Tin thế giới sáng thứ Năm: Tàu Trung Quốc cắt Internet của các đảo Đài Loan

Nga tặng phân bón cho Malawi, tìm kiếm hỗ trợ ngoại giao từ châu Phi

Người dân thu gom các bao phân bón ở Lilongwe, Malawi hôm 6/3 (Ảnh: AP).

Chính phủ Nga đã tặng 20.000 tấn phân bón cho Cộng hòa Malawi. Đây được cho là một phần trong kế hoạch của Mát-xcơ-va nhằm lôi kéo các quốc gia châu Phi hỗ trợ trên phương diện ngoại giao.

Ông Nikolai Krasilnikov, Đại sứ Nga tại Malawi, tuyên bố tại lễ bàn giao phân bón hôm thứ 2 (06/03) ở thủ đô Lilongwe (Malawi) rằng Mát-xcơ-va sẽ tặng tổng cộng 260.000 tấn phân bón cho các nước châu Phi.

Ông hy vọng giới lãnh đạo châu Phi sẽ thúc đẩy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga khi họ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ hai sẽ được tổ chức tại thành phố St. Petersburg (Nga) vào cuối tháng 7 năm nay.

Ông Dmitry Shornikov, người đứng đầu chi nhánh phía nam châu Phi của công ty, cho biết: “Công ty Uralchem-Ukalkali của Nga là nơi đã sản xuất lượng phân bón này và làm quà tặng cho Malawi.”

Ông Shornikov nói thêm rằng lượng phân bón này sẽ giúp Malawi đạt được mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn và giúp các gia đình trồng được nhiều thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng hơn.

Ông Sam Kawale, Bộ trưởng Nông nghiệp của Malawi, cho biết số phân bón mà Nga hỗ trợ sẽ đến tay 400.000 hộ nông dân, giúp họ nâng cao năng suất cây trồng.

Tham dự sự kiện còn có đại diện của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc.

Cộng hòa Malawi đã bỏ phiếu chỉ trích Nga tại Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái vì cuộc xâm lược Ukraina. Có hơn 15 quốc gia châu Phi khác đã bỏ phiếu trắng.

Phân bón là một phần trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7/2022 dưới sự trung gian của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tạ Linh

Financial Times: Bắc Kinh gây áp lực buộc giới tinh hoa chính trị Hồng Kông từ bỏ hộ chiếu phương Tây

Người dân Hồng Kông giương cao hộ chiếu Anh. (Ảnh: RFA).

Tờ Financial Times đưa tin hôm thứ Hai 6/3, Bắc Kinh đang kêu gọi giới chính trị Hồng Kông quan tâm đến việc tranh cử vào Quốc hội Trung Quốc hãy từ bỏ hộ chiếu phương Tây. Điều này nhằm loại bỏ ảnh hưởng từ nước ngoài và tăng cường nỗ lực kiểm soát Hồng Kông.

Báo cáo dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng ít nhất một đại biểu Quốc hội của Hồng Kông đã bị từ chối tái tranh cử vì ông mang hộ chiếu Anh – BNO. Một cựu đại biểu Quốc hội khác nói rằng, mặc dù Bắc Kinh trước đây đã tuyên bố những người có BNO vẫn đủ tư cách để tranh cử vào Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, nhưng thực ra là họ sẽ bị loại bỏ hoặc không được tranh cử.

Trong khi đó, công dân Hồng Kông mang hộ chiếu Trung Quốc thì vẫn có tư cách nhận được hộ chiếu BNO, đây là con đường tắt trở thành công dân Anh. Nhiều người Hồng Kông cũng có hộ chiếu Canada, Úc hoặc Mỹ.

Báo cáo cho biết, áp lực từ bỏ hộ chiếu nước ngoài xuất phát từ chính sách “những người yêu nước quản lý Hồng Kông” của Bắc Kinh, khi Trung Quốc tìm cách loại bỏ các chính trị gia Hồng Kông có quan hệ chặt chẽ với phương Tây khỏi các vị trí quan trọng. Các quy tắc này cũng áp dụng cho các cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông. Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông trên thực tế được tuyển chọn từ  các nhà lập pháp thân Bắc Kinh.

