Tin Việt Nam sáng Chủ Nhật

Thẻ thu phí không dừng Việt Nam trong nhóm đắt nhất thế giới

Theo khảo sát của báo Zing, tại những nước sử dụng công nghệ RFID, dán thẻ e-tag lên phương tiện, chi phí để dán và đăng kí sử dụng dịch vụ thu phí tự động cũng có sự chênh lệch nhất định.

Ở một số bang tại Mỹ, thu phí tự động có thể được sử dụng linh hoạt thông qua các bộ dán thẻ E-PASS. Người dùng có thể đặt hàng từ các sàn thương mại điện tử như eBay, Amazon và hoàn tất thủ tục đăng ký trực tuyến.

Cụ thể, bộ dán E-PASS tại nhà được người dân tại các bang như Georgia, Florida, New York sử dụng có mức giá 4,69 USD, tương đương 110.000 đồng.

Sau khi dán và hoàn tất đăng ký, người dân có thể di chuyển không dừng qua các trạm thu phí. Camera giao thông sẽ ghi nhận biển số xe, sau đó gửi hóa đơn về nhà đi kèm nhiều hình thức thanh toán.

Tại Columbia, Colopito – tên gọi của thẻ thu phí không dừng tại nước này – cũng có giá khoảng 20.000 COP, tương đương 120.000 đồng. Thế nhưng ngoài thanh toán khi qua các trạm cao tốc, hệ thống của Columbia còn cho phép chủ xe trả tiền gửi, đỗ xe thông qua thẻ thu phí không dừng (ETC).

Tại Ấn Độ, từ ngày 15/1/2020, dịch vụ FASTag là bắt buộc đối với mọi loại phương tiện giao thông. Người dân cần chi trả khoảng 200 Rupee, xấp xỉ 59.000 đồng cho lần dán thẻ FASTag đầu tiên. Theo đó, tài khoản cần có tối thiểu 100 Rupee, khoảng 30.000 đồng để duy trì sử dụng.

FASTag sẽ được dán trực tiếp lên kính chắn gió của xe và ngay khi phương tiện đi qua trạm thu phí, phí cầu đường sẽ được khấu trừ vào tài khoản ngân hàng hoặc ví trả trước được liên kết với thẻ.

Cá biệt tại Đài Loan (Trung Quốc) hay Thổ Nhĩ Kì, chi phí cho lần dán thẻ ETC đầu tiên gần như miễn phí hoặc có giá rất rẻ. Chủ xe tại Thổ Nhĩ Kì chỉ phải chi trả khoảng 20.000 đồng cho lần dán thẻ đầu tiên.

Ở Đài Loan, khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ, chủ xe chỉ cần mang theo thẻ cư trú ARC và giấy phép đăng ký xe, thẻ eTag sẽ được cấp miễn phí. Sau đó, chủ xe có thể nạp tiền vào thẻ thông qua tiền mặt tại các trạm, với mức phí tối thiểu là 312.000 đồng hoặc thông qua các ví điện tử.

Tại  việt nam,Từ ngày 25/7, Công ty CP Truyền thông số (VDTC – ePass) đã chính thức thu phí cho lần dán thẻ ETC đầu tiên. Theo sau đó, Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cũng đã ngừng miễn phí dịch vụ dán thẻ thu phí không dừng từ ngày 6/8.

Mức giá mà các doanh nghiệp đưa ra cho lần dán thẻ đầu tiên và dán thẻ thay thế là 120.000 đồng/lần.

Hội An

Phát hiện thuốc điều trị nhiễm khuẩn hô hấp giả tại Hà Nội

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa gửi thông báo gửi Sở Y tế các địa phương về việc phát hiện mẫu thuốc Cefuroxim 500 giả.

Theo đó, căn cứ vào công văn gửi Cục Quản lý Dược của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội kèm phiếu kiểm nghiệm số 2127/KNT-22 báo cáo về mẫu sản phẩm trên nhãn ghi: Viên nén dài bao phim CEFUROXIM 500, người sản xuất: 24/08/20, Hạn dùng: 24/08/23; Cơ sở sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Mẫu này do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội lấy tại Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc, Thôn 5, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Sau khi đối chiếu, xem xét, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo ngay cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả trên.

Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm CEFUROXIM 500 giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.

Hội An

Hà Nội công bố loạt tình huống khẩn cấp về sạt lở đê, dự chi 150 tỷ đồng khắc phục

Gần 200m bờ sông dọc sông Cà Lồ đoạn từ đền Ba Voi xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh bị trượt sạt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khuôn viên di tích đền Ba Voi với các vết nứt xé chân tường đe dọa sụp đổ công trình. (Ảnh: hanoitv.vn)

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa có các quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở một số vị trí đê tả Đuống, đê hữu Hồng, đê tả Cà Lồ và ban hành các lệnh khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục các vị trí đang sạt lở.

