Chuyên gia: ‘Chủ nghĩa độc tài tư bản’ của ĐCSTQ là cỗ máy gây ảnh hưởng của đảng này ở Trung Đông

Tiffany Meier và Venus Upadhayaya

Chuyên gia: ‘Chủ nghĩa độc tài tư bản’ của ĐCSTQ là cỗ máy gây ảnh hưởng của đảng này ở Trung Đông
Một người cầm tờ báo địa phương đưa tin về thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia do Trung Quốc làm trung gian, tại thủ đô Tehran của Iran hôm 11/03/2023. (Ảnh: Atta Kenare/AFP qua Getty Images) Trung Quốc

Theo ông Faisal Saeed Al Mutar, người sáng lập Ideas Beyond Borders có trụ sở tại New York, “chủ nghĩa độc tài tư bản” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phù hợp với những mưu toan của các chế độ chuyên quyền ở Trung Đông và đang trợ giúp cho chính sách ngoại giao của Bắc Kinh trong khu vực này.

Theo ông Daniel Kinderman, Giáo sư Phụ tá đồng thời là Giám đốc Nghiên cứu Âu Châu tại Khoa Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Delaware, chủ nghĩa tư bản độc tài là hoạt động của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa kết hợp với sự thiếu vắng hoặc xói mòn của một mặt là nền dân chủ và mặt khác là các quyền tự do dân sự.

Trong số 21 quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, Viện Quốc tế về Dân chủ và Trợ giúp Bầu cử (IDEA) phân loại 17 quốc gia là chế độ độc tài. Đồng thời, Israel được phân loại là một nền dân chủ, Jordan và Maroc là các chính quyền hỗn hợp, và Tunisia được phân loại là một nền dân chủ yếu.

Theo ông Al Mutar, một Trung Đông đa phần là độc tài sẽ tạo thành bối cảnh cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực này. Ông Al Mutar nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc Tiêu Điểm) của NTD hôm 11/04, “Vì vậy, những người thực sự được hưởng lợi nhiều nhất là giới quý tộc trong khu vực và giới độc tài.”

Ông nói, “Và đó là phiên bản mà Trung Quốc đang quảng bá — một mặt, quý vị có thể kiểm soát người dân của mình bằng công nghệ giám sát của họ và quý vị có thể sao chép cái mà họ gọi là ‘Mô hình Trung Quốc,’ một phiên bản của chủ nghĩa độc tài tư bản tân tiến.”

Ông Kinderman nói rằng Trung Quốc, dưới thời ông Tập Cận Bình, là một chế độ “tư bản độc tài” “pha trộn giữa các yếu tố phát triển với cướp bóc mà vẫn duy trì chủ nghĩa can thiệp cao độ.” Chế độ đó có đặc trưng là “đàn áp chính trị gay gắt… với những cải tổ kinh tế ở mức tối thiểu.” Trong mô hình này, “nhà nước độc đảng” nắm chắc quyền kiểm soát những thị trường này.

Ông mô tả mô hình Trung Quốc là “sự pha trộn các chức năng và lợi ích của sở hữu nhà nước và tư nhân — và các tác động qua lại được chính trị hóa cùng với vốn ngoại quốc.”

Lịch sử Trung Đông

Theo ông Al Mutar, Trung Đông đã tạo nên chiến trường giữa nhiều quốc gia trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, ngoài ra Liên Xô đã phát triển các hoạt động gây ảnh hưởng lớn trong khu vực này. Trung Đông hiện đang thuộc khu vực ưu tiên trong các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ông Al Mutar cho biết chủ nghĩa độc tài tư bản của Trung Quốc mang lại lợi nhuận cho các chế độ chuyên chế ở Trung Đông, bởi vì dưới chế độ đó “người dân không… chết đói, họ vẫn có xe hơi và họ cũng có thể mua các sản phẩm thời trang Louis Vuitton của mình, nhưng đồng thời, họ lại chịu sự kiểm soát của nhà nước, và nhà nước có thể kiểm soát không nhất thiết là tư liệu sản xuất, mà thực sự là tất cả các phong trào và ý tưởng của người dân.”

Theo ông Al Mutar, Trung Quốc — “đáng tiếc là” — có được một danh tiếng tích cực ở Trung Đông, vì nước này không có một “lịch sử thù địch” trong khu vực này như các quốc gia Âu Châu và đặc biệt là Hoa Kỳ.

Ông Al Mutar nói, “Vì vậy, đó là cách họ thể hiện bản thân họ với khu vực này, đó là ‘Chúng tôi là một cầu nối hòa bình. Chúng tôi không cố gắng can dự vào nền văn hóa của các vị! Chúng tôi ở đây chỉ để làm cho mọi người hòa hảo với nhau.’ Và nhiều người trong giới quý tộc — họ thích điều đó.”

Saudi Arabia là một trong những nước cung cấp dầu nhiều nhất cho Trung Quốc và Bắc Kinh đã thành công trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran hồi tháng Ba — điều mà Hoa Kỳ không thể đạt được. Ông Al Mutar cho biết đây là “điều rất hiếm gặp” và Trung Quốc đang tận dụng tình hình chung này — không phải để áp đặt ảnh hưởng của họ, mà là sử dụng ảnh hưởng đó để đạt được sự thống trị nhiều hơn trong khu vực, đồng thời để cạnh tranh với Hoa Kỳ.

“Ý tôi là, người Trung Quốc đang nói với họ: ‘Ồ, chúng tôi cũng sát hại các ký giả của mình! Vì vậy, các vị có thể làm bất cứ điều gì các vị muốn,’” ông Al Mutar nói với người dẫn chương trình China in Focus, cô Tiffany Meier. “Vì vậy, có loại gói dịch vụ này mà ở đó sự can thiệp là hạn chế và hầu hết chỉ tập trung vào kinh tế, trong khi đó, những điều khủng khiếp nằm trong những chi tiết về các điều khoản bán công nghệ giám sát của họ, cố gắng tận dụng tất cả những nguồn lực ở Trung Đông.”

Phụ nữ đội khăn trùm đầu đi bộ gần Quảng trường Tajrish ở thủ đô Tehran của Iran vào ngày 12/07/2022. (Ảnh: Atta Kenare/AFP qua Getty Images)
Phụ nữ đội khăn trùm đầu đi bộ gần Quảng trường Tajrish ở thủ đô Tehran của Iran vào ngày 12/07/2022. (Ảnh: Atta Kenare/AFP qua Getty Images)

Công nghệ giám sát

Mô hình chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật của Trung Quốc liên quan đến việc ghi danh sử dụng công nghệ giám sát của Trung Quốc và được ưa chuộng trong các chế độ Trung Đông vì lý do tương tự. Ông Al Mutar cho biết điều này đã diễn ra trong khu vực này theo những cách khác nhau.

Ông nói, “Ý tôi là, quốc gia đầu tiên thực sự ghi danh công nghệ giám sát với Trung Quốc là Ai Cập. Và trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự hiện diện rất hạn chế của xã hội dân sự, rất nhiều người, các nhà hoạt động hoặc những người bất đồng chính kiến, ở những quốc gia này bị bắt giữ do chính phủ hiện có hệ thống theo dõi tốt hơn — họ có thể thực sự chặn được rất nhiều thông tin liên lạc nhằm ngăn chặn bất kỳ hình thức chống đối chính trị nào.”

Hôm thứ Năm (13/04), Euronews đưa tin rằng ngày càng có nhiều phụ nữ ở Iran từ chối đội khăn trùm đầu bắt buộc sau các cuộc biểu tình rầm rộ chống chính phủ bắt đầu hồi năm ngoái. Chính quyền Iran đã thông báo rằng họ sẽ sử dụng video giám sát để xác định những phụ nữ vi phạm luật này.

Ông Al Mutar cho biết ông tin rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn. “Vì vậy, những gì Trung Quốc đã thực hiện được bên trong Trung Quốc, từ hệ thống tín dụng xã hội đến theo dõi nâng cao và đôi khi được gọi là bức tường lửa Trung Quốc, chúng ta có thể dễ dàng thấy những điều này đang được áp dụng mạnh mẽ ở Trung Đông.”

Ông cho biết, điều này cũng có nghĩa là người từ các xã hội tự do sẽ phải đối mặt với những khó khăn tột độ trong việc truyền đạt ý tưởng của họ trực tiếp tới người dân Trung Đông.

“Những ý tưởng duy nhất có sẵn là những ý tưởng mà chính quyền Trung Quốc hoặc các đồng minh của họ ở Trung Đông mong muốn,” ông Al Mutar nói. “Và tôi nghĩ đó là điều thực sự đáng sợ và không có nhiều người nói đến.”

Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu

Sự khác biệt về ý thức hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang thể hiện về mặt chính trị ở Trung Đông. Theo ông Al Mutar, văn hóa cho phép mọi người dân tự do chỉ trích chính quyền của Hoa Kỳ lại bị xem là một mối đe dọa trong khu vực này.

Ông nói, “Khi quý vị xem truyền hình Mỹ, quý vị sẽ thấy mọi người chế giễu chính phủ của họ, mọi người chỉ trích chính phủ của họ. Nhiều loại thông điệp cho thấy như vậy, những thứ không chỉ nói ra trực tiếp, mà còn có ảnh hưởng đến dân số nói chung.”

Tương phản, văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì nghiêng về sự kiểm soát nặng nề hơn nhiều từ phía nhà nước và hoàn toàn không có sự chỉ trích chế độ — về căn bản văn hóa đó là ca ngợi đảng này.

Ông Al Mutar nói rằng truyền thông xã hội mở, giống như của Hoa Kỳ, “nơi mọi người xem YouTube và xem những video từ khắp nơi trên thế giới về cuộc sống bên ngoài như thế nào,” là nguồn cảm hứng đằng sau Mùa xuân Ả Rập — một loạt các phong trào chống chính phủ và nổi dậy lan rộng trong thế giới Ả Rập vào đầu những năm 2010.

Ông nói: “Và đó là điều đang ngày càng giảm đi khi nhiều trong số các công nghệ [giám sát] này đang được khai triển.”

Theo doanh nhân tị nạn này, sự khác biệt giữa những gì Hoa Kỳ mang đến cho các xã hội ở Trung Đông và những gì Trung Quốc mang đến cho khu vực này là rất lớn. Ông nói rằng Hoa Kỳ không có một “ý tưởng rành mạch” về việc ủng hộ hoặc thấu hiểu nền văn hóa ở Trung Đông.

Ông Al Mutar nói, “Ý tôi là, màn giới thiệu đối với nhiều người dân Iraq — một quốc gia chưa bao giờ thực sự có một nền dân chủ, và chưa bao giờ có những ý tưởng này trong thảo luận công khai. Màn giới thiệu… đối với họ là thông qua xe tăng và binh lính của quý vị. Và đó thường không phải là cách tốt nhất để đưa một quốc gia đến với nền dân chủ. Đúng là không phải cách tốt nhất đâu! Việc giới thiệu đã không xuất hiện qua lăng kính truyền hình, qua truyền thông, hay trao đổi văn hóa.” Đồng thời, ông cũng cho biết thêm rằng nhiều người trên khắp Trung Đông đã có ấn tượng tiêu cực về nền dân chủ.

Ông cho biết, ngược lại, họ có thể dễ dàng quen dần với mô hình Trung Quốc — độc tài và gần gũi với mô hình của khu vực này hơn về mặt văn hóa.

Ông Al Mutar nói, “Họ đang nói với họ [Trung Đông] rằng, chúng tôi cũng muốn chính xác những gì các vị muốn, chúng tôi sẽ không can dự vào hồ sơ nhân quyền của các vị, hay cách các vị đối xử với phụ nữ ở Iran, hay làm bất cứ điều gì ở Ai Cập. Chúng tôi sẽ giữ nguyên hiện trạng.”

“Và đối với nhiều người thuộc giới quý tộc, đó giống như thỏa thuận tốt nhất từ ​​trước đến nay, trong đó quý vị có thể duy trì các khoản đầu tư Trung Quốc, quý vị có thể có Huawei và 5G. Và một lần nữa, điều này tạo ra ảo tưởng rằng người dân đang có một cuộc sống sung túc, trong khi [nhà nước] vẫn đang kiểm soát tuyệt đối họ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều đó giúp Trung Quốc có một lợi thế lớn.”

Thanh Nhã biên dịch

Related posts