Lưu Triệu Giai, phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Hồng Kông, Ma Cao và Trung Quốc bán chính thức, cho biết việc mang hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thông hành có thể là một rủi ro an ninh. Ông nói: “Trung Quốc đang đối mặt với các mối đe dọa an ninh quốc gia ngày càng tăng từ Mỹ và phương Tây. Việc Vương quốc Anh cung cấp hộ chiếu BNO sẽ tạo ra các vấn đề về mức độ trung thành”.

Liên Thành

Hãng hàng không Trung Quốc lạnh nhạt với máy bay ‘cây nhà lá vườn’ C919, chọn mua Boeing 737-9 MAX

Ông Bill Wong Cho Bau, Chủ tịch của Greater Bay Airlines, tại một cuộc họp báo ở Hong Kong, ngày 03/03/2023. (Ảnh: Sung Pi-lung/The Epoch Times)

Thay vì lựa chọn máy bay “cây nhà lá vườn” C919 do Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy sản xuất, hãng hàng không Trung quốc Greater Bay Airlines vừa mới công bố sẽ mua 15 máy bay Boeing 737-9 MAX và có kế hoạch sớm mua nhiều máy bay Boeing khác.

Máy bay C919, do tập đoàn hàng không dân dụng COMAC sản xuất, luôn được truyền thông nhà nước Trung Quốc khoe khoang là “niềm tự hào dân tộc”. Tuy nhiên, Greater Bay Airlines – một hãng hàng không Trung Quốc – lại tỏ ra lạnh nhạt với C919. Họ tậu máy bay chở khách từ Boeing – hãng đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ.

Người ngoài đặt câu hỏi liệu quyết định của Greater Bay Airlines có liên quan đến việc C919 vẫn chưa đạt tiêu chuẩn khi bay thử nghiệm và không thể giữ an toàn khi bay trên không hay không.

Ngày 03/03, Greater Bay Area – công ty được thành lập để phối hợp với chiến lược phát triển Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hong Kong – Macao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – đã tổ chức lễ ký kết mua 15 máy bay Boeing 737-9 MAX với tập đoàn Boeing của Mỹ. Greater Bay Area Airlines cũng lên kế hoạch mua 5 chiếc 787 Dreamliners.

Hãng hàng không Trung Quốc nói với giới truyền thông rằng các máy bay mới sẽ được giao dần từ năm 2024 đến năm 2027. Boeing 737-9 MAX sẽ trở thành mẫu máy bay chính trong đội bay tương lai của hãng.

Bộ trưởng Tài chính Hong Kong Paul Chan Mao-bo, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Yau Ying-Wah và các quan chức chính phủ Hong Kong khác đã tham dự lễ ký kết thỏa thuận mua bán.

Các phóng viên đã hỏi đại diện của Greater Bay Area Airlines rằng tại sao với tư cách là công ty do ĐCSTQ hậu thuẫn, hãng lại không mua máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất, mà lại chọn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Ông Bill Wong, Chủ tịch của Greater Bay Area Airlines, nói rằng ông và tập đoàn Boeing đã hợp tác kinh doanh trong nhiều năm. Ông giải thích thêm, vì Donghai Airlines vốn đang sử dụng máy bay chở khách Boeing 737, nên Thâm Quyến và Hong Kong cũng sẽ làm theo, sẽ sử dụng cùng loại máy bay chở khách để thuận tiện cho việc bảo trì và cũng để giảm thiểu chi phí.

Ông Wong cũng nói với các phóng viên rằng 737-9 có khả năng chuyên chở và độ bền tốt hơn nhiều, giúp giảm chi phí vận hành và giúp mở rộng mạng lưới đường bay, mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn.

Chủ tịch Wong cho biết: “Chúng tôi vẫn luôn có mối quan hệ tuyệt vời với Boeing trong nhiều năm qua. Hãng hàng không Shenzhen Donghai Airlines có 20 mẫu Boeing 737-800. Việc có được hiệu suất an toàn cao và khả năng tiết kiệm chi phí vượt trội đã giúp Boeing trở thành hãng máy bay tiết kiệm nhiên liệu và thuận lợi để sử dụng”.

