Tin thế giới tối thứ Sáu: Giám đốc CIA cho biết ‘Không ai theo dõi cuộc chiến Ukraina ‘chăm chú’ hơn ông Tập’

Video: Máy bay không người lái Ukraina tấn công vũ khí mạnh nhất của Nga

Liên Thành

Một chi nhánh của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) gần đây đã tổ chức tấn công bằng máy bay không người lái cực kỳ thành công vào bệ phóng tên lửa nhiệt áp của Nga – thứ mà một số người coi là vũ khí mạnh nhất của Nga sau bom hạt nhân.

Cuộc tấn công đáng kinh ngạc không chỉ tiêu diệt bệ phóng tên lửa khi nó đang bắn tên lửa mà còn bằng cách sử dụng máy bay không người lái kiểu kamikaze ngẫu hứng. 

Toàn bộ vụ việc cũng được ghi lại bởi chính máy bay không người lái tấn công, có nghĩa là cuộc tấn công được ghi lại trên video cho đến một phần nghìn giây trước khi va chạm.

Đoạn video được quân đội Ukraine chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một bệ phóng tên lửa của Nga, được trang trí bằng biểu tượng “Z” trên đỉnh, đang bắn tên lửa vào mục tiêu từ mặt đất.

Sau khi nó phóng hai tên lửa, máy bay không người lái điều hướng qua đám khói và bắt đầu bay về phía bệ phóng tên lửa.

Không có thêm tên lửa nào được phóng vào thời điểm trước khi va chạm và không biết liệu điều này có phải do những người điều khiển vũ khí đã biết về máy bay không người lái hay không.

Máy bay không người lái Ukraine sau đó nhanh chóng bổ nhào về phía chiếc xe và đoạn phim bị cắt, cho thấy nó đã va vào bệ phóng.

Đoạn clip ban đầu được Cơ quan An ninh Ukraine tải lên Facebook nhưng nhanh chóng được chia sẻ bởi các tài khoản theo dõi chiến tranh lớn trên Twitter. 

Trong bài đăng gốc, SBU đã mô tả cách cuộc tấn công đã hạ gục một chiếc Sonstepok MLRS của Nga.

Bài đăng viết: “Lực lượng đặc biệt của SBU đã phá hủy “Hoàng hôn” của Nga ???? với máy bay không người lái FPV. Các binh sĩ của Trung tâm Hoạt động Đặc biệt “A” của Cơ quan An ninh đã đốt cháy hệ thống súng phun lửa hạng nặng “Sonstepok” của Nga ngay tại thời điểm nó phóng đạn”.

Nhóm chịu trách nhiệm về cuộc tấn công là Nhóm đặc biệt “Alpha” của Cơ quan An ninh Ukraine. Nhóm này hiện đại tương đương với Nhóm Alpha của Liên Xô, và là một trong những sư đoàn cấp cao hơn của lực lượng đặc biệt Ukraine.

Giám đốc CIA: Không ai theo dõi cuộc chiến Ukraina ‘chăm chú’ hơn ông Tập

Tạ Linh

Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. (ảnh: Guardian).

Giám đốc CIA William Burns hôm thứ Năm ngày 9/3 nhấn mạnh mức độ mà cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến chiến lược của Trung Quốc về Đài Loan. Ông nói với các nhà lập pháp rằng “không ai theo dõi chăm chú” những gì xảy ra ở Ukraine hơn Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Burns phát biểu  tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện về các mối đe dọa trên toàn thế giới: “Tôi thực sự nghĩ rằng không ai theo dõi kinh nghiệm của ông Vladimir Putin ở Ukraine chăm chú hơn ông Tập Cận Bình, và tôi nghĩ rằng ông ấy đã tỉnh táo ở một mức độ nào đó, ít nhất đó là phân tích của chúng tôi về mức độ mà phương Tây có thể duy trì sự đoàn kết và chấp nhận một số tổn hại kinh tế ngắn hạn”.

