Hạ Vũ
Tại Nghị viện châu Âu hôm 18/4, bà Chủ tịch Von der Leyen của Ủy ban châu Âu đã nhắc lại thông điệp gần đây của bà ở Bắc Kinh về tình hình Đài Loan, cũng nói về nhu cầu bức thiết tái cân bằng quan hệ Liên minh châu Âu (EU) – Trung Quốc, và nhấn mạnh châu Âu cần làm mới lại chính sách đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Vào thứ Ba (18/4), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã một lần nữa cảnh báo ĐCSTQ qua việc nhắc lại một thông điệp mà bà đã nói cùng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng. Bà nói rằng “EU đã liên tục kêu gọi hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hành vi đơn phương nào thay đổi đối với hiện trạng, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực”. Nhà lãnh đạo châu Âu cũng cho biết rằng EU cam kết thực hiện ‘chính sách một Trung Quốc’, chính sách này khác với ‘nguyên tắc một Trung Quốc’ do ĐCSTQ đề ra. Bà Von der Leyen cũng kêu gọi EU cập nhật chính sách về Trung Quốc, thống nhất chiến lược đối với Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Borrell: Đài Loan rất quan trọng đối với châu Âu
Bà Von der Leyen đã đưa ra bình luận trên tại Nghị viện châu Âu, cho thấy rõ khác biệt của bà với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vấn đề Đài Loan. Tuần trước hai người đã cùng đến thăm Trung Quốc, những nhận xét của ông Macron về Đài Loan trong chuyến thăm đó đã gây chỉ trích rộng rãi từ châu Âu và Mỹ.
Vào cuối chuyến công du Trung Quốc, ông Macron đã gợi ý trong các cuộc phỏng vấn với POLITICO và nhật báo Pháp Les Echos rằng châu Âu nên cảnh giác để không vì vấn đề Đài Loan mà bị cuốn vào cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Phát ngôn này từ ông Macron đã gây phản ứng dữ dội, đặc biệt là ở các nước Đông và Trung Âu ủng hộ quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết hôm thứ Ba rằng “Đài Loan có vai trò đặc biệt quan trọng với châu Âu” một phần là do tuyến đường vận chuyển quan trọng của eo biển Đài Loan và cơ sở sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan. Ông nói: “Chúng ta nên từ chối bất kỳ sự can thiệp (thế lực) nào từ bên ngoài vào các vấn đề của Đài Loan, đây không chỉ vì lý do đạo nghĩa và luân lý”.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell (phải) – (Ảnh chụp màn hình video)
Ông Borrell nhấn mạnh rằng các hạm đội châu Âu cần tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan, EU cần sẵn sàng đối mặt với trò khiêu khích từ bất cứ đâu.
Phát biểu của bà Von der Leyen hôm thứ Ba lặp lại những lời tương tự gần đây của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, người đã cho thấy khoảng cách với ông Macron trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước. “Là người châu Âu, chúng tôi không thể chấp nhận những thay đổi đơn phương và bạo lực đối với hiện trạng (ở eo biển Đài Loan)”, bà Baerbock cho hay và nói thêm rằng bất kỳ leo thang quân sự nào cũng sẽ là “kịch bản kinh hoàng cho toàn thế giới”.
Tuy ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị Đài Loan được dù chỉ một ngày, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc này đã tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan; Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ và nhấn mạnh rằng tương lai của Đài Loan nên được quyết định bởi người dân Đài Loan.
Kêu gọi châu Âu giảm phụ thuộc Trung Quốc
Mặc dù chính phủ mỗi nước thuộc EU có những chính sách khác nhau đối với Trung Quốc, nhưng ở cấp độ chung EU thì trong những năm gần đây, Bắc Kinh được coi là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống”. Chính sách này đã khiến EU tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng trong quan hệ kinh doanh và đầu tư, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nguồn lực chính từ Trung Quốc.
Bà Von der Leyen cũng cho biết hôm thứ Ba rằng quan hệ thương mại EU-Trung Quốc ngày càng mất cân bằng.
Trong khi mỗi ngày hai bên trao đổi thương mại hơn 2,3 tỷ euro (2,5 tỷ USD) hàng hóa và dịch vụ, nhưng Trung Quốc được hưởng thặng dư rất lớn, còn EU đã thâm hụt thương mại tăng hơn gấp hai lần trong thập kỷ qua.
Nhà lãnh đạo EU này nói với các thành viên của Nghị viện châu Âu: “Có một nhu cầu bức thiết là tái cân bằng mối quan hệ của chúng ta (EU-Trung Quốc) trên cơ sở minh bạch, có thể dự đoán và có đi có lại”. Bà cũng kêu gọi EU tăng cường khả năng phục hồi và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, dược phẩm và an toàn thực phẩm.
“Chúng tôi cần đảm bảo rằng vốn, chuyên môn và kiến thức (quyền sở hữu trí tuệ) của các công ty chúng tôi không được sử dụng để tăng cường khả năng quân sự và tình báo cho đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”.
Cập nhật chiến lược của EU đối với Trung Quốc
Trong bài phát biểu hôm thứ Ba, bà Von der Leyen còn nhấn mạnh tính bức thiết phải giải quyết vấn đề quan hệ với Trung Quốc trên toàn EU. “Tôi tin rằng châu Âu chúng ta có thể – và chúng ta phải – có cách tiếp cận độc đáo riêng, điều này cũng tạo thêm không gian cho chúng ta hợp tác với các đối tác khác”, bà nói.
Nhà lãnh đạo châu Âu này cũng nhắc lại những lời kêu gọi trước đây về việc cập nhật chiến lược Trung Quốc của EU, lưu ý những thay đổi trong quan hệ EU-Trung Quốc kể từ lần gần nhất vào năm 2019 EU thống nhất về chiến lược đối với Trung Quốc.
Bà kêu gọi các nước thành viên EU đưa ra chiến lược thống nhất mới, “một chiến lược mà tất cả chúng ta có thể đoàn kết”, “và khởi đầu cho tất cả những điều này là cần phải có đồng thuận rất rõ ràng về những rủi ro và cơ hội trong quan hệ với Trung Quốc của chúng ta”, bà nói.
Trước đó vào thứ Ba, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU là ông Borrell cũng cho biết đã đến lúc “điều chỉnh lại” chiến lược của EU đối với Trung Quốc, nhưng ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại với Trung Quốc.
Sau phát biểu của bà Von der Leyen, các nhà lãnh đạo của các nhóm chính trị chính trong Nghị viện châu Âu bắt đầu lên tiếng. Ông Manfred Weber, lãnh đạo nhóm nghị sĩ Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu (EP) theo hướng trung hữu, chỉ trích tư duy đối với Trung Quốc của ông Macron là “phá hoại” tính thống nhất của châu Âu, hậu quả có thể rất lớn và thậm chí có thể khiến hỗ trợ dành cho Ukraine từ Mỹ bị suy yếu.
Còn ông Borrell thì cho biết các nước thành viên EU nên cố gắng đoàn kết trong xử lý vấn đề với Bắc Kinh. “Vì chúng ta có nhiều tiếng nói, nên chúng ta không thể nói chỉ bằng một giọng nói, nhưng ít nhất chúng ta có thể trở thành một dàn hợp xướng ăn ý”, ông nói trước Nghị viện châu Âu hôm thứ Ba. Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU này cho biết EU cần có tiếng nói độc lập trong các vấn đề toàn cầu, nhưng cần tìm ra điểm chung xử lý quan điểm của Bắc Kinh (ĐCSTQ) trong vấn đề Nga xâm lược Ukraine.
Theo Hạ Vũ, Epoch Times