Tin thế giới sáng Chủ Nhật: Tàu điện ngầm số 11 của Trung Quốc phát nổ vào ngày 11/11

Tàu điện ngầm số 11 của Trung Quốc phát nổ vào ngày 11/11

Hiện trường vụ nổ tàu điện ngầm Thượng Hải hôm 11/11 (ảnh chụp màn hình video).

Vào ngày 11/11, một vụ tai nạn xảy ra trên tuyến tàu điện ngầm số 11 của Thượng Hải vào giờ cao điểm buổi sáng. Tại hiện trường có khói lửa bốc lên kèm theo tiếng nổ lớn. Chưa có báo cáo về thương vong tính đến thời điểm này.

Theo hãng tin SET News, tuyến tàu điện ngầm số 11 ở Thượng Hải bốc cháy và phát nổ. Video cho thấy rất nhiều tia lửa và khói bốc ra từ tàu điện ngầm, sau đó là một vụ nổ rất lớn.

Theo Metro Thượng Hải, các công nhân trên tuyến tàu điện ngầm số 11 ở Thượng Hải đang gấp rút sửa chữa do các thiết bị công nghiệp gặp sự cố, dự kiến ​​sẽ bị chậm hơn 60 phút.

Các nhân chứng cho biết, lúc đó không có hành khách nào trên tàu, không có báo cáo về thương vong, và lộ trình lái xe của tàu điện ngầm Thượng Hải đã được điều chỉnh ngay lập tức.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 11/11, Weibo chính thức của Metro Thượng Hải tiết lộ rằng, tuyến tàu điện ngầm số 11 không kết nối được với lưới điện vào sáng hôm đó, khiến một đoàn tàu bị đoản mạch và chập điện. Ngay lập tức hiện trường có tiếng nổ kèm theo khói và lửa, nhưng không gây hỏa hoạn.

Vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày, công ty phát đi một thông báo cho biết, sau khi sửa chữa khẩn cấp tại chỗ, sự cố của thiết bị cung cấp điện của tuyến số 11 đã được khắc phục và các hoạt động đang dần được nối lại.

Trong một thông báo khác, Metro Thượng Hải cho biết, sự cố trên là do lỗi đường dây điện, gây chập và phóng điện cho một đoàn tàu không người lái. Do đó, một số đoạn cung cấp điện bị gián đoạn khiến hai chuyến tàu buộc phải dừng lại và tiến hành sơ tán hành khách. Công ty yêu cầu hành khách di tản có trật tự.

Theo nguồn tin từ SET News, một số lượng đáng kể hành khách đã bị ảnh hưởng vì sự cố xảy ra vào giờ cao điểm buổi sáng. Một số cư dân mạng đã để lại lời nhắn trên tài khoản WeChat chính thức của Metro Thượng Hải, nói rằng sau khi đứng trên tàu tuyến số 11 trong hơn 30 phút, họ được yêu cầu xuống và sử dụng các phương tiện giao thông khác.

Vào ngày 11/11, một loạt các video lan truyền trên mạng cho thấy một vụ nổ ở tàu điện ngầm ở Thượng Hải, và chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Trong video, một đoàn tàu đang dừng ở ga tàu điện ngầm.

Một nhân chứng nói, “Trời ơi, tàu điện ngầm sắp nổ tung và đầy lửa!”. Cô vừa dứt lời thì hai ngọn lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ lớn. Người phụ nữ thốt lên: “Ôi! Xong rồi, chết thật rồi!”. Một nhân chứng khác thốt lên trong video: “Ôi! Kinh khủng quá!”.

Một số cư dân mạng bình luận về điều này:

“Thật khủng khiếp, gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn”

“Mọi thứ ở Trung Quốc đều nổ tung, trừ tên lửa”

“Có vẻ như có hai toa tàu phát nổ. Toa đầu tiên nổ dữ dội hơn, nổ nhiều lần liên tiếp. Khả năng có người bị thương từ một vụ nổ như vậy là rất cao”.

Lam Giang

Theo Visiontimes

Ukraine tuyên bố sẽ dựng tường rào ở các khu vực biên giới với Nga

(Ảnh minh họa: Andriy Kuzakov/Shutterstock)

Hôm 11/11 vừa qua, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Kyrylo Tymoshenko, cho biết nước này đã bắt đầu xây dựng một bức tường dọc khu vực biên giới với Belarus. Bên cạnh đó, ông Tymoshenko cho hay rằng thêm rằng nước này cũng sẽ dựng tường rào ở các khu vực biên giới với Nga, theo hãng tin Reuters.

Theo ông Tymoshenko, công trình bao gồm một tường bê tông, một hào và một hàng rào thép gai đang được triển khai xây dựng tại các vùng Volyn, Rivne và Zhytomyr ở miền Bắc. Đến nay, các hàng rào đã được dựng lên ở 3 km biên giới ở vùng Volyn. Được biết, Ukraine và Belarus có chung đường biên giới dài 1.000 km.

Ở một diễn biến khác, theo tờ NDTV, nhiều người dân đã chào đón lực lượng Ukraine tiến vào thành phố Kherson sau khi lực lượng Nga rút khỏi khu vực này. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết 11/11 là ngày lịch sử, đồng thời tuyên bố rằng “Kherson là của chúng ta”.

Bên cạnh đó, ông cũng xác nhận các đơn vị đặc biệt của lực lượng vũ trang Ukraine đã có mặt tại Kherson, trong khi các đơn vị khác đang trên đường tới thành phố. Các lá cờ của Ukraine đã xuất hiện tại tòa nhà hội đồng thành phố hôm 11/11, sau khi binh sĩ Kyiv tiến vào thành phố Kherson, theo các báo cáo trên mạng xã hội.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng tất cả các binh sĩ Nga đã được di chuyển qua sông Dnepr đến bờ phía đông. Các quan chức Ukraine vẫn thận trọng và nói rằng quá trình này có thể mất một tuần.

Tổng thống Zelensky cho biết trong một tuyên bố hôm 11/11 rằng cho đến nay, có 41 khu định cư Kherson đã được giải phóng khi Kyiv tiến hành cuộc phản công ở khu vực phía nam.

Phan Anh (Trí Thức VN)

Mỹ xóa bỏ tư cách kinh tế thị trường và gia tăng cô lập Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 16/09/2022. (Ảnh: Sergei Bobylov / SPUTNIK / AFP qua Getty Images)

Mỹ đã loại bỏ Nga khỏi danh sách những nền kinh tế thị trường, điều giúp Mỹ có thể áp dụng toàn bộ sức mạnh của luật chống bán phá giá lên hàng hóa nhập khẩu từ Nga. Đây có thể coi là một động thái trả đũa cuộc xâm lược Ukraine từ phía Mỹ và sẽ làm gia tăng áp lực lên Nga.

Bộ Thương mại Mỹ đã ra thông báo vào hôm thứ 5 (10/11) rằng họ đã loại bỏ Nga khỏi danh sách những nền kinh tế thị trường trong nỗ lực gây áp lực lên Moscow về thương mại song phương và cô lập hơn nữa nền kinh tế của đất nước này.

Quyết định của Bộ Thương mại đã nêu ra sự can thiệp ngày càng tăng từ chính phủ Nga vào nền kinh tế của đất nước này, dẫn đến sự biến dạng về giá, điều gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ. Nghị quyết — một hành động trả đũa của chính phủ Mỹ đối với cuộc xâm lược vẫn đang tiếp diễn của Nga ở Ukraine — mang lại khả năng sử dụng toàn bộ sức mạnh của luật chống bán phá giá của Mỹ để áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Nga.

“Dựa trên đánh giá cân bằng các sự kiện và phù hợp với luật pháp Mỹ, quyết định này sẽ đảm bảo rằng các tính toán bán phá giá của Bộ Thương mại phản ánh thực tế kinh tế trên thực địa và các ngành công nghiệp Mỹ thoát khỏi mối lo về hàng nhập khẩu không công bằng, thứ mà họ được hưởng theo luật”, cơ quan cho biết.

Nga nằm trong danh sách các quốc gia mà Mỹ coi là nền kinh tế phi thị trường, nhưng đã bị loại khỏi bảng phân loại này vào năm 2002 sau khi Moscow theo đuổi các biện pháp tự do hóa nền kinh tế của mình.

Danh sách bao gồm các quốc gia như các đồng minh của Nga là Belarus, Trung Quốc, Việt Nam, Armenia, Azerbaijan, Moldova, Uzbekistan và các quốc gia khác từng là một phần của Liên Xô cũ.

Quyết định của Bộ Thương mại dựa trên một số tiêu chí, bao gồm môi trường đầu tư nước ngoài, khả năng chuyển đổi tiền tệ và sự kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất. Thông cáo báo chí của bộ cho biết: “Trong quyết định của mình, Bộ Thương mại đã phát hiện ra những bước lùi lớn trong những lĩnh vực này, đặc biệt là kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine xảy ra”.

Bán phá giá dùng để chỉ việc các nhà sản xuất nước ngoài bán hàng hóa với giá thấp hơn giá bán của nhà sản xuất tại thị trường trong nước hoặc với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất. Điều này xảy ra khi chính phủ ở các quốc gia đó trợ cấp sản xuất và cung cấp hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như các khoản vay với các điều kiện không phản ánh điều kiện thị trường.

Thương mại giữa Mỹ và Nga

Cách phân loại mới sẽ dẫn đến thuế nhập khẩu cao hơn đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Nga. Tuy nhiên, động thái được cho là chỉ có tác động nhẹ vì nhập khẩu của Nga đã bị hạn chế kể từ cuộc xâm lược Ukraine.

Năm 2022, Mỹ nhập khẩu 12,5 tỷ USD hàng hóa của Nga từ đầu năm đến tháng 9. Nhập khẩu của Mỹ từ Nga đạt tổng cộng 29,7 tỷ USD vào năm 2021, gấp hơn hai lần mức của năm nay, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Nga đạt tổng cộng 6,4 tỷ USD.

Dầu và khoáng sản, vôi và xi măng là những mặt hàng hàng đầu từ Nga, chiếm hơn 59% tổng lượng hàng nhập khẩu vào năm 2021. Kim loại cơ bản (kim loại thông thường không thuộc loại quý hiếm), sắt, thép và dụng cụ theo sau với 13,4% và đá, thủy tinh, kim loại và ngọc trai chiếm 10%. Năm ngoái, 7,9% tổng kim ngạch nhập khẩu dầu và khoáng chất, vôi và xi măng của Mỹ là từ Nga, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại.

“Chế độ của Putin không nên có được những đặc quyền của nền kinh tế thị trường. Tôi rất vui khi Bộ Thương mại thực hiện biện pháp quan trọng này, điều sẽ gây thêm áp lực lên chế độ phi pháp này”, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (Dân chủ – bang Ohio) nói.

“Chính phủ Nga sở hữu tới 70% nền kinh tế của mình — đó không phải là nền kinh tế thị trường — và bằng cách xóa bỏ tư cách kinh tế thị trường của Nga, Mỹ sẽ ngăn Nga thực hiện các hành vi thương mại không công bằng với các đồng minh của chúng ta”.

Trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hôm thứ 6 (11/11) tại Ai Cập, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Nga ngừng sử dụng “năng lượng làm vũ khí và biến nền kinh tế toàn cầu thành con tin”.

Bảo Nguyên

Related posts