Tin VN sáng Chủ Nhật: Hôm qua Bộ Công thương nói không thiếu, hôm nay người dân vẫn rất khó mua xăng

Hôm qua Bộ Công thương nói không thiếu, hôm nay người dân vẫn rất khó mua xăng

Huệ Liên

Ghi nhận của Lao Động, người dân ở TP.HCM vẫn khá gian nan để đổ được xăng mặc dù giá mặt hàng xăng trong nước đồng loạt tăng vào ngày 11/11.

Hôm qua Bộ Công thương nói không thiếu, hôm nay người dân TP.HCM vẫn hết sức vất vả đổ xăng

Ngày 12/11, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM vẫn treo biển “hết xăng, còn dầu”, “chờ nhập hàng”…  Các cửa hàng khác còn hoạt động thì luôn trong tình trạng đông đúc.

Theo Ghi nhận của PV báo Lao Động, người dân TP.HCM vẫn khá gian nan để đổ  được xăng mặc dù giá mặt hàng xăng trong nước đồng loạt tăng vào ngày 11/11.

Trạm xăng dầu K24 (310 Điện Biên Phủ, Quận 10) tiếp tục treo biển “hết xăng, còn dầu”. 

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 55 – PV Oil (500, Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) để biển thông báo “dầu vẫn còn, xăng chưa về kịp” và chỉ người dân di chuyển sang cây xăng khác để đổ.

Trong khi đó, tại các cây xăng hoạt động thì luôn trong tình trạng đông đúc, hàng dài người dân chờ tới lượt để đổ xăng.

Chị Đặng Bích Hà (sống tại Quận 5) chia sẻ: “Bây giờ chỉ quan tâm cây nào còn đổ chứ không quan tâm giá cả nữa. Hết lo dịch bệnh, bây giờ phải lo xăng dầu, chỉ mong tình trạng này sớm kết thúc”

Các cửa hàng xăng dầu có thương hiệu lớn hoặc ở khu vực trung tâm TP.HCM lúc nào cũng đông người, vào một số khung giờ xảy ra tình trạng quá tải.

Theo quan sát của PV, đa số các cây xăng còn hàng chỉ mở hoạt động từ 2 – 3 trụ bơm.

Các cửa hàng xăng dầu tại các quận, huyện vùng ven như Bình Chánh, Bình Tân, TP. Thủ Đức… cũng đông người, nhân viên hoạt động hết công suất.

Trước đó, theo báo Thanh Niên, tối 11/11, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký công điện về việc quản lý điều hành mặt hàng xăng dầu. Trong đó nhấn mạnh phải khắc phục thiếu hụt xăng dầu cục bộ từ hôm nay 12/11/2022. Đồng thời yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Tại cuộc họp hôm qua, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định nguồn cung không thiếu nhưng bị đứt gẫy. Thế nhưng thực tế thị trường thì tại TP.HCM và nhiều tỉnh/thành người dân vẫn hết sức vất vả khi đổ xăng dầu.

Cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai khai nhận hối lộ cho con du học Mỹ

Ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. (ảnh: Zing).

Trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, ông Đinh Quốc Thái – cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khai, trong số tiền hơn 14 tỷ đồng bị cáo buộc nhận hối lộ, ông đã đưa cho vợ để lo cho 2 con du học tại Mỹ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố 36 bị can về các tội danh trên.

Trong số 36 bị can trên có ông Đinh Quốc Thái – cựu Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Theo kết luận được báo Tuổi Trẻ đăng tải, năm 2009, thông qua giới thiệu của ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái – cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai – được bà Nhàn đặt vấn đề tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia và trúng thầu các gói thầu.

Trên cương vị phó chủ tịch rồi chủ tịch tỉnh, đồng thời là trưởng ban chỉ đạo dự án, ông Thái đã được bà Nhàn và Trần Mạnh Hà “bôi trơn” 14,5 tỉ đồng vì đã tạo điều kiện cho AIC trúng các gói thầu.