Ông Wong nói thêm rằng Greater Bay Airlines sẽ không loại trừ khả năng sử dụng máy bay chở khách C919 trong tương lai, nhưng ông biết khả năng vận chuyển của nó không mạnh bằng Boeing.

Theo một số phương tiện truyền thông Hong Kong, người dân Trung Quốc bối rối không biết tại sao Greater Bay Airlines lại mua máy bay của Mỹ khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục xấu đi.

Ông Wong giải thích: “Những khách hàng mua máy bay [của Boeing] là đến từ Hong Kong, và vì Hong Kong được quản lý theo kiểu một quốc gia – hai chế độ, nên chính trị không liên quan đến công việc trao đổi kinh doanh”.

Dữ liệu cho thấy Greater Bay Airlines đã mở 4 đường bay mới đến Bangkok, Đài Bắc, Tokyo và Seoul vào tháng 07/2022. Hãng cũng có kế hoạch bổ sung các chuyến bay mới đến Osaka, Manila, Philippines, thành phố Hồ Chí Minh trước tháng 04/2023.

C919 là máy bay chở khách phản lực thân hẹp đầu tiên của Trung Quốc, được phát triển theo tiêu chuẩn hàng không quốc tế. Với số lượng ghế từ 158 đến 168 và tầm bay từ 4075 đến 5555 km, C919 có thể được xếp cùng hạng với các dòng máy bay Airbus 320 và Boeing 737 trên thị trường hàng không quốc tế hiện nay.

Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ từng quảng bá rầm rộ về chiếc máy bay nội địa này và gọi nó là “niềm tự hào dân tộc”.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 02/2023, chỉ vài ngày trước một trong những chuyến bay thử nghiệm của C919, có tin đồn rằng một trục trặc đã xảy ra, khiến kế hoạch bay 100 giờ bị hủy bỏ.

Vào thời điểm đó, một số người quen thuộc với vụ việc đã tiết lộ với truyền thông nước ngoài rằng trong chuyến bay thử nghiệm từ sân bay Hồng Kiều Thượng Hải đến sân bay Đại Hưng Bắc Kinh vào ngày 02/02, một trong các động cơ của máy bay c919 (chiếc được chuyển giao cho China Eastern Airlines) trong khi hạ cánh đã không mở được bộ đảo ngược lực đẩy.

China Eastern Airlines ngay lập tức hủy bỏ phần còn lại của kế hoạch bay và không đề cập bất kỳ điều gì liên quan đến cuộc thử nghiệm bị cho là thất bại, cũng như không đề cập đến việc mua C919.

Giới chuyên môn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các chuyến bay của C919 vẫn chưa được đạt tiêu chuẩn bay thương mại. Nếu các chuyến bay thử nghiệm không thành công, các hoạt động thương mại sẽ không thể sớm được thực hiện.

Máy bay C919 được Trung Quốc nghiên cứu và phát triển trong hơn một thập kỷ qua. Nó cũng được nhắc đến như một sản phẩm mang tính chiến lược cao, được coi là phương án dự phòng một khi châu Âu và Hoa Kỳ ‘thoát Trung’.

Tuy nhiên, nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng ngành công nghiệp bay ở Trung Quốc không mấy lạc quan về độ an toàn cơ bản của C919; họ lo ngại sẽ xảy ra tai nạn bởi vì C919 là sản phẩm được tạo thành từ việc lắp ráp rất nhiều linh kiện nhập khẩu khác nhau.

Người trong cuộc cũng chia sẻ rằng China Eastern Airlines là hãng hàng không duy nhất từng định tiếp nhận C919. Các hãng khác đều không dám mua loại máy bay “cây nhà lá vườn” này.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tàu Trung Quốc cắt Internet của các đảo Đài Loan

Trong tháng vừa qua, cư dân sống trên Quần đảo Matsu của Đài Loan, một nhóm các đảo xa hòn đảo và gần Trung Quốc hơn, đã gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn tiền điện, hẹn gặp bác sĩ hoặc nhận hàng do internet bị gián đoạn.

Đảo Matsu (Đài Loan)

Để kết nối với thế giới bên ngoài, 14.000 cư dân của Quần đảo Matsu dựa vào hai cáp dưới biển nối với đảo chính Đài Loan.

