Tình hình quan hệ ngoại giao của Đài Loan đang xấu đi giữa lúc nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược đang cận kề. Thêm một đồng minh nữa của Đài Loan ở Mỹ Latinh bị Trung Quốc mua chuộc và rời bỏ quốc đảo này.
Danh sách đồng minh ngoại giao của Đài Loan ở Mỹ Latinh tiếp tục bị thu hẹp giữa lúc Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực.
Một số nhà phân tích tin rằng việc Trung Quốc cô lập vị thế của Đài Loan trong khu vực cũng nhằm mục đích giành được “phiếu bầu” ủng hộ trước khi có hành động gây hấn chống lại quốc đảo này.
Đây chính là thời khắc quan trọng. Vào ngày 10/04, quân đội Trung Quốc tuyên bố họ “sẵn sàng chiến đấu” sau ba ngày diễn tập chiến đấu mở rộng mô phỏng việc phong tỏa Đài Loan.
Trong thông báo ngày 11/04, quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết họ sẵn sàng “chiến đấu bất cứ lúc nào để kiên quyết đập tan mọi hình thức ‘độc lập của Đài Loan’ và các nỗ lực can thiệp của nước ngoài”. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp phát biểu trong cuộc họp báo ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 26/03/2023. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)
Trong khi đó, thêm một đồng minh nữa của quốc đảo này ở Mỹ Latinh đã chuyển sang ủng hộ Bắc Kinh.
Vào ngày 25/03, chính phủ cánh tả của Honduras tuyên bố cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan. Bộ Ngoại giao Honduras đã đăng trên Twitter rằng “chỉ có một Trung Quốc” và ĐCSTQ là “chính phủ hợp pháp” duy nhất.
Động thái này khiến Đài Loan chỉ còn 13 đồng minh ngoại giao trên toàn thế giới. Hầu hết trong số này là ở Mỹ Latinh và Caribê.
Nhiều người lo lắng rằng, Trung Quốc sẽ bắt chước Nga và tiến hành xâm lược Đài Loan. Trong bối cảnh đó, tình hình quan hệ ngoại giao của Đài Loan có vẻ ảm đạm.
Nguyên tắc Một Trung Quốc
Sự phản bội của các quốc gia Mỹ Latinh có cùng một công thức.
Các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc, cùng với gánh nặng nợ nần chồng chất ở Mỹ Latinh – đặc biệt là ở các quốc gia cánh tả – đã thúc đẩy các nước này rời bỏ Đài Loan.
Trong một cuộc họp báo ngày 26/03, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) khẳng định Tổng thống Honduras Xiomara Castro đã lên kế hoạch kỹ cho việc rời bỏ Đài Loan trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2021.
Trung Quốc đã đầu tư 298 triệu USD vào một dự án đập ở Honduras vào tháng 01/2021. Một năm sau, Tổng thống cánh tả Castro tuyên thệ nhậm chức. Chính quyền của bà nhanh chóng yêu cầu thêm đầu tư từ Đài Loan. Trong khi đó, quốc gia Trung Mỹ này vốn đã nợ Đài Loan 600 triệu USD.
Tiến sĩ Glen Duerr nói với The Epoch Times: “Những khoản đầu tư này đã mang lại cho Trung Quốc nhiều phiếu bầu hơn trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và khiến nhiều quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc hơn rời bỏ Đài Loan đi theo những gì Bắc Kinh gọi là nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’”.
Ông Duerr là giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Cedarville (bang Ohio, Mỹ) và là tác giả của nhiều công trình về khoa học chính trị.
Ông nói rằng khoản đầu tư lớn của ĐCSTQ vào Mỹ Latinh mang đến cơ hội đạt được nhiều mục tiêu chỉ bằng cách viết chi phiếu (séc). Tổng thống El Salvador Nayib Bukele phát biểu trong cuộc họp báo tại Bệnh viện Rosales ở San Salvador, El Salvador, vào ngày 26/05/2020. (Ảnh: Yuri Cortez/AFP qua Getty Images)
Mua chuộc lòng trung thành với “nguyên tắc Một Trung Quốc” đã diễn ra trong hai thập kỷ qua. ĐCSTQ dành sự chú ý đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo cánh tả trong khu vực.
Thuật ngữ “Một Trung Quốc” được Bắc Kinh phổ biến sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2758 vào năm 1971. Nghị quyết này đã trao cho Bắc Kinh ghế ngoại giao chính thức tại Liên Hợp Quốc và hợp pháp hóa chính quyền ĐCSTQ.
Kể từ đó, ông Duerr cho biết Trung Quốc đã “nhắm mục tiêu vào các thủ lĩnh thủy triều hồng khác nhau” [các thủ lĩnh theo hướng cánh tả] ở Mỹ Latinh.
Sự ủng hộ ở Mỹ Latinh trở nên đặc biệt quan trọng nếu ĐCSTQ quyết định leo thang gây hấn quân sự với Đài Loan. Trong khi nhiều nguyên thủ quốc gia ở các nước phương Tây lên án một cuộc xâm lược hoặc tấn công vũ trang như vậy, thì nhiều người dự đoán các nhà lãnh đạo có cảm tình với Trung Quốc ở Mỹ Latinh sẽ đứng về phía Trung Quốc.
Dựa trên sự ủng hộ công khai mà Bắc Kinh có được từ các quốc gia như Nicaragua, El Salvador, Venezuela, Cuba và bây giờ là Honduras, sự ủng hộ “Một Trung Quốc” đang ngày càng gia tăng trong khu vực.
