Lê Học Lãnh Vân
Trong những bài văn mẫu luận đề về Chí Phèo của Nam Cao, người ta thường được đọc rằng “Tao không thể làm người lương thiện nữa” và ““Ai cho tao lương thiện” là những tiếng kêu uất hận của Chí Phèo, một người bị cả xã hội đẩy vào bước đường cùng… Từ đó mà dẫn tới ý rằng cái xã hội bất nhân đó của Việt Nam phải bị phá bỏ!
Vấn đề không phải là xã hội ấy bị phá bỏ, mà là bị phá bỏ như thế nào. Thực ra thì, theo thuyết vận động, theo ý niệm vô thường, có gì tồn tại mãi đâu! Vật chất luôn chuyển biến và diễn tiến trong từng sát na, cái thấy trước mắt đang không còn là chính nó rồi. Xã hội nào mà không bị phá huỷ bởi sự vận động theo quy luật của hoá học, vật lý học, sinh học, tâm lý học, xã hội học… Quan sát xã hội Việt Nam bằng trực quan sinh động ta dễ thấy một minh hoạ: từ 1975 tới nay, dù cùng một thể chế, được cai trị chuyên chính bởi một đảng luôn muốn giữ quyền lãnh đạo mãi mãi, xã hội ấy năm 2020 đã khác năm 1980 rất nhiều!
Xã hội Nam Cao mô tả được phá bỏ bằng cách huy động mọi loại Chí Phèo dùng búa, mã tấu, cuốc, xẻng, lưỡi liềm…, có gì dùng nấy đập phá tràn lan đã gây nên một đứt gãy trên nhiều mặt quá sức chịu đựng của đất nước, khó thể phục hồi. Chí Phèo suốt ngày say khướt, rạch mặt ăn vạ, chửi tất cả mọi người. Trong con mắt và kiến thức của Chí Phèo làm gì có Dân chủ, Tự do, làm gì có các giá trị như trung thực, nhân ái, bao dung, chỉ có chai rượu và miếng thịt chó! Xã hội đó không hề có sư cụ, anh sinh viên Canh Nông Ngọc, chú tiểu Lan trong Hồn Bướm Mơ Tiên, không hề có Dũng, Loan trong Đôi Bạn, không có Hai Chị Em, không có vợ chồng anh Phó Thức bên sông Nhị Hà… Chỉ có Bá Kiến thôi! Bá Kiến là người để Chí Phèo khi cần tiền thoả mãn cơn thèm rượu và thịt chó thì tới vòi, rạch mặt ăn vạ và làm tay sai, mà trong lòng lúc nào cũng hậm hực, căm thù Bá Kiến. Ở Chí Phèo không hề có sự tiếp nối mà chỉ có đập phá, cướp bóc. Cho nên khi có chuyện bế tắc, Chí Phèo tìm Bá Kiến thanh toán!
Trong cơn điên loạn cá nhân, Chí Phèo giết Bá Kiến. Trong cơn lên đồng tập thể, nhóm người Chí Phèo lũ lượt kéo nhau chém giết bừa bãi. Nhân danh giành độc lập, nhóm đó đập phá dinh thự, công đường, cướp và giết cả nhà quan lại, sai nha. Nhân danh Cải Cách Ruộng Đất, nhóm đó giết tầng lớp có ruộng vườn hay tầng lớp tinh hoa nông thôn. Nhân danh Cải Tạo Tư Sản, nhóm đó huỷ hoại tầng lớp doanh nghiệp, trí thức. Nhân danh chống phong kiến, nhóm đó đập phá đền thờ, miếu mạo nơi cất giữ tâm hồn, phong tục, nề nếp làng xóm, ông cha…
Học giả Hoàng Xuân Hãn, người sưu tầm rất nhiều di sản văn hoá cổ trong thời gian đầu cuộc chiến chín năm chống Pháp, người ủng hộ kháng chiến, cho biết “nhiều nơi họ đi qua, mộ bia, nhà cổ, di tích bị phá huỷ” (tư liệu riêng). Ông Hãn cũng cho rằng với một quốc gia trọng nông như Việt Nam, thay đổi chính sách ruộng đất là việc nên làm và các triều đại nước ta xưa từng làm khi hoàn cảnh thay đổi. Sai lầm của Cải Cách Ruộng Đất những năm 1950 là khi tiến hành người ta đã tấn công con người thay vì sửa đổi luật lệ quản lý xã hội để con người tự thay đổi theo (tư liệu riêng). Nếu không có các anh Chí Phèo sẵn sàng đấu tố chém giết với não trạng căm thù người có của thì công cuộc Cải Cách Ruộng Đất chưa chắc được tiến hành như ký ức nhiều người ghi lại.