Giám đốc William nói thêm: “Đó là điều mà Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình phải cân nhắc khi thoát khỏi những tổn hại của dịch Covid-19, cố gắng khôi phục tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, cố gắng tham gia vào nền kinh tế toàn cầu”.

Giáo sư Nga: Ông Putin muốn khôi phục Hiệp ước Vác-sa-va cũ sau khi khuất phục Đông Âu

Liên Thành

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: AFP).

Tờ Daily Mail cho biết, giáo sư Grigory Yudin –  giáo sư tại Trường Khoa học Xã hội và Kinh tế Moscow – đã nói rằng tham vọng đế quốc của ông Putin thậm chí còn vượt ra ngoài việc tái tạo Liên Xô như một quốc gia duy nhất, trong bối cảnh ông Putin đang tiếp tục xâm lược Ukraine – một quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Ông ấy cũng muốn một Bức màn sắt mới với nhiều quốc gia tự do – bao gồm cả các quốc gia trong NATO và EU – được đưa trở lại dưới quyền bá chủ của Moscow.

Hiệp ước Vác-sa-va là một thỏa thuận quốc phòng và an ninh đã giúp Moscow giữ các nước ở Đông Âu dưới bàn tay sắt của mình trong thời kỳ Xô Viết.

Yudin nói: Theo logic của Putin, ‘Chúng ta không thể có Liên Xô và không có Hiệp ước Vác-sa-va. Loại ý thức hệ này [là những gì Putin nghĩ].’

Ông Yudin nói tiếp: “Ông ấy coi Ba Lan, Hungary và những nước khác là ‘các quốc gia đồ chơi – hãy để họ nghĩ rằng họ có chủ quyền. Nhưng trên thực tế, tất nhiên, chúng là khu vực kiểm soát của chúng tôi”.

Nhà khoa học chính trị Yudin trước đây đã cảnh báo rằng ông Putin đang chuẩn bị cho một ‘cuộc chiến lớn’ chống lại NATO, trong đó nuốt chửng Ukraine và Moldova chỉ là món khai vị.

Điều này xảy ra mặc dù các lực lượng Nga cho đến nay vẫn chưa thể chiếm được thị trấn Bakhmut mặc dù đã mất hàng chục nghìn quân trong các trận chiến đẫm máu trong nhiều tuần.

Giáo sư cho biết mục tiêu của ông Putin thậm chí còn bao gồm việc khôi phục Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, tồn tại từ năm 1949 đến năm 1990.

Khi được hỏi trên kênh YouTube Bild bằng tiếng Nga rằng liệu một kết quả ‘không thể tưởng tượng’ và ‘hài hước’ như vậy có phải là mục đích của Putin hay không, ông nói: “Tại sao bạn lại coi đây là một trò đùa? Không có gì buồn cười về nó cả. Tất nhiên Putin – với tư cách là một sĩ quan [KGB] từng phục vụ ở Đông Đức – nghĩ rằng thật ngu ngốc khi cho đi lãnh thổ này và nó nên được lấy lại. Ông ấy có một kế hoạch nhất định về cách thực hiện nó. Tôi không nói kế hoạch này sẽ hiệu quả. Nhưng hãy nhìn vào nước Đức và sự chia rẽ không thể hàn gắn giữa đông và tây. Trong một vài năm nữa, bạn sẽ thấy một câu hỏi nghiêm túc ở Đông Đức, đó là chúng ta muốn ở cùng với ai? Với người Mỹ, hay Putin tốt hơn”, giáo sư Yudin nhận định.

Ông Yudin nói rằng “rõ ràng là đây là mục tiêu mà Putin nhắm đến vào cuối năm 2021, khi ông ấy thẳng thừng nói rằng NATO nên rút khỏi Đông Âu nếu không sẽ phải đối mặt với chiến tranh”.

