Tại sao Bắc Kinh lại nới kiểm duyệt về chiến tranh với Đài Loan? Một phần nguyên nhân từ ông Putin?

Liên Thành

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik).

Một cuộc trò chuyện đáng chú ý liên quan đến Đài Loan đang diễn ra trên internet ở Trung Quốc. Đột nhiên, lệnh cấm tranh luận về việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực dường như đã được dỡ bỏ.

Một quan điểm trái ngược và thậm chí là cấm kỵ rằng: quyết định thống nhất Đài Loan bằng vũ lực vào lúc này sẽ là phi thực tế và thậm chí còn nguy hiểm – đã được phép xuất hiện trên Internet

Theo nhà bình luận KATSUJI NAKAZAWA của trang Nikkei Asia, Việc các lập luận và ý kiến tán thành quan điểm này vẫn còn trên internet mà không bị cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc xóa đi cho thấy rõ ràng rằng chính quyền Bắc Kinh đã chấp nhận lập trường này một cách thận trọng. Có thể nói rằng giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có ý định để quan điểm này lan rộng đến một mức nhất định.

Các cuộc thảo luận thẳng thắn trên internet diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, bắt đầu vào ngày 19 tháng 5 tại Hiroshima, Nhật Bản.

Vì lợi ích của “hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia G-7 khác dự kiến sẽ tăng cường các khuôn khổ hợp tác để ngăn chặn Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ đều đã được mời tham dự một cuộc họp được gọi là tiếp cận cộng đồng ở Hiroshima. Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Quad tại Sydney vào ngày 24 tháng 5.

Trong tình hình hiện nay, các bài viết ẩn danh hoàn toàn phản đối “chính sách ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc đang được đăng lại trên các cổng thông tin khác nhau, với nội dung thay đổi đôi chút và giọng điệu của các tiêu đề ngày càng trở nên mạnh mẽ. Tất cả đều nhấn mạnh khả năng Trung Quốc bị lao vào “chiến dịch bốn mặt”, cho thấy Trung Quốc có thể bị bao vây ở bốn mặt trận

Ở mặt trận đầu tiên trong bốn mặt trận, quân đội Trung Quốc sẽ đối mặt với các lực lượng Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan ở eo biển Đài Loan và các khu vực xung quanh.

Ở mặt trận thứ hai, các lực lượng Trung Quốc sẽ đối đầu với quân đội Mỹ và Hàn Quốc trên Bán đảo Triều Tiên.

Ở mặt trận thứ ba, Trung Quốc sẽ đối đầu với các lực lượng của Mỹ và Úc ở Biển Đông và Nam Thái Bình Dương. Nếu phía Hoa Kỳ kiểm soát Eo biển Malacca – một khu vực thông ra Biển Andaman – và chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, thì Bắc Kinh sẽ thấy nguồn cung cấp năng lượng của mình bị gián đoạn và sẽ không thể duy trì hoạt động kinh tế. Ở Nam Thái Bình Dương, quân Úc giữ chốt.

 Ở mặt trận cuối cùng, các lực lượng Trung Quốc sẽ đối đầu với quân đội Ấn Độ ở biên giới phía tây nam của đất nước. Năm 2020, lần đầu tiên sau 45 năm, lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ ở khu vực này, dẫn đến thương vong cho cả hai bên.

Về mặt trận thứ hai, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã đồng ý rằng một tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Hải quân Hoa Kỳ sẽ thực hiện chuyến thăm cảng ở quốc gia châu Á này. Có khả năng hành động này sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Đối với mặt trận thứ ba, việc khai triển luân phiên các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Úc được lên kế hoạch theo khuôn khổ an ninh AUKUS với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Theo nhà bình luận KATSUJI NAKAZAWA, Những người thúc đẩy giả thuyết về bốn mặt trận này ở Trung Quốc hoàn toàn nắm được những diễn biến quốc tế gần đây. Các lực lượng của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị dàn mỏng và bị đặt vào thế bất lợi rõ ràng nếu buộc phải chiến đấu trên cả bốn mặt trận.

Đảng Cộng sản Trung Quốc coi việc thống nhất Đài Loan là sứ mệnh lịch sử của mình và tuyên bố sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực đối với hòn đảo này nếu cần thiết. Tuy nhiên, sự thận trọng liên quan đến nhiệm vụ này đã được phép thảo luận trên internet của Trung Quốc. Những ý kiến tỏ ra bất bình với giới lãnh đạo Trung Quốc, đứng đầu là Tổng bí thư ĐCS Tập Cận Bình, vẫn chưa được gỡ xuống.

