Sri Lanka vỡ nợ, Trung Quốc muốn lấy gì để trừ nợ?

Vương Quân

Cảng ở Sri Lanka (Ảnh chụp màn hình video)

Trước thực trạng Sri Lanka vỡ nợ, truyền thông Trung Quốc đã bàn luận về việc nên dùng hình thức “gán nợ” nào, trong đó có đề cập đến việc lấy cảng Colombo để trừ nợ.

Sri Lanka đã tuyên bố phá sản vào ngày 5/7, tỷ lệ lạm phát trong nước lên tới 57%, dự trữ ngoại hối cạn kiệt, trong khi vẫn gánh một khoản nợ khổng lồ lên tới 51 tỷ USD. Đất nước này đã rơi vào tình trạng suy sụp kinh tế tồi tệ nhất trong 70 năm kể từ khi độc lập do ảnh hưởng của việc tăng lãi suất đồng USD, chiến tranh Nga-Ukraine và tham nhũng chính trị. Giá cả tăng vọt do thiếu lương thực, điện và nhiên liệu đã làm gia tăng thêm bất bình trong nước, khiến người dân tức giận xuống đường nổi dậy, dẫn đến bất ổn chính trị, thậm chí Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức và lưu vong sang nước khác.

Sri Lanka, một quốc đảo chỉ có 22 triệu dân, đang gánh khoản nợ khổng lồ 51 tỷ USD. Nợ Trung Quốc chiếm khoảng 10%, nhưng ngoại giới cho rằng tỷ trọng thực tế cao hơn nhiều.

Một bài viết đăng trên trang tin 163.com tại Trung Quốc nói rằng nếu Sri Lanka nhất thời không trả được tiền, vậy thì có thể lấy đất hoặc các công trình cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka để trao đổi; hoặc là “tiếp tục vẽ vài đặc khu kinh tế”, “cho thuê 99 năm”. Bài viết cũng nói Sri Lanka có những lợi thế về địa lý, như việc đầu tư vào cảng Hambantota và Colombo, đều là có tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Chính phủ Sri Lanka đã cho China Merchants Group thuê cảng Hambantota trong 99 năm để trả nợ và cảng này chỉ cách tuyến đường biển chính từ Á sang Âu từ 6 đến 10 hải lý. Có thể nói đây là một điểm kết nối quan trọng của “Một vành đai, Một con đường”. Bắc Kinh cũng bị chỉ trích vì đã giăng bẫy nợ.

Gần đây, nhiều kênh truyền thông Trung Quốc đã đăng tải các bài báo kêu gọi việc kiểm soát cảng Colombo như một khoản bồi thường, thậm chí nhiều bài báo còn kêu gọi cảng Colombo noi gương cảng Djibouti ở Đông Phi, chuyển giao quyền xây dựng căn cứ quân sự của cảng này cho Trung Quốc để trả nợ.

Năm 2007, Trung Quốc đã đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng một cảng nước sâu ở Hambantota, Sri Lanka, và bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2012. Tuy nhiên, cảng không thu được lợi ích như mong đợi, khiến Sri Lanka rơi vào tình cảnh không trả được nợ.

Báo cáo chỉ ra rằng nhiều gia đình ở Sri Lanka đã dựa vào các thành viên trong gia đình ra nước ngoài làm việc vì nhu cầu việc làm trong nước yếu; đồng thời, Bắc Kinh đã cho vay tiền để tài trợ xây dựng các công trình lớn và sang trọng như trung tâm hội nghị quốc tế quy mô lớn, sân vận động và các trung tâm mua sắm lớn, các công trình này đều xa rời tình hình thực tế của đất nước Sri Lanka, và thường trở thành các công trình hào nhoáng bề ngoài.

Bẫy nợ

Nikkei Asia tiết lộ, trong thời kỳ nội chiến Sri Lanka, Trung Quốc tham gia bán vũ khí lên tới 1,8 tỷ USD; sau khi nội chiến kết thúc, Trung Quốc (ĐCSTQ) còn tuyên bố giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi khoản vay 5 tỷ USD có lãi suất bình quân lên đến 3,3%, gần gấp 5 lần lãi suất cho vay của Nhật Bản; đồng thời, ĐCSTQ còn lợi dụng danh nghĩa “Một vành đai, Một con đường“, để “đầu tư” 1,4 tỷ USD, và có kế hoạch thực hiện các dự án khai hoang gần bờ biển Colombo để xây dựng một trung tâm kinh doanh hiện đại, với ý đồ để Bắc Kinh nắm trong tay các nguồn tài nguyên chiến lược của Ấn Độ Dương. Ngoài ra, Trung Quốc thậm chí còn tài trợ việc xây dựng cảng nước sâu Hambantota, cuối cùng đã trở thành một đại diện điển hình cho “chính sách ngoại giao bẫy nợ” của ĐCSTQ.

Chuyện không thể xảy ra? Yêu cầu hơn 100 tỷ viện trợ tài chính từ Bắc Kinh

Ngày 15/7, hãng tin Bloomberg dẫn lời Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Palitha Kohona cho biết, Sri Lanka đang tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để được hỗ trợ tài chính lên tới 4 tỷ USD, và tin rằng Chính phủ Bắc Kinh sẽ đồng ý hỗ trợ vào “một thời điểm nhất định”.

Ông Palitha Kohona cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Sri Lanka đang yêu cầu Bắc Kinh cung cấp khoản vay 1 tỷ USD để trả một khoản nợ tương đương của Trung Quốc đến hạn trong năm nay; ngoài ra, Sri Lanka đang tìm kiếm khoản tín dụng 1,5 tỷ USD để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, và khả năng thực hiện các giao dịch trao đổi trị giá 1,5 tỷ USD.

Bản tin còn dẫn lời ông Palitha Kohona, nói rằng Sri Lanka cũng tin rằng Trung Quốc sẽ đồng ý với các yêu cầu của Sri Lanka “vào một thời điểm nhất định” bởi vì đó không phải là những yêu cầu vô lý. Ông cho biết Sri Lanka cũng đã đưa ra những yêu cầu tương tự đối với các chủ nợ khác, hiện tại Sri Lanka cần vốn để ổn định hệ thống tài chính, “Chúng tôi tin rằng sớm muộn gì Bắc Kinh cũng sẽ gia nhập hàng ngũ viện trợ tài chính cho Sri Lanka.”

Quốc đảo Nam Á Sri Lanka đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, một phần nguyên nhân được cho là do Sri Lanka tham gia sáng kiến “​​Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và vay một khoản tiền khổng lồ từ chính quyền Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng trong nước. Tuy nhiên các cơ sở hạ tầng này không mang lại lợi nhuận, dẫn đến nợ nần chồng chất.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Trung Quốc vào ngày 15/7, phát ngôn viên Uông Văn Bân cho biết, sau khi Chính phủ Sri Lanka tuyên bố ngừng trả nợ nước ngoài, các tổ chức tài chính Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ khoản nợ Trung Quốc khi đến hạn và ứng phó với các vấn đề hiện tại. Đồng thời sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ Sri Lanka; ngoài việc tuyên bố cung cấp cho Sri Lanka khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp 500 triệu nhân dân tệ trước đó, đợt viện trợ lương thực khẩn cấp thứ hai do Trung Quốc cung cấp cho Sri Lanka cũng đã được giao thuận lợi vào ngày 14/7.

Vương Quân, Vision Times

Related posts