Cuộc trường chinh của dân tộc kể từ sau thế chiến hai có rất nhiều thành phần, trí thức, tư sản, công nhân, nông dân… trong đó có các anh Chí Phèo mông muội. Các anh Chí Phèo ấy lại được nuông chiều tâng bốc để lôi kéo, có khi nào được dùng để đối trọng với trí thức, hiền tài không? Con đường những anh Chí Phèo đi, từ rừng sâu núi cao về đồng bằng, “quét sạch giặc thù”. Trên dãy đất chữ S sự phân biệt địch ta bạn thù rất rõ ràng và nghiệt ngã tàn phá những nguyên tắc của tình đồng bào, gia đình, bà con, làng xóm, tâm linh. Nguyên khí quốc gia bị phá bỏ, giày xéo như viên ngói bể, như đống phân trâu bò, bị đá lăn lóc xuống hố sâu, ra biển cả… Kẻ “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, Phạm Duy, phải tự hỏi “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai”! (từ lời các bài hát của Phạm Duy)
Chí Phèo có đáng tội, đáng thương? Bá Kiến có đáng ghét? Gạt một bên lòng thương ghét để ngó về mục tiêu thiết lập một xã hội văn minh, tiến bộ, giàu mạnh, no ấm thì các nhà chính trị phải dùng tầng lớp tinh hoa đặt ra nền tảng tổ chức xã hội sao cho số người rơi vào hoàn cảnh Chí Phèo, số người như Bá Kiến giảm tới mức tối thiểu… Nếu vì thấy tội, vì thương Chí Phèo, vì căm ghét Bá Kiến mà tụ tập các anh Chí Phèo dưới ngọn cờ giành lại chén cơm, lợi quyền qua tay mình để gây nên các cuộc trời long đất lở, xã hội tan tành rồi khi trời đất tạm yên, các anh Chí Phèo tót lên ngồi vai lý trưởng, chánh tổng, tri huyện, tuần phủ, tổng đốc, khâm sứ đại thần thì cảnh nhà tan nước nát có thể thấy trước. Nhà giáo dục Mạc Văn Trang, một kẻ sĩ chế độ mới, ngẩn ngơ kêu lên “ngày xưa trộm cắp đi tù toàn kẻ nghèo hèn, vô học; nay bọn tù này toàn quan, tướng, giáo sư, tiến sĩ… Lạ chưa?” (từ trang Fb của Mạc Văn Trang, ngày 29/3/2022). Thực ra thì ngoài lớp vải khoác sặc sỡ, cốt cách những người đi tù ngày nay khác gì người đi tù ngày trước? Phải chăng đó chỉ là những anh Chí Phèo tiếp nối theo thời gian? Phải chăng Chí Phèo có mặt trên nhiều lãnh vực, cả những lãnh vực được xem “thánh đường” của tri thức, và có mặt ở cả vị trí cầm cân nẩy mực? Phải chăng tính chất Chí Phèo qua chọn lọc chủ động đã trở thành gien phổ biến trong cộng đồng đang góp phần kéo xã hội trở về cái lò gạch năm xưa, nơi Chí Phèo xuất thân?
Hoàng Xuân Hãn, Phạm Duy, Mạc Văn Trang cất lên tiếng kêu đơn lẻ hay phản ánh nỗi lòng nhiều người?
“Ai cho tao lương thiện”, câu nói năm xưa của Chí Phèo khiến nhiều người thương xót, căm phẫn.
Có phải lòng thương xót, căm phẫn mà thiếu kiến thức, và có lẽ cũng thiếu tấm lòng với tương lai dân tộc, dẫn tới thiếu sự cân nhắc lẽ được thua lâu dài cho tổ quốc đã khiến Việt Nam hôm nay tụt hậu quá xa so với Thái Lan, so với Hàn Quốc. Xã hội Việt đã đảo lộn hay đánh mất nhiều giá trị văn minh nhân loại. Người dân Việt phải sang Hàn Quốc trong phận ô-sin, cu-li trong khi người Hàn sang Việt Nam đầu tư làm ông chủ…
Và tám mươi năm sau tiếng kêu của Chí Phèo, hôm nay có không nhiều người đang kêu lên “Ai cho đất nước phát triển?”. Nhận xét của bà Phạm Chi Lan “đất nước không chịu phát triển” phải chăng là một dạng của tiếng kêu đó?
Đâu là nguyên nhân cốt lõi của hiện trạng? Người Việt Nam hôm nay cần làm gì đáp ứng yêu cầu phát triển cấp bách của đất nước? Phải chăng một trong những điều quan trọng nhất là kềm hãm cái gien Chí Phèo để nó không còn là gien trội lan tràn trong cộng đồng khiến quốc gia bị ung thư khó bề cứu chữa?