Chuyên gia: Mỹ đã mở cửa cho các cuộc tấn công hạt nhân của Nga

Huyền Anh

Chuyên gia: Mỹ đã mở cửa cho các cuộc tấn công hạt nhân của Nga
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat trong cuộc thử nghiệm tại sân bay vũ trụ Plesetsk, Nga, hôm 20/4/2022. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Việc ông Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân được đưa ra vào lúc ông tuyên bố lệnh điều động quân sự lần đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến II. Ngay lập tức, Mỹ đã đáp trả bằng những lời lẽ răn đe không khoan nhượng, điều này vô hình trung đã mở ra cánh cửa cho các cuộc tấn công hạt nhân của Nga.

“Nếu Nga vượt qua lằn ranh này, sẽ có những hậu quả thảm khốc đối với Nga”, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói với đài NBC trên chương trình “Meet the Press” vào ngày 25/9, đề cập đến các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Hoa Kỳ sẽ đáp trả một cách dứt khoát”, ông nói.

Đáp lại lời cảnh báo của ông Sullivan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 21/9, “Tôi muốn nhắc những người đưa ra những tuyên bố như vậy với Nga rằng, đất nước chúng tôi cũng sở hữu nhiều loại vũ khí khác nhau, và một số trong số chúng còn hiện đại hơn vũ khí mà các nước NATO đang có”, nhà lãnh đạo Nga nói.

“Trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga và để bảo vệ đất nước cũng như người dân của chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các hệ thống vũ khí sẵn có của mình. Đây không phải là một trò hù dọa”, ông nói thêm.

Hôm 22/9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã nói tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine rằng: “Ý tưởng về cuộc xung đột hạt nhân đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi. Bản thân điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Dù có thể chấp nhận được hay không thì việc sử dụng vũ khí hạt nhân đang trở nên phổ biến nhanh chóng. Thế giới có thể cảm ơn Tổng thống Joe Biden đã giúp tạo điều kiện cho một cuộc chiến tổng lực đầu tiên trong lịch sử.

Việc ông Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, có lẽ là để chống lại Ukraine nhưng cũng có thể là những nước khác, được đưa ra vào thời điểm ông tuyên bố lệnh điều động quân sự lần đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến II.

Nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra hàng loạt lời đe dọa hạt nhân trong năm nay.

Vào ngày 27/2, ông Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao. Vào ngày 01/3, ông xuất kích các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và các bệ phóng tên lửa di động trên đất liền trong cái gọi là “cuộc diễn tập”.

Học thuyết hạt nhân của Nga được gọi là “leo thang để giảm thang” (escalate to deescalate) hay nói đúng hơn là “leo thang để giành chiến thắng” (escalate to win), có nghĩa là đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân sớm trong một cuộc xung đột thông thường (conventional conflict).

Ngay cả khi ông Putin đang hù dọa, giống như suy nghĩ của hầu hết các nhà phân tích, thì ông ấy cũng đang đạt được điều mình muốn bằng những lời răn đe. Tổng thống Biden đã trở nên thận trọng và thậm chí có phần rụt rè (timid) trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho một Ukraine bị bao vây. Rõ ràng ông Putin đã nhận thấy điều đó, và đây cũng là lý do khiến ông đưa ra nhiều lời đe dọa kiểu như vậy.

“Một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể chiến thắng”, ông Biden tuyên bố trong bài phát biểu ngày 21/9 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Với tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, trong giây lát, nhà lãnh đạo Nga có thể đảo ngược vận mệnh của mình bằng cách thiêu rụi các thành phố và địa điểm tập trung tài sản quân sự của Ukraine, cuối cùng cho phép Nga thôn tính toàn bộ đất nước này.

Liệu ông Putin có thể thoát khỏi một bước đi táo bạo như vậy? Biện pháp ngăn chặn chính đối với cuộc tấn công đầu tiên bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, chính là cuộc tấn công thứ hai bị đe dọa bằng vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm này, Hoa Kỳ đã sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu, dưới dạng “bom trọng lực” (gravity bombs) được trang bị cho các máy bay phản lực F-16 và F-35.

Những quả bom này, dù có sức công phá lớn cỡ nào, thì trên thực tế cũng không phải là yếu tố có thể ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chúng có thể bị tiêu diệt trên mặt đất, và nếu chưa bị tiêu diệt thì chúng buộc phải vượt một quãng đường dài qua không phận tranh chấp để tiếp cận mục tiêu. Tóm lại, khó có khả năng ông Putin lo sợ bom trọng  lực này của Mỹ.

