Bình Minh
Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, từng là cố vấn trưởng về chính sách Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cảnh báo rằng việc tấn công Đài Loan sẽ là khởi đầu cho một loạt hành động xâm lược của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Guardian của Ấn Độ, ông Dư Mậu Xuân đã bày tỏ quan điểm của mình về cuộc tấn công “sắp xảy ra” của ĐCSTQ vào Đài Loan và cách Ấn Độ cần đáp trả.
Trong cuộc phỏng vấn, phóng viên đã hỏi rằng cuộc chiến Nga – Ukraine có liên quan đến sức lực của Hoa Kỳ bị phân tán, liệu Hoa Kỳ có mạo hiểm can thiệp quân sự khi ĐCSTQ xâm lược Đài Loan hay không? Liệu Hoa Kỳ có đủ tiền để đối đầu với hai đối thủ lớn trên hai mặt trận?
Ông Dư Mậu Xuân trả lời: “Ukraine không chỉ là vấn đề của Hoa Kỳ, Đài Loan cũng vậy. Hoa Kỳ chung tay với các đồng minh và đối tác toàn cầu, để phù hợp với các khả năng khác nhau ở Ukraine và Đài Loan theo các nhu cầu chiến trường khác nhau. Nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan về mặt quân sự, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ sẽ có thể thắng thế.”
Ông cũng nói rằng nguy cơ ĐCSTQ phát động chiến tranh chống lại Đài Loan đã tăng lên, khả năng ĐCSTQ thua trong cuộc chiến này cũng tăng lên. Bởi chi phí quân sự xâm lược Đài Loan quá cao so với khả năng chi trả của họ, và “ý chí tập thể chống lại ĐCSTQ đã tăng lên đáng kể.”
Ông tin rằng để tránh bùng nổ xung đột quân sự, Hoa Kỳ, cùng các đồng minh và đối tác nên sử dụng “sức mạnh răn đe và sự rõ ràng về chiến lược”, nhằm duy trì vững chắc hiện trạng và bảo vệ Đài Loan.
Ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật ngăn chặn xung đột Đài Loan”, quy định nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan, Hoa Kỳ sẽ ngay lập tức tiết lộ thông tin tài sản của các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ và nước ngoài, đồng thời sẽ có các biện pháp trừng phạt tài chính đối với lãnh đạo ĐCSTQ và gia đình họ.
Ông Dư Mậu Xuân cũng cảnh báo “việc tấn công Đài Loan chỉ là khởi đầu cho một loạt hành động xâm lược của ĐCSTQ.”
Ông giải thích rằng Trung Quốc có nhiều tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng, đặc biệt là Ấn Độ. Ấn Độ phải làm hết sức mình, ngăn chặn sự xâm lược này ngay từ đầu, bởi mục tiêu tiếp theo của chế độ Bắc Kinh có thể là Ấn Độ.
Một vai trò quan trọng mà Ấn Độ có thể và nên đảm nhận là thành lập một liên minh phản ứng trong khu vực với các quốc gia có chung mối đe dọa từ ĐCSTQ, như Nhật Bản và Việt Nam, nhằm ứng phó với cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.
Mặc dù truyền thống của Ấn Độ là tôn sùng chính sách “không kết liên minh”, nhưng ông Dư Mậu Xuân tin rằng Ấn Độ cũng có thể đứng về phía các lực lượng và liên minh chống cộng, để hỗ trợ Đài Loan.
“Vì một khi chủ quyền quốc gia của chính Ấn Độ cũng bị đe dọa bởi một đối thủ chung, thì Đài Loan và Ấn Độ sẽ cùng ở trên một chiếc thuyền,” ông nói.
Trong những năm gần đây, đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ biên giới giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ giao tranh tại thung lũng Galwan của Ladakh, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Khi đó, phía Trung Quốc cũng có thương vong, nhưng các quan chức ĐCSTQ không công bố tổng số. Kể từ đó, hai bên đã tăng cường sự hiện diện quân sự, vận chuyển nhân sự, vũ khí và vật tư đến vùng sa mạc.
Trong năm 2021 và 2022, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ cũng xảy ra xung đột ở các mức độ khác nhau ở khu vực biên giới.
Mối quan hệ thù địch với ĐCSTQ đã thúc đẩy Ấn Độ xích lại gần Hoa Kỳ. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc hợp thành “Bộ tứ” (Quad).
Trong những năm gần đây, 4 nước đã tổ chức một số hội nghị cấp cao và các cuộc họp cấp ngoại trưởng, cùng thảo luận về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều này đã làm dấy lên sự chỉ trích từ ĐCSTQ. Ấn Độ cũng tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với Hoa Kỳ và các đồng minh.
Ngày 13/3, Philippines và Hoa Kỳ đã tập trận lục quân chung, với trọng tâm là tăng cường khả năng của quốc gia Đông Nam Á này trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Bình Minh