Nguyễn Hoàng Văn
Đã đến lúc chúng ta nên tổ chức thi… xấu và, tiện thể, cũng nên thi luôn cả chuyện bất tài!
Trừ mấy trò “thi ở dơ” hay “thi lười biếng” chỉ có trong chuyện tiếu lâm, người ta chỉ tổ chức thi tài để tranh danh hiệu xuất sắc trong lĩnh vực nào đó, thi đẹp để tranh mũ miện hoa hậu, hoa khôi hay còn biến tấu thêm với khoản “thi thanh lịch”; chẳng ai tổ chức thi xấu, thi bất tài hay thi thô kệch, quê mùa hay bất lịch sự cả. Nhưng ở cái thời mà hầu như mọi sự đều như là chuyện tiếu lâm còn thi nhan sắc thì đã ở sa vào tình trạng siêu lạm phát, có lẽ chúng ta cũng nên làm cái gì đó ngược đời. Nếu phá lệ, vượt qua lối mòn, mạnh dạn làm chuyện “kháy đời” như thế, may ra chúng ta có thể tạo ra một tiền lệ và, qua đó, khả dĩ làm được đôi điều cho quê hương, ít ra cũng phá vỡ cái tâm lý buông xuôi, đầu hàng, qua lời tặc lưỡi “đành vậy, cái nước mình nó thế”.
Tôi đã loáng thoáng nghĩ đến chuyện “thi xấu – bất tài” này từ lâu, khi cây Cầu Rồng ở Đà Nẵng ra mắt. Đó là một thứ kiến trúc mà tôi có cảm giác “ngượng thay” với những ai đã đẻ ra nó và, thú thật, có cảm giác xem thường với những người vỗ tay tán thưởng. Thành thật mà nói thì ý tưởng này khá chủ quan bởi Đà Nẵng là thành phố Việt Nam mà tôi quen thuộc nhất, gắn bó với những kỷ niệm thời trai trẻ của mình nên, từ đó, luôn hậm hực rằng đó là công trình xây dựng xấu nhất nước, là nơi mà hệ thẩm mỹ trọc phú được thể hiện ở mức cao nhất nước. [1]
Nhưng nay thì một đối thủ mới đang xuất hiện, không thể sánh ngang về tầm cỡ nhưng cái chính ở đây là óc thẩm mỹ, là “tư duy làm tượng”. Xét trên ý nghĩa này thì Cầu Rồng của Đà Nẵng đang bị “Cụm tượng đài công an nhân dân” của Hà Nội qua mặt, hay ít ra là “tranh xấu” và, với những con tim và khối óc hình thành nên, là “tranh bất tài”. [1]
Cũng xấu xí, ngô nghê. Cũng cực kỳ phản nghệ thuật mà, nếu bị dí súng vào đầu để gọi là “nghệ thuật” – vì đã có bàn tay tham gia của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, có cả một “Hội đồng nghệ thuật” để xét duyệt – chúng ta có thể làm gì hơn nếu không gọi đó là “nghệ thuật” của đám trọc phú nhà quê?
Trong một bài viết trước đây tôi từng nhận xét rằng nhìn từ xa thì cây Cầu Rồng trông chẳng khác gì một vật dụng trang trí phong thủy của người mê tín hay một cái cáng khiêng hòm, và tôi gọi đó là một thứ thẩm mỹ nhà đòn. [2] Còn tượng đài trên thì y như thật nhưng hoàn toàn vô hồn, thật đến mức ngô nghê, đến phát ngấy, trông y như mấy đồ chơi rẻ tiền bằng nhựa của Trung Quốc, thứ đồ chơi để dạy cho học trò mẫu giáo biết công an mặc đồ gì, cứu hỏa làm gì, v.v. Bởi thế tôi vẫn còn phân vân, không biết gọi đó là thẩm mỹ đồ chơi trẻ con hay thẩm mỹ giáo dục vườn trẻ!
Nhưng nó có đáng để tôi phải phân vân hay không? Nói theo một nhà điêu khắc có tiếng ở Hà Nội: “Tôi thấy chuyện đấy không đáng để mình quan tâm nữa. Nó thuộc trách nhiệm của người quản lý văn hóa đô thị, trách nhiệm của chủ đầu tư, của Hội đồng nghệ thuật đưa ra và thẩm định như thế nào. Chứ còn bây giờ những câu chuyện này nó đến mức độ không ai còn muốn bàn luận và nhìn nhận nữa”. [3]
Đã “đến mức không ai còn muốn bàn luận và nhìn nhận” thì chúng ta nên gọi đó là những thứ không đáng bàn, ignorable. Nhưng đến đây thì tôi lại nghĩ ngay đến giải Ig Nobel.