Điều đó khiến tổng thống Mỹ chỉ còn một chiêu bài răn đe: tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (Intercontinental Ballistic Missiles – ICBM). ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể xóa sổ toàn bộ nước Nga, nhưng ông Putin hiểu rõ rằng, ông Biden sẽ không bao giờ đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào về việc sử dụng thứ vũ khí đó trong tình huống như vậy. Ông Putin cũng hiểu rằng, ông chủ Nhà Trắng biết việc ông Putin có thể tiêu diệt Hoa Kỳ bằng một cuộc tấn công thứ hai thông qua tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Khi ông Sullivan nói đến từ “thảm khốc” (catastrophic), ông Putin chắc chắn nghĩ đến từ “rỗng tuếch” (hollow). Những lời lẽ đe dọa của Mỹ về việc sử dụng thứ vũ khí hủy diệt mạnh mẽ nhất của họ chỉ đơn giản là không đáng tin trong tình huống như thế này.

Vậy tại sao Hoa Kỳ không có thứ họ cần vào thời điểm quan trọng này: tên lửa hành trình mang đầu hạt nhân (nuclear-tipped cruise missiles) giống như tên lửa của Nga? Cộng đồng kiểm soát vũ khí (arms-control) cho rằng, những vũ khí năng suất thấp (low-yield weapons) như vậy sẽ khiến chiến tranh hạt nhân dễ nổ ra hơn, do đó họ đã thuyết phục các tổng thống Mỹ không nên chế tạo chúng. Cựu Tổng thống Trump đã cho phép phát triển thứ vũ khí này, trong khi ông Biden lại hủy bỏ chương trình đó.

Thật không may, cộng đồng kiểm soát vũ khí đã hiểu sai vấn đề. Rõ ràng là từ những diễn biến ngày nay, việc Mỹ thiếu đầu đạn hạt nhân với hiệu suất thấp để trang bị cho tên lửa hành trình đang khiến nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân dễ dàng hơn, chứ không phải ít hơn.

Vậy, hiện nay cộng đồng kiểm soát vũ khí khuyến nghị điều gì?

Hai tác giả Tom Collina và Angela Kellett đã có bài viết trên trang Defense One hôm 21/9, nói rằng: “Hoa Kỳ cần phải thu nhỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để khuyến khích Nga làm điều tương tự”.

Lôi kéo Nga giải giáp? Mỹ đã thử điều đó và hứng chịu kết cục thất bại thảm hại.

“Năm 2010, Mỹ đã tiêu diệt tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân của Hải quân và Nga đáp trả bằng cách xác nhận rằng, họ thực sự đang chế tạo 32 vũ khí hạt nhân chiến lược mới, trong đó 90% hiện đã hoàn thành”, ông Peter Huessy của Viện Hudson nói với tờ Gatestone và bổ sung thêm rằng, con số này của Trung Quốc là 28.

Tuy nhiên, hai tác giả của bài báo đã thúc giục chính quyền ông Biden không nên để cuộc chiến của ông Putin ngăn cản các cuộc đàm phán với Điện Kremlin trong việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân của nước này.

“Nếu Mỹ muốn ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, chúng ta phải tìm cách thương thảo với Moscow để thu nhỏ kho vũ khí hạt nhân của họ”, hai tác giả viết trong cuốn “War Is No Reason to Put Arms-Control Negotiations on Hold”, bài báo của tờ Defense One cho hay.

Liệu Mỹ có thể hợp tác với ông Putin vào thời điểm này?

Ngay cả khi Mỹ có thể gạt chuyện nói đạo lý với một kẻ sát nhân hàng loạt sang một bên, thì cũng thật bất cẩn khi tin rằng ông Putin sẽ tôn trọng các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, trong khi ông không ngừng vi phạm các thỏa thuận mà không bị trừng phạt.

Hơn nữa, lập luận về việc giải trừ quân bị trong thời bình vốn đã đủ tồi tệ, nhưng đỉnh cao của sự điên rồ là làm điều đó trong thời chiến. Cùng lúc, Trung Quốc và Triều Tiên cũng đang thực hiện các mối đe dọa hạt nhân tấn công đầu tiên của riêng họ.

Những người ủng hộ kiểm soát vũ khí của Mỹ luôn tỏ ra ngây thơ. Còn bây giờ thì họ đang bị ảo tưởng.

Huyền Anh

Related posts