Nhà bình luận KATSUJI NAKAZAWA cho rằng, Bối cảnh phức tạp dẫn đến tình trạng này, một phần nào đó có thể bắt nguồn từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc xâm lược Ukraina đã diễn ra được hơn một năm, nhưng đội quân của ông Putin vẫn chưa có được nhiều bước tiến lớn.

Một nguồn quen thuộc với đảng và dư luận ở Trung Quốc cho biết ông Putin đã nêu “một tấm gương xấu”. Điều gì sẽ xảy ra nếu các lực lượng Trung Quốc thất bại trong việc nhanh chóng chiếm Đài Bắc bằng vũ lực và sa lầy vào một thất bại giống như ông Putin?

Theo nhà bình luận của trang Nikkei Asia, thực tế là một số quan chức và sĩ quan quân đội Trung Quốc cho rằng việc cố gắng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực ngay bây giờ sẽ là một canh bạc rất nguy hiểm.

Xu hướng của dư luận cũng đã trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc. Một số người Trung Quốc bình thường đã thực sự tin rằng chiến tranh sẽ nổ ra ở Đài Loan trong tương lai gần.

Một công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài và vận hành một công ty riêng gần đây đã trở về nước lần đầu tiên sau khoảng ba năm. Doanh nhân này đã bị sốc khi nghe những người khác, thậm chí là bạn bè thân thiết, thì thầm với nhau rằng chiến tranh sắp xảy ra, họ phải suy nghĩ nghiêm túc về những gì họ nên làm.

Những người giàu có ở Trung Quốc đặc biệt lo lắng về tài sản của họ. Giá nhà chung cư tại Trung Quốc vẫn đang trên đà giảm. Theo doanh nhân Trung Quốc, những người sở hữu nhiều bất động sản muốn bán rồi chuyển số tiền thu được ra khỏi Trung Quốc.

Một doanh nhân khác cũng mới về nước đã được bạn bè – những người tin vào tuyên truyền của Bắc Kinh – khuyên nên ở lại hẳn Trung Quốc càng sớm càng tốt.

Những người bạn của doanh nhân này cảnh báo rằng nếu chiến tranh nổ ra, các quốc gia nơi quân đội Mỹ đóng quân như Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ rất nguy hiểm. Họ tin rằng sống ở Trung Quốc là an toàn.

Theo nhà bình luận KATSUJI NAKAZAWA, mặc dù các nhà ngoại giao chiến binh sói hay liên tiếng chống lại Hoa Kỳ, nhưng một cuộc đụng độ vũ trang không nhất thiết xảy ra. Nhưng một phần do những phát ngôn hiếu chiến của các nhà ngoại giao này, một số người dân Trung Quốc bắt đầu nghĩ rằng Bắc Kinh có thể sớm chiếm Đài Loan bằng vũ lực.

Chính trong bối cảnh này, những tiếng nói quan ngại ngày càng tăng – và đang được Bắc Kinh cho phép lan rộng hơn

Giống như ở bất kỳ quốc gia nào khác, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc không muốn gửi con cái của họ ra trận. Chủ đề này cũng xuất hiện rộng rãi trên mạng xã hội TQ.

Mặc dù Trung Quốc không loại trừ khả năng xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực, nhưng các chuyên gia quân sự và an ninh biết, xét từ kinh nghiệm, việc này sẽ rất khó khăn. Do đó, hiện tại, cần phải làm dịu đi làn sóng dư luận đang bị kích động bởi tuyên truyền của các chiến binh sói.

Nếu mọi người biết chính quyền Trung Quốc đang ở thế sẵn sàng cho chiến tranh, thì đội ngũ lãnh đạo của Tập Cận Bình có ít lựa chọn chiến lược hơn. Điều quan trọng nhất để thành công là duy trì sự mơ hồ về việc có thể thực hiện bất kỳ hành động nào hay không và khi nào sẽ hành động. Sự bất ngờ có tầm quan trọng về chiến lược.

Nếu mọi người biết chiến tranh Đài Loan sắp xảy ra, thì nó cũng sẽ kìm hãm các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, chưa kể đến việc kích hoạt dòng tài sản của Trung Quốc chảy ra nước ngoài. Việc này tác động rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc.

Nhà bình luận KATSUJI NAKAZAWA cho rằng, để xua tan những đồn đoán và lo lắng về chiến tranh này, cần phải có một lời giải thích hợp lý nhất định. Do đó, lập luận về “bốn mặt trận” đã được sử dụng hiệu quả và thậm chí còn được chứng minh là thuận lợi cho ông Tập Cận Bình.

Related posts