Cáp đầu tiên bị cắt đứt bởi một tàu đánh cá Trung Quốc tại vị trí cách đảo khoảng 50km. Sáu ngày sau, vào ngày 8/2, một con tàu chở hàng Trung Quốc đã cắt sợi cáp thứ hai, theo Chunghwa Telecom, nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất của Đài Loan và chủ sở hữu của hai sợi cáp.

Trong khi đó, những người dân đảo đã buộc phải kết nối qua sóng microwave radio, với tốc độ internet bị hạn chế rất nhiều. Điều đó có nghĩa là người ta có thể phải chờ hàng giờ để gửi một văn bản. Các cuộc gọi sẽ giảm chất lượng và không thể xem được video.

“Rất nhiều khách du lịch sẽ hủy đặt chỗ của họ vì không có Internet. Ngày nay, Internet đóng một vai trò rất lớn trong cuộc sống của mọi người”, Chen, sống ở Beigan, một trong những hòn đảo chính của quần đảo cho biết, theo AP.

Ngoài việc làm xáo trộn cuộc sống, việc mất các dây cáp internet còn có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh quốc gia.

Một số chuyên gia nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể đã cắt các dây cáp một cách có chủ ý như một phần của việc quấy rối đối với hòn đảo.

Trung Quốc thường xuyên gửi các máy bay chiến đấu và các tàu hải quân tới Đài Loan nhằm đe dọa chính phủ dân chủ của hòn đảo. Mối quan tâm về việc Trung Quốc phát động một cuộc xâm lược đã tăng lên kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.

Các dây cáp đã bị cắt tổng cộng 27 lần trong 5 năm qua, theo Chunghwa Telecom.

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Đài Loan đã đuổi theo tàu đánh cá cắt dây cáp đầu tiên vào ngày 2 tháng 2, nhưng nó đã quay trở lại vùng biển Trung Quốc, theo một nguồn tin.

Cho đến nay, chính phủ Đài Loan chưa trực tiếp lên án Bắc Kinh.

Chúng tôi không thể loại trừ rằng Trung Quốc đã cố tình phá hủy những dây cáp này”, Su Tzu-Yun, chuyên gia tại Viện nghiên cứu an ninh và quốc phòng, trích dẫn nghiên cứu cho thấy chỉ có Trung Quốc và Nga có các khả năng kỹ thuật để làm điều này.

“Đài Loan cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc sửa chữa và bảo vệ các dây cáp,” ông nói.

Nhật Minh (theo AP)

Trung Quốc xuất hiện nhiều chủng đột biến của Omicron

Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Thượng Hải, năm 2022 (Ảnh minh họa: pim pic / Shutterstock)

Vào ngày 7/3, ông Ngô Tôn Hữu, nhà dịch tễ học trưởng của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, đã đăng trên Weibo của mình rằng số ca dương tính với axit nucleic của virus corona mới (COVID-19) ở nước này đã vượt quá 10.000 ca mỗi ngày trong tuần qua, đã theo dõi được các chủng đột biến của Omicron như XBB.1.5.5, XBB.1.9, BQ.1.8. Từ cuối tháng Hai, số bệnh nhân sốt ngoại trú trên khắp Trung Quốc có xu hướng gia tăng, chủ yếu là bệnh nhân cúm.

Dịch bệnh COVID-19 thể hiện tính tập trung cục bộ, xuất hiện nhiều chủng đột biến như XBB.1.9

Ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), nhà dịch tễ học trưởng tại CDC Trung Quốc, đã đăng trên Weibo của mình vào ngày 7/3 rằng dịch COVID-19 hiện tại là hiện tượng kết thúc hoàn toàn của một đợt dịch quy mô lớn trên toàn quốc, chủ yếu biểu hiện lẻ tẻ, tập trung cục bộ và các ca bệnh cục bộ. Trong tuần qua, số ca xét nghiệm axit nucleic dương tính trong ngày trên cả nước vẫn hơn 10.000 ca.

Ông Ngô Tôn hữu cho biết, kết quả theo dõi sự biến đổi của chủng do CDC Trung Quốc công bố cho thấy kể từ ngày 1/12/2022, tất cả các chủng Omicron đột biến phổ biến ở Trung Quốc có tổng cộng 44 nhánh tiến hóa và chủng virus lưu hành chính là BA.5.2.48 chiếm 60,0%, tiếp theo là BF.7.14 chiếm 29,2%. Chủng virus lưu hành chính của các ca bệnh trong tháng Hai năm nay về cơ bản giống như tháng Một và tháng 12 năm ngoái.

