng dù giàu có đến đâu thì cũng có thể xảy ra trường hợp họ không mua được gì. Không có số tiền nào có thể đảm bảo an toàn cho cuộc sống của chính họ.

“ĐCSTQ tuyên bố rằng họ ‘đã thắng trận’. Ai đã thắng? Thông qua việc phong tỏa Thượng Hải lần này, mọi người đã thấy rõ bản chất xấu xa của chế độ ĐCSTQ, và họ không còn tin tưởng và đặt hy vọng vào ĐCSTQ nữa”, ông Li nói.

Vào tháng 4 và tháng 5, có rất nhiều bài blog trên mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ về tình trạng tuyệt vọng của người dân Thượng Hải, điều mà trước đây họ không thể tưởng tượng ra được. Một câu nói nổi tiếng mới đã xuất hiện từ những bài tin này, có nội dung: “Tự do tài chính chẳng có nghĩa lý gì trên con tàu Titanic”.

Nhiều cư dân trung lưu ở Thượng Hải đã công khai lên án ĐCSTQ trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội như WeChat.

“Nhờ có phong tỏa, một số lượng lớn người Trung Quốc đã thức tỉnh”, Xue Ping (bút danh) viết trong một bài đăng công khai. “Chúng ta hãy hy vọng Tập Cận Bình sẽ được bầu lại, nhờ thế mà ĐCSTQ sẽ sụp đổ trong nhiệm kỳ của ông ấy. Nếu ai đó khác lên ngôi, điều đó có thể kéo dài tuổi thọ của ĐCSTQ, và thường dân sẽ còn đau khổ hơn nữa”.

Bảo Nguyên

Related posts