Với đà phát triển, những lợi thế về nhân khẩu học và khoa học kỹ thuật, cộng với việc đề cao giáo dục, Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ về kinh tế. Đặc biệt, đây còn là một quốc gia ủng hộ dân chủ, thứ phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.
Ấn Độ là một quốc gia đang lên.
Quốc gia Nam Á này đã giành được độc lập từ Anh vào năm 1947. Tuy nhiên, nền kinh tế của nước này chỉ bắt đầu có những cải thiện đáng kể vào những năm 1990 sau khi một số cải cách kinh tế được đưa ra. Ngoài việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và hiện đại hóa thị trường chứng khoán, những cải cách này đã mở cửa nền kinh tế Ấn Độ, giúp nước này đón được một lượng rất lớn đầu tư nước ngoài.
Vào năm 2015, Ấn Độ là một nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.
Đến năm 2075, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ.
Trước khi thời điểm đó diễn ra, người ta tự hỏi liệu Ấn Độ có thể làm được điều từng là không thể tưởng tượng được và vượt qua nền kinh tế Trung Quốc hay không. Câu hỏi này trở nên rõ ràng khi ta xem xét các xu hướng hiện tại ở Trung Quốc, với ảnh hưởng của việc phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19 vẫn còn, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và bong bóng bất động sản có vẻ như sắp vỡ.
Theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, chỉ trong 4 năm tới, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba, vượt qua cả Nhật Bản và Đức. Đến năm 2030, nhờ các khoản đầu tư khôn ngoan vào công nghệ và lĩnh vực năng lượng, các nhà phân tích kỳ vọng Ấn Độ sẽ có thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới vào cuối thập kỷ.
Sự phát triển kinh tế gắn liền với chất lượng giáo dục. Đây là một thực tế mà có vẻ chính phủ Ấn Độ đã không bỏ qua. South China Morning Post đưa tin, Ấn Độ gần đây đã đề xuất việc cho phép các tổ chức nước ngoài thành lập cơ sở ở nước này. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Thủ tướng Narendra Modi nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm giáo dục có giá trị thực sự, một trung tâm có khả năng cạnh tranh với cả Mỹ và Trung Quốc.
Việc ông Modi tập trung vào việc cải thiện giáo dục diễn ra khi Ấn Độ đã sẵn sàng trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, một danh hiệu nổi tiếng do Trung Quốc nắm giữ. Một số nhà bình luận nổi tiếng cho rằng việc Ấn Độ vượt qua Trung Quốc không chỉ mang tính biểu tượng – nó thể hiện một sự chuyển dịch quyền lực đáng kể.
Những cơ sở cho sự vươn lên của Ấn Độ
Ông Geoffrey Garrett là một nhà khoa học chính trị và hiện là trưởng khoa của Trường Kinh doanh Marshall thuộc Đại học Nam California. Ông Garrett trước đây đã lưu ý, Trung Quốc đang trên đà trở thành “quốc gia đầu tiên trong lịch sử già trước khi giàu”. Mặc dù con số GDP của Trung Quốc rất ấn tượng, nhưng GDP bình quân đầu người của nước này không cao (chỉ ở mức $12.556).
Khi dân số già đi và bị thu hẹp, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu những tác động. Đến năm 2050, ông Garrett lưu ý, “tỷ lệ phụ thuộc” của Trung Quốc sẽ tăng từ 35% lên 70%. “Tỷ lệ phụ thuộc” được dùng để chỉ những người dưới 15 tuổi hoặc trên 64 tuổi sống dựa vào dân số trong độ tuổi lao động (những người ở độ tuổi 15 – 64). Trung Quốc có một hệ thống phúc lợi xã hội yếu kém, một hệ thống y tế rất cần được chỉnh đốn. Trung Quốc cũng đang mất đi trung bình 5 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mỗi năm. Do đó, rất khó để tưởng tượng ra việc nước này sẽ đối phó như thế nào khi dân số trở nên già hơn, bệnh tật hơn. kém hiệu quả hơn trong sản xuất và phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Cấu trúc nhân khẩu học của Ấn Độ rất khác. Hơn một phần tư dân số dưới 15 tuổi và chưa đến một phần tám trên 60 tuổi. Nhà triết học người Pháp Auguste Comte đã gọi nhân khẩu học là định mệnh. Mặc dù tuyên bố này đã và vẫn là hơi phóng đại, nhưng một nhân khẩu học lành mạnh chắc chắn là điều cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh và một tương lai lành mạnh. Ở Ấn Độ, khá đáng chú ý, tỷ lệ phụ thuộc đang tiếp tục giảm. Tỷ lệ này hiện ở mức 48% và dự kiến sẽ chỉ ở mức trên 40% vào năm 2050. Mặt khác, vào năm 2050, Mỹ có thể có một tỷ lệ khá đáng kinh ngạc là 66%. Đến năm 2050, độ tuổi trung bình ở Trung Quốc sẽ là 50, ở Mỹ là 42,3 và ở Ấn Độ chỉ là 37,5. Các thành viên của Ủy ban Ganesh Utsav đứng cạnh tấm áp phích tuyên bố ‘Tẩy chay Sản phẩm Trung Quốc’ ở Hyderabad, Ấn Độ, vào ngày 03/11/2016. (Ảnh: Noah Seelam/AFP/Getty Images)
Khi cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên gắn bó hơn với công nghệ, tương lai sẽ thuộc về những quốc gia với những bộ óc khoa học tốt nhất. Ấn Độ là đất nước nổi tiếng về việc đào tạo ra những nhà khoa học lỗi lạc. Nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã học tập tại Mỹ, sau đó tiếp tục theo đuổi các cơ hội việc làm tại Mỹ, từ đó mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, giờ đây, với nỗ lực của ông Modi nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm giáo dục toàn cầu có khả năng cạnh tranh với Mỹ, Ấn Độ có nhiều khả năng sẽ giữ chân được một số lượng lớn hơn các nhà khoa học lỗi lạc này. Họ sẽ có thể đóng góp cho nền kinh tế Ấn Độ. Khi chúng ta xem xét các xu hướng khoa học và công nghệ, Ấn Độ vốn đã có những kết quả đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, với những cải cách giáo dục mới này và một lực lượng dân số trẻ, năng động, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ở Ấn Độ trong hai đến ba thập kỷ tới.
Cuối cùng, không giống như Trung Quốc, nơi mà ngay cả việc nhắc đến từ “dân chủ” cũng có thể khiến người ta phải vào tù, Ấn Độ là một quốc gia có vẻ coi trọng ý tưởng bầu cử công khai. Ấn Độ vốn được coi là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Những hạn chế thể hiện rõ ràng hơn gấp nhiều lần ở một đất nước như Trung Quốc, nơi có một chế độ độc tài. Phương thức quản trị như vậy không phù hợp với tăng trưởng kinh tế bền vững. Về lâu dài, thứ có thể hạ bệ Trung Quốc [vấn đề dân chủ] rất có thể sẽ giúp Ấn Độ vươn lên đỉnh cao về kinh tế.
John Mac Ghlionn
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả John Mac Ghlionn là nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông chuyên viết về tâm lý và quan hệ xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.