Ig Nobel ra đời năm 1991 như là sự giễu nhại từ giải Nobel danh giá. Có người gọi đây là “Phản Nobel” nhưng vẫn có cách giải thích khác: nếu đọc nhíu giọng thì “Ig-Nobel” nghe cũng từa tựa “ignorable”, ngụ ý những công trình khoa học ngớ ngẩn, không đáng lưu tâm. Tuy nhiên ban tổ chức nhấn mạnh: giải chỉ trao những thành tựu khoa học “đầu tiên có thể làm người ta cười nhưng sau đó làm họ suy nghĩ”.
Giải này do tạp chí khoa học hài hước Annals of Improbable Research (Biên niên những nghiên cứu đáng tiếc) bình chọn, được các tổ chức Harvard Computer Society, Harvard-Racliffe Fiction Association và Harvard-Radcliffe Society of Physics Students đồng tài trợ. Giải được phát hàng năm tại Đại học Harvard hay Đại học MIT (Massachusets Insititude of Technology), là hai đại học lừng danh của nước Mỹ. Có đến 10 giải trên các lĩnh vực khác nhau: Vật lý, Hoá học, Sinh lý học – Y khoa, Văn học, Hoà bình, Sức khoẻ cộng đồng, Kỹ thuật, v.v.
Nếu hai đại học lừng danh của nước Mỹ dính vào thì giải này cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Mà để nhận giải, người được vinh danh phải bỏ tiền túi mua vé máy bay đến nơi rồi phải bỏ công ra thuyết trình công trình nghiên cứu của mình: giải phải có giá trị thì họ mới chấp nhận tốn tiền và tốn công chứ?
Tôi thực sự chú ý đến giải này vào năm 2011 sau khi nghe một khoa học gia Úc bộc bạch “nỗi niềm” lúc được trao một phần của giải Ig Nobel Y học. Đó là Tiến sĩ David Darby, lúc đó là Giám đốc Phòng Thí nghiệm về Hành vi và Thần kinh sinh học (Behavioural Neurobiology Laboratory) thuộc Viện Nghiên cứu Tâm thần Victoria (Mental Health Research Institute of Victoria) ở Melbourne.
Giải Ig Nobel của ông liên quan đến nghiên cứu về sự nín tiểu. Tại sao chúng ta hay trì hoãn việc đi ra nhà cầu, quyết định “nín đi tiểu” đến khi nào không thể nín nổi hay bị…. tè ra ngoài? Tác giả đã phân tích cơ chế thần kinh đã dẫn đến quyết định này và đến lượt chúng sẽ tác động như thế nào đến hoạt động thần kinh và thói quen của con người. Công trình được đăng tải lại trên tạp chí Thần kinh và Tiết niệu học (Neurology and Urodynamics) vào đầu năm 2011, gây được sự chú ý của giới chuyên môn, dẫn đến giải thưởng trên.
Ông Darby phát biểu một với nụ cười mếu: “Chúng tôi vui mừng vì công trình nghiên cứu được thừa nhận nhưng thực tế là có nhiều người cười cợt làm chúng tôi hơi bị chưng hửng. Khám phá của chúng tôi chỉ là một phần của chương trình nghiên cứu nhằm phân tích những yếu tố có thể gây hại đến khả năng nhận thức, bao gồm rựợu, sự mất ngủ kéo dài hay nhiễu trắng” . [4]
Cũng năm đó còn có một khoa học gia Úc được trao giải Ig Nobel Sinh học, Tiến sĩ David Rentz, lúc đó là Giáo sư phụ tá tại Đại học James Cook ở Queensland. Ông này cùng Tiến sĩ côn trùng học Darryl Gwynne, thuộc Đại học Toronto Mississauga, hợp tác nghiên cứu tại sao con bọ ngọc (jewel beetle) thích giao phối với những chai bia. Công trình này thực hiện từ thập niên 1980, đã đăng tải trên tạp san Côn trùng học Úc (Journal of the Australian Entomological Society) năm 1983, đến năm 2011 thì được trao giải.
Hai nhà khoa học đã quan sát, nghiên cứu và giải thích tại sao con bọ ngọc thích “đạp mái” với các chai bia lùn bị chúng ta vứt bỏ: chai bia phản xạ ánh sáng khiến nó trông giống con bọ cái!
