Tin thế giới trưa Chủ Nhật: Mất quá nhiều quân ở Ukraina, Nga ra luật đánh úp để bắt thêm lính

Mất quá nhiều quân ở Ukraina, Nga ra luật đánh úp để bắt thêm lính

Liên Thành

Các binh sĩ Nga. (Ảnh: NYT).

Từ nay, người dân Nga hầu như không còn có thể trốn quân dịch. Quốc Hội nước này vừa khẩn cấp thông qua một luật chính thức cho phép gởi lệnh nhập ngũ qua thư điện tử. Cùng ngày, đương sự bị cấm rời khỏi nước Nga, và nếu không sớm trình diện thì sẽ bị cấm mua bán nhà cửa, vay tín dụng, rút bằng lái xe…

Nhà văn lưu vong Dimitri Gloukhovski xúc động nói, chẳng khác nào kết án tử một người chỉ bằng thư điện tử mà không có quyền kháng cáo, chỉ được phép chết cho Putin mà thôi. Ông khuyên: “Nếu có thể được, bạn hãy chạy trốn ngay lập tức!” Đây là cú đánh úp của chính quyền để bắt lính đưa sang Ukraina.   

Báo Le Figaro cho biết Nga đang truy lùng những người từ chối đi chiến đấu, Báo Le Monde Pháp đưa tin Matxcơva đang siết lại cơ chế động viên.

Hồi tháng Chín năm ngoái, Alexandre, chuyên gia tin học 27 tuổi, đang ở nhà của cha mẹ tại Penza cách Matxcơva 550 kilomet. Anh không bao giờ quên được khoảng thời gian run rẩy núp sau cánh cửa lúc 5 giờ sáng để trốn cảnh sát đến bắt lính. May mà họ không xét gắt gao, nên Alexandre sau đó chạy sang được Kazakhstan. Nhưng từ nay, người dân Nga hầu như không còn có thể trốn được quân dịch.

Lâu nay chỉ những giấy triệu tập trao tận tay mới được coi là hợp pháp, những người không đi làm hay từ chối mở cửa cho nhân viên phát thư có thể thoát nạn. Hôm 12/04, các dân biểu Hạ Viện và sau đó là các thượng nghị sĩ Nga đã khẩn cấp thông qua một luật, cho phép gởi lệnh nhập ngũ qua trang web GosUslugi  (gosuslugi.ru).  Nền tảng này được hàng triệu người Nga dùng để lấy hẹn với bác sĩ và đăng ký làm các thủ tục hành chánh, do đó không thể nói rằng không nhận được giấy triệu tập.  

Luật mới ra cũng sẽ tác động lớn đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người đã kịp di tản ra nước ngoài vào đầu cuộc xâm lăng. Những ai có tên trong email triệu tập, dù biết hay không, coi như mất quyền quản lý tài sản của mình ở Nga.

Ý thức được tính nhạy cảm của luật mới, chính quyền âm thầm đánh úp, giờ đây người Nga không thể nào hủy được tài khoản trên ứng dụng GosUslugi.

Để tránh gây hoảng loạn, văn bản khoảng 50 trang được bất ngờ được viện Duma thông qua vài ngày trước khi bỏ phiếu, mà không thông qua tổ chức thảo luận ở cấp ủy ban. Truyền thông nhà nước ra sức trấn an là không có đợt động viên mới nào.

Trên lý thuyết, luật mới chỉ nhắm vào các nam thanh niên từ 18 đến 27 tuổi, nhưng người dân không bị lừa. Các tuần lễ gần đây vẫn luôn diễn ra các đợt bắt lính “trong im lặng” theo nhu cầu nhịp độ cuộc chiến : những điểm tuyển quân liên tiếp mọc lên ở các trạm xe điện ngầm Matxcơva và trung tâm thương mại, đường phố mọc lên vô số áp-phích tuyên truyền “anh hùng” mặt trận.

Một trong số những điều khoản vừa được bổ sung cho phép thanh niên 18 tuổi vừa học xong cấp 3 được nhập ngũ ngay, trước kia còn có cơ hội đi học nghề hay đại học.

Theo báo Meduza, dự luật này do bộ Quốc Phòng Nga soạn thảo,  được ngầm hiểu là sẽ tăng cường kiểm soát xã hội Nga bằng kỹ thuật số, truy vết công dân theo mô hình Trung Quốc.

Lãnh đạo Tập đoàn Wagner kêu gọi TT Putin tuyên bố kết thúc chiến tranh

Tạ Linh

“Đầu bếp của Putin” Yevgeny Prigozhin phục vụ tổng thống Nga (ảnh: picture-alliance/AP/M. Japaridze).

Ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, kêu gọi chính quyền Nga tuyên bố kết thúc chiến tranh và tập trung vào việc giành chỗ đứng trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraina.