Bức màn sắt là ranh giới chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng biệt sau thất bại của Đức Quốc xã và các đồng minh phe Trục vào cuối Thế chiến thứ hai, cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây và Liên Xô.

Hiệp ước Vác-sa-va- được ký vào tháng 5 năm 1955 trong Chiến tranh Lạnh – là một hiệp ước chống lại NATO, bao gồm Liên Xô cộng với các quốc gia vệ tinh lúc bấy giờ là Bulgaria, Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan và Romania. 

Berlin cũng bị chia đôi bởi Bức tường Berlin, chia thành phố thành Tây và Đông Berlin, với nửa phía tây là vùng đất chính trị do các đồng minh phương Tây kiểm soát và nửa phía đông do Đông Đức kiểm soát.

Theo Daily mail, Tiệp Khắc sau đó bị xâm lược bởi bốn quốc gia thuộc Hiệp ước Vác-sa-va là Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, Cộng hòa Nhân dân Bulgaria và Cộng hòa Nhân dân Hungary – nhằm dập tắt một cuộc nổi dậy. 

Albani là một thành viên nhưng đã rút lui vào năm 1968 sau cuộc xâm lược Tiệp Khắc.

Tổng thống Nga đã chia sẻ công khai tuyên bố từ lâu của mình rằng người Nga và người Ukraine là một phần của một dân tộc duy nhất, đồng thời đã nói Ukraine là một ‘nhà nước nhân tạo’, nơi đã nhận được các vùng đất lịch sử của Nga trong thời Xô Viết.

Kyiv lập luận rằng cuộc xâm lược của Nga là một sứ mệnh diệt chủng nhằm viết lại lịch sử – bao gồm cả sự sụp đổ của Liên Xô, mà ông Putin coi là một ‘thảm họa’ và một bi kịch – và để bảo đảm Ukraine không thể xích lại gần phương Tây.

SpaceX thành công đưa bốn phi hành gia của NASA lên trạm vũ trụ

Lý Đồng Đức

Vào sáng sớm thứ Năm (ngày 2 tháng 3), SpaceX đã phóng thành công một tên lửa cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA), đã thành công đưa 4 phi hành gia lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS). (Getty)

Vào sáng sớm thứ Năm (ngày 2 tháng 3), SpaceX đã phóng thành công một tên lửa cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA), đã thành công đưa 4 phi hành gia lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Lần phóng thành công này là lần thử thứ hai. Nỗ lực đầu tiên hôm thứ Hai đã bị hủy bỏ vào phút cuối vì bộ lọc của hệ thống đánh lửa của động cơ bị tắc.

Tên lửa Falcon 9 được phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của Florida ngay sau nửa đêm, thắp sáng bầu trời đêm khi hướng tới Bờ biển phía Đông. Nó chở 4 thành viên phi hành đoàn NASA: Stephen Bowen – Cựu khoa học gia MIT; Warren Hoburg người mới vào vũ trụ; Quốc vương Alne Sultan Alneyadi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập; tân binh phi hành gia người Nga là Andrey Fedyaev.

Họ dự kiến sẽ đến Trạm Vũ trụ Quốc tế vào đầu giờ ngày thứ Sáu cho chuyến thám hiểm khoa học kéo dài sáu tháng của họ.

Al Neiyadi là phương án dự phòng cho phi hành gia người Dubai đầu tiên, Hazzaa al-Mansoori, người đã tới trạm vũ trụ trên một tên lửa của Nga trong chuyến thăm kéo dài một tuần vào năm 2019. Gần 80 khán giả từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã theo dõi Falcon 9 cất cánh tại địa điểm phóng vào sáng sớm thứ Năm.

Mùa xuân này, hai phi hành gia Ả Rập Xê Út sẽ tham gia một chuyến bay tư nhân ngắn của SpaceX đến trạm vũ trụ do chính phủ của họ trả tiền.

Theo Space.com, vụ phóng này là chuyến bay có người lái thứ 9 của SpaceX cho đến nay, và là chuyến bay thứ 4 của tàu vũ trụ có người lái “Endeavour”.

