Huyền Anh
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đột ngột gia tăng. Ông Tạ Kim Hà (Xie Jinhe), Chủ tịch hội đồng quản trị Caixin Media Đài Loan, nhận định rằng tình hình ở eo biển Đài Loan trong tương lai sẽ không còn bình lặng. Đồng thời, ông chỉ ra rằng Đài Loan sẽ phải đối mặt với 4 điều.
Trong một bài đăng trên facebook hôm 07/8, ông Tạ Kim Hà nhận định rằng, những rủi ro địa chính trị gây ra bởi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đang dần tăng lên. Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ có thể kích hoạt ngòi nổ của sự đảo ngược hoàn toàn giữa phương Tây và Trung Quốc. Tình hình ở eo biển Đài Loan sẽ không còn bình lặng.
Ông Tạ nói rằng để trả đũa việc bà Pelosi đến Đài Loan, các nhà chế biến thực phẩm, nông sản và thủy sản Đài Loan đã bị chôn vùi cùng chuyến đi đó. Việc dán nhãn xuất xứ của các sản phẩm công nghiệp nay không còn là ‘mơ hồ chiến lược’ nữa. Càng nhiều áp lực, khoảng cách giữa hai bờ eo biển sẽ ngày càng xa.
Trước những rủi ro địa chính trị gia tăng, ông Tạ cho rằng Đài Loan phải đối mặt với “4 điều”:
Thứ nhất, Đài Loan phải tạo ra các giá trị đa nguyên sâu sắc hơn và tìm kiếm câu trả lời từ cội nguồn lịch sử.
Hơn 400 năm trước, người Tây Ban Nha đã thành lập thành phố San Salvador ở Keelung. Trong những năm này, các nhà khảo cổ đã khai quật những tàn tích và dấu tích của thành phố cổ gần Nhà máy đóng tàu Quốc tế Đài Loan.
Hai năm nữa, Đài Nam sẽ kỷ niệm 400 năm thành lập thành phố. Người Hà Lan đã thành lập thành phố Geranja ở Đài Nam cách đây 400 năm. Đài Nam được coi như một thành phố văn hóa cổ có cội nguồn lịch sử sâu xa. Khi người Hà Lan đặt chân đến Đài Loan, họ cũng kết hôn với người Sirayas địa phương.
Ông Tạ cho biết ngoài người Tây Ban Nha và người Hà Lan cai trị Đài Loan, người Pháp cũng đặt chân đến hòn đảo. Sau đó, theo Hiệp ước Shimonoseki năm 1895, Đài Loan bị người Nhật cai trị trong 51 năm cho đến cuối Thế chiến II năm 1945.
Trong 400 năm qua, Đài Loan cũng đã từng bị cai trị bởi nhiều quốc gia nước ngoài.
“Nếu Đài Loan là một phần bất khả xâm phạm của Trung Quốc, thì Keelung là một phần bất khả xâm phạm của Tây Ban Nha, Đài Nam là một phần bất khả xâm phạm của Hà Lan và Đài Loan cũng có thể là một phần bất khả xâm phạm của Nhật Bản”, ông Tạ cho hay.
Ông nói rằng trong 400 năm qua, đã có nhiều chủng tộc khác nhau đặt chân lên mảnh đất Đài Loan này, và các nền văn hóa đã hòa trộn với nhau. Câu trả lời rất đơn giản, đó là nơi 23 triệu người cùng sinh sống, lập nghiệp trên hòn đảo này, chỉ cần hòn đảo này tốt đẹp hơn thì thế hệ tương lai của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta muốn tạo ra nhiều giá trị và gắn kết tất cả những ai yêu mến vùng đất này. Nếu ai đó không đồng ý, họ cũng có thể chọn rời đi và đón nhận các giá trị và hệ thống khác nhau.
Ông Tạ tin rằng sự khác biệt lớn nhất giữa dân chủ và độc tài là tự do lựa chọn và tự do thể hiện lập trường của mình. Đây là tương lai của Đài Loan trong việc định hình lại hệ thống đa giá trị từ lịch sử 400 năm của mình. Lần này, ông Cao Hành Thành (Cao Xingcheng), cựu chủ tịch Lianhua Electronics đã ủng hộ Đài Loan 3 tỷ đồng trong sự tức giận, động thái này sẽ gây tác động và phản ánh rất lớn đối với xã hội.
Thứ hai, Đài Loan nên được quốc tế hóa nhiều hơn và cho phép nhiều người nước ngoài đến Đài Loan làm việc, sinh sống và an cư lạc nghiệp.
Nếu có hơn một triệu hoặc hai triệu người nước ngoài định cư ở Đài Loan thì hòn đảo sẽ trở nên an toàn hơn.
Thứ ba, Đài Loan cần tăng cường bảo mật thông tin
Ông Tạ nói rằng, các tin tặc này đã tấn công Đài Loan một cách trắng trợn và Đài Loan có thể dễ dàng cảm nhận được điều đó.
Ông cũng nhắc nhở Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan kiểm tra các phần mềm back-end (đầu sau) của tất cả các tổ chức tài chính. Họ có sử dụng phần mềm do Trung Quốc tài trợ hay không? Nếu không cẩn thận, rất có thể các hệ thống sẽ bị tê liệt hoàn toàn. Gần đây, Vương quốc Anh đã cấm phần mềm Douyin do Trung Quốc sản xuất, và Đài Loan cũng phải đối mặt với mức độ nghiêm trọng của vấn đề bảo mật thông tin.
Cuối cùng, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm đối với các công ty đầu tư vào Trung Quốc.
Tất cả các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải kê khai và công bố các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc, bao gồm cả các khoản vay. Nếu tỷ lệ đầu tư quá cao, cần phải có các cơ chế cảnh báo sớm.
Huyền Anh