Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây châm ngòi chiến tranh toàn cầu để hủy diệt Nga

Huyền Anh

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang tại trung tâm triển lãm Gostiny Dvor ở thủ đô Moscow, Nga, hôm 21/2/2023. (Ảnh: Dmitry Astakhov/Sputnik/AFP/Getty Images)

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba (21/2) tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến đã kéo dài gần một năm ở Ukraine và cáo buộc liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đã thổi bùng ngọn lửa xung đột với niềm tin sai lầm rằng họ có thể đánh bại Nga trong một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang thường niên trước Quốc hội Nga, diễn ra tại trung tâm triển lãm Gostiny Dvor ở Moscow vào lúc 12 giờ trưa theo giờ địa phương (16 giờ Việt Nam) hôm 21/2, Tổng thống Putin nói với giới tinh hoa chính trị và quân sự của Nga rằng Moscow sẽ “giải quyết thận trọng và nhất quán các nhiệm vụ” ở Ukraine, theo hãng tin Reuters.

Ông Putin: Nước Nga sẽ đáp trả mọi thách thức

Bên cạnh lời hứa tiếp tục chiến tranh và cảnh báo phương Tây về một cuộc đối đầu toàn cầu, ông Putin còn tìm cách biện minh cho cuộc chiến, nói rằng Nga đã bị ép buộc và ông hiểu nỗi đau của gia đình những binh lĩnh đã ngã xuống trong trận chiến.

“Người dân Ukraine đã trở thành con tin của chính quyền Kyiv và các ông chủ phương Tây, những người đã chiếm đóng nước này về chính trị, quân sự và kinh tế”, ông Putin nói.

“Chế độ ở Ukraine không phục vụ lợi ích quốc gia, mà phục vụ lợi ích của các cường quốc khác”, ông nhận định.

“Họ có ý định biến cuộc xung đột cục bộ thành một cuộc đối đầu toàn cầu và chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng, bởi vì vấn đề này liên quan đến sự tồn vong của nước Nga”.

Ông nói, đánh bại Nga là điều không thể. Người đứng đầu Điện Kremlin 70 tuổi cho biết, Nga sẽ không bao giờ khuất phục trước những nỗ lực của phương Tây nhằm chia rẽ xã hội nước này, đồng thời nói thêm rằng đa số người Nga ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Khi Tổng thống Putin nói về việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine vào năm ngoái, ông đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt tại trung tâm triển lãm Gostiny Dvor chỉ cách Điện Kremlin vài bước chân.

Cũng trong buổi lễ, Tổng thống Putin yêu cầu khán giả, bao gồm các nhà lập pháp, binh lính, chỉ huy tình báo và các ông chủ công ty nhà nước, đứng lên để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột Ukraine. Ông hứa sẽ có một quỹ đặc biệt dành cho gia đình của những người thiệt mạng trong chiến sự.

Xung đột Ukraine cho đến nay là “canh bạc” lớn nhất của người đứng đầu Điện Kremlin, ít nhất là kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Đây cũng là cuộc chiến mà các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, nói rằng ông Putin phải thua.

Các lực lượng Nga đã nếm trải ba lần thất bại lớn trên chiến trường kể từ khi chiến tranh bắt đầu, nhưng họ vẫn kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine.

Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, và ông Putin giờ đây tuyên bố rằng Nga đang tham gia vào một cuộc chiến sinh tử với một phương Tây kiêu ngạo muốn chia cắt nước Nga và đánh cắp nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của nước này.

Đáp lại, phương Tây và Ukraine bác bỏ lập luận này, đồng thời tuyên bố rằng việc NATO mở rộng về phía đông không phải là lý do để biện minh cho cuộc chiếm đất kiểu đế quốc mà chắc chắn sẽ nhận kết cục thất bại.

Nền kinh tế Nga đang chịu ảnh hưởng đáng kể

Ông Putin, người tiếp quản chức vụ Tổng thống Nga từ tay người tiền nhiệm Boris Yeltsin vào ngày cuối cùng của năm 1999, cho biết, phương Tây đã thất bại trong việc phá hủy nền kinh tế Nga bằng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử hiện đại.

“Họ muốn làm cho người dân đau khổ… nhưng tính toán của họ đã không thành hiện thực. Nền kinh tế và cách quản lý của Nga hóa ra lại mạnh hơn nhiều so với những gì họ nghĩ”, ông Putin tuyên bố.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến nền kinh tế trị giá 2,1 nghìn tỷ USD của Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với tốc độ của Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng vẫn là một kết quả tốt hơn nhiều so với dự đoán khi chiến tranh bắt đầu.

Nhà lãnh đạo Nga nói rằng, Moscow đã hướng về phương Tây kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, đồng thời ông châm biếm rằng không một người Nga nào “rơi lệ” khi giới tài phiệt Nga bị phương Tây tước mất du thuyền và tài sản.

Trước những xung đột không lối thoát với phương Tây, giờ đây Nga đang chuyển hướng sang các cường quốc châu Á.

Nghiêng về châu Á

Với sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine, thái độ của Trung Quốc đã bị chỉ trích trong những tuần gần đây.

Sau khi đạt được hiệp ước hữu nghị “không giới hạn” với Nga chỉ vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc đã công khai giữ thái độ trung lập, theo hãng tin SCMP.

Trong thời gian dừng chân ở Hungary trước chuyến thăm tới Moscow, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai (20/2) đã kêu gọi một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến Ukraine.

Đáp lại, Ukraine tuyên bố rằng bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cũng cần phải rút lực lượng Nga khỏi lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, Washington đã bày tỏ lo ngại trong những ngày gần đây rằng Bắc Kinh có thể bắt đầu cung cấp vũ khí sát thương cho Moscow. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết Hoa Kỳ “không có tư cách đưa ra yêu cầu đối với Trung Quốc”.

Huyền Anh tổng hợp

Related posts