Tại mái hạ lưu đê tả Đuống (K1+050 đến K1+450, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh), chiều dài sạt lở khoảng 400m, diễn biến rất phức tạp, làm sạt trượt 2 cung sạt trên mái đê với chiều dài 150m và 100m, điểm gần nhất cách mặt đê khoảng 2m, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định, an toàn của tuyến đê tả Đuống khu vực sạt lở.

Thành phố ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục tình trạng trên. Đơn vị quản lý, thực hiện xây dựng công trình là Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP. Hà Nội, dự kiến chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, hoàn thành dự án trong năm 2023.

Tại bờ tả sông Đuống (K12+540 đến K13+000 đê tả Đuống, huyện Gia Lâm), diễn biến sạt lở đang rất phức tạp, làm nứt đường dân sinh sát bờ sông và khu dân cư sinh sống tập trung, ảnh hưởng trực tiếp đến 35 hộ dân xã Dương Hà, huyện Gia Lâm đang sinh sống trong khu vực sạt lở.

Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ tả sông Đuống được ban bố, giao đơn vị quản lý, thực hiện xây dựng công trình cho Sở NN&PTNT Hà Nội, dự kiến kinh phí khoảng 40 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2023.

Tại kè Xâm Thị (K86+389 đến K87+500 đê hữu Hồng, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín), theo giới chức thành phố, sạt lở đang rất phức tạp, mái và đỉnh kè chưa được gia cố đã bị sạt lở ảnh hưởng đến khoảng 150 hộ dân gây lún nứt nhà dân, công trình phụ, tường bao, đường dân sinh… ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn về người và tài sản của nhân dân sinh sống trong khu vực sạt lở.

Thành phố ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở kè Xâm Thị, giao trách nhiệm quản lý, thực hiện xây dựng công trình cho Sở NN&PTNT, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 78 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2023.

Tại kè Yên Phú (K4+200 đến K4+800 đê tả Cà Lồ, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn), sạt lở đang rất phức tạp, phần chân kè nhiều đoạn trôi xuống sông. Tại vị trí K4+300 đê tả Cà Lồ đỉnh kè và mái kè bị sạt, chiều dài khoảng 20m, mái kè bị sạt khoảng 25 mét vuông. Do mái kè là mái đê, hiện trạng sạt lở, hư hỏng tuyến kè Yên Phú đã làm ảnh hưởng đến khả năng chống lũ của tuyến đê tả Cà Lồ.

Thành phố ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở kè Yên Phú tương ứng vị trí nói trên; giao trách nhiệm quản lý, thực hiện xây dựng công trình cho Sở NN&PTNT, mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Minh Long

Nhận 110 triệu đồng, cựu trưởng công an quận Tây Hồ bị đề nghị 9-10 năm tù

Cựu trưởng công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê (áo trắng) tại phiên tòa. (Ảnh: vtc.vn)

Với cáo buộc nhận 110 triệu đồng để thả nghi phạm, cựu trưởng công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê bị đề nghị mức án 9-10 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Chiều 13/8, TAND TP. Hà Nội tiếp tục xử sơ thẩm vụ “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” và “nhận hối lộ”, xảy ra tại Công an quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê (cựu trưởng Công an quận Tây Hồ) 9-10 năm tù về tội nhận hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Đức Châu (cựu đội trưởng cảnh sát hình sự) bị đề nghị án tù bằng thời hạn tạm giam – tức 10 tháng 27 ngày, trả tự do tại tòa.

Hai bị cáo Vũ Công Ngọc (cựu đội phó cảnh sát hình sự) và Lê Đình Trung (cựu đội phó cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) cùng bị đề nghị 8-10 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị truy thu số tiền 110 triệu đồng mà bị cáo Phùng Anh Lê hưởng lợi bất chính để sung quỹ Nhà nước.

VKS nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, các bị cáo là những người có trình độ, hiểu được nguyên tắc giải quyết vụ án, vụ việc tuân thủ tuyệt đối các giai đoạn tố tụng; chỉ vì lợi ích vật chất, bị cáo Phùng Anh Lê đã lạm quyền; các bị cáo còn lại biết trả tự do cho Nguyễn Hữu Tài là sai nhưng vẫn thực hiện. Hành vi các bị cáo xâm phạm tới hoạt động công vụ, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nền tư pháp…

Theo cáo buộc, ngày 19/9/2016, anh Thành (ở quận Hoàn Kiếm) đến công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, tố cáo nhóm người bắt giữ anh này trái pháp luật rồi hành hung.

Sau đó, Nguyễn Hữu Tài cùng đồng phạm ra đầu thú do liên quan vụ trình báo của anh Thành. Khi điều tra, công an quận Tây Hồ tạm giữ Tài 3 ngày.

Sau khi Tài bị tạm giữ, người thân của Tài đã tìm gặp ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Phùng Anh Lê) để nhờ giúp đỡ. Ông Bảy đặt vấn đề và được cựu đại tá Phùng Anh Lê đồng ý cho Tài ra về với điều kiện gia đình nghi phạm phải đưa cho ông Phùng Anh Lê 110 triệu đồng.

Tối 22/9/2016, sau khi nhận tiền của người nhà nghi phạm thông qua ông Bảy, bị cáo Phùng Anh Lê chỉ đạo Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung giao Tài cho Vũ Công Ngọc. Một ngày sau đó, Tài được thả về.

Trong vụ án, VKS đánh giá bị cáo Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, yêu cầu đưa 110 triệu đồng và chỉ đạo cấp dưới thả người. Các bị cáo Châu, Ngọc, Trung biết chỉ đạo của bị cáo Phùng Anh Lê là trái pháp luật nhưng vẫn chấp hành, thực hiện việc tha trái pháp luật.

Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Phùng Anh Lê không thừa nhận cáo buộc.

Phạm Toàn

Thảm án tại Phú Yên: Kẻ thủ ác tuyên bố ‘không bao giờ hối hận’ dù nhận án tử hình

Khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Đoàn Minh Hải nhiều lần la hét đòi giết anh N.H – người duy nhất còn sống sót trong gia đình nạn nhân. Bị cáo Hải tuyên bố không hối hận, không day dứt gì hết khi ra tay đoạt mạng 3 người, là mẹ ruột và ông bà của con gái.

Bị cáo Đoàn Minh Hải liên tục tức giận, la lối đòi giết người tại tòa. Phía sau, cha của Hải ngồi im lặng, khắc khổ. (Ảnh chụp màn hình clip/vietnamnet.vn)

Ngày 12/8, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử bị cáo Đoàn Minh Hải (Sn 1988, trú phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) về tội Giết người.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, Hải và chị N.T.D (SN 1994, trú phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 2018. Cả hai có một con chung là bé N.Đ.T.V (SN 2019).

Ngày 24/9/2020, TAND thị xã Đông Hòa xét xử không công nhận hai người là vợ chồng, giao cháu V. cho chị D. nuôi dưỡng.

Sau đó, Hải nhiều lần đến nhà chị D. thăm con nhưng bị gia đình vợ cũ ngăn cản. Từ đó, giữa Hải và gia đình chị D. xảy ra mâu thuẫn. Hải nảy sinh ý định giết cả gia đình chị D. để trả thù.

Trưa 28/5/2022, Hải mang theo một búa, một dao, đến tấn công chị D. và cha mẹ chị D. là ông N.C (60 tuổi) và bà L.T.L (58 tuổi) khiến cả ba người tử vong tại chỗ. Gây án xong, Hải ẵm con gái về nhà cha mẹ ruột gửi.

Sau đó, Hải tiếp tục quay lại nhà ông N.C hai lần để chờ giết em trai chị D. là anh N.H. Không thấy anh H. về, Hải giấu hung khí rồi mượn xe máy của một người bà con chạy vào TP.HCM lẩn trốn. Đến tối 29/5, Hải bị công an bắt giữ khi ra khỏi phòng trọ của một người quen ở TP.HCM.

Ngay khi bước vào phòng xử, thấy anh N.H, bị cáo Hải đã lớn tiếng dọa giết. Trong suốt phiên tòa, bị cáo Hải thể hiện nét mặt rất bình tĩnh, không sợ sệt dù đối diện với án tử. Hải luôn để mắt đến con gái, nhiều lúc không để ý câu hỏi của HĐXX.

Trong suốt phiên tòa, bị cáo Hải liên tục ném cái nhìn hằn học về phía anh H., gọi ông bà N.C là “tụi nó”, khẳng định “không day dứt gì hết… không bao giờ hối hận”.

Trong phần luận tội, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng trong quá trình phạm tội, Hải không còn tính người khi để lại đến 23 vết thương trên thân thể 3 nạn nhân. Tại phiên tòa, bị cáo không những không tỏ ra ăn năn, day dứt về hành vi giết người mà còn la lối, đòi giết em vợ cũ. Theo đại diện VKSND tỉnh Phú Yên, bị cáo không còn khả năng giáo dục, sửa đổi, cần loại khỏi đời sống xã hội, do đó, đề nghị tòa tuyên bị cáo Hải mức án tử hình.

Khi nghe đề nghị từ kiểm sát viên, bị cáo Hải tuyên bố “không xin gì hết”.

HĐXX TAND tỉnh nhận định bị cáo Hải phạm tội với tính chất đặc biệt dã man, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Trong quá trình xét xử, bị cáo không có ý thức hối cải, hành vi của bị cáo không còn tính người, cần phải loại ra khỏi xã hội.

Từ những nhận định trên, tòa thống nhất quan điểm của đại diện Viện KSND tỉnh, tuyên tử hình bị cáo Đoàn Minh Hải về tội Giết người.

Nguyễn Sơn

Related posts