Các phi hành gia này sẽ thay thế các phi hành gia Mỹ-Nga-Nhật Bản đã làm việc trên ISS từ tháng 10 năm ngoái. Phi hành đoàn trạm vũ trụ khác gồm hai người Nga và một người Mỹ đã được giải cứu sau khi SOYUZ bị rò rỉ. Thời gian lưu trú sau đó được thay đổi từ tháng 6 đến tháng 9. Những người thay thế SOYUZ đã tiếp cận vào cuối tuần trước.

Trưởng nhóm Bowen, là một thợ lặn Hải quân đã nghỉ hưu, người đã thực hiện ba chuyến bay của tàu con thoi. Ông cho biết bốn người đã hòa nhập tốt, bất chấp sự khác biệt giữa các quốc gia. Ngay cả trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra xung quanh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra, Hoa Kỳ và Nga vẫn tiếp tục hợp tác trên trạm vũ trụ, họ luân phiên nhân sự lên trạm vũ trụ.

“Có thể mất hai lần, nhưng nó đáng giá” – ông nói.

Kathy Lueders, Giám đốc phụ trách hoạt động không gian của NASA, cho biết vụ phóng hôm thứ Năm làm tăng thêm cảnh tượng cho sự giao hội giữa Sao Kim và Sao Mộc trên bầu trời đêm. Hai hành tinh này xuất hiện cạnh nhau suốt cả tuần và dường như tiến lại gần nhau hơn.

“Chúng tôi đã thêm một ngôi sao mới sáng trên bầu trời đêm tối” – bà nói với các phóng viên.

Chào mừng lên quỹ đạo” – Trung tâm điều khiển của SpaceX phát đi tín hiệu cho các phi hành gia – “Nếu các bạn thích hành trình của mình, xin đừng quên cho chúng tôi năm sao.”

Theo Lý Đồng Đức – Epochtimes
Lý Ngọc dịch

Mỹ và Ấn Độ lên kế hoạch hợp tác về chip nhằm thu hẹp khoảng cách với TQ

Nhật Minh

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (Reuteurs)

Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ ký một thỏa thuận để tăng cường phối hợp các kế hoạch khuyến khích ngành công nghiệp chip của họ, đồng thời thảo luận những biện pháp tốt nhất để tránh việc trợ cấp quá mức trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang tìm cách tăng cường vai trò của mình trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Ngày 9/3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tiết lộ với các phóng viên, biên bản ghi nhớ giữa hai nước tập trung vào việc chia sẻ thông tin và đối thoại chính sách. Mặc dù bà cho biết các công ty Hoa Kỳ không có cam kết đầu tư cụ thể nào để công bố, nhưng các công ty Mỹ rất lạc quan về tương lai của mối quan hệ với Ấn Độ. Bộ trưởng Raimondo cho rằng, sự hợp tác lớn hơn về chip giữa Hoa Kỳ – Ấn Độ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai quốc gia.

Phát biểu với các phóng viên trong chuyến công tác kéo dài một tuần bao gồm các cuộc họp với các lãnh đạo khu vực công và tư của Ấn Độ ở New Delhi cũng như các cuộc thảo luận giữa các giám đốc điều hành các công ty Mỹ và Ấn Độ, Bộ trướng Raimondo nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn nhìn thấy Ấn Độ đạt được nguyện vọng của họ trong trong việc đóng vai trò lớn hơn” trong chuỗi cung ứng điện tử.

Bộ Thương mại Mỹ đang chủ trì chương trình rót khoảng 52 tỷ đô la vào ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, đây là ngành mà Bộ trưởng Raimondo coi là một yếu tố then chốt đối với khả năng cạnh tranh và an ninh quốc gia của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chip từ Đài Loan và châu Á nói chung. Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng đối với Trung Quốc về công nghệ sản xuất chip nhằm giải quyết những lo ngại về mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ từ đối thủ toàn cầu hàng đầu của họ.

