10-3-2023
Ca sĩ Tuấn Ngọc, từ Mỹ về Sài Gòn hát bài “Tình bơ vơ” của cố nhạc sĩ Lam Phương. Nếu chỉ trình diễn bài hát thôi thì không có gì đáng bàn. Ở đây, ông đã sửa lời ca khúc nổi tiếng trên nên đã khiến dư luận bất bình.
Tuấn Ngọc đã thay “Việt Nam” bằng “chiều nay”, trong bối cảnh “mùa Thu” tại Việt Nam.
Nhưng “Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi” sao hay, thấm, đớn đau, nhức nhối và lãng mạn bằng “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”!
Cái đau và nỗi buồn của một mối tình được thể hiện một cách giản dị, qua lời ca khúc của người nhạc sĩ, ôm ấp trong lòng một mối tình đơn phương.
Nỗi buồn ấy đâu chỉ còn của riêng ông! Trái lại, ông muốn người con gái kia cảm được sự tột cùng trống vắng và đau khổ. Cả một Việt Nam vào thu cũng buồn như đồng cảm với mối tình không trọn vẹn của ông.
Đơn giản và lãng mạn thế thôi.
Nhưng có điều, chính quyền Việt Nam, có lẽ với thói quen hay “giựt mình” nên nhìn vào đâu cũng thấy nhạy cảm chính trị nên mới bóp chết sự sáng tạo và tự do của người nghệ sĩ.
Khó có thể cho rằng Tuấn Ngọc, một ca sĩ danh tiếng, lại có thể tự cho mình cái quyền tự sửa lời ca khúc của người khác.
Cho nên, không khó có thể thấy rằng, chính Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch tại Sài Gòn, đại diện cho thế lực chính trị, đã ra tay can thiệp, muốn ca sĩ này phải hát ca khúc bị chỉnh sửa.
Mùa thu tại Việt Nam phải gắn liền với mùa thu cách mạng. Của cách mạng tháng Tám, của sự kiện ông Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, của những lời thơ chuyên chở khát vọng cách mạng, không uỷ mị, yếu đuối, yêu đương tầm thường. Mùa thu như Nguyễn Đình Thi mô tả mới chính là mùa thu của người cộng sản. Một mùa thu với nhận thức chính trị rõ ràng, phù hợp với sự tuyên truyền của chế độ:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.
Hay mùa thu của Xuân Diệu cũng không còn sự lãng mạn của tình yêu, thay vào đó là khí thế cách mạng của giai cấp vô sản:
“Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo,
Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt.
Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết,
Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!”
Lam Phương ví von so sánh tình yêu của ông như mùa thu buồn tại Việt Nam. Một thái độ phản cách mạng, phản lại đường lối, định hướng của nhà nước.
Và Tuấn Ngọc, người ca sĩ nổi tiếng, đã chấp nhận đánh đổi sự tự do của người nghệ sĩ, chỉ để được hát tại Việt Nam. Liệu có sự áp lực nào mà ông phải chịu để được hát? Ông có một sự chọn lựa nào khác hay không?
Chắc chắn ông biết rất rõ khi ông chấp nhận trình diễn một ca khúc đã bị sửa lời. Ông cũng thừa biết bản chất của nhà nước Việt Nam khi kiểm duyệt, ngăn cản các chương trình ca nhạc của các ca sĩ hải ngoại.
Tuấn Ngọc đã chọn “mùa thu” của đảng khi ông cất cao lời ca: “Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi”. Ông đã tự đánh mất quyền tự do và sáng tạo của người nghệ sĩ.
Và một khi không còn Tự Do thì người nghệ sĩ chỉ còn đơn thuần là công cụ tuyên truyền của quyền lực chính trị!