Hậu quả mà cuộc chiến của Putin mang lại vượt quá lợi ích của nó đối với Nga

Anh Tuấn

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi bản thân cuộc chiến đã chứng tỏ là thảm họa đối với Moscow, thì hậu quả địa chính trị đối với Nga, nếu có, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Ivo Daalder, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, là chủ tịch của Hội đồng Chicago về các sự kiện toàn cầu và là người dẫn chương trình podcast hàng tuần “Nhận định thế giới với Ivo Daalder”.

Ở lần họp cuối của các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị An ninh Munich – cuộc thảo luận toàn cầu hàng năm về chính sách an ninh quốc gia – tất cả các cuộc thảo luận đều xoay quanh việc liệu chiến tranh có sắp quay trở lại châu Âu hay không.

Hầu hết các nhà lãnh đạo vẫn cho rằng sự tăng cường quân sự quy mô lớn của Nga dọc biên giới Ukraine chỉ là trò bịp bợm. Và ngay cả với những người cho rằng Nga sắp tấn công nước láng giềng, họ vẫn tin rằng phương Tây hầu như không có khả năng ngăn chặn thất bại nhanh chóng của Kyiv – một số thậm chí còn thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy chạy trốn trước khi lực lượng Nga tiến vào.

Tuy nhiên tổng thống Zelenskyy tuyến bố “Tôi cần vũ khí,” . “Không cần xe.”

Một năm sau, các nhà lãnh đạo phương Tây tập trung tại Munich tuần này nhưng với một tâm trạng rất khác. Trái ngược với viễn cảnh một thất bại nhanh chóng và cuộc sống sau đó dưới một chính phủ bù nhìn do Moscow kiểm soát, Kyiv không chỉ đứng vững mà còn chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến. Phương Tây giờ đây đoàn kết hơn bất cứ lúc nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và cam kết đảm bảo đánh bại Nga nhiều hơn bất cứ lúc nào kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Chưa thể khẳng định chiến thắng cuối cùng của Ukraine, nhưng quyết định tham chiến của Nga hiện được nhiều người coi là một thất bại chiến lược có tầm vóc lịch sử – và một năm trước không ai đoán trước được kết quả này. Mặc dù bản thân cuộc chiến là một thảm họa, tuy nhiên, những hậu quả địa chính trị đối với Nga, nếu có, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Chỉ vài tuần trước cuộc họp ở Munich năm ngoái, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga đã ký một văn bản dài phác thảo một quan hệ đối tác mới to lớn “không có giới hạn”. Với niềm tin rằng phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy yếu, hai nhà lãnh đạo đã quyết tâm giành lấy vị trí lãnh đạo toàn cầu từ một nước Mỹ đang chùn bước.

Và có những lý do chính đáng cho sự tự tin của Moscow và Bắc Kinh.

Phương Tây đã bị chia rẽ sâu sắc trong nửa thập kỷ trước – một nguyên nhân quan trọng là do nhà lãnh đạo đầu tiên của họ, khi đó là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, dường như đã từ bỏ cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với các liên minh mạnh mẽ, thị trường mở và bảo vệ tự do trên toàn thế giới để ủng hộ một “ chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Và mặc dù người kế nhiệm ông, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đã tuyên bố rằng “Nước Mỹ đã trở lại”, nhưng cuộc rút quân đơn phương thảm họa khỏi Afghanistan đã khiến ngay cả những đồng minh lâu năm nhất của Mỹ cũng lo lắng về sức mạnh và năng lực của quốc gia này.

Vì vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động cuộc chiến tranh chinh phục của mình với niềm tin rằng Ukraine không có khả năng và không sẵn sàng chống trả Nga, và rằng phương Tây quá yếu để có thể đáp trả ngoài sự bối rối. Thêm vào đó, Bắc Kinh sẽ chống lưng cho ông ta.

Ông ta đã sai như thế nào.

