Đại hội Người Duy Ngô Nhĩ Thế giới (World Uyghur Congress) – Tổ chức nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ có trụ sở tại Đức – đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2023.
Đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2023 cho “Đại hội Người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) Thế giới” là từ giới lập pháp Canada và lãnh đạo Đảng Tự do Thanh niên Na Uy (Venstre), lý do đề cử vì những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và thu hút sự chú ý của quốc tế đối với các vi phạm nhân quyền của của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Turk (Đột Quyết) khác ở Tân Cương; Đại sứ quán ĐCSTQ tại Washington đã chỉ trích đề cử này, cho rằng nhóm này có quan hệ với các tổ chức khủng bố, trao giải thưởng cho họ không có lợi cho hòa bình thế giới.
Cùng được đề cử giải Nobel như Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới còn có những người như: Nghị sĩ Canada Sameer Zuberi là Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế và đồng Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Canada-Duy Ngô Nhĩ; Nghị sĩ Alexis Brunelle-Duceppe của Canada; Lãnh đạo Đảng Tự do Thanh niên Na Uy Ane Breivik.
Theo một lá thư đề cử được chia sẻ với Đài VOA Mỹ, nghị sĩ Brunelle-Duceppe là một trong hai nghị sĩ Canada đề cử giải Nobel Hòa bình cho Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới. Thư đề cử cho biết, là tổ chức đại diện chính của người Duy Ngô Nhĩ trên toàn thế giới, Đại hội Người Duy Ngô Nhĩ Thế giới “đã có đóng góp quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của quốc tế đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Turk (Đột Quyết) khác”.
“Để đạt được mục tiêu này, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới đã thực hiện nhiều hoạt động, bao gồm đấu tranh cho quyền của những người bị cưỡng bức mất tích, ủng hộ việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, bảo vệ quyền của những người xin tị nạn để ngăn chặn việc cưỡng bức trở về Trung Quốc. Ở bình diện Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và quốc gia, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới đã xúc tác thành công nhiều thành tựu, thúc đẩy cộng đồng quốc tế xây dựng chính sách và hành động để giúp đảm bảo quyền của người Duy Ngô Nhĩ”, nghị sĩ Brunelle-Duceppe ghi trong thư đề cử.
Tháng 8 năm ngoái, Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra một báo cáo về nhân quyền ở Tân Cương, chỉ ra rằng cách đối xử của Chính phủ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác có thể cấu thành tội ác chống lại loài người. Mỹ và một số nước khác đã coi các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ tại Tân Cương là tội ác diệt chủng.
Đại sứ quán ĐCSTQ tại Washington đã lên án việc đề cử giải Nobel Hòa bình đối với Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, cáo buộc rằng tổ chức này có quan hệ với các nhóm khủng bố và việc trao giải cho họ không có lợi cho hòa bình thế giới.
“Hy vọng giải thưởng này có thể đóng góp cho hòa bình và phát triển toàn cầu thay vì bị biến thành một công cụ chính trị được sử dụng bởi một số chính trị gia”, phát ngôn viên Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) của Đại sứ quán ĐCSTQ tại Mỹ phản hồi với VOA trong một email, “Cái gọi là ‘Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới’ có quan hệ chặt chẽ với khủng bố. Việc đề cử một tổ chức như vậy cho Giải Nobel Hòa bình là vô cùng bất lợi cho hòa bình thế giới và là mỉa mai lớn đối với Giải Nobel Hòa bình”.
Giám đốc truyền thông Zumretay Arkin của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới cho biết, việc đề cử giải Nobel Hòa bình cho nhóm là một minh chứng về ghi nhận của thế giới tự do và dân chủ đối với công việc của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới.
Cô Arkin nói với VOA: “Trong nhiều thập niên, Chính phủ Trung Quốc luôn truyền bá những lời dối trá giống nhau. Việc Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới được đề cử giải Nobel Hòa bình chứng tỏ thế giới tự do và dân chủ đã ghi nhận công việc của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới là có giá trị và quan trọng. Chính phủ Trung Quốc không nên vu khống các tổ chức này mà hãy lắng nghe âm thanh của thế giới dân chủ”.
Theo trang web của tổ chức này, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới được thành lập tại Munich – Đức vào năm 2004, là một tổ chức chung được thành lập bởi sự hợp nhất của Đại hội Quốc gia Đông Turkistan và Đại hội Thanh niên Duy Ngô Nhĩ Thế giới.
“Mục tiêu chính của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới là thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và tự do cho người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời sử dụng các biện pháp hòa bình, bất bạo động và dân chủ để xác định tương lai chính trị của tổ chức”, trang web của nhóm viết trong tuyên bố sứ mệnh, “Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới là tổ chức hợp pháp duy nhất của người Duy Ngô Nhĩ trong và ngoài Đông Turkestan, nỗ lực mở đường cho một giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Turkestan thông qua đối thoại và đàm phán”.
Trong một tuyên bố hôm thứ Ba (7/3), Chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới Dolkun Isa bày tỏ niềm tự hào và biết ơn vì đã được đề cử giải Nobel Hòa bình, xem đó là sự hỗ trợ cho những nỗ lực của nhóm nhằm chấm dứt nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và cho người Duy Ngô Nhĩ: “Tôi rất tự hào khi thấy rằng những nỗ lực của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới nhằm chấm dứt nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ đã không bị bỏ qua”, ông Chủ tịch Dolkun Isa nói, “Việc đề cử này không chỉ là sự công nhận công việc của của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới mà còn là sự ủng hộ đối với toàn thể người dân Duy Ngô Nhĩ”.
Mộc Vệ (theo VOA)