Bảo Nguyên
IMF cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đang trở nên ảm đạm hơn, với nhiều thách thức và rủi ro mà thế giới đang phải đối mặt. Trong số thách thức lớn được nhắc đến có cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và rủi ro khủng hoảng nợ công.
Triển vọng kinh tế toàn cầu thậm chí còn ảm đạm hơn so với dự báo của tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết vào Chủ nhật (13/11), trích dẫn kết quả các khảo sát nhà quản lý mua hàng tồi tệ hơn trong những tháng gần đây.
IMF đổ lỗi viễn cảnh đen tối hơn là do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được kích hoạt bởi lạm phát dai dẳng ở mức cao và trên diện rộng, đà tăng trưởng yếu ở Trung Quốc, gián đoạn nguồn cung tiếp diễn và tình trạng mất an ninh lương thực do Nga xâm lược Ukraine.
Tháng trước, nhà cho vay toàn cầu này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 xuống còn 2,7% so với dự báo trước đó là 2,9%.
Trong một blog chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 ở Indonesia, IMF cho biết các chỉ số gần đây “xác nhận triển vọng ảm đạm hơn”, đặc biệt là ở châu Âu.
Cơ quan này cho biết các chỉ số nhà quản lý mua hàng gần đây, thước đo hoạt động sản xuất và dịch vụ, cho thấy sự suy yếu ở hầu hết Nhóm 20 nền kinh tế lớn, với hoạt động kinh tế có xu hướng thu hẹp trong khi lạm phát vẫn ở mức cao dai dẳng.
“Các chỉ số đối với tỷ lệ ngày càng tăng các nước G20 đã rơi từ khu vực thể hiện sự mở rộng [kinh doanh] vào đầu năm nay xuống mức báo hiệu sự thu hẹp”, IMF cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng sự phân mảnh toàn cầu đã bổ sung thêm vào “hợp lưu các rủi ro tiêu cực”.
“Những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt là vô cùng lớn và các chỉ số kinh tế suy yếu cho thấy những thách thức lớn hơn ở phía trước”, IMF cho biết, đồng thời bổ sung thêm rằng môi trường chính sách hiện tại là “không chắc chắn một cách bất thường”.
Những rủi ro và thách thức
Một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn ở châu Âu sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến tăng trưởng và làm tăng lạm phát, trong khi lạm phát cao kéo dài có thể thúc đẩy việc tăng lãi suất chính sách lớn hơn dự kiến và thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, dự kiến sẽ có thành tích kinh tế tồi tệ hơn vào năm tới, vì sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga. Giá điện và giá khí đốt tự nhiên đã tăng vọt sau khi Nga cắt giảm nguồn cung sang châu Âu, khiến giá năng lượng tăng chóng mặt và dẫn đến lạm phát gia tăng. Chỉ số lạm phát trong tháng 10 của Đức đã vọt lên mức chưa từng thấy trong hơn 70 năm, đạt 10,4%. Chỉ số lạm phát của Đức trong tháng 9 cũng ở mức cao là 10%.
IMF cho biết, đến lượt mình, điều kiện tài chính thắt chặt tạo ra “rủi ro ngày càng tăng về một cuộc khủng hoảng nợ công đối với các nền kinh tế dễ bị tổn thương”.
Tác giả Tuomas Malinen đã có bài phân tích trên The Epoch Times về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nợ công toàn cầu. Theo đó, các nền kinh tế của thế giới đã đi theo một con đường phát triển không bền vững trong hơn một thập kỷ, và giờ là lúc phải trả giá khi lãi suất tăng nhanh chóng. Thực tế là, nợ chính phủ về cơ bản đã bùng nổ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2009, trong khi đó, khả năng sinh lời của các doanh nghiệp lại đang trì trệ trong nhiều năm, từ đó tạo ra sự không bền vững.
Theo ông Malinen, Vương Quốc Anh chính là nạn nhận đầu tiên, và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi có thêm nhiều chính phủ thậm chí của cả các nền kinh tế tiên tiến sẽ rơi vào tình cảnh giống với Vương Quốc Anh. Và khi cuộc khủng hoảng nợ công xảy ra, chính phủ phải đối mặt với 2 lựa chọn đều rất tồi tệ: thắt lưng buộc bụng hoặc tiền tệ hóa mọi thứ, điều sẽ tạo ra siêu lạm phát.
Theo IMF, các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt cũng sẽ gây hại cho tăng trưởng trên toàn cầu.
Về vấn đề an ninh lương thực, ông Alex Newman có bài phân tích trên tờ The Epoch Times chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang được thúc đẩy mạnh mẽ khi nông dân và chủ trang trại trên khắp thế giới đang bị công kích bởi các chính phủ và các tổ chức quốc tế đầy quyền lực như Liên Hợp Quốc (LHQ), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Liên minh châu Âu (EU)…. Thật thú vị khi chính những đối tượng gây ra cuộc khủng hoảng này lại đang thể hiện mình như là câu trả lời cho vấn đề.
Bảo Nguyên