Doanh nhân đào thoát khỏi Trung Quốc thấy vô vọng về khả năng phục hồi kinh tế của đất nước

Mary Hong

Doanh nhân đào thoát khỏi Trung Quốc thấy vô vọng về khả năng phục hồi kinh tế của đất nước
Doanh nhân Trung Quốc Mạnh Quân (Meng Jun) trong một bức ảnh không đề ngày tháng. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của ông Mạnh Quân)

Một doanh nhân Trung Quốc đã nói với The Epoch Times rằng ông đã mất công việc kinh doanh trị giá 43 triệu USD trong ba năm thực hiện phong tỏa và các chính sách zero COVID trong thời gian đại dịch bùng phát ở Trung Quốc.

Ông Mạnh Quân (Meng Jun) cũng bác bỏ tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng nền kinh tế của đất nước đã phục hồi là vì chính quyền Trung Quốc chú trọng vào “cải cách và mở cửa” — được cho là để tạo cú hích cho ngành sản xuất và công nghiệp.

“Tôi đã có trải nghiệm cá nhân của mình,” ông nói. “Tất cả những nỗ lực tôi bỏ ra trong nhiều năm đã đổ xuống sông xuống biển vì các đợt phong tỏa.”

Ông nói, “Không có cách nào để Trung Quốc phục hồi trong vài tháng — hoặc thậm chí trong vài năm.”

Nhận ra rằng chế độ cộng sản — và các chính sách mà nhà cầm quyền này theo đuổi — là nguyên nhân duy nhất gây ra những tổn thất trong kinh doanh mà ông sẽ không bao giờ có thể lấy lại được, ông đã nắm lấy cơ hội của mình và đào thoát sang Hoa Kỳ.

‘Lệnh phong tỏa đã đưa doanh nghiệp của tôi tới bờ phá sản’

Ông Mạnh Quân chuyên kinh doanh sản xuất các sản phẩm làm từ mủ cao su được xuất cảng chủ yếu sang thị trường Đông Nam Á. Nhà máy của ông tọa lạc trong một khu công nghiệp của thành phố Nam Ninh thuộc miền tây nam Trung Quốc, giáp biên giới Việt Nam. Các dây chuyền sản xuất của ông buộc phải ngừng hoạt động bất cứ khi nào thành phố thực hiện lệnh phong tỏa. Trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID, các thành phố thường đưa ra lệnh phong tỏa của riêng mình, vốn có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng.

Ông nói, chính quyền không cung cấp bất kỳ khoản viện trợ hay trợ cấp nào cho những tổn thất liên quan đến đại dịch. Thậm chí còn tệ hơn: ông cho biết công ty vẫn tiếp tục phải chịu khó khăn về tài chính do phải hối lộ các quan chức, những người có thể tùy ý cấm công ty này bán sản phẩm bất cứ lúc nào với lý do nhân viên của họ “có kết quả xét nghiệm dương tính” với COVID-19.

Ông cho rằng các chính sách zero COVID nghiêm ngặt đã chặn đường sống của 90% công ty trong khu công nghiệp, từ doanh nghiệp đóng gói đến xưởng gỗ, “đều không thể tồn tại được.”

Công ty của ông đã phải nộp toàn bộ các khoản chi phí phục vụ việc kiểm soát đại dịch. “Họ (các quan chức Đảng Cộng sản) không quan tâm, họ chỉ biết đi thu tiền thôi,” ông Mạnh phân trần.

Hồi tháng 07/2021, khi thành phố Nam Ninh bị phong tỏa, tất cả các công ty tư nhân đều nhận được lệnh ngừng sản xuất.

Tuy nhiên, công ty của ông Mạnh vẫn phải trả tiền thuê nhà xưởng, trả lương tối thiểu cho công nhân, và phí xét nghiệm acid nucleic theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Chỉ cần một nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính, thì toàn bộ nhân viên trong nhà máy đều sẽ bị cách ly.

Mỗi tháng ông Mạnh phải chi 5,000 nhân dân tệ (723.37 USD) để trả phí xét nghiệm cho nhân viên, chưa kể chính quyền còn đòi xét nghiệm cả nguyên liệu thô trong xưởng.

Những nguyên vật liệu này sẽ không được triện dấu đỏ nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, điều đó có nghĩa là toàn bộ nguyên vật liệu đều sẽ bị cấm vận, và do đó tổn thất sẽ là rất lớn.

Tuy nhiên, ông Mạnh nói rằng việc xét nghiệm nguyên vật liệu đã sớm trở thành một hình thức. Không có xét nghiệm thực tế nào được thực hiện — nhưng các quan chức vẫn thường xuyên đến nhà máy để thu phí xét nghiệm.

Ông Mạnh nói rằng để duy trì hoạt động sản xuất, mọi công ty tại khu công nghiệp đều phải hối lộ các quan chức mang phiếu xét nghiệm đến. Ông nói: “Thực sự việc này không phải để kiểm soát đại dịch mà là để kiếm tiền.”

Ông Mạnh cho biết những vật phẩm hữu hiệu nhất trong việc hối lộ các quan chức như vậy bao gồm tiền mặt, các loại thuốc lá và rượu đắt tiền, hoặc đưa họ đến những nhà hàng tại địa phương để thiết đãi.

Công nhân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại nhà máy Foxconn ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 05/08/2021. (Ảnh: Chinatopix qua AP)
Công nhân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại nhà máy Foxconn ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 05/08/2021. (Ảnh: Chinatopix qua AP)

Các trường hợp ‘ngoại lệ’ trong quy định

Ông Mạnh giải thích rằng trong khi hầu hết các doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, thì các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường.

“Làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc quả là khó,” ông nói. “Đúng là không ra ngoài Trung Quốc thì sẽ không bao giờ biết được thế giới bên ngoài khác biệt thế nào.”

Từ năm 2020 đến năm 2021, ông đã đầu tư 8 triệu nhân dân tệ (1.16 triệu USD) vào công ty của mình, vậy mà chỉ vì các đợt phong tỏa, số tiền này xem như đổ sông đổ bể. Ông nhanh chóng đưa ra quyết định đóng cửa công ty sau Tết Nguyên Đán 2022.

Hai tháng sau, tức tháng Tư, vào thời điểm mà đại dịch tấn công thành phố này nặng nề nhất, ông đã rời Trung Quốc.

Với sự giúp đỡ của một người bằng hữu, ông Mạnh đã có được phiếu xét nghiệm acid nucleic hợp lệ, nhờ đó ông đã qua được cửa hải quan Trung Quốc. Ông đã đến Hoa Kỳ với một thị thực hợp lệ.

“Dù tôi có may mắn thoát được khỏi đây, nhưng tôi đã phá sản rồi,” ông nói. “Còn vợ tôi thì vẫn ở Trung Quốc.”

Ông Mạnh cho biết ông rất tiếc vì vợ ông không thể đi cùng ông đến Hoa Kỳ. “Tôi sẽ không trở lại Trung Quốc chừng nào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn quản lý đất nước này,” ông nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.

Quay đầu nhìn lại, ông Mạnh mô tả đại dịch là một trò hề mà ĐCSTQ dàn dựng “để kiểm soát người dân.”

Một câu chuyện thương tâm

Đã có nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra trong thời gian chính quyền Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa hà khắc và các chính sách zero COVID. Ông Mạnh nói rằng một doanh nhân họ Trần (bí danh) mà ông biết đã tự tử trước Tết Nguyên Đán năm 2022 ở tuổi 57.

Ông Mạnh nói rằng thương vụ kinh doanh của ông Trần lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp của ông Mạnh. Nhưng lệnh phong tỏa ngay lập tức khiến ông Trần phải gánh khoản nợ 6 triệu nhân dân tệ (870,000 USD), bao gồm tiền lương, các khoản vay ngân hàng, chi phí nguyên vật liệu, và tiền thuê mặt bằng.

Ông cho biết ông Trần đã tự tử do không thể chịu đựng được áp lực từ những người thu nợ.

Ông Mạnh vô cùng chấn động trước thông tin này. “Ông Trần đã kinh doanh hơn 20 năm nay, từ một công ty nhỏ đến một doanh nghiệp với quy mô lớn hơn, nhưng giờ đây [các chính sách zero COVID] đã khiến ông phải trả giá bằng sinh mạng.”

Bước ra khỏi ‘trò hề’

Năm 2020, ông Mạnh bắt đầu tìm kiếm thông tin về đại dịch bằng cách vượt qua Vạn lý Tường Lửa (Great Firewall) — bức tường lửa internet mà ĐCSTQ dùng để ngăn không cho công dân Trung Quốc sử dụng internet truy cập vào thông tin không bị kiểm duyệt từ hải ngoại.

Ông được biết rằng trong khi các quốc gia khác đã dần dần dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch, thì việc phong tỏa ở Trung Quốc lại ngày càng nghiêm ngặt hơn.

Ông hoài nghi về những tuyên truyền bất di bất dịch về đại dịch ở Trung Quốc.

Khi phong trào “giấy trắng” khởi phát vào năm 2022, ĐCSTQ bất ngờ nới lỏng các chính sách zero COVID. Các ca nhiễm bệnh gia tăng sau đó do các biến thể mới, việc thiếu miễn dịch tự nhiên trong dân chúng cùng các yếu tố khác đã dẫn đến lượng lớn ca tử vong ở Trung Quốc. Cha vợ của ông Mạnh cũng qua đời trong đợt bùng phát này.

Ông cho hay, kiểm duyệt trực tuyến đã ngăn chặn cả từ “giấy trắng” bằng tiếng Trung. “Không có quyền tự do ngôn luận: Tôi thậm chí không thể cầm một một tờ giấy một cách tự do thoải mái nữa.”

Ông Mạnh cho rằng “chính ĐCSTQ đã gây ra đại dịch — họ phải chịu trách nhiệm,” ông nói. Một số người quen của ông trong ngành đang rục rịch bán tài sản của họ ở Trung Quốc để chuyển ra hải ngoại.

Họ không phải là những kẻ ngốc, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng chế độ cộng sản Trung Quốc tự đặt mình lên trên luật pháp, và các chính sách loạn đến mức không biết đâu mà lần của đảng này đã khiến mọi người nhận ra rằng đại dịch COVID-19 là một trò hề.

Ông giãi bày, “Môi trường kinh tế tồi tệ đến mức xuất cảng thì bị tắc nghẽn, còn tiêu dùng trong nước thì lao dốc một cách thảm hại.”

Hồng Ân biên dịch

Related posts