Truyền thông tiếng Việt hải ngoại, kẻ ăn không hết người lần không ra!

Yên Khê

1-10-2023

Đóng cửa vì hết tiền…

Hôm 27-9-2023, ông Nguyễn Hùng có bài viết đăng trên trang Thời Báo: “BBC Tiếng Việt sẽ về đâu sau khi rời London”. Bài viết bàn về việc văn phòng BBC Việt ngữ tại Luân Đôn sắp đóng cửa, toàn bộ hoạt động của Ban tiếng Việt sẽ dựa trên văn phòng ở Bangkok, Thái Lan.

Bài viết của ông Nguyễn Hùng, từng là phóng viên của BBC tại Luân Đôn, tỏ ra khá bi quan. Ông lo ngại rằng, nếu BBC tiếng Việt thực hiện toàn bộ các hoạt động của mình ở Bangkok, sẽ rất dễ bị áp lực từ Hà Nội, bởi Hà Nội có nhiều hoạt động tại thủ đô Thái Lan, có khả năng họ sẽ đe dọa các nhân viên BBC ở đó.

Bài viết của ông Hùng nêu một số chi tiết mà người đọc tinh ý sẽ nhận ra rằng, có điều gì đó xào xáo trong nội bộ BBC, nhất là trong nhóm người làm việc ở Luân Đôn. Nhưng nguyên nhân chính của sự thay đổi lớn này là do… thiếu tiền! Việc dời toàn bộ hoạt động của BBC tiếng Việt qua Bangkok sẽ tiết kiệm được rất nhiều, vì tiền công cho nhân viên, chi phí văn phòng… sẽ theo mức sống ở Thái Lan, thấp hơn mức sống ở nước Anh nhiều lần.

Việc hết tiền của các cơ quan thông tin – truyền thông trong thời buổi báo mạng và mạng xã hội mọc lên như nấm, cũng không có gì lạ, bởi vì từng có nhiều tờ báo, đài truyền hình, phát thanh trên khắp thế giới đã phải đóng cửa vì… không thể tự túc kinh phí.

Điều lo lắng của ông Hùng rằng không biết tương lai của BBC Việt ngữ sẽ đi về đâu, rất chính đáng.

Kẻ ăn không hết, người lần không ra

Thế nhưng, không phải cơ quan truyền thông tiếng Việt hải ngoại nào cũng lâm vào tình trạng bi đát như BBC Việt ngữ. Theo các nguồn tin mà chúng tôi có được, hai cơ quan truyền thông ở Mỹ là VOA và RFA Việt ngữ vẫn còn tiền đầy ắp. Tiền đầy ắp không phải nhờ các phóng viên kiếm được từ các bài viết chất lượng, hay tin tức nhanh chóng, mà nhờ vào … “chú Sam”!

VOA và RFA Việt ngữ là hai cơ quan truyền thông có tên trong danh sách nhận được ngân sách chi tiêu hàng năm của chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Dù không là bao nhiêu so với hàng ngàn tỷ đô la tiêu xài mỗi năm của “chú Sam”, nhưng nếu tính số lượng nhân viên mà chính phủ liên bang đã chi cho hai cơ quan này là khoảng 40 người, theo các nguồn khác nhau, thì số tiền đã chi là một số tiền đáng kể, đủ để BBC Việt ngữ thèm muốn.

Mặc dù Ban Việt Ngữ RFA và VOA không công khai ngân sách họ được tài trợ hàng năm, nhưng trên trang web của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) công bố, ngân sách trong năm tài khóa 2023 (Fiscal Year 2023) mà VOA nhận được, số tiền $267.5 triệu đô/ năm, cho 48 ngôn ngữ, trong đó có Ban Việt ngữ (*). Một số tiền không hề nhỏ!

Đài “điền thế” – The Alternatives

Chữ Alternatives dịch từ cụm từ “điền thế”, theo tôn chỉ của đài RFA Việt ngữ. Có nghĩa là đài này thế vào chỗ trống mà truyền thông bên trong Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, đã bỏ qua hay giấu đi. Điều này rất đúng trong thời chiến tranh lạnh, khi mà các nước cộng sản vẫn còn mạnh và khép kín. Nhưng nay thế giới cộng sản đã sụp đổ, Việt Nam dù vẫn nằm dưới sự cai trị độc đoán của đảng Cộng sản, nhưng đã thay đổi nhiều. Điều này cộng với thời đại internet toàn cầu và mạng xã hội nở rộ, làm cho chức năng “alternatives” của RFA Việt ngữ trở nên khó khăn hơn. Họ lấy cái chỗ trống nào để điền vào?