Cụ thể, lần thứ nhất, năm 2009, tại nhà hàng Sông Quê, TP Biên Hòa, ông Thái đã nhận số tiền 500 triệu đồng từ bà Nhàn. Khi đưa tiền bà Nhàn có trao đổi với ông Thái: “Nhờ anh quan tâm, giúp đỡ đối với một số dự án mà Công ty AIC sẽ triển khai trong thời gian sắp tới tại tỉnh Đồng Nai”.

Lần thứ hai, ông Thái nhận số tiền 1 tỉ đồng từ bà Nhàn trong dịp Tết Nguyên đán năm 2010 tại Văn phòng tỉnh.

Lần thứ ba, nhân dịp lễ 30-4-2011, ông Thái nhận số tiền 500 triệu đồng từ bà Nhàn tại phòng làm việc của mình trong UBND tỉnh.

Hai lần tiếp theo, trong các dịp Tết năm 2011 và 2012, ông Thái nhận tổng cộng 1,5 tỉ từ bà Nhàn.

Năm 2013, trong một lần đến thăm trụ sở Công ty AIC ngoài Hà Nội, ông Thái nhận 2 tỉ từ bà Nhàn.

Dịp Tết năm 2014, bà Nhàn tiếp tục đến tận trụ sở UBND tỉnh và “lại quả” cho ông Thái 2 tỉ. 

Bảy lần tiếp theo, ông Thái nhận tiền từ bà Nhàn và thuộc cấp, khi thì ngoài Hà Nội, khi tại trụ sở ủy ban với số tiền nhiều nhất là 2 tỉ. Thậm chí cả lúc đã nghỉ hưu, đầu năm 2021 ông Thái vẫn được “lại quả” 500 triệu đồng.

Cựu chủ tịch tỉnh khai đã đưa một phần số tiền nhận hối lộ cho vợ để đóng tiền cho hai con ruột du học tại Mỹ từ năm 2016 đến nay. Số tiền còn lại, ông Thái sử dụng cá nhân và chi phí một số việc trong gia đình.

Văn Đồ

UBND TP. Buôn Ma Thuột liên tiếp thua kiện dân: Lãnh đạo nói do ‘luật còn chưa thống nhất’

Ông Lê Đại Thắng – Phó chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) trả lời các phóng viên trong buổi họp báo ngày 10/11. (Ảnh: daklak.gov.vn).

Giới chức UBND TP. Buôn Ma Thuột khẳng định đã làm đúng quy định dù liên tiếp thua kiện người dân trong 6 vụ án liên quan đến bồi thường, giải tỏa đất đai. Việc chậm thi hành việc bồi thường theo phán quyết của tòa được lý giải do phải “thẩm định nguồn kinh phí, phải thông qua HĐND…”.

Ngày 10/11, tại buổi họp báo định kỳ tháng 10/2022, ông Lê Đại Thắng – Phó chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã trả lời về công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù tại các dự án mà trước đây là đất thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột.

Theo hồ sơ, Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột bị giải thể vào cuối tháng 9/2016. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi hơn 500ha đất của người dân nhận khoán, liên kết với công ty để giao về cho địa phương quản lý, trong đó, giao cho UBND TP. Buôn Ma Thuột quản lý hơn 420ha. Đất bị thu hồi nằm tại các phường Tân Thành, Thành Nhất, Tân Lợi, Tân An, Tân Lập, Tân Hòa, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Từ năm 2019 – 2020, UBND TP. Buôn Ma Thuột ban hành các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án hỗ trợ đền bù đối với 19 hộ dân (có hợp đồng giao khoán với Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột), thực hiện dự án khu dân cư phường Tân An với diện tích 5,4 ha. Tuy nhiên, trong quá trình lập phương án hỗ trợ bồi thường khi thu hồi đất, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã không “hỗ trợ ổn định sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm” đối với người bị thu hồi đất.

Năm 2021, nhiều hộ dân đã khởi kiện UBND TP. Buôn Ma Thuột ra tòa. Cùng trong năm, TAND tỉnh Đắk Lắk lần lượt đưa 6 khiếu kiện của người dân ra xét xử. Kết quả, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của người dân, buộc UBND TP. Buôn Ma Thuột phải bổ sung phương án hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với các hộ dân thắng kiện.

Tuy nhiên, đến nay, rất nhiều người dân vẫn không được giải quyết các khoản hỗ trợ theo quy định.

Tại buổi họp báo, lý giải về việc UBND TP bị người dân khiếu kiện khi thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột để làm dự án, Phó chủ tịch TP – ông Lê Đại Thắng khẳng định UBND TP đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đúng, phù hợp với quy định pháp luật, rằng UBND TP đã tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan chuyên môn, nhiều sở, ngành và áp dụng các quy định để thực hiện.

Tuy nhiên, vẫn theo ông Thắng, TAND các cấp đã căn cứ một số quy định pháp luật như Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 47, Nghị định 01, đặc biệt là căn cứ vào tình hình thực tế nên tuyên một số hộ dân thắng kiện.

Lý giải về điều này, ông Thắng cho rằng trong quá trình lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có một số quy định pháp luật “còn bất cập, chưa thống nhất”, chưa có sự thống nhất nhận thức về quy định pháp luật…

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, khi được hỏi tại sao UBND TP. Buôn Ma Thuột và các cơ quan tham mưu tỉnh Đắk Lắk không áp dụng những điều, khoản trong luật theo hướng có lợi để người dân không khiếu nại, khiếu kiện, tụ tập đông người… ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk trả lời chung chung, nói ai cũng mong muốn áp dụng các điều khoản có lợi cho người dân, “nhưng việc áp dụng chỉ đến mức như thế thôi”.
Chậm tiền hỗ trợ đền bù cũng do… quy định

Theo phán quyết của TAND tỉnh Đắk Lắk, UBND TP. Buôn Ma Thuột phải bổ sung phương án bồi thường, bổ sung các chính sách hỗ trợ về ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho các hộ dân thắng kiện.

Tuy nhiên, dù dự án khu dân cư phường Tân An đã được phân lô bán nền, nhiều hộ dân thắng kiện vẫn chưa nhận được tiền đền bù bổ sung theo quyết định của tòa.

Lý giải về việc chậm bồi thường cho dân tại cuộc họp báo, ông Thắng nói UBND TP. Buôn Ma Thuột sẽ thực hiện các bản án của tòa đã có hiệu lực để bổ sung phương án bồi thường, chi trả cho người dân, tuy nhiên, quá trình thực hiện bị chậm vì liên quan đến nguồn kinh phí. “Mỗi dự án đều phải xác định, thẩm định nguồn kinh phí, phải thông qua HĐND và cấp có thẩm quyền nên kéo dài, không đảm bảo kịp thời cho người dân thắng kiện”, ông Thắng nói, theo báo Thanh Niên.

Báo Thanh Niên hồi tháng 7/2022 từng dẫn thông tin vào tháng 4/2022, Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột đã lập phương án dự thảo về việc bổ sung bồi thường đối với 13 hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án khu dân cư phường Tân An, tổng kinh phí là hơn 11 tỷ đồng; mỗi hộ dân nhận từ hơn 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, phương án nói trên vẫn chưa được UBND TP. Buôn Ma Thuột phê duyệt, theo ông Phạm Văn Thái, Phó giám đốc Trung tâm.

Khánh Vy (Trí Thức VN)

Thầy phong thủy lừa đảo hơn 2,4 tỷ bằng ‘chiêu’ dụ người làm lễ trừ tà

Ông Võ Hữu Sỹ nghe công an đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Lợi dụng lòng tin và sự mù quáng của một người phụ nữ, một thầy phong thủy ở Đắk Lắk đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân bằng cách bán các “vật phẩm phong thủy”, dụ nạn nhân làm lễ trừ tà, xây mộ, trấn trạch,…

Ngày 11/11, Viện KSND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã phê chuẩn các quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Võ Hữu Sỹ (SN 1977, trú tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, vào tháng 3/2022, bà N.T.T.T. (trú tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cùng bạn đi du lịch ở TP. Buôn Ma Thuột, sau đó, cùng vào thăm nhà người bà con của bạn là bà L.T.M.H..Tại đây, bà T. gặp ông Sỹ, người đang sống chung như vợ chồng với bà H.. Ông Sỹ tự giới thiệu mình là thầy phong thủy và mời chào bà T. mua một viên đá màu xanh nhỏ, nói là có năng lượng tâm linh, thu nạp tài lộc, có giá 6,2 triệu đồng.

Nhận thấy bà T. là người rất tin vào phong thủy nên ông Sỹ nảy sinh lòng tham, tiếp tục lừa nạn nhân mua thêm đá phong thủy để giúp công việc, cuộc sống suôn sẻ. Bà T. tin tưởng nên mua tiếp và chuyển cho ông Sỹ 23,3 triệu đồng.

Sau đó, qua điện thoại, ông Sỹ tiếp tục liên lạc với bà T. và bịa ra câu chuyện nằm mơ gặp 8 vị đi cùng chuyến xe vào tìm gặp mình, trong đó có ông ngoại, cậu ruột và bà cô của bà T.. Ông Sỹ nói rằng những vong linh này mong muốn đầu thai và phải chôn trấn trạch tại nhà bà T. đang ở. Ông Sỹ còn dọa rằng nếu không làm theo thì sẽ mang tai họa, người nhà sẽ gặp chuyện nên bà T. lo lắng, mời ông Sỹ ra Huế cúng trấn yểm ở nhà của mình.

Cuối tháng 3/2022, ông Sỹ ra nhà bà T. ở Huế để cúng. Lúc làm lễ cúng, ông Sỹ giả như bị người khác nhập vào, đồng thời, đưa ra các yêu cầu phải lo cúng trấn trạch với mục đích khiến bà T. phải chuyển khoản tiền cho mình mua các vật phẩm.

Trong 5 tháng, từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2022, ông Sỹ tiếp tục yêu cầu bà T. chuyển tiền để lo việc thờ cúng, xây lăng mộ, trừ tà… theo sự chỉ dẫn. Trên thực tế, ông Sỹ lừa dối bà T. và chỉ mua một số đồ vật bình thường như cục đá, nước tắm, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, ông thần tài… có giá trị thấp.

Tại cơ quan điều tra, ông Sỹ khai từ trước đến nay không nhận cúng phong thủy cho ai khác, nhưng do lòng tham nên bịa ra nhiều lý do buộc bà T. phải mua các đồ thờ cúng để chiếm đoạt số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được ông Sỹ dùng để tiêu dùng cá nhân.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục điều tra.

Khánh Vy (Trí Thức VN)

Phó Cục thuế TP.HCM bị bắt liên quan vụ án Thuduc House

Phó Cục thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh bị bắt để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngày 12/11, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM.

Bà Hạnh bị điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo điều 219 Bộ luật hình sự.

Cùng ngày, Bộ Công an đã áp dụng biện pháp tố tụng với một số bị can liên quan khác.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra bổ sung vụ án lừa đảo, lạm dụng chức vụ, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, sản xuất hàng giả, buôn lậu, nhận hối lộ… xảy ra tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House).

Trước đó, ngày 26/8, Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố 34 bị can trong vụ án.

34 bị can có Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (Tổng giám đốc Thuduc House), Trần Hoàn Tiên (Giám đốc Công ty Mega ET VN), Lưu Thị Ngát (Giám đốc Công ty Khánh Hưng), Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 1), Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 3), Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 5)…

Các bị can bị đề nghị truy tố về hàng loạt hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; Sản xuất hàng giả; Buôn lậu và Nhận hối lộ.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2016 đến năm 2020, bị can Trịnh Tiến Dũng (được xác định đứng đầu, đang bị truy nã) đã chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong, Malaysia và UAE, bị can Dũng đã thành lập, sử dụng 13 pháp nhân để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa.

Tại Việt Nam, bị can Dũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên và nhiều người khác lập 16 công ty “ma”.

Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo nhân viên chuẩn bị sẵn một số linh kiện điện tử như ram, chip, DVD Rom, tranh gỗ… là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng có giá trị thấp, sử dụng các công ty trên lập hồ sơ nhập khẩu CD hoặc DVD Rom để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.

Ngược lại, xuất khẩu ram, chip, tranh gỗ để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích hoàn thuế GTGT thông qua Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh.

Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, Singapore, Hong Kong, bị can Dũng sử dụng các công ty trong nhóm mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử lẫn với các loại hàng hóa khác quay lại Việt Nam. Riêng linh kiện điện tử xuất khẩu qua Campuchia được nhập lậu về Việt Nam bằng cách gửi xe khách.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra kết luận các bị can chiếm đoạt của Nhà nước hơn 538 tỷ đồng tiền thuế GTGT; vận chuyển trái phép hơn 51 triệu USD ra nước ngoài, hơn 22 triệu USD từ nước ngoài về Việt Nam; buôn lậu hàng hóa trị giá 2,8 tỷ đồng; nhận hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng; sản xuất, buôn bán hàng giả trị giá 986 tỷ đồng…

Phạm Toàn

Thái Nguyên: Bệnh viện hơn 2.000 tỷ đồng bỏ hoang gần 10 năm

Với mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng gần 10 năm qua, dự án Bệnh viện Đa khoa Phúc Thái vẫn chỉ là một công trình dở dang, hoang hóa. (Ảnh: vietnamfinance.vn)

Với mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng gần 10 năm qua, dự án Bệnh viện Đa khoa Phúc Thái vẫn chỉ là một công trình dở dang, hoang hóa.

Dự án Bệnh viện Đa khoa Phúc Thái khởi công xây dựng ngày 19/3/2013 tại thị xã Sông Công (nay là TP. Sông Công), tỉnh Thái Nguyên do Công ty Cổ phần Công nghiệp thương mại và dịch vụ y tế Phúc Thái có trụ sở tại phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận đầu tư là bệnh viện đa khoa loại II với quy mô 600 giường bệnh và khu điều trị phục hồi chức năng được xây dựng trên diện tích hơn 27.000m2 với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng (100% từ vốn trong nước).

Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô 400 giường bệnh với 14 khoa và 4 phòng chức năng; Giai đoạn 2 là 200 giường bệnh còn lại.

Công trình gồm các hạng mục như: 1 nhà điều hành 5 tầng, một khu trung tâm 15 tầng, đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cây xanh và sân vườn… Được xây dựng đồng bộ với một nhà khám chính, nhà hành chính, nhà điều dưỡng, nhà truyền nhiễm, nhà tang lễ – khoa giải phẫu và các công trình phụ trợ khác.

Theo tính toán, bệnh viện hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ có 315 cán bộ chuyên môn, kỹ thuật và cán bộ quản lý vào làm việc. Mục tiêu của bệnh viện là sẽ có đủ các chuyên khoa; trong đó, tập trung vào cấp cứu và điều trị các bệnh về tim mạch, tiêu hóa, các chuyên khoa và ngoại vi phẫu.

Dự kiến đến hết quý II/2013, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn I, giai đoạn II tiếp tục được thực hiện vào cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Tuy nhiên, đến nay, bệnh viện vẫn hoang hóa, thành nơi chăn thả trâu bò, nơi đổ chất thải của người dân.

Báo Xây dựng dẫn lời ông Lưu Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Cải Đan, TP. Sông Công cho biết người dân rất bức xúc và nhiều lần phản ánh về dự án này.

Nguyên nhân là do người dân mất hàng chục nghìn m2 đất trồng lúa, dự án lại không hiệu quả, xây được mỗi khung nhà rồi bỏ hoang nhiều năm nay, thậm chí còn làm ảnh hưởng tới môi trường, mỹ quan cũng như phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Phường cũng nhiều lần đề xuất thu hồi, giao đất cho dự án khác nếu dự án không tiếp tục thực hiện, nhưng chưa thấy được xử lý dứt điểm, ông nói thêm.

Minh Long (Trí Thức VN)

Related posts