Ngoài ra, CDC cũng công bố giám sát 30 trường hợp chủng đột biến chính tại bản địa gồm XBB.1, XBB.1.5, XBB.1.5.5, XBB.1.9, BQ.1, BQ.1.1, BQ.1.1.17, BQ.1.2 và BQ.1.8.

Ông Ngô Tôn Hữu cũng nói rằng gần đây ở Trung Quốc đã xảy ra một trận dịch cúm và nó đang có xu hướng gia tăng. Dự báo sẽ kéo dài thêm vài tuần nữa, so với dịch cúm cùng thời kỳ trước đợt bùng phát dịch virus corona mới, dịch cúm hiện nay ở mức độ của dịch cúm mùa những năm trước.

Điều đáng nói là, theo trang tin tại Trung Quốc Đại Lục như “The Paper”, “Nhật báo Vô Tích”, vào ngày 2/3, Trung tâm dữ liệu lớn thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã tổ chức “Lễ hủy dữ liệu cá nhân liên quan đến đại dịch”. Đợt đầu tiên gồm 1 tỷ mẩu thông tin cá nhân được thu thập do kiểm soát dịch COVID-19 sẽ bị tiêu hủy.

Số bệnh nhân sốt ngoại trú tại bệnh viện Trung Quốc tăng cao; Chuyên gia: Chủ yếu là ca lây nhiễm cúm

Theo tin tức từ “Thời báo Sức khỏe” tại Trung Quốc vào ngày 7/3, CDC Trung Quốc đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh virus corona mới (COVID-19) trên toàn quốc vào ngày 4/3. Theo đó, kể từ cuối tháng Hai, số lượt đến phòng khám sốt ở Trung Quốc đang gia tăng, đạt 304.000 lượt người vào ngày 2/3.

Ông Lý Đồng Tăng (Li Tongzeng) , bác sĩ trưởng khoa Nhiễm trùng tổng hợp của bệnh viện Hựu An Bắc Kinh, cho biết vào ngày 6/3 rằng sự gia tăng số lượt người đến phòng khám sốt chủ yếu là do sự gia tăng các ca bệnh cúm.

Ông cho biết người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền và khả năng miễn dịch thấp đều là những nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao. “Các ca mắc cúm hiện nay chủ yếu vẫn là trẻ em và người trung niên, thanh niên, tỷ lệ mắc cúm ở người cao tuổi có bệnh nền có thể gia tăng ở giai đoạn sau”.

Tỷ lệ dương tính với bệnh cúm ở Trung Quốc Đại Lục tăng vọt

Theo báo cáo giám sát cúm hàng tuần mới nhất do CDC Trung Quốc ban hành, tỷ lệ phát hiện dương tính với virus cúm ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc tiếp tục tăng trong tuần thứ 8 của năm nay, với cúm A (H1N1) pdm09 là chính, virus cúm A (H3N2) phụ cùng lưu hành. Tổng cộng có 390 đợt bùng phát cúm được báo cáo từ ngày 20 đến ngày 26/2.

Hiện tại, các bệnh viện ở nhiều nơi ở Trung Quốc Đại Lục đã quá tải. Theo Sina.com ngày 2/3 đưa tin đỉnh dịch một lần nữa ập đến các phòng khám sốt. Biển hiệu “xét nghiệm COVID” đổi thành “xét nghiệm cúm“, khu vực chờ khám bệnh một lần nữa chật kín.

Sầm Băng (Cen Bing), bác sĩ tại phòng khám sốt của một bệnh viện hạng 3 ở Bắc Kinh, cho biết: “Ban ngày không thể khám hết bệnh nhân, ca đêm thì khám đến tận sáng.” “Bây giờ tôi chỉ có thể để mắt đến trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những bệnh nhân mắc các bệnh nền có nguy cơ cao … Đây là những điều mà khoa đã nhiều lần nhấn mạnh cần chú ý. Đại đa số bệnh nhân đến đây là bệnh nhân cúm A, thuốc oseltamivir thực sự là không đủ, và nó chỉ vừa được bổ sung sau khi hết hàng.”