Thật sự chỗ trống vẫn còn đó. Chẳng hạn như các loại tin vịt (fake news), hay quan điểm một chiều của báo chí cộng sản, hoặc câu chuyện hệ thống tư pháp không độc lập của ViệtNam… có thể thấy, vẫn còn nhiều chỗ để RFA thực hiện chức năng của mình. Nhưng dường như nhóm phóng viên RFA Việt ngữ không đủ sức làm việc đó. Có thể thấy qua các bài viết trên RFA, họ thường chỉ lấy tin từ báo chí trong nước, có khi để nguyên cả ngôn từ của tuyên giáo cộng sản, rồi đăng trên website của đài này!

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với VOA Việt ngữ. Đài này dù không nhận mình có chức năng “điền thế”, nhưng họ cũng… “điền thế”! Trên trang chính của VOA, cũng không khác RFA là mấy, cũng với những bản tin của báo trong nước đăng lại, cũng những câu chuyện bắt bớ người này người nọ, và đặc biệt là có rất nhiều blogger, tức là những người viết ăn tiền theo bài, chứ không được trả lương tháng.

(Dĩ nhiên, trả tiền cho những người viết blog thì không có gì sai, nếu như đó là những bài viết chất lượng, xứng đáng nhận nhuận bút. Thế nhưng, có không ít bài viết đầy những hạt sạn, đạo văn, tung tin vịt, lại còn “khuyến mãi” thêm nhiều lỗi chính tả, vẫn được đăng trên website của những đài này!)

Trở lại bài viết của ông Nguyễn Hùng, ông Hùng than phiền rằng, BBC Việt ngữ… “trốn đằng sau lưng những người cộng tác”. Có lẽ ông Hùng cũng nên nhìn vào VOA và RFA, để thấy rằng họ cũng không khác gì BBC.

Ngoài ra, ở hai đài Mỹ này, khi có cơ hội “điền thế”, họ cũng không chịu… điền thế! Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Hà Nội, nếu theo dõi kỹ, mọi người không thấy họ có footage nào, mà chỉ thấy họ sử dụng từ các hãng tin lớn như AFP, Reuters. Cũng có thể do chính quyền cộng sản Hà Nội ngại sự … “điền thế” của họ, nên không cho họ giấy phép làm việc trong nước?

Riêng VOA, cần ghi nhận rằng, đài này cũng có cố gắng quay được cảnh những người dân ở Sài Gòn nói về quan hệ Việt – Mỹ, dù chỉ trong vài phút. Điều này cũng dễ hiểu vì bên trong Việt Nam, dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản, nên họ có nhiều trở ngại khi tác nghiệp. Tuy nhiên, khi ông thủ tướng cộng sản Phạm Minh Chính thăm Hoa Kỳ, đây là cơ hội cho họ “điền thế” vì ông ta có mặt ngay gần đại bản doanh của họ, họ không bị trở ngại nào cả, thế nhưng hầu như không thấy tin tức, bài viết gì về ông Chính, nhất là đài RFA. Chẳng lẽ mật vụ của ông Chính tác oai tác quái đến nỗi cấm họ đến gần, ngay cả trên đất Mỹ hay sao?!

Thay vào đó, RFA (và cả VOA) dùng một footage của UNTV từ Liên Hợp quốc, quay cảnh ông Chính vừa phát biểu vừa vỗ tay tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Chỉ thế thôi, ngoài ra không có gì cả. Cái thói vừa nói chuyện, vừa vỗ tay của quan chức cộng sản chẳng ai lạ gì, nhưng nếu chỉ có thế thì hà cớ gì phải tiêu phí hàng triệu Mỹ kim tiền thuế của dân Mỹ hàng năm để làm … tin tức “điền thế” như thế!

_________

(*) Xem thêm: VOA nhận ngân sách trong năm tài khóa 2023 số tiền $267.5 triệu đô, cho 48 ngôn ngữ, trong đó có Ban Việt ngữ: https://www.usagm.gov/wp-content/uploads/2023/02/USAGM-VOA-OneSheet-02-10-23-1.pdf

Related posts