Không hề thất bại, người Ukraine – mặc dù có ít nhân lực và thiết bị quân sự hơn – đã đoàn kết để bảo vệ đất nước của họ, và quân đội vốn được ca ngợi nhiều của Nga đã tỏ ra thiếu chuẩn bị một cách thảm hại cho một cuộc chiến thực sự. Theo một số ước tính, hơn 200.000 lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương; một nửa số xe tăng và thiết giáp của họ đã bị phá hủy hoặc bị tịch thu; Không quân Nga vẫn chưa giành được quyền kiểm soát bầu trời; và kho tên lửa dẫn đường chính xác, bom và đạn dược của quốc gia này đang cạn kiệt nhanh chóng.

Trong năm tới, quân đội Nga sẽ khó giữ được những thành quả đã đạt được chứ đừng nói đến việc gặt hái thêm nữa.

Ý định của Putin trong cuộc phiêu lưu quân sự của mình không chỉ nhằm kiểm soát tương lai của Ukraine mà còn làm chia rẽ phương Tây. Tuy nhiên, bị sốc trước sự trở lại của chiến tranh toàn diện ở Lục địa già, các nước phương Tây đã đồng loạt hành động, cắt Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu, nhanh chóng từ bỏ năng lượng của Nga, đồng thời trang bị vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine. Họ cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của mình bằng cách củng cố khả năng răn đe ở Đông Âu và tăng mạnh chi tiêu trong thập kỷ này.

Phần Lan và Thụy Điển thậm chí đã từ bỏ chính sách trung lập hàng thế kỷ và xin gia nhập NATO, trong khi Liên minh châu Âu cam kết đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine.

Nói tóm lại, phương Tây đã nổi lên mạnh mẽ hơn để đáp lại sự hiếu chiến của Putin và giờ đây họ cam kết chắc chắn đảm bảo sự thất bại chiến lược của Nga.

Thật vậy, nếu Putin trông cậy vào sự hỗ trợ của Trung Quốc cho nỗ lực chiến tranh của mình, thì ông ấy đã phải thất vọng. Sau khi bị mất cảnh giác trước tham vọng quân sự của Nga, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ủng hộ Moscow một cách hời hợt bằng cách đổ lỗi cho phương Tây về nguyên nhân Putin cần phải hành động. Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng trong hầu hết các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc liên quan đến Ukraine và đáng chú ý là đã từ chối cung cấp bất kỳ hỗ trợ vật chất đáng kể nào cho các nỗ lực chiến tranh của Putin.

Tất cả những điều này góp phần tạo nên một thất bại chiến lược lớn đối với Nga. Nhưng hậu quả của cuộc chiến của Putin vượt xa những lợi ích của nó đối với đất nước của ông.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, cán cân quyền lực giữa phương Tây trước đây đang suy tàn và phương Đông được cho là đang trỗi dậy đã nghiêng hẳn về phía có lợi cho bên thứ nhất. Và điều này cũng tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đối với sự cân bằng tương đối giữa địa chính trị và địa kinh tế.

Nếu như thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh được đặc trưng bởi quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng, trong đó các cân nhắc về lợi ích kinh tế được ưu tiên – phát triển thị trường thông qua mở rộng thương mại, thiết lập chuỗi cung ứng nhanh chóng và tìm kiếm nguồn sản xuất rẻ nhất – thì ngày nay điều đó không còn đúng nữa.

Cho dù đó là từ bỏ năng lượng Nga, cắt đứt các công ty Trung Quốc khỏi công nghệ chip tiên tiến, chuyển các công ty về nước hay thiết lập chuỗi cung ứng bền vững, thì chính những cân nhắc chính trị hiện đang ngày càng thúc đẩy các quyết định liên quan tới kinh tế — và chìa khóa để duy trì những xu hướng này nằm ở việc duy trì sự thống nhất của phương Tây.

Ngay bây giờ, phương Tây cần phải kiên định trong cam kết giúp Ukraine đánh bại Nga. Nhưng về lâu dài, điều quan trọng là tất cả các nước phương Tây – từ Bắc Mỹ qua Châu Âu đến Châu Á – phải hợp tác và công nhận vai trò ưu việt của địa chính trị so với địa kinh tế để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc.

Liệu phương Tây có thành công trong những nỗ lực này hay không, đây chắc chắn sẽ là chủ đề quan trọng nhất tại Munich vào năm tới.

Related posts