Cư dân mạng Bắc Kinh “Christopher.Lu” cho biết vào ngày 6/3 rằng, “Tôi bắt đầu bị sốt vào tối thứ Tư, và nhiệt độ cơ thể của tôi được đo là 39,3 độ vào sáng thứ Năm, sau đó tôi đến phòng khám sốt của Bệnh viện Triều Dương để khám. Ở đó đông nghịt người, xếp hàng chờ 5 tiếng rưỡi mới xong. Sốt cao như vậy, đúng là phải chịu đựng sốt cao lại còn phải xếp hàng lâu thế này, lúc đó trong bệnh viện có rất nhiều người nằm la liệt, và hầu hết họ đều là những người trẻ tuổi.”

Cư dân mạng “terrypan” ở Thượng Hải cho biết vào ngày 6/3, “Thượng Hải bắt đầu xuất hiện cúm, không thừa nhận là đại dịch virus corona mới bắt đầu. Tôi đã cùng bố đến phòng khám sốt của Bệnh viện Trung Sơn 2 tuần trước, và ở đó không có nhiều người. Hôm nay chị gái tôi cũng đi, có rất đông người. Trẻ mẫu giáo của chị ấy có một đứa dương tính yếu, 24 học sinh một lớp nhưng chỉ có 10 trẻ đi học.”

Vào ngày 2/3, trong nội dung tweet của tài khoản “@jasmine201515” nói rằng Bệnh viện Nhi Tây An “gần đây, lượng người đến đạt mức cao điểm, lần này là cúm A, triệu chứng tương tự như COVID-19, đều phát sốt, toàn thân đau nhức, ho khan.”

Một số cư dân mạng Thiểm Tây nói: “Chính là virus corona mới, nó đã biến đổi, không cho nhắc đến nó nữa”.

“Rõ ràng là virus corona mới nhưng lại không thừa nhận.”

“Hôm qua mình đến đó chỉ định xét nghiệm máu định kỳ thì nói là nhiễm virus, hỏi có phải là nhiễm cúm A hay gì thì bác sĩ cười không nói gì và kê thẳng oseltamivir.”

Lý Mộc Tử, Vision Times

Trung Quốc ‘vui mừng’ khi thấy cuộc chiến Nga-Ukraina kéo dài

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Express).

Vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga-Ukraina đã ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ giữa EU và Bắc Kinh.

Tại một phiên điều trần tại Nghị viện châu Âu ngày 1/3,các chuyên gia đã chỉ ra rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thân thiết hơn châu Âu nghĩ, mặc dù không hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau, nhưng trên thực tế họ đã gắn bó chặt chẽ với nhau vì nhu cầu chung.

Hơn nữa, việc kéo dài chiến tranh vừa kìm hãm Hoa Kỳ và Châu Âu, vừa có lợi cho Trung Quốc.

Lập trường 12 điểm của chính phủ Trung Quốc về cuộc chiến Nga-Ukraina được Mỹ và Liên minh châu Âu coi là một sự nỗ lực hời hợt, đồng thời Mỹ cũng tung ra thông tin tình báo rằng Bắc Kinh có thể viện trợ vũ khí sát thương cho Nga, điều này đã thu hút sự chú ý nhiều hơn đến vai trò thực sự của Trung Quốc.

Nghị viện Châu Âu đã mời các chuyên gia và tổ chức một phiên điều trần ngày 1/3 để thảo luận về hợp tác quân sự Trung-Nga và tác động của chúng.

Chủ tịch ủy ban, Nathalie Loiseau, lần đầu tiên chỉ ra rằng kể từ khi Nga xâm chiếm Crimea vào năm 2014, thì các hoạt động quân sự giữa Trung Quốc và Nga ngày càng trở nên gần gũi hơn, bao gồm cả việc mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung bao gồm cả Belarus và Ấn Độ vào tháng 9 năm ngoái, điều này đã đưa đến mối lo ngại về an ninh của Liên minh châu Âu.