Dịch vụ báo chí của Wagner dẫn lời ông Prigozhin: “Đối với chính quyền [của Liên bang Nga] và đối với toàn xã hội, cần phải chấm dứt hoàn toàn theo một cách táo bạo nào đó trong ‘chiến dịch quân sự đặc biệt.

Lựa chọn lý tưởng là tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt, thông báo cho mọi người rằng Nga đã đạt được kết quả mà họ đã lên kế hoạch và theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã thực sự đạt được chúng. Chúng ta đã tiêu diệt một số lượng lớn binh lính của Lực lượng vũ trang Ukraina và có thể báo cáo với chính mình rằng nhiệm vụ của chúng ta đã hoàn thành.

Nga đã cắt đứt Biển Azov và một phần lớn của Biển Đen, chiếm giữ một phần lãnh thổ béo bở của Ukraina và tạo ra một hành lang đất liền tới Crimea”.

‘Chiến dịch quân sự đặc biệt’ là cách mà Nga gọi cuộc xâm lược của họ ở Ukraina.

Ông chủ tập đoàn lính đánh thuê còn tuyên bố rằng Nga chỉ có thể “giành chỗ đứng vững chắc, bám lấy những vùng lãnh thổ đã tồn tại”.

Dấu hiệu chuẩn bị tốt cho phản công: Ukraina phá hủy 133 tổ hợp radar và tác chiến điện tử của Nga

Liên Thành

Ukraina đã phá hủy 133 tổ hợp radar và tác chiến điện tử của Nga (ảnh: global).

Các nhà phân tích lưu ý rằng số lượng các thiết bị bị phá hủy là minh chứng cho sự chuẩn bị tốt của Lực lượng Vũ trang Ukraina cho các hoạt động quân sự quy mô lớn, bao gồm cả các hoạt động phản công.

Quân đội Nga đã mất 133 hệ thống radar và tác chiến điện tử (EW), bao gồm các tổ hợp Zoopark, Borysoglibsk và Zhytel. Đồng thời, tổng số tiền của các hệ thống bị phá hủy là hơn 1 tỷ đô la. Dữ liệu này được cung cấp bởi các nhà phân tích của cộng đồng OSINT Molfar vào ngày 14 tháng 4.

Ấn phẩm này cho biết: “Tổng cộng, chúng tôi đã xác định được 133 sự kiện phá hủy, hư hỏng hoặc thu giữ hệ thống radar và tác chiến điện tử của quân đội Nga. Tổng số lượng tổ hợp bị phá hủy là hơn 1 tỷ USD. Trong số 37 loại tổ hợp được xác định, loại bị phá hủy nhiều hoặc bị bắt giữ nhiều nhất là Zoopark — 11 tổ hợp, Borysoglibsk — 10 và Resident — là 9”.

Các nhà phân tích lưu ý rằng người Nga chịu tổn thất lớn nhất về các tổ hợp này trước thềm cuộc phản công ở các hướng Kyiv, Kharkiv và Kherson. Theo biểu đồ sau đây về động lực phá hủy EW/RALS, Lực lượng Vũ trang Nga thiệt hại nhiều nhất vào tháng 3 và tháng 9 năm 2022, cũng như vào tháng 3 năm nay.

Về vị trí của các hệ thống bị phá hủy, cần lưu ý rằng số lượng lớn nhất trong số chúng đã bị loại bỏ ở vùng Kherson – khoảng 12% trong tổng số. Theo đó, người Nga mất 9,8% ở Zaporizhia, 7,5% ở Kharkiv và 6,8% ở Kyiv. Ngoài ra, Nga cũng đã mất các thiết bị của mình ngay trong lãnh thổ Liên bang Nga. Ở khu vực Belgorod của Nga, và Crimea đang tạm thời bị chiếm đóng, tỷ lệ hệ thống radar và tác chiến điện tử bị phá hủy trong tổng số đã bị phá hủy bởi quân đội Ukraina tương ứng đều là 8%.

Tổng số tiền của các tổ hợp bị phá hủy là hơn 1 tỷ đô la, nhưng số tiền này chỉ là gần đúng, vì chi phí chính xác của một tổ hợp không được biết đến một cách đáng tin cậy.

Các nhà phân tích kết luận rằng: “Phân tích của cơ quan Molfar OSINT cho thấy xu hướng quan trọng là tiêu diệt các trạm tác chiến điện tử và radar của quân đội Nga trước các hoạt động phản công của Lực lượng vũ trang Ukraina. Điều này minh chứng cho sự chuẩn bị chu đáo của Ukraina cho các hoạt động quân sự quy mô lớn và khả năng tiêu diệt hiệu quả các loại vũ khí mới nhất của quân đội Nga”.

