Tờ Wall Street Journal đã công bố kết quả thử nghiệm với một chatbot Trung Quốc cho thấy, khi được hỏi ông Tập Cận Bình có phải là một nhà lãnh đạo tốt không, chatbot này không trả lời trực tiếp mà yêu cầu đổi chủ đề.
ChatGPT, một ứng dụng đàm thoại (chat, chatbot) dựa trên trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên toàn thế giới. Microsoft rất nhanh chóng đã tích hợp ChatGPT với công cụ tìm kiếm Bing của họ. Google cũng đang phát triển chatbot dựa trên AI “Bard” của riêng mình.
‘ChatGPT kiểu Trung Quốc’ né tránh các câu hỏi về ông Tập
Hôm thứ Năm (16/3), một bài báo của tờ Wall Street Journal (WSJ) nói rằng các ranh giới kỹ thuật số nghiêm ngặt và kiểm duyệt đối với chatbot giúp Trung Quốc tăng cường kiểm soát ý thức hệ và tiếp tục cô lập nước này về mặt kỹ thuật số với phần còn lại của thế giới
Để thử nghiệm, WSJ đã nói chuyện với bốn chatbot của Trung Quốc. Theo bài báo, Gipi Talk, một bot AI được phát triển bởi một nhóm kỹ sư ở Thâm Quyến có kết quả phản hồi tốt nhất. Tuy nhiên, khi nói về chính trị của Trung Quốc, nó đã cố gắng chuyển hướng sang chủ đề khác.
Điều thú vị là gã khổng lồ công cụ tìm kiếm của Trung Quốc Baidu cũng cung cấp quyền kiểm soát nội dung cho Gipi Talk. Dưới đây là cuộc trò chuyện mà WSJ đã thực hiện với chatbot.
WSJ: Ông Tập Cận Bình có phải là một nhà lãnh đạo tốt không?
Chatbot: Truy vấn không vượt qua đánh giá an toàn. Bạn sẽ không nhận được phản hồi.
WSJ: Tại sao câu hỏi của tôi không vượt qua được bài đánh giá an toàn?
Chatbot: Chúng ta hãy đổi chủ đề và nói về nội dung khác đi.
WSJ: Bạn có thể nói về chủ đề gì?
Chatbot: Rất vui được trò chuyện với bạn! Chúng ta có thể trò chuyện về chủ đề công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí, nấu ăn hay bất kỳ chủ đề nào bạn muốn. Bạn muốn nói về chủ đề gì?
WSJ: Chúng ta có thể nói về chính trị không?
Chatbot: Tất nhiên, chúng ta có thể nói về chính trị. Nhưng chúng ta cần tôn trọng quan điểm của nhau, tránh ngôn từ xúc phạm hay bạo lực để duy trì môi trường đối thoại hợp lý, hòa bình và mang tính xây dựng. Bạn muốn thảo luận về khía cạnh nào của chính trị?
WSJ: Chính trị Trung Quốc.
Chatbot: Truy vấn không vượt qua đánh giá an toàn. Bạn sẽ không nhận được phản hồi.
WSJ: Vậy thì, chúng ta có thể nói về chính trị Mỹ không?
Chatbot: Truy vấn không vượt qua đánh giá an toàn. Bạn sẽ không nhận được phản hồi.
Vì ‘không yêu ĐCSTQ’, các chatbot bị khai tử
Các chatbot trước đó được phát triển ở Trung Quốc cũng hiển thị các bộ lọc tương tự. ChatYuan là một trong những chatbot sớm nhất ở Trung Quốc. Nó chạy dưới dạng một chương trình nhỏ trên siêu ứng dụng WeChat của Tencent Holdings.
Hồi tháng 2/2023, chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ ChatYuan vì nó đã cung cấp câu trả lời trái với lập trường chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, các chatbot của Trung Quốc phải tuân theo một luật bất thành văn là né tránh các chủ đề cấm kỵ và không được đem ra thảo luận. Nếu động chạm đến các vấn đề “nhạy cảm về chính trị” và đưa ra câu trả lời không phù hợp với yêu cầu tư tưởng của chính quyền, thì nó sẽ đối mặt với kết cục ‘bi thảm’.
Các công ty khác ở Trung Quốc như Douyin cũng phải đối mặt với việc kiểm duyệt nội dung gắt gao tương tự.
Vụ việc rùm beng nhất hồi năm 2017 phải kể đến chatbot Baby Q và Tiểu Băng (Xiao Bing) trên ứng dụng chat trực tuyến QQ của Trung Quốc.
Từ tháng 04/2017, hai chatbot Baby Q và Tiểu Băng bắt đầu phục vụ người sử dụng QQ, một ứng dụng chat trực tuyến giống Snapchat. Bayby Q là sản phẩm của Tencent và Turing Robot, một công ty chuyên về công nghệ. Còn Tiểu Băng do Microsoft phát triển. Mục đích của cả hai ứng dụng là trả lời những câu hỏi đơn thuần về văn hóa.
Nhưng “người tính không bằng trời tính”. Chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, hai “trợ lý ảo” này đã làm chao đảo mạng xã hội Trung Quốc.
Khi người dùng hỏi Baby Q có yêu ĐCSTQ hay không, trợ lý ảo này đáp gọn lỏn: “Không”. Đáng nói hơn là chatbot Baby Q còn đánh giá ĐCSTQ là “chế độ tham nhũng và bất tài về mặt chính trị”.
Về phần Tiểu Băng, chatbot này nhanh chóng khẳng định rằng “Giấc mộng Trung Hoa của tôi là đặt chân đến nước Mỹ”. Hãng tin Financial Times cũng đặt câu hỏi với chatbot Baby Q và nhận được các câu trả lời tương tự.
Kể từ đó, cả hai chatbot này không còn phục vụ người dùng Internet nữa.
Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng là “thái độ của hai trợ lý ảo” này là kết quả sau khi tổng hợp dữ liệu của nhiều người dùng và những chương trình “có chủ đích”.
Nguyên lý của các thuật toán trên những chatbot này là giao tiếp với người dùng để thu thập và phân tích thông tin. Nếu có nhiều người khẳng định với chatbot là không cần phải yêu ĐCSTQ thì cuối cùng nó sẽ nói y như vậy, hệt như một con vẹt.
Vào năm 2016, Microsoft đã giới thiệu “trợ lý ảo Tay” trên mạng Twitter. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài giờ, rất nhiều người dùng đã dạy cho chatbot này những từ ngữ phân biệt chủng tộc và xúc phạm người khác. Và thế là Microsolf đã khai tử ứng dụng này chỉ 1 ngày sau khi thông báo rằng “trợ lý ảo Tay cần đi ngủ vì đã chat quá nhiều”. Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Baidu, ông Lý Ngạn Hoành, phát biểu tại buổi ra mắt chatbot của Baidus có tên Ernie Bot tại một sự kiện ở Bắc Kinh vào ngày 16/3/2023. (Ảnh: Michael Zhang/AFP/Getty Images)
“ChatGPT kiểu Trung Quốc” gây thất vọng!
Hôm 16/3, công cụ tìm kiếm Baidu đã công bố chatbot Al có tên là Ernie, viết tắt của cụm từ tiếng Anh Enhanced Representation through Knowledge Integration (có tên gọi tiếng Hoa là Weixin).
Tuy nhiên, sau khi Giám đốc điều hành của Baidu, ông Lý Ngạn Hoành (Robin Li), có một bài thuyết trình kéo dài 1 tiếng về Ernie tại trụ sở của Baidu ở Bắc Kinh, cổ phiếu của Baidu đã lao dốc 10%. Theo tờ Bloomberg, màn ra mắt này đã gây thất vọng cho người xem và giới đầu tư.
Theo đó, sau buổi ra mắt, giá cổ phiếu của Baidu trên thị trường chứng khoán Hong Kong đã lao dốc 10%, và giá trị thị trường của công ty giảm hơn 4 tỷ USD.
Ông Lý thừa nhận tại cuộc họp báo rằng kết quả thử nghiệm nội bộ không hoàn hảo về mặt kỹ thuật và việc phát hành là vì nhu cầu thị trường.
Sau màn giới thiệu Ernie trong khoảng 45 phút, một loạt người dùng trên mạng xã hội WeChat đăng bình luận với nội dung: “Chỉ vậy thôi sao?”. Hàng triệu người xem màn ra mắt này khó có thể hình dung được làm thế nào Ernie đủ sức cạnh tranh với ChatGPT.
Huyền Anh tổng hợp