Cát Duyên
Nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng mệt mỏi trong khi các nước thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ngập trong nợ và lạm phát. Trong nửa đầu năm 2022, Trung Quốc rót ít vốn hơn vào BRI; không có dòng tiền nào chảy vào Nga.
Ra mắt vào năm 2013, BRI là kế hoạch của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận của Trung Quốc trên toàn cầu — với các tuyến đường bộ, tuyến hàng hải, viễn thông, mạng lưới máy tính và mạng lưới ngân hàng chạy qua hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Về cơ bản, mô hình BRI của Trung Quốc cung cấp các khoản vay, thường với lãi suất cao, cho các nước để họ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, trạm phát điện, đường sắt và sân bay. Hầu hết công việc xây dựng được thực hiện bởi doanh nghiệp Trung Quốc, sử dụng lao động và vật liệu thô của Trung Quốc.
Khi công bố “Chiến lược châu Phi cận Sahara” mới của Tòa Bạch Ốc hồi tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với phái đoàn ở Pretoria (Nam Phi) như sau: “Chúng ta đang chứng kiến hậu quả khi các thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng quốc tế mang đầy tính cưỡng ép và tham nhũng”.
Tai họa kinh tế
Đầu tư ra ngoại quốc của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2016 và đã giảm kể từ đó. Năm 2020, Trung Quốc là nhà đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 2 thế giới. Năm 2021, Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ 4 sau Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản. Năm nay, đối mặt với lạm phát, thất nghiệp, khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế, Bắc Kinh cũng như nhiều ngân hàng đầu tư nước ngoài đã nhiều lần cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc đang tập trung vào thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng sẽ rất khó khăn. Khi lãi suất tăng ở Mỹ và giảm ở Trung Quốc, Mỹ là điểm đến hấp dẫn hơn so với Trung Quốc cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc cũng khiến nguồn vốn dành cho đầu tư ra nước ngoài trở nên nhỏ giọt hơn. Đầu tư BRI của Trung Quốc vào các thị trường mới nổi đã tụt lại xa so với FDI toàn cầu đổ vào các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc). Từ năm 2020 đến 2021, dòng vốn FDI toàn cầu chảy vào các nước đang phát triển tăng 40%, trong khi đầu tư BRI của Trung Quốc vào các nước này giảm 25%. Sự sụt giảm đầu tư này đã được nêu lên trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc cho giai đoạn 2021-2025.
Ngừng đầu tư BRI vào một số nước
Đầu tư của Trung Quốc vào một số quốc gia – như là Nga, Ai Cập và Sri Lanka – đã giảm xuống con số 0. Khoảng 55% tổng đầu tư BRI của Trung Quốc là ở Trung Đông. Nước nhận đầu tư lớn nhất là Ảrập Xêút với 5,5 tỷ USD.
Khoản đầu tư này được đưa ra khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tái đàm phán với Ảrập Xêút để thuyết phục nước này hỗ trợ nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh. ĐCSTQ muốn thanh toán các giao dịch dầu mỏ bằng tiền Trung Quốc. Các cuộc đàm phán này đã diễn ra trong gần một thập kỷ, nhưng cho đến nay, hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào và đồng USD vẫn là đồng tiền dầu mỏ toàn cầu.
Bất chấp cam kết năm 2021 của Bắc Kinh với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc không đầu tư vào các dự án than ở ngoại quốc, Trung Quốc đã đầu tư vào một số dự án nhiên liệu hóa thạch ở các nước khác, bao gồm Indonesia và một số nước BRI, chiếm 66% tổng số hợp đồng xây dựng ở ngoại quốc của Bắc Kinh. Đồng thời, đầu tư vào lĩnh vực thủy điện và năng lượng xanh của Trung Quốc giảm 22%.
Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, có nhiều đồn đoán rằng ĐCSTQ sẽ lao vào đầu tư mạnh mẽ và thu lợi từ khai thác khoáng sản, đặc biệt từ trữ lưỡng kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới ở Afghanistan. Các quan chức Trung Quốc cũng đã nhiều lần đề cập đến khả năng mở rộng dự án hàng đầu của BRI có tên “Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC)” đến Afghanistan.
Ngoài khoáng sản, ĐCSTQ cần sự giúp đỡ của Taliban trong các vấn đề an ninh. Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu Afghanistan không cung cấp nơi trú ẩn cho Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) – tổ chức bị cáo buộc đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Trung Quốc và Pakistan. Việc thêm Afghanistan vào CPEC và lời hứa tăng cường đầu tư BRI vào Afghanistan có thể khiến Taliban tuân theo mong muốn của ĐCSTQ. Tuy nhiên, bất chấp hứa hẹn của Trung Quốc, những khoản đầu tư này chưa từng được hiện thực hóa.
Các vấn đề đã ngăn cản ĐCSTQ mở rộng đầu tư vào Afghanistan hồi năm 2021 vẫn tồn tại đến hiện nay. Chúng bao gồm các rào cản trong hoạt động và quy định, cũng như các mối lo ngại về an ninh. Cơ sở hạ tầng cũng thiếu trầm trọng. Đường xá, nhà máy chế biến và mỏ sẽ cần phải được xây dựng. Do đó, không có dự án đầu tư lớn nào của Trung Quốc vào nước này.
Đầu tư vào CPEC – viên ngọc quý của BRI – đã giảm khoảng 56% trong nửa đầu năm 2022 so với năm 2021. Chương trình Tài chính Phát triển Trung Quốc của AidData phát hiện ra rằng 35% các dự án BRI gặp phải các vấn đề trong quá trình triển khai; các vấn đề này bao gồm tham nhũng và vi phạm luật lao động.
AidData cũng phát hiện ra nhiều khoản nợ tiềm ẩn, trong đó các công ty tư nhân tại các nước BRI đã nhận nhiều khoản vay từ các tổ chức do ĐCSTQ kiểm soát, nhưng chính phủ địa phương là người bảo lãnh cuối cùng cho khoản vay. Do đó, những khoản vay này không được cộng vào tổng số nợ mà Bắc Kinh là chủ nợ, mặc dù chính phủ quốc gia có thể gặp khó khăn với gánh nặng nợ bổ sung này.
Năm 2016, BRI ra đời như một kế hoạch để thôn tính toàn cầu. Ngày nay, triển vọng về tiến độ của BRI bi quan hơn nhiều. Điều này có thể tạo cơ hội phát triển cho giải pháp thay thế BRI của các nước G7 có tên “Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu”.
Cát Duyên