Lê Học Lãnh Vân
Năm 1960, tính theo USD, GDP đầu người của Miền Nam là 223, của Hàn Quốc (Nam Hàn) là 155. Miền Nam Việt Nam cao gấp rưỡi Hàn Quốc!
Từ đó, cuộc chiến Bắc Nam lan rộng và trở nên khốc liệt, GDP đầu người của Miền Nam thấp xuống trầm trọng. Tới năm 1975 GDP đầu người Miền Nam là 74 so với Hàn Quốc là 608, chỉ bằng 1/8. Nhưng trình độ công nghệ, khoa học của Miền Nam so với Hàn Quốc chưa chênh lệch.
Sau năm 1975, hai miền Nam Bắc Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo toàn diện và chuyên chính của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1980, phi công Phạm Tuân được cử tham gia chuyến bay lên vũ trụ cùng với phi công Liên Xô Gorbatko trên tổ hợp quỹ đạo Chào mừng – 6, Liên hợp – 36, Liên hợp – 37. Công tác tuyên truyền Việt Nam lúc đó cho rằng nhờ sự lãnh đạo của Đảng chọn con đường đi lên xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam, chỉ trong vòng 5 năm sau hoà bình, đã có mặt trong vài nước ít ỏi của thế giới tham gia chuyến bay vũ trụ. Việt Nam là cường quốc vũ trụ, vượt cả Pháp! Người viết những dòng này được nghe những lời đó trong các buổi báo cáo thời sự – chính trị những năm đầu thập kỷ 1980!
Hàn Quốc thì cặm cụi lo phát triển công nghiệp, phát triển dân trí trong thể chế dân chủ tự do. Đến nay Hàn Quốc có những đại công ty đa quốc gia khổng lồ được xếp số một thế giới về công nghệ, về độ lớn kinh doanh, được xếp hạng siêu cường công nghệ, nhất là Trí Thông Minh Nhân Tạo. Hàn Quốc sản xuất và xuất khẩu máy bay chiến đấu!
Samsung, một trong những công ty đó, đầu tư vào Việt Nam tạo một nguồn xuất khẩu hàng năm gần bằng 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều công ty Việt Nam mong muốn cung cấp sản phẩm phụ trợ cho Samsung, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ hàng phụ trợ Samsung cần vì chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của Samsung!
Ngày 5/8/2020, Hàn Quốc phóng phi thuyền Danuri lên Mặt Trăng, chính thức là cường quốc công nghệ và công nghiệp vũ trụ, đứng kề vai với Pháp!
Từ hai nước tương đương về trình độ dân trí và công nghệ, sau gần năm mươi năm khác biệt về cách tổ chức xã hội, Hàn Quốc giờ đã vượt quá xa Việt Nam. Một bên đã nằm trong thứ bậc rất cao các quốc gia tiến bộ, một bên còn chậm tiến! Đó là chỉ nói tới thứ bậc trong công nghệ, công nghiệp, chưa đề cập tới những giá trị như hệ thống trường đại học, viện nghiên cứu, tôn giáo, nếp sống, cách tổ chức xã hội…
Dù thành quả quốc gia yếu kém như vậy so với Hàn Quốc, người dân Việt Nam luôn nghe những câu đại loại năm tới, năm tới nữa chúng ta sẽ dẫn đầu thế giới ngành công nghệ này, ngành công nghệ nọ, chưa bao giờ nước ta phát triển như bây giờ!
Có sự phát triển thực sự nào không đứng trên cái nền vững chắc của kiến thức, lòng hy sinh vì cộng đồng, tính trung thực không?
Ngày 06 tháng 8 năm 2022