Tầm quan trọng địa chính trị của Ấn Độ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh đã tăng lên khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ tìm cách kiềm chế sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc. Hoa Kỳ cùng với các đồng minh Nhật Bản và Úc đã liên kết với Ấn Độ thành lập một cơ chế an ninh, còn gọi là bộ Tứ Quad, để đối trọng với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nhìn thấy cơ hội để thu hẹp khoảng cách công nghệ của Ấn Độ với Trung Quốc khi các nhà đầu tư và các tập đoàn của phương Tây cảm thấy khó chịu trước cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân.

Nền kinh tế trị giá 3,2 nghìn tỷ đô la của Ấn Độ được dự đoán là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong những năm tới và chính phủ New Delhi đang đưa ra chương trình ưu đãi trị giá 10 tỷ đô la để thu hút các dự án sản xuất từ các công ty chip nước ngoài. Mặc dù chương trình này đã thu hút được một số công ty nhỏ, nhưng nó vẫn chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo các khoản đầu tư từ các công ty đứng đầu ngành, bao gồm Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Tập đoàn Intel.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Raimondo, người đi cùng với các giám đốc điều hành của 10 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ, đã nhìn thấy “sự nhiệt tình và lạc quan không thể kiềm chế về cách chúng ta có thể tạo ra việc làm ở cả hai quốc gia và cả hai đều chia sẻ lợi ích của chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.”

Theo Bộ trưởng Raimondo, Hoa Kỳ và Ấn Độ đang làm việc để điều chỉnh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và đang khởi động một cuộc đối thoại thương mại mới tập trung vào các vấn đề này. Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ sẽ đại diện cho Hoa Kỳ làm việc với phía Ấn Độ.

Ấn Độ tiếp tục giữ quan điểm trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine và đã cố gắng làm trung gian hòa giải cho cả hai bên. Mặc dù mối quan hệ của New Delhi với Washington đang ấm lên, nhưng Hoa Kỳ vẫn cảm thấy thất vọng khi Ấn Độ không sẵn sàng trừng phạt Nga. Trong khi đó, New Delhi vẫn mong muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moscow nhằm đảm bảo có được nguồn năng lượng rẻ hơn.

Đàm phán IPEF

Tháng trước, thủ đô của Ấn Độ đã tổ chức một vòng đàm phán đặc biệt về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)

Đây là một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các quốc gia châu Á thông qua một loạt vấn đề. Đây cũng là một trong những lợi thế của Hoa Kỳ nhằm chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ luôn nhấn mạnh rằng họ không yêu cầu các đối tác phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh, mặc dù sự cạnh tranh Trung – Mỹ ngày càng gay gắt hơn .

Các cuộc đàm phán về IPEF giữa 14 quốc gia đã bắt đầu tại thành phố Los Angeles vào tháng 9 và tập trung vào 4 “trụ cột”:

– Thương mại
– Chuỗi cung ứng
– Kinh tế sạch: tập trung vào việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu
– Kinh tế công bằng: bao gồm các vấn đề thuế và tham nhũng.

Vòng đàm phán tháng trước đã bỏ qua vấn đề thương mại bởi vì Ấn Độ không tham gia vào trụ cột đó, chỉ tập trung vào ba khía cạnh còn lại. Bộ Thương mại Mỹ đại diện cho Hoa Kỳ sẽ chủ trì các cuộc đàm phán IPEF về ba lĩnh vực này.

Bộ trưởng Raimondo nhấn mạnh, bà hy vọng rằng Ấn Độ cuối cùng sẽ tham gia vào trụ cột thương mại của khuôn khổ IPEF và các quốc gia nói chung sẽ nhìn thấy lợi ích kinh tế từ sáng kiến này trong năm nay.

Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới tại đảo Bali của Indonesia.

Nhật Minh (Theo SCMP)

Related posts