Meia Nouwens, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng Trung Quốc cho biết, hiện tại không có bằng chứng công khai về việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga. Tuy nhiên, 2 nước này từ lâu đã có những trao đổi chặt chẽ trong các lĩnh vực quân sự như buôn bán vũ khí, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, tập trận chung.

Ví dụ, từ năm 2017 đến 2021, 54% chiến đấu cơ của Trung Quốc đến từ Nga, và trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2022, một nửa số lần tập trận quân sự chung Trung-Nga được diễn ra tại vùng biển Hoa Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bà tin rằng những cuộc tập trận quân sự này đã giúp Trung Quốc học hỏi từ Nga, một quốc gia có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn và hiện nay Trung Quốc ngày càng đóng vai trò chủ chốt hơn trong các cuộc tập trận quân sự chung.

Ngoài ra, Trung Quốc và Nga đã hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển không gian, hệ thống cảnh báo sớm và các lĩnh vực khác.

Các phương tiện truyền thông của 2 nước cũng đã ký một thỏa thuận chia sẻ nội dung, góp phần vào việc hợp tác trong chiến tranh thông tin.Meia Nouwens cho rằng, không chỉ có Trung Quốc hỗ trợ Nga trong việc tuyên truyền trong cuộc xung đột Nga-Ukraina, mà cả Nga cũng đã giúp Trung Quốc thao túng thông tin trong một thời gian dài.

Tạ Linh

Tại sao Bắc Kinh chọn 100 Đại biểu Quốc hội từ các công ty bị Hoa Kỳ trừng phạt?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ đại diện của các công chức kiểu mẫu tại Bắc Kinh (Ảnh: AP-Yonhap).

Năm nay, Bắc Kinh đã thể hiện ưu tiên chiến lược rõ ràng, thông qua việc lựa chọn và bổ nhiệm các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 14.

Theo tờ Nikkei Asia, trong số 5.150 đại biểu tham gia Đại hội, gần 100 người là giám đốc điều hành hoặc đại diện từ các công ty Trung Quốc chịu lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ.

Họ bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (hay Tập đoàn Norinco) chuyên sản xuất vũ khí; Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc; và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho quân đội. Tất cả đều là các công ty công nghiệp quân sự thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, bị Washington đưa vào danh sách đen.

Ấn phẩm cho rằng, điều này phản ánh tham vọng nắm giữ công nghệ toàn quốc của Bắc Kinh, trên con đường trở thành một siêu cường công nghệ.

Mặt khác, mặc dù những gã khổng lồ internet Trung Quốc hầu như đã biến mất khỏi cuộc họp quốc hội năm nay, đại diện của các công ty bán dẫn và trí tuệ nhân tạo lại có mặt khá nhiều.

Họ cũng đến từ các công ty bị Hoa Kỳ nhắm đến, chẳng hạn như nhà phát triển chip Cambricon Technologies và Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (gọi tắt là SMIC). Đây là lần đầu tiên Công ty công nghệ Cambricon tham gia các cuộc họp chính trị, trong khi SMIC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Trung Quốc.

Tờ Bloomberg trước đây đã nhận xét, sự vắng mặt của những gã khổng lồ internet cho thấy, Bắc Kinh không sẵn sàng nới lỏng hạn chế đối với lĩnh vực này sau hai năm đàn áp.

Tương tự như vậy, trí tuệ nhân tạo là một ngành công nghiệp đang phát triển mà ĐCSTQ tự coi mình là kẻ dẫn đầu thế giới. Bên cạnh đó, chip bán dẫn vẫn là một lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc muốn trở nên tự chủ. Khát vọng đó đã bị cản trở nghiêm trọng bởi các biện pháp hạn chế chưa từng có của Hoa Kỳ vào năm ngoái.

Theo tờ Nikkei Asia, Trung Quốc chỉ có thể sản xuất khoảng 20% đến 30% nguồn cung của mình. Các đại biểu dự kiến sẽ thảo luận về cách Trung Quốc có thể quản lý tăng trưởng mà không cần phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Ngoài các công ty quân sự tham gia vào Đại hội kể trên, có cả công ty nhận dạng khuôn mặt SenseTime và công ty nhận dạng giọng nói iFlytek. Cả hai đều bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì cáo buộc hỗ trợ Bắc Kinh đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.

Tạ Linh

Related posts