Ngoại trưởng Đức cảnh báo viễn cảnh đáng sợ nếu leo thang quân sự tại eo biển Đài Loan

Trần Đình

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Nguồn: stephan-roehl.de/ Wikimedia)

Hôm thứ Sáu (14/4), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã cảnh báo Trung Quốc rằng nếu tình hình quân sự ở eo biển Đài Loan leo thang, có thể xảy ra “viễn cảnh đáng sợ”, qua đó kêu gọi Trung Quốc giải quyết các khác biệt một cách hòa bình.

Ngoại trưởng Đức Baerbock có lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc từ ngày 13 – 15/4 và tận dụng chuyến đi này để thể hiện quan tâm đến tình hình eo biển Đài Loan, bà cho biết châu Âu phản đối việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đơn phương thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan.

Vào thứ Sáu (14/4), bà Baerbock đã gặp Ngoại trưởng ĐCSTQ Tần Cương tại Bắc Kinh để đối thoại chiến lược. Bà kêu gọi Trung Quốc giải quyết các khác biệt một cách hòa bình để tránh “viễn cảnh đáng sợ” ở eo biển Đài Loan.

Bà nói rằng mỗi ngày có 50% dòng chảy thương mại toàn cầu cần đi qua eo biển Đài Loan, “leo thang của tình hình quân sự ở eo biển Đài Loan là tình huống khủng khiếp cho thế giới”, và toàn châu Âu cũng sẽ không thể tránh khỏi bị tác động.

“Là người châu Âu, chúng tôi không thể chấp nhận thực trạng một bên nào đó đơn phương thay đổi hiện trạng, đặc biệt là dùng bạo lực”, bà Baerbock cảnh báo.

Ngoại trưởng Tần Cương của ĐCSTQ phản ứng rằng “Đài Loan độc lập” không phù hợp với hòa bình, và vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của ĐCSTQ, không thể cho bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp.

Sau cuộc họp, bà Baerbock nói với giới truyền thông rằng bà cũng bày tỏ với Ngoại trưởng Trung Quốc mối quan ngại về tình hình nhân quyền. Bà cho biết, trong hội đàm bà đã đề cập việc Đức lo ngại tại Trung Quốc ngày càng thu hẹp không gian hoạt động cho xã hội dân sự và tình hình nhân quyền tiêu cực hơn.

Hai bên cũng nói về xung đột Nga-Ukraine, vấn đề này bà kêu gọi Bắc Kinh “yêu cầu những kẻ xâm lược Nga ngừng gây chiến tranh ở Ukraine”.

Bà Baerbock nói: “Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow cho thấy không có nước nào khác có ảnh hưởng lớn đối với Nga hơn Trung Quốc. Trung Quốc cho biết muốn tham gia tìm kiếm giải pháp, đó là một điều tốt. Nhưng tôi phải nói rõ ràng, tôi tự hỏi tại sao cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa yêu cầu kẻ xâm lược Nga ngừng chiến tranh”.

Lập trường của bà Baerbock được người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU là Josep Borrell ủng hộ. Ban đầu ông Borrell được lên kế hoạch công du Trung Quốc cùng bà Baerbock, nhưng đã bị hoãn lại do chẩn đoán bị COVID-19.

Chìa khóa của lòng tin giữa châu Âu và Trung Quốc

Vào thứ Sáu, ông Borrell đã đăng trên mạng xã hội nội dung của một bài phát biểu vốn trước đó được lên kế hoạch cho một sự kiện của ‘think tank’ ở Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan và liệu Trung Quốc có hợp tác để chấm dứt hành động xâm lược gây hấn của Nga hay không, là chìa khóa giúp EU khôi phục lòng tin đối với Trung Quốc.

“Nhưng niềm tin đó sẽ chỉ được khôi phục khi chúng ta có thể hiểu nhau về các vấn đề chính trị quốc tế lớn, và đạt được tiến bộ hướng tới giải quyết xung đột một cách hòa bình”, ông Borrell nói trong một tuyên bố, “Lập trường của EU (về vấn đề Đài Loan) là nhất quán và rõ ràng… Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều không thể chấp nhận được”.

Ông Borrell cũng cho rằng tương lai mối quan hệ của châu Âu với Trung Quốc còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có cố gắng tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine hay không. Nếu Trung Quốc không góp phần chấm dứt xung đột – cố gắng đưa Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine, thì EU sẽ “cực kỳ khó khăn, để duy trì mối quan hệ tin cậy với Trung Quốc”.

Ông nhấn mạnh không thể giữ thái độ trung lập trước những hành vi vi phạm “Luật quốc tế”, qua đó kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ nhân đạo nhiều hơn cho người dân Ukraine.

Related posts