Theo sau động thái thay đổi thái độ của Honduras, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết: “Chúng tôi nghiêm khắc thông báo cho chính quyền Đài Loan rằng việc tiến hành các hoạt động ly khai phục vụ sự độc lập của Đài Loan là đi ngược lại ý chí và lợi ích của quốc gia Trung Quốc… và sẽ đi vào ngõ cụt”.
Ngoại giao chi phiếu
Trung Quốc đã đầu tư gần 160 tỷ USD vào các nước Mỹ Latinh từ năm 2000 đến năm 2020. Kết hợp với sự trỗi dậy của các chế độ thân ĐCSTQ trong ba năm qua, tình thế đang không nghiêng về phía Đài Loan.
Và điều này được quan sát rõ nhất ở Paraguay. Cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới của Paraguay có thể sẽ chấm dứt mối quan hệ của nước này với Đài Loan.
Ứng cử viên dẫn đầu Efrain Alegre nói với Reuters vào tháng 1 rằng ông sẽ cắt đứt quan hệ với quốc đảo này để thúc đẩy xuất khẩu nông sản nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 30/04.
Hơn nữa, một tuyên bố đáng ngại từ Tổng thống hiện tại của Paraguay, ông Mario Abdo Benitez, phản ánh tình hình thực tế của nước này trong bối cảnh phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Bà Irina Tsukerman, nhà phân tích an ninh khu vực và người sáng lập Scarab Rising, nói với The Epoch Times: “Năm ngoái, Paraguay đã thẳng thừng yêu cầu Đài Loan đầu tư 1 tỷ USD để tiếp tục là đồng minh, điều này cho thấy mối quan hệ của nước này gần như hoàn toàn là thực dụng và mang tính chất giao dịch”.
Bà Tsukeman đã nói về cuộc phỏng vấn tai tiếng mà ông Benitez với Financial Times vào tháng 09/2022. Cuộc phỏng vấn này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế.
Áp lực sau đó của giới truyền thông đã buộc người đứng đầu Paraguay phải tìm cách cải chính cho bình luận rằng khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Đài Loan sẽ đảm bảo người dân Paraguay cảm nhận được “những lợi ích của liên minh chiến lược”. Tàu buôn Cosco Shipping Panama do Trung Quốc thuê đi qua Âu thuyền Agua Clara mới trong lễ khánh thành việc mở rộng Kênh đào Panama. (Ảnh: Rodrigo Arangua/AFP/Getty Images)
Các quan chức ở Đài Loan đã công khai phản đối việc sử dụng cái mà họ gọi là “ngoại giao chi phiếu” ở Mỹ Latinh, một nỗ lực được che đậy sơ sài của Trung Quốc nhằm mua chuộc các đồng minh.
Mặc dù đã đầu tư hàng triệu USD vào các quốc gia trong khu vực, Đài Loan không thể cạnh tranh với hầu bao của Trung Quốc.
Ở một khu vực có hơn 32% dân số sống trong cảnh nghèo đói, thật dễ dàng để hiểu tại sao Trung Quốc lại có cơ hội mua chuộc.
Trung Quốc cũng đã tài trợ hàng tỷ USD cho các quốc gia ở Mỹ Latinh có lịch sử vỡ nợ lâu đời như Argentina, Venezuela, Honduras và Bolivia.
“Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh tập trung vào hai vấn đề: trung hòa tác động trong khu vực của Mỹ và mở rộng ảnh hưởng chính trị của họ đối với các vấn đề chính bao gồm Đài Loan”, bà Tsukeman nói.
Một số người đã cáo buộc Trung Quốc tạo ra bẫy nợ ở các nước đang gặp khó khăn về kinh tế để có được sức ảnh hưởng lớn hơn đối với các chính phủ trong khu vực.
Đối với vấn đề này, ông Duerr cho biết, “Với việc Bắc Kinh bảo vệ hành động của mình trong khu vực và từng phản đối cái nhãn bẫy nợ; người ta có thể dễ dàng đặt câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia không thể trả lại tiền cho Trung Quốc”.
Tự do hay tài chính?
Trong khi các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh bị phân tâm bởi viễn cảnh về tài chính, nhà phân tích kiêm tác giả, Tiến sĩ Orlando Gutierrez-Boronat, cho biết họ nên để mắt đến quyền tự do của mình.
Ông kêu gọi những người Mỹ Latinh bị mê hoặc bởi các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc nên thận trọng.
“Tôi nghĩ mục tiêu của ĐCSTQ cuối cùng là trở thành bá chủ của hệ thống toàn thế giới”, ông Boronat nói với The Epoch Times.
“Mục tiêu của ĐCSTQ là thay thế Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu. Tuy nhiên, một khi đã đạt được vị trí dẫn đầu, ĐCSTQ, để thống trị với tư cách bá chủ, sẽ cần phải thay đổi hệ thống để phù hợp với chủ nghĩa toàn trị biến dị của họ”.
Ông nói rằng Mỹ nhân từ hơn so với cách tiếp cận độc tài của Trung Quốc, đặc biệt là về nợ. Ông cho rằng các nhà lãnh đạo khu vực cần suy nghĩ kỹ về điều đó khi đánh giá triển vọng dài hạn.
Hơn nữa, ông Boronat lưu ý rằng Trung Hoa Dân Quốc (ROC), còn được gọi là Đài Loan, là một hình mẫu của tự do.
“Người Mỹ Latinh trong lịch sử đã rất nhiệt tình với các quyền tự do và văn hóa của họ, ngay cả khi phải trả giá bằng sự ổn định. ROC – Đài Loan là một mô hình phát triển tốt hơn nhiều cho Mỹ Latinh. ROC – Đài Loan đã chịu đựng sự tấn công ngoại giao của ĐCSTQ trong một thời gian đáng kinh ngạc”, ông nói.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch