Autumn Spredemann
Các chuyên gia trên toàn cầu đang cảnh báo giá thực phẩm sẽ tiếp tục leo thang và khuyến cáo người tiêu dùng nên đề phòng khả năng là các kệ hàng sẽ trống. Điều này là do tình trạng hạn hán vô cùng nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến nền nông nghiệp ở 18 quốc gia, tất cả đều là những quốc gia sản xuất lương thực lớn.
Hiện 42 tiểu bang của Hoa Kỳ đang có thời tiết khô hạn từ trung bình cho đến khắc nghiệt. Hơn nữa, nhiệt độ mùa hè nóng kỷ lục cùng với hạn hán kéo dài ở hầu hết Âu Châu, Vương Quốc Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, một số khu vực Mỹ Latinh và các quốc gia sừng ở Phi châu đã làm gia tăng sự bất ổn trong chuỗi cung ứng.
Nhà khoa học khí hậu Richard Seager tại Đại học Columbia nói với The Epoch Times rằng: “Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến việc sản xuất các loại ngũ cốc hàng hóa chính ở những vùng này, có khả năng dẫn đến việc tăng giá lương thực và có tác động tiêu cực đến an ninh lương thực.”
Và dự báo thu hoạch cho năm 2022 có vẻ ảm đạm.
Nhà phân tích hàng hóa cao cấp của OTC Global Holdings, ông Terry Reilly, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đã chứng kiến mức giá tăng mạnh do sản lượng không đạt mức tháng Tám gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ [USDA].”
Ông giải thích rằng đợt tăng giá tiếp theo — được Pro Farmer Crop Tour và USDA dự đoán trong các báo cáo hôm 22/08 — sẽ nghiêm trọng hơn do điều kiện cây trồng giảm xuống bất ngờ đối với bắp và đậu nành.
Tuy vậy, ông Reilly nói thêm rằng, “Tình trạng này có thể sẽ không chấm dứt cho đến khi chúng ta thấy bắp và đậu nành được thu hoạch.”
Một cuộc khảo sát từ 15 tiểu bang trong vành đai trang trại của Hoa Kỳ hồi tháng Sáu cho thấy 74% nhà sản xuất tuyên bố giảm năng suất thu hoạch.
Hơn nữa, những người báo cáo việc cày ải sau vụ mùa do điều kiện khô hạn kéo dài đã tăng lên 37% trong năm nay, tăng từ 24% hồi năm 2021.
Chi phí thức ăn chăn nuôi tại địa phương liên quan đến hạn hán đối với nông dân và chủ trang trại Hoa Kỳ cũng tăng vọt lên 90%.
Kết hợp với điều này là sản lượng thu hoạch giảm theo dự kiến đến từ Âu Châu, Trung Quốc và Châu Mỹ Latinh.
Pháp dự kiến sản lượng thu hoạch bắp sẽ thấp hơn 20% so với năm 2021 do thời tiết khô nóng phá kỷ lục.
Hơn 75% người Romania hiện đang bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài. Do đó, sản lượng ngũ cốc của họ sẽ giảm khoảng 30 triệu tấn.
Theo một báo cáo, tại Ý, nông dân dự đoán năng suất cây trồng “giảm đáng kể.” Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất dầu ô liu, gạo risotto và mì ống cùng với giá cả, là điều không tránh khỏi.
Một phát ngôn viên của Filippo Berio Olive Oils nói với tạp chí thương mại The Grocer, “Nếu trời không mưa sớm, thì sản lượng ô liu sẽ giảm đáng kể.”
Dự kiến cũng sẽ thiếu hụt các loại trái cây như mơ, đào và lê.
Trong khi đó, điều kiện khô cằn quá mức đe dọa gần một nửa sản lượng đậu nành của thế giới ở các quốc gia phía nam của Nam Mỹ.
Năm ngoái, USDA đã dự đoán vụ đậu nành năm 2021-2022 của Brazil, Argentina và Paraguay sẽ lập kỷ lục.
Tuy nhiên, hạn hán đã làm chệch hướng kế hoạch đó hồi tháng Ba năm nay.
Hiện dự kiến sẽ thiếu hụt hơn 18 triệu tấn. Sản lượng đậu nành của Brazil giảm 7%, Argentina giảm 9% và Paraguay giảm đáng kinh ngạc 37% so với năm 2021.
Nhưng các mặt hàng bị ảnh hưởng do hạn hán không chỉ giới hạn ở trái cây và ngũ cốc. Là nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, các đồn điền của Brazil ở vùng Minas Gerais đã có một vụ cà phê thất thu trong vụ thu hoạch từ tháng Năm đến tháng Sáu năm nay.
“Vụ mùa năm nay rất tệ, rất kém, một trong những vụ mùa tồi tệ nhất mà chúng tôi đã thu hoạch trong những năm gần đây,” giám đốc thương mại của Cooxupe — hợp tác xã và nhà xuất cảng cà phê lớn nhất ở Brazil — cho biết trong một sự kiện ở Guaruja.
