Trung Quốc nỗ lực níu kéo tư cách ‘quốc gia đang phát triển’

Milton Ezrati

Công nhân tại một nhà máy của Xinwangda Electric Vehicle Battery Co., công ty sản xuất pin lithium cho ô tô điện và các mục đích sử dụng khác, ở Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 12/03/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bất chấp sự phát triển bùng nổ về kinh tế, Trung Quốc vẫn muốn được coi là “quốc gia đang phát triển”. Danh hiệu này đem tới cho Trung Quốc những lợi ích đặc biệt. Nhưng dù tư cách đó có mất đi hay không, Trung Quốc vẫn sẽ không thay đổi hành vi của mình.

Hạ viện Mỹ đã nhất trí bỏ phiếu tước bỏ tư cách “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi Thượng viện Mỹ và Tổng thống Joe Biden nhất trí, thì Washington cũng sẽ không có quyền áp đặt vấn đề này.

Tình hình phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế và ở một mức độ nào đó là chính Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ về vấn đề này thực sự sẽ khiến Bắc Kinh trở nên lúng túng.

Nhiều thập kỷ trước, khi Trung Quốc lần đầu tiên mở cửa với thế giới và thậm chí ngay cả vào năm 1999, khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không thể nghi ngờ việc nước này có một nền kinh tế kém phát triển. Quốc gia khổng lồ này vào năm 1990 có tổng thu nhập quốc gia (GNI) khoảng 374 tỷ USD, ít hơn 1,7% GNI toàn cầu. Nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc chỉ bằng 1,0% toàn cầu, cũng như số tiền đầu tư trực tiếp vào và ra khỏi đất nước. Chúng ta có mọi lý do để coi Trung Quốc như một nền kinh tế đang phát triển.

Tuy nhiên, đó là quá khứ. Trung Quốc đã phát triển thịnh vượng hơn. Nó hiện có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sản xuất lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá tương đương 20,3 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. GNI bình quân đầu người của Trung Quốc tương đương với 12.000 USD một năm, không xa so với mức 13.200 USD được Ngân hàng Thế giới phân loại là “thu nhập cao”. Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc chiếm khoảng 12% tổng lượng xuất nhập khẩu toàn cầu. Dòng tiền đầu tư vào Trung Quốc chiếm tới 21% dòng tiền toàn cầu và dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc chiếm 8% dòng vốn toàn cầu.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh bao gồm khoảng 13.427 dự án trên 165 quốc gia trị giá tương đương 850 tỷ USD. Trung Quốc cũng là thành viên hàng đầu của Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng Châu Á và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Lợi thế từ tư cách đang phát triển

Hàng đang được bốc xếp ở cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông phía Đông Trung Quốc, vào ngày 21/12/2021. (Ảnh: Tang Ke/Costfoto/Future Publishing qua Getty Images)

Với những quy mô kinh tế này, khó có thể khẳng định rằng Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, nhưng Bắc Kinh nhất quyết khẳng định điều đó. Danh hiệu đó đơn giản là quá có giá trị. Ít nhất, nó cũng làm giảm chi phí tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Với tư cách một nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc có thể có được các khoản trợ cấp trong các hiệp ước khí hậu, bao gồm Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Bản sửa đổi Kigali đối với Nghị định thư Montreal về các chất và sự suy giảm tầng ôzôn. Tư cách đang phát triển không chỉ cắt giảm chi phí trong các thỏa thuận này mà còn giảm bớt mức độ mà Trung Quốc phải tuân thủ. Nó cho Trung Quốc thêm thời gian để thực hiện cam kết của mình và buộc Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác phải giúp đỡ Trung Quốc trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ.

Tư cách đang phát triển cũng cho phép Bắc Kinh có nhiều quyền hạn hơn về chính sách. Ví dụ, WTO cho phép các nền kinh tế đang phát triển áp dụng mức thuế lên tới 14% nhưng chỉ cho phép mức thuế tối đa là 7% đối với các nền kinh tế phát triển. Tư cách đó cũng cho phép Bắc Kinh trợ cấp cho các lĩnh vực của nền kinh tế theo những cách bị cấm đối với các nền kinh tế phát triển. Tư cách đang phát triển cũng mang lại cho Trung Quốc các điều khoản tốt hơn đối với các khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, chẳng hạn như lãi suất thấp hơn và đôi khi là lãi suất bằng không.

Bắc Kinh gần như không cần những quyền hạn này. Trong quá khứ, nước này đã thể hiện sự sẵn sàng dễ dàng bỏ qua các quy tắc của các thỏa thuận quốc tế. Ví dụ, họ từ chối tuân theo phán quyết của Tòa án Hague trong tranh chấp với Philippines. Nhưng tấm vé thông hành do tư cách đang phát triển mang lại sẽ giúp Trung Quốc tránh được sự lúng túng và các rắc rối ngoại giao.

Một bước đi đáng chú ý của Mỹ

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh chống lại bất kỳ sự thay đổi nào đối với vấn đề này, đồng thời chỉ trích động thái gần đây của Hạ viện Mỹ. Thời báo Hoàn cầu (Global Times) do Bắc Kinh hậu thuẫn đã mô tả cuộc bỏ phiếu là dấu hiệu cho thấy “ý đồ nham hiểm của Washington nhằm tăng chi phí phát triển của Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải gánh vác những trách nhiệm quốc tế vượt quá khả năng của mình”. Cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh khẳng định rằng Mỹ không có quyền phán xử về tư cách quốc gia đang phát triển của Trung Quốc.

Ông Vương Nghị (Wang Yi), Giám đốc Văn phòng Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nêu ra lập trường của Trung Quốc: “Đòi hỏi một quốc gia chỉ mới phát triển trong vài thập kỷ phải gánh vác trách nhiệm của những quốc gia công nghiệp đã phát triển hàng trăm năm, điều này là không công bằng”.

Theo một ý nghĩa nào đó, tờ Thời báo Hoàn cầu đã đúng. Washington không có cách nào để áp đặt vấn đề. Ở một số nơi, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới, tư cách của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào đánh giá thống kê. Trên cơ sở này, có vẻ như nước này sẽ sớm đánh mất tư cách đang phát triển. Ở các khu vực khác, chẳng hạn như WTO, tư cách này là do bản thân tự xác định. Với những gì Bắc Kinh đang tuyên bố, tư cách đó sẽ không sớm thay đổi, nếu nó thực sự sẽ thay đổi. Ngay cả khi Trung Quốc buộc phải thay đổi, thì Bắc Kinh cũng sẽ khó thay đổi chính sách hoặc hành vi của mình. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này tại Hạ viện Mỹ thực sự là một bước đi nữa trong xu hướng chống ĐCSTQ đang ngày càng tăng của Washington, và bản thân điều đó là rất quan trọng.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).

Related posts