Từ những chuyện rất đáng cười rồi suy gẫm này, tôi tìm hiểu thêm và tìm thấy nhiều chuyện đáng cười hơn. Thậm chí chúng ta còn có thể cười với giải này khi bị méo mặt trong cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Năm đó giải Ig Nobel Kinh tế về tay ba nhà nghiên cứu Geoffrey Miller, Joshua Tybur và Brent Jordan thuộc Đại học New Mexico tại Mỹ và thành tựu của họ không liên quan gì đến khủng hoảng cả mà là mối liên hệ giữa chu kỳ rụng trứng của các vũ nữ khỏa thân và số tiền típ mà khách hàng tặng cho họ. Ba giáo sư đã bỏ công tìm hiểu 18 vũ nữ và ghi nhận kết quả đáng ngạc nhiên: trung bình mỗi ca làm việc 5 tiếng các cô này sẽ kiếm được 250 Mỹ kim, đến khi các cô rụng trứng thì thu nhập tăng lên 350-400 Mỹ kim. Giáo sư Miller cho biết thêm: “Tôi còn nghe được chuyện rằng nhiều vũ nữ bắt đầu đổi ca làm việc cho nhau sau khi nghe tới nghiên cứu này!”
Trước đó 10 năm, năm 1998, nhà nghiên cứu Jerald Bain, làm việc tại Bệnh viện Mt. Sinai, và Kerry Siminiski, thuộc Đại học Alberto tại Toronto, Canada, được trao giải “Thống Kê” với công trình The Relationship Among Height, Penile Length and Foot Size đăng tải trên Annals of Sex Research (Vol. 6, No 3. 1993). Hai người đã cần mẫn thu thập số liệu để nghiên cứu mối quan hệ giữa chiều cao, cỡ bàn chân và chiều dài… dương vật.
Người ta cười cũng đúng thôi. Tưởng tượng ai đó rất muốn biết cái “thông số” tế nhị của người đàn ông trước mặt mình mà chẳng thể nào đường đột đặt vấn đế, nhưng với công trình nghiên cứu trên, tế nhị nên người thắc mắc có thể đặt vấn đề: “Anh ơi, anh cao bao nhiêu vậy?”, rồi “Anh à, đi giày số mấy?” để rồi dễ dàng tính ra theo công trình đạt giải Ig Nobel.
Cười thì cười, nhưng đừng tưởng rằng đây là chuyện vớ vẩn. Cái kích thước này quan trọng lắm, thế nên tại New York mới có một cái hội gọi là “Small Penis Support Group”, ra đời năm 2003, và tôi đã có lời giới thiệu trên trang talawas vào năm 2010. [5]
Và cái kích thước này quan trọng lắm nên năm 2015 Đại học King’s College London, một trong 10 đại học hàng đầu của nước Anh, mới thực hiện một công trình nghiên cứu quốc tế, khảo sát đến 13521 tham dự viên thuộc đủ quốc tịch để vẽ lên bản đồ thế giới thông qua kích thước dương vật! [6]
Những nghiên cứu như thế này có thể khiến chúng ta cười nhưng thực sự thì đó là những công trình khoa học nghiêm túc bởi những mối liên quan giữa những “thông số sinh học” trong cơ thể chúng ta sẽ nói lên một quan hệ và một quy luật nào đó và, nếu không áp dụng ngay lúc này, khám phá sinh học này sẽ được áp dụng vào lúc sau.
Nghiên cứu khoa học là vậy. Một công trình có thể không mang lại một ứng dụng thực tiễn nhưng trên thực tế nó có thể đã đi một nửa hay một phần ba, một phần tư hay thậm chí một phần mười đoạn đường, sau đó sẽ có vài ba người hay rất nhiều người đi tiếp để phục vụ nhân loại.
Và những công trình đạt giải Ig Nobel này cũng vậy. Chúng có thể làm chúng ta cười, nhưng sau đó sẽ khiến chúng ta suy nghĩ và đó là những cái cười vui và những suy nghĩ nghiêm túc.
Còn những công trình “ignorable” như cây cầu và nhóm tượng nói trên thì hoàn toàn khác.
Chúng ta sẽ cười nhưng là cười chua chát, cười vì ngượng thay cho trình độ thẩm mỹ đám người thực hiện, còn suy nghĩ thì, nói như nhà điêu khắc kể trên, tự thân chúng không đáng để chúng ta suy nghĩ. Nếu có suy nghĩ thì suy nghĩ về cái khác, như non sông gấm vóc chúng ta tội tình gì mà bị bắt phải chưng diện kệnh cỡm đến như thế, hay như đến lúc nào thì tài nguyên quốc gia mới hết bị vung vít vào những thứ xấu xí, quê mùa đậm chất trọc phú đến như thế?
Nhưng đến đây thì vấn đề không thể nào… ignorable, nghĩa là cười để rồi day dứt và đau đầu!
Chú thích:
[1] https://thanhnien.vn/khi-tuong-dai-van-chi-de-tuyen-truyen-post1479189.html
[2] Bài “Tay mẹ nối đầu rồng”, đăng trên talawas blog và Tiền vệ:
http://www.procontra.asia/?p=2547
[3] https://tienphong.vn/tuong-dai-cong-an-sap-khanh-thanh-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-post1454008.tpo
[4] https://www.abc.net.au/news/2011-09-30/ignobels-awards-announced/3193466