Tại Trung Quốc, nhiều tỉnh đang đối mặt với hậu quả kép của hạn hán và đợt nắng nóng kéo dài nhất kể từ năm 1961. Các quan chức Bắc Kinh đã ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán quốc gia hôm 19/08 do sông Dương Tử khô cạn đã bắt đầu tác động đến ngành vận tải biển của quốc gia này.
Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Đường Nhân Kiện (Tang Renjian) nói với Global Times rằng các bước khẩn cấp đang được thực hiện để “bảo đảm vụ thu hoạch ngũ cốc vào mùa thu.” Một trong những phương pháp mà các quan chức có kế hoạch sử dụng là kỹ thuật gieo hạt đám mây gây tranh cãi, nhằm cố gắng tạo ra nhiều lượng mưa hơn.
Ấn Độ, một cường quốc sản xuất nông nghiệp khác, đã chứng kiến tháng Bảy khô hạn nhất trong năm nay ở các vùng phía bắc và đông bắc trong mùa gió mùa.
Bốn năm có lượng mưa dưới mức trung bình đã đẩy nông dân ở các quốc gia Sừng Phi Châu như Ethiopia, Kenya và Somalia vào sự sụt giảm sản lượng mạnh mẽ.
Ông Seager giải thích rằng giá hàng hóa tăng do tình trạng mất mùa trên toàn cầu sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nhập cảng lương thực từ các khu vực bị ảnh hưởng, cùng với những quốc gia có ít hoặc không có vùng đệm thu nhập để chống chọi với giá lương thực cao hơn.
Ông nói: “Liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu, đó là một tình huống rất đáng lo ngại.”
Giá tăng đối với một số người, nạn đói đối với những người khác
Giáo sư về chính trị môi trường toàn cầu, bà Doreen Stabinsky, nói với The Epoch Times rằng: “Với những đợt nắng nóng ở miền trung Hoa Kỳ, mọi người vẫn chưa hiểu được sản lượng bắp có ý nghĩa gì.”
Nhưng bà nói rằng quý vị không thể khắc phục thực trạng này mà không giải quyết vấn đề chính trị xung quanh nó trước.
“Pháp đang khô cháy, Trung Quốc đang khô cháy, các sa mạc của [Hoa Kỳ] ở phía tây nam đang khô cháy. Điều đó sẽ tạo ra lý do để các nhà lãnh đạo toàn cầu nói rằng “này, quý vị biết không, chúng tôi làm chưa đủ và cần phải làm nhiều hơn nữa,” bà Stabinsky nói.
Hiện tại, mọi người có thể dự đoán giá thực phẩm cao hơn, tình trạng khan hiếm và ở một số nơi, thực tế là nạn đói.
Bà Reilly cho biết khi nói đến lạm phát, bắp của Liên minh châu Âu và Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng lưu ý rằng “tất cả giá nông sản đều đã bị ảnh hưởng.”
Mặc dù ở những nơi như Phi Châu, hậu quả của hạn hán đang được chứng minh là rất nghiêm trọng.
Hơn 18 triệu người có nguy cơ chết đói do mất mùa ở các quốc gia sừng Phi Châu. Việc thiếu hụt thêm các lô hàng ngũ cốc từ những nơi như Âu châu và Trung Quốc sẽ khiến tình hình vốn đã khó khăn càng trở nên tồi tệ hơn nhiều.
“Có hạn hán và nước, nhưng cũng có nhiệt độ khắc nghiệt và tất cả những điều đó kết hợp với nhau thực sự có thể làm giảm năng suất cây trồng. Ở mức độ nào đó chúng ta có một hệ thống nông nghiệp toàn cầu,” bà Stabinsky nói thêm.
Và thời điểm không thể tồi tệ hơn.
Sự phục hồi sau cú sốc chuỗi cung ứng do xung đột của Nga ở Ukraine diễn ra chậm chạp, nhưng sản lượng thu hoạch giảm do thời tiết khô hạn trên diện rộng trong năm nay đang gây ra thiệt hại hàng tỷ dollar cho nông trại ngoài việc đẩy giá lương thực lên cao hơn.
Theo Cục Thống kê Lao động cho biết riêng tại Hoa Kỳ, giá thực phẩm đã tăng hơn 13% trong 12 tháng qua. Nó là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1979.
Bà Stabinsky nói, “Đây là một năm tồi tệ [đối với nền nông nghiệp] và chúng ta sẽ có nhiều năm tồi tệ hơn, thường xuyên hơn, về nắng nóng, hạn hán và hỏa hoạn.”
Autumn Spredemann BTV Epoch Times Tiếng Anh Cô Autumn là một phóng viên ở Nam Mỹ chủ yếu đưa tin về các vấn đề Mỹ Latinh cho The Epoch Times.
Tịnh Nhi biên dịch