Ngoại trưởng Đức: Chuyến thăm Trung Quốc còn ‘hơn cả chấn động’

Alex Wu

Ngoại trưởng Đức: Chuyến thăm Trung Quốc còn ‘hơn cả chấn động’
Bức ảnh tư liệu ngày 10/11/1989 này cho thấy người dân Berlin đang ca hát và nhảy múa trên đỉnh Bức tường Berlin để ăn mừng ngày mở cửa biên giới Đông Đức-Tây Đức. (Ảnh: AP Photo/Thomas Kienzle) Tây Dương

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã nói rằng nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đang tiếp tục hành động hung hăng hơn trên bình diện quốc tế trong khi gia tăng sự áp bức trong nước. Bà Baerbock nói trong phiên chất vấn của quốc hội ở Berlin hôm 19/04 rằng các yếu tố trong chuyến thăm Trung Quốc của bà trong tuần này “còn hơn cả chấn động.”

Chuyến thăm Trung Quốc của bà Baerbock diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp của bà với các ngoại trưởng khác của các quốc gia G7 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Một thông cáo từ các bộ trưởng đã khẳng định “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan” đối với an ninh của cộng đồng quốc tế.

Chuyến thăm Trung Quốc

Khi gặp bà Baerbock tại Bắc Kinh hôm 15/04, quan chức ngoại giao cao cấp nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã yêu cầu Đức ủng hộ việc hợp nhất Đài Loan vào Trung Quốc đại lục — vì quan chức này tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền trước đó đã ủng hộ “việc hợp nhất Đông Đức và Tây Đức.

Tuy nhiên, đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Đức Tạ Chí Vỹ (Shieh Jhy-wey) đã bác bỏ việc ĐCSTQ lấy việc thống nhất nước Đức để vận dụng cho vấn đề Đài Loan. Cố vấn chính về chính sách Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng bác bỏ ý kiến này: ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), hiện là một viện sĩ cao cấp tại Viện Hudson, chỉ ra rằng Đông và Tây Đức đã đưa ra các quyết định dân chủ để hợp nhất, trái lại chế độ cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực với Đài Loan.

Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ đưa tin rằng khi ông Vương Nghị, Giám đốc Văn phòng Ngoại giao của chế độ này, gặp bà Baerbock, ông nói rằng Trung Quốc đã ủng hộ việc thống nhất nước Đức, và ông “hy vọng và tin tưởng rằng Đức cũng sẽ ủng hộ sự nghiệp thống nhất hòa bình vĩ đại của Trung Quốc.” Ông Vương cũng cho biết: “Việc Đài Loan trở về với Trung Quốc là một phần quan trọng trong trật tự quốc tế hậu Đệ nhị Thế chiến.” Bà Baerbock đã không trực tiếp hưởng ứng những nhận định của ông Vương về Đài Loan.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trình bày trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 14/04/2023. (Ảnh: Suo Takekuma/Pool qua Reuters)
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trình bày trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 14/04/2023. (Ảnh: Suo Takekuma/Pool qua Reuters)

Tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao của ĐCSTQ Tần Cương trong chuyến thăm Bắc Kinh của mình, bà Baerbock nói rằng “các cuộc xung đột chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình.”

Bà nói rằng “việc đơn phương thay đổi hiện trạng trên Eo biển Đài Loan — và, đặc biệt là, bằng vũ lực — đối với người Âu Châu chúng tôi mà nói, là không thể chấp nhận được.” Ngoại trưởng Đức kêu gọi tất cả các bên “không leo thang căng thẳng”.

Hợp nhất sau khi ĐCSTQ sụp đổ

Ông Tạ Chí Vỹ, Đại diện Văn phòng Đại diện của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tại Berlin, đã đăng một tuyên bố trên tài khoản Facebook của mình, cho thấy những ngộ nhận trong các tuyên bố của ĐCSTQ xung quanh việc thống nhất Đông và Tây Đức.

“Năm 1990, sự thống nhất của nước Đức là phía Tây Đức tự do và dân chủ hợp nhất với phía Đông Đức chuyên quyền chịu sự cai trị của một chế độ độc tài độc đảng,” ông Tạ viết, và sự hợp nhất này diễn ra sau khi “Bức tường Berlin sụp đổ và chế độ cộng sản Đông Đức sụp đổ vào năm 1989 … Hãy xem khi nào chế độ ĐCSTQ sụp đổ, rồi hãy nói đến sự hợp nhất của Trung Quốc đại lục và Đài Loan vào năm sau đó.”

Ông Dư Mậu Xuân, giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson và trước đây là trưởng nhóm cố vấn về chính sách Trung Quốc cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, đã cho thấy thói đạo đức giả trong tuyên bố của ông Vương. Trong khi chế độ cộng sản Trung Quốc công nhận cả Đông và Tây Đức là các quốc gia độc lập, thì họ lại từ chối công nhận Đài Loan và nhiều lần tuyên bố sẽ thôn tính hòn đảo này bằng vũ lực, nếu cần thiết.

Ông Dư viết trong một bài đăng trên Twitter rằng: “Trung Quốc (ĐCSTQ) ủng hộ việc Đông Đức và Tây Đức cùng đồng thời tồn tại, công nhận cả hai bên về mặt ngoại giao.”

Tuy nhiên, “việc thống nhất nước Đức đã được nhân dân hai nước chấp thuận một cách dân chủ, và không bên nào dùng vũ lực để đe dọa bên còn lại.”

Ông Tạ nói rằng bà Baerbock đã nhiều lần khẳng định rõ với chế độ ĐCSTQ một điều, đó là Đức — cũng như Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và các quốc gia G-7 khác — không thể chấp nhận việc ĐCSTQ sử dụng bất kỳ vũ lực nào để thay đổi hiện trạng trên Eo biển Đài Loan.

Ông Tạ cho biết ngoài một lý do truyền thống để thế giới tự do ủng hộ Đài Loan, vốn dựa trên “mức độ đạo đức chung (mà theo đó các nền dân chủ tương trợ lẫn nhau),” thì giờ đây còn có một lý do khác về “mức độ lợi ích chung.”

“Năm mươi phần trăm thương mại toàn cầu và hàng tiếp vận đi qua Eo biển Đài Loan,” ông Tạ cho biết. “Một khi tình hình ở (Eo biển Đài Loan) thay đổi, nó sẽ mang lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho mọi quốc gia trên thế giới. Một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới như vậy cũng sẽ tấn công Trung Quốc (ĐCSTQ) và nước Đức.” Ông Tạ nói rằng bà Baerbock cũng đề cập đến một lý do khác khiến Đức không thể chấp nhận việc ĐCSTQ tiếp quản Đài Loan là: “Bảy mươi phần trăm chất bán dẫn của thế giới đến từ Đài Loan.”

Ông Tạ nói thêm lý do thứ ba để thế giới dân chủ ủng hộ Đài Loan. “Dựa trên vị trí then chốt của Đài Loan trong liên minh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì thế giới tự do không thể cho phép Đài Loan rơi vào tay một nước Trung Quốc độc tài — bất luận là thế nào đi nữa!”

Cẩm An biên dịch

Related posts