Lisa Bian và Sean Tseng
Kết quả của hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Nam Hàn và những tuyên bố gần đây của Tổng thống (TT) Nam Hàn Yoon Suk-yeol đã bị truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích và đe dọa.
Trong vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Nam Hàn, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cùng nhau chỉ trích việc ký kết Tuyên bố Washington, một loạt các biện pháp ngăn chặn của Hoa Kỳ chống lại các hành động gây hấn tiềm ẩn của Bắc Hàn.
Hôm 29/04, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) cho rằng “nếu Seoul phớt lờ các cảnh báo từ Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn và hoàn toàn thực hiện mệnh lệnh ‘răn đe mở rộng’ của Hoa Kỳ trong khu vực, thì Nam Hàn có thể sẽ phải đối mặt với sự đáp trả từ Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn.”
Thỏa thuận Hoa Kỳ-Nam Hàn mà hai tổng thống Biden và Yoon ký hôm 26/04 đã phác thảo một loạt các biện pháp răn đe mở rộng của Hoa Kỳ, vốn sẽ liên quan đến việc khai triển các tài sản chiến lược của Hoa Kỳ — các lực lượng hạt nhân — trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong tuyên bố này, Nam Hàn bày tỏ “hoàn toàn tin tưởng” vào các cam kết răn đe mở rộng của Hoa Kỳ, và Hoa Thịnh Đốn cam kết sẽ thực hiện “mọi nỗ lực” để tham vấn với Nam Hàn về “bất kỳ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nào” trong khu vực.
Hôm 02/05, trong một bữa tiệc trưa với một nhóm ký giả tại dinh tổng thống Yongsan, khi được hỏi về sự phản đối gay gắt của Bắc Kinh đối với việc ký kết Tuyên bố Washington tại hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Nam Hàn, ông Yoon trả lời: “Chúng ta không còn lựa chọn nào khác.”
“Nếu [Bắc Kinh] đã hoàn toàn không tham gia vào các biện pháp trừng phạt đối với việc [Bắc Hàn] vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thì họ còn muốn chúng ta làm gì nữa? Chúng ta không còn lựa chọn nào khác,” ông cho hay.
“Nếu họ muốn đặt vấn đề với chúng ta và chỉ trích chúng ta vì đã thông qua Tuyên bố Washington và nâng cấp hợp tác an ninh của chúng ta lên cơ sở dựa trên hạt nhân, thì họ nên giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân hoặc ít nhất là tuân thủ luật pháp quốc tế và tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với [Bắc Hàn],” ông cho biết thêm, đồng thời đề cập đến tuyên bố phác thảo các biện pháp răn đe mở rộng mới.
Trong một bữa tối với giới lãnh đạo đảng cầm quyền tối hôm đó, ông Yoon nói rằng ngay cả cựu TT Nam Hàn, ông Moon Jae-in, vốn là người thân thiện với Bắc Kinh, cũng nhận được sự đối đãi kém cỏi khi ông đến thăm Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng chỉ bằng cách thành lập một liên minh Nam Hàn-Hoa Kỳ-Nhật Bản thì Bắc Kinh mới ngừng đối xử thiếu tôn trọng với Nam Hàn mà không phải chịu bất cứ hậu quả nào.
Các yếu tố chính của Tuyên bố Washington, được TT Biden và TT Yoon công bố hôm 26/04, bao gồm việc thành lập một Nhóm Tư vấn Hạt nhân (NCG) giữa hai nước để tăng cường khả năng răn đe mở rộng, tăng cường hợp tác quân sự, và sự hiện diện thường xuyên hơn của vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ trên Bán đảo Triều Tiên, bao gồm các tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo chiến lược (SSBN) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để phóng hỏa tiễn đạn đạo và hơn thế nữa.
Ông Kim Taewoo, cựu giám đốc Viện Thống nhất Quốc gia Nam Hàn tại Seoul và là cựu nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Phân tích Quốc phòng Nam Hàn, nói với The Epoch Times hôm 28/04 rằng mặc dù Tuyên bố Washington không hứa khai triển vũ khí hạt nhân trực tiếp trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng hỏa tiễn đạn đạo và tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio sắp được khai triển ở Nam Hàn là rất mạnh mẽ và có tác dụng trừng phạt cũng như đáp trả mạnh mẽ đối với Bắc Hàn.
“Đây là một ‘điểm khởi đầu tốt’ để khai triển thêm vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ xung quanh Bán đảo Triều Tiên, và về vấn đề này, Tuyên bố Washington đã đạt được những lợi ích an ninh lớn hơn,” ông Kim nói.
Ông nói thêm rằng mặc dù các tàu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ cũng bảo vệ Trung Quốc và Nga và sẽ bị Bắc Kinh và Moscow phản đối, nhưng “Nam Hàn không có thời gian để lo lắng về Trung Quốc và Nga khi đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Bắc Hàn.”
Ông Yoon từ bỏ sự mơ hồ chiến lược
Một bài bình luận đăng hôm 03/05 của hãng thông tấn Maeil Business Newspaper của Nam Hàn cho rằng liệu mối bang giao giữa Nam Hàn và Trung Quốc sẽ trở nên gần gũi hơn hay trở nên xa cách hơn trong tương lai “hoàn toàn phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Do tác giả Chosun Ilbo viết, bài bình luận kể trên đã ca ngợi lập trường của ông Yoon về Eo biển Đài Loan, cho rằng ông ấy đã “bắt đầu thể hiện sự ‘thẳng thắn’ của mình đối với Trung Quốc.”
Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Thịnh Đốn, ông Yoon nói rằng Nam Hàn đã cùng với cộng đồng quốc tế phản đối nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng ở Eo biển Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 19/04, ông Yoon nói rằng căng thẳng ở Eo biển Đài Loan “xảy ra do [Bắc Kinh] cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, và [Nam Hàn] cùng cộng đồng quốc tế hoàn toàn phản đối một thay đổi như vậy.”
“Vấn đề Đài Loan không chỉ đơn giản là một vấn đề giữa Trung Quốc và Đài Loan, mà giống như vấn đề của Bắc Hàn, đó là một vấn đề toàn cầu,” ông nói thêm.
Bài viết của tác giả Chosun Ilbo nhận định thêm rằng chính phủ của ông Yoon đang dịch chuyển theo chiều hướng bảo tồn truyền thống hơn về ngoại giao và an ninh quốc gia trên mọi phương diện.
“Việc điều chỉnh chính sách ngoại giao và an ninh của quốc gia là điều không thể tránh khỏi đối với sự tồn vong của Nam Hàn, xét đến sự bế tắc trong chính sách ngoại giao của Nam Hàn do cách hành xử thân Bắc Hàn, thân Trung Quốc, chống Nhật Bản, và chống Hoa Kỳ của chính phủ Tổng thống Moon Jae-in trước đây,” bài bình luận này cho biết.
Vào tối hôm 02/05, trong một bữa tối với lãnh đạo của Đảng Quyền Lực Nhân Dân cầm quyền, ông Yoon đã nói về chính sách ngoại giao của ông Moon với Bắc Kinh.
“Làm sao có thể có một kiểu sơ suất về ngoại giao như vậy?” ông Yoon nói, đề cập đến việc ông Moon cùng phái đoàn Nam Hàn phải tự dùng tám bữa ăn mà không có người tiếp đãi trong một chuyến công du cấp nhà nước tới Trung Quốc năm 2017 theo lời mời của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Ông ấy đã nhận được gì từ Trung Quốc cho chính sách thân thiện với Bắc Kinh của mình? Trung Quốc có dành cho ông Moon sự tôn trọng mà ông xứng đáng có được với tư cách là một tổng thống không?” ông Yoon nói thêm.
Trong khi đó, ông Yoon nhấn mạnh tầm quan trọng của mối bang giao của Nam Hàn với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
“Nếu chúng ta không lên tiếng, thì [ĐCSTQ] sẽ xem thường chúng ta. Chỉ bằng cách tăng cường hợp tác ba bên giữa Nam Hàn, Hoa Kỳ, và Nhật Bản, thì Bắc Hàn và Trung Quốc mới không đối xử thiếu tôn trọng với chúng ta mà không phải chịu bất cứ hậu quả nào,” ông cho hay.
Sai lầm ngoại giao của Bắc Kinh
Một chuyến công du cấp nhà nước là một cuộc trao đổi ngoại giao ở mức độ cao nhất giữa hai quốc gia, nhưng nhiều người cho rằng cựu TT Nam Hàn Moon Jae-in đã không được đón tiếp theo đúng tiêu chuẩn trong chuyến công du cấp nhà nước của ông tới Trung Quốc hồi tháng 12/2017.
Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày 3 đêm, ông Moon đã dùng 10 bữa ăn, chỉ 2 trong số đó có sự tham dự của lãnh đạo Trung Quốc.
Ngoài ra, khi ông Moon đến phi trường Bắc Kinh vào ngày 13/12/2017, ông đã được ông Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou), lúc đó là một phụ tá của Ngoại trưởng Trung Quốc, chào đón, mặc dù ông Moon được ông Tập mời với tư cách là một vị khách cấp nhà nước.
Vào cùng ngày, ông Moon đã tham dự một buổi lễ kỷ niệm 80 năm Thảm sát Nam Kinh trong khi các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của ĐCSTQ không có mặt ở Bắc Kinh.
Trong chuyến công du của mình, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dùng tay trái vỗ nhẹ vào cánh tay của ông Moon khi họ bắt tay nhau, làm dấy lên nhiều tranh cãi về việc vi phạm nghi thức nghề nghiệp.
Ngoài ra, một ngày sau khi ông Moon đến Bắc Kinh, hai ký giả Nam Hàn đi cùng ông đã bị công an Trung Quốc đánh đập vì những chuyện vặt vãnh. Chính quyền Trung Quốc không “lấy làm tiếc” hay “chia buồn” với những người bị thương mà chỉ bày tỏ “lo ngại.”
Và ông Tập được cho là đã không đề cập một lời nào về vụ việc trên trong cuộc gặp thượng đỉnh sau đó với ông Moon.
Nhã Đan biên dịch