Nguồn: “Why Ukraine’s Orthodox churches are at loggerheads”, The Economist, 21/10/2022
Biên dịch: Phạm Thị Hồng Nhung
Không phải đức tin, chính trị mới là yếu tố chia rẽ hai dòng giáo hội.
Cuối tháng 7, một người đàn ông lớn tuổi mặc áo chùng đen đã hung hăng lao vào Cha Anatoliy Dudko khi ông đang đọc lời nguyện cho một người lính vừa hi sinh gần thành phố Vinnytsia (miền trung Ukraine). Người đàn ông gắng sức giật lấy cây thập tự mà Dudko đang mang, trước khi đánh Cha bằng chính cây thánh giá của mình. Cả hai đều là những linh mục Chính thống giáo nhưng đến từ hai giáo hội khác nhau: Dudko theo Giáo hội Chính thống giáo Ukraine (Orthodox Church of Ukraine – OCU), trong khi người tấn công ông theo Giáo hội Chính thống Ukraine (Ukrainian Orthodox Church – UOC). Chưa kể đến hai cái tên từa tựa nhau, hai giáo hội có chung gần như mọi nghi thức và tín ngưỡng nhưng đối nghịch nhau bởi một mối thù chung. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine càng làm cho mối hiềm khích càng sâu sắc hơn. Vì sao như thế?
Suốt nhiều thập kỷ, UOC là nhánh duy nhất được công nhận chính thức của Cơ đốc giáo Chính thống tại Ukraine. Vào thời Liên Xô, nó là một nhánh của giáo hội Nga và vẫn thuộc quyền quản lý của giáo hội Nga sau khi Ukraine giành độc lập vào năm 1991. Hai nhánh khác không được công nhận cũng xuất hiện, một là giáo hội dành cho những người Ukraine lưu vong trong suốt thời kỳ Xô-viết; còn một được thành lập vào năm 1992 và đã tuyên bố là giáo hội quốc gia độc lập. Năm 2018, hai nhánh này hợp nhất thành OCU. Sau đó một năm, OCU được nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Chính thống giáo – Thượng phụ Bartholomew I tại Constantinople — trao quy chế tự quản. Giáo hội Chính thống giáo Nga ngay lập tức tuyên bố OCU là “ly giáo”.
Như vậy, ở Ukraine hiện có hai giáo hội được công nhận: một bên liên kết với Nga, và bên còn lại liên kết với một Ukraine độc lập. Sự khác biệt ấy có ý nghĩa vượt ra ngoài khía cạnh chính trị của tôn giáo. Thượng phụ Kirill, giáo chủ Chính thống giáo Nga, là một đồng minh lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin. Cả hai đều viện dẫn một ý tưởng không có thật rằng di sản tôn giáo chung giữa Nga và Ukraine tạo ra một phạm vi ảnh hưởng tự nhiên của Nga – một lời biện minh giả dối cho sự hiếu chiến của Moscow suốt những năm qua. Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014, một lượng lớn các tín hữu Ukraine theo nhánh UOC thân Nga đã bắt đầu rời bỏ giáo hội. Tình hình thay đổi giáo hội càng nóng hơn sau cuộc xâm lược vào tháng 2: hàng trăm giáo xứ đã chuyển sang OCU.
Trong một nỗ lực tách khỏi Thượng phụ Kirill và điện Kremlin, UOC đã tuyên bố độc lập khỏi Giáo hội Chính thống Nga vào cuối tháng 5 này. Chánh linh mục Nikolai Danilevich, phát ngôn viên của UOC, cho biết giáo hội sẽ thỉnh quyền tự quản một khi chiến tranh kết thúc. Nhưng vì UOC là một nhánh của Tòa Thượng phụ Moskva, chỉ có giáo hội Nga mới có thẩm quyền cấp quy chế tự quản. “Tư cách của UOC rất mơ hồ” – chuyên gia về tôn giáo Lyudmila Filipovich nói – “họ không về phe Moskva, cũng không đứng cùng Thượng phụ Đại kết”.
Nhiều người Ukraine tin rằng sự thay đổi của UOC chỉ là bề nổi. Một cuộc khảo sát vào tháng 7 cho thấy chỉ có 4% cảm thấy gần gũi với nó, giảm so với 18% ở thời điểm trước cuộc xâm lược của Nga. Filipovich cho biết hầu hết các giáo sĩ đều tốt nghiệp từ các chủng viện ở Moskva và St Petersburg. Bà tin rằng sự ràng buộc với Nga sẽ còn lâu dài. Các nhà lãnh đạo OCU thậm chí đi xa hơn khi buộc tội giáo hội đối địch là “đội quân thứ năm” của Nga. UOC kịch liệt phủ nhận các cáo buộc đó: Danilevich nhắc đến sự hy sinh của các thành viên trong gia đình ông khi chiến đấu cho Ukraine. Trên thực tế, giới giáo sĩ của UOC có cả những người Ukraine yêu nước và ngày một ít ủng hộ mối quan hệ với Moskva. Phần đông còn lại ở giữa hai chiến tuyến.
Đầu tháng 7, một nhóm nhỏ các linh mục từ 2 giáo hội đã gặp nhau tại nhà thờ chính tòa St Sophia ở Kiev để lên án sự ngang ngược của Nga và khẳng định sự cần thiết của một “khối chính thống giáo Ukraine thống nhất”. Nhưng sự ngờ vực ngày càng sâu sắc. Thái độ khinh thường mà các nhà lãnh đạo dành cho nhau có thể khiến người ta phải giật mình. “Chúng tôi nhìn phía OCU tương tự cách Ukraine nhìn Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, Danilevich nói, đề cập đến các “nước cộng hòa nhân dân” đã bị kiểm soát trước chiến tranh bởi lực lượng ủy nhiệm của Nga, và hiện bị Nga sáp nhập một cách phi pháp. “Họ phải quay về”. Còn Tổng giám mục của OCU, Yevstratiy Zorya, tuyên bố rằng hẳn Metropolitan Onufriy, người đứng đầu UOC, cùng các cộng sự của ông, sẽ “rất vui mừng nếu Putin chinh phục được Kiev”. Chưa nói đến việc hợp nhất, hòa giải